Báo Đồng Nai điện tử
En

Không thể xử lý bằng giải pháp đơn lẻ

11:02, 28/02/2022

Để gỡ được bài toán khó trong xây dựng vùng nguyên liệu cần sự tham gia của cả doanh nghiệp (DN), nông dân và quản lý của Nhà nước...

 

[links()]Để gỡ được bài toán khó trong xây dựng vùng nguyên liệu cần sự tham gia của cả doanh nghiệp (DN), nông dân và quản lý của Nhà nước. Trong đó, có sự thay đổi nhận thức về xây dựng chuỗi liên kết của tất cả những thành phần tham gia chuỗi.

Nông dân trồng hẹ tại xã Suối Nho, H.Định Quán đang xây dựng dự án Cánh đồng lớn chuyên canh cây hẹ. Ảnh: L.Quyên
Nông dân trồng hẹ tại xã Suối Nho, H.Định Quán đang xây dựng dự án Cánh đồng lớn chuyên canh cây hẹ. Ảnh: L.Quyên

Ngoài ra, tuy không thiếu chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho xây dựng cánh đồng lớn nhưng các chính sách này vẫn có độ chênh khi đi vào thực tế. Để cánh đồng lớn thực sự được nhân rộng, DN, HTX, nông dân đều rất cần “bệ đỡ” của chính sách hỗ trợ.

* Cần thay đổi tư duy từ gốc

Theo nhiều DN kinh doanh, xuất khẩu nông sản, điểm yếu khiến nông sản Việt Nam vẫn ở thế yếu khi tham gia sân chơi toàn cầu là vẫn đang bán những gì mình có chứ chưa bán những gì thị trường đang cần. Điểm yếu rất lớn khiến nông sản, nhất là rau trái tươi xuất khẩu chưa xứng với tiềm năng vì chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn từ mẫu mã đến chất lượng vì chưa xây dựng được quy trình chuẩn từ khâu trồng đến thu hoạch, bảo quản...

Mặt khác, có nguyên nhân từ phía DN đầu tư dự án cánh đồng lớn chưa tìm được tiếng nói chung với nông dân tham gia. Chỉ ra sự thất bại trong việc xây dựng vùng chuyên canh cà phê 4C (là bộ nguyên tắc chung cho cộng đồng cà phê để đảm bảo sự phát triển bền vững) tại xã Xuân Quế (H.Cẩm Mỹ), Giám đốc HTX Thương mại - dịch vụ - nông nghiệp Xuân Quế Trần Quang Hiệp cho hay: “Nhiều nông dân rút khỏi chuỗi liên kết, chặt bỏ cây cà phê vì lợi nhuận thấp. Trong đó có nguyên nhân cà phê sạch chủ yếu vẫn bán trôi nổi cho thương lái với giá hàng thường vì giá DN bao tiêu không cao hơn nhiều so với mặt bằng chung mà tiêu chuẩn thu mua lại khắt khe hơn”.

Theo nhiều DN, giá trị gia tăng của chuỗi ngành hàng nông sản chủ yếu ở khâu sau thu hoạch, bao gồm: bảo quản, sơ chế, chế biến, đóng gói bao bì, xây dựng thương hiệu, tiếp thị, bán hàng, thương mại hóa qua đa dạng kênh phân phối. Mong Nhà nước có thêm nhiều cơ chế, chính sách về đầu tư hạ tầng, tín dụng... rõ ràng và cụ thể hỗ trợ cho các bên tham gia cánh đồng lớn.

Theo các chuyên gia nông nghiệp, cần sự nhất quán quan điểm “chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp”. Ở đây, cánh đồng lớn không chỉ là mảnh ghép cơ học từ những thửa ruộng nhỏ, không chỉ là giới hạn của những bờ thửa nhỏ dần được mở rộng theo hướng cơ học để cộng thêm chu vi, diện tích thì vẫn cứ là tư duy sản xuất gắn liền với mục tiêu gia tăng sản lượng. Dù sản lượng ngày càng nhiều hơn từ những cánh đồng lớn nhờ vào thủy lợi hóa, cơ giới hóa, điện khí hóa, nhờ vào nâng cao năng suất giống, nhờ vào cải tiến quy trình canh tác, cải thiện năng suất lao động thì giá trị gia tăng của nông sản vẫn chưa thể chuyển đến tầng nấc cao hơn trong chuỗi giá trị.

Để tham gia tích cực và trách nhiệm vào chuỗi ngành hàng, người nông dân cần hình dung đầy đủ về các giá trị thiết thực, cụ thể. Ngoài việc thụ hưởng lợi nhuận từ khâu sản xuất, người nông dân còn có thể tham gia vào một hoặc một số công đoạn trong chuỗi ngành hàng. Cánh đồng lớn khi vận hành hiệu quả theo chuỗi ngành hàng sẽ tạo thêm nhiều cơ hội việc làm cho những nông dân góp đất, cho thuê đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Khi ấy, càng có nhiều người dân nông thôn “ly nông bất ly hương”. Đó mới chính là yếu tố tiên quyết, cốt lõi cho sự hình thành, gắn kết và mở rộng các cánh đồng lớn.

* Sớm đưa chính sách vào thực tế

Nhiều dự án cánh đồng lớn phê duyệt rồi vẫn nằm trên giấy vì còn nhiều rào cản như: Các địa phương lúng túng trong triển khai thực hiện; điều kiện hỗ trợ của chính sách khuyến khích phát triển cánh đồng lớn còn rắc rối, định mức hỗ trợ thấp mà thủ tục còn rườm rà, phức tạp. Một trong những khó khăn lớn nhất là trong tiếp cận nguồn vốn ưu đãi.

Chính sách đồng bộ hỗ trợ DN và các thành phần khác tham gia xây dựng cánh đồng lớn cần tiếp tục được hoàn thiện, bổ sung thêm cho phù hợp với thực tế thực hiện nhưng quan trọng hơn là triển khai nhanh vào thực tế.

Ông Nguyễn Ngọc Luân, Giám đốc HTX Lâm San (xã Lâm San, H.Cẩm Mỹ) cho biết, HTX đang có rất nhiều đối tác đặt hàng xuất khẩu với sản lượng lớn. Khó khăn lớn nhất của HTX hiện nay là dù dự án cánh đồng lớn sản xuất tiêu sạch đã được triển khai nhiều năm qua nhưng tiếp cận được rất ít vốn trong chương trình hỗ trợ. Mong các chính sách hỗ trợ sớm đi vào thực tế để dự án cánh đồng lớn thực sự phát huy hiệu quả. Ngoài ra, các DN, HTX đầu tư dự án cánh đồng lớn cũng mong được hỗ trợ kịp thời về nhiều mặt như: về quỹ đất để đầu tư nhà máy thu mua, bảo quản, chế biến ngay tại vùng nguyên liệu; sớm triển khai đầu tư hạ tầng; hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn ưu đãi…

Lê Quyên

 

Tin xem nhiều