Báo Đồng Nai điện tử
En

Tăng tốc thực hiện 'mục tiêu kép' năm học 2021-2022

08:02, 22/02/2022

Từ ngày 14-2, trên 950 cơ sở giáo dục từ mầm non đến đại học trong tỉnh đã trở lại dạy và học trực tiếp. Trong tuần đầu mở cửa lại trường học, các trường đã tập trung ổn định nền nếp và khẩn trương tăng tốc thực hiện các mục tiêu của năm học 2021-2022.

[links()]Vượt qua nỗi lo về dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, từ ngày 14-2, trên 950 cơ sở giáo dục từ mầm non đến đại học trên địa bàn tỉnh đã trở lại dạy và học trực tiếp. Trong tuần đầu mở cửa lại trường học, các trường đã tập trung ổn định nền nếp dạy và học, củng cố, hệ thống lại kiến thức cho học sinh, đồng thời khẩn trương tăng tốc thực hiện các mục tiêu của năm học 2021-2022.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh thăm hỏi học sinh khối 12, Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh học nhóm tại thư viện của trường. Ảnh: Công Nghĩa
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh thăm hỏi học sinh khối 12, Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh học nhóm tại thư viện của trường. Ảnh: Công Nghĩa

Phó giám đốc Sở GD-ĐT Võ Ngọc Thạch chia sẻ: “Nhờ quá trình thí điểm học trực tiếp từ cuối học kỳ 1 nên bước sang học kỳ 2, việc chính thức học trực tiếp đại trà toàn tỉnh đã diễn ra khá suôn sẻ, giáo viên, học sinh và phụ huynh đều an tâm, phấn khởi. Việc phát sinh những ca F0 trong tuần đầu đi học trực tiếp là điều không tránh khỏi, tuy nhiên đã không xảy ra tâm lý lo lắng”.

* Thích nghi nhanh với việc học trực tiếp

Trẻ em lứa tuổi mầm non và học sinh tiểu học trước khi trở lại trường học trực tiếp đều chưa được tiêm vaccine phòng Covid-19. Nhiều phụ huynh còn lo lắng khi đưa con em tới trường mà chưa được vaccine bảo vệ. Tuy nhiên, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền nên tỷ lệ phụ huynh cho trẻ đến trường ngay trong ngày đầu tiên đạt trên 60% và hiện đã đạt trung bình trên 80%. Đối với bậc tiểu học, tỷ lệ học sinh tới trường ngay trong ngày đầu đạt tỷ lệ trung bình 95%.

Phó chủ tịch UBND tỉnh NGUYỄN SƠN HÙNG: Sớm giúp học sinh thích nghi toàn diện

Ngành GD-ĐT của tỉnh đã nhanh chóng trở lại với hoạt động dạy và học trong điều kiện bình thường mới với bước đầu khá khả quan, từ giáo viên đến học sinh và phụ huynh đều phấn khởi. Do đó, toàn ngành phải quyết tâm cao hơn để thực hiện thành công mục tiêu kép của năm học, đó là vừa dạy học, vừa chống dịch. Toàn ngành phải nhanh chóng ổn định và duy trì tốt nền nếp dạy và học, tận dụng từng giờ học để củng cố kiến thức cho học sinh. Ngoài các giờ học chính khóa, cần từng bước tăng cường các giờ học ngoại khóa, rèn luyện kỹ năng giúp học sinh thích nghi toàn diện với nhiệm vụ học tập trong tình hình mới.

Hiệu trưởng Trường mầm non Hóa An (TP.Biên Hòa) Tăng Thị Loan cho biết, khi trường mở cửa đón trẻ trở lại, nhiều trẻ lớp mầm chưa quen nên quấy khóc. Nhà trường phải phân công những cô giáo có nhiều kinh nghiệm, khéo léo chăm sóc dỗ dành để trẻ từng bước làm quen với cô và các bạn trong lớp. Nhà trường cũng đã chuẩn bị khá kỹ lưỡng việc trang trí lớp học, chuẩn bị nhiều đồ chơi để cuốn hút trẻ ngay từ đầu, từ đó trẻ sẽ trở nên thích ứng với môi trường mới. Chỉ mất gần 1 tuần đầu quay trở lại trường, hoạt động chăm sóc và giáo dục trẻ đã dần ổn định và không phát sinh những tình huống dịch bệnh nằm ngoài tầm kiểm soát.

Trở lại với hoạt động dạy và học trực tiếp có nhiều niềm vui nhưng cũng không ít nỗi lo lắng với ban giám hiệu và đội ngũ thầy cô các nhà trường, nhất là với bậc tiểu học. Thầy Nguyễn Văn Liêm, Hiệu trưởng Trường tiểu học Hiệp Hòa (TP.Biên Hòa) cho hay, đối với học sinh khối 2 đến khối 5, nhà trường tổ chức hỗ trợ củng cố vững chắc những kiến thức đã học online, sau đó tiếp tục dạy bài mới. Còn đối với học sinh khối 1, thầy cô vất vả nhiều hơn, bởi thực tế kết quả học trực tuyến của học sinh lớp 1 không được như mong muốn. Khi các em chính thức được đến trường học trực tiếp, thầy cô mới có dịp cầm tay luyện lại từng nét chữ cho ngay ngắn. Nhà trường chỉ đạo giáo viên không vội vàng đối với học sinh lớp 1 mà phải luyện cho các em thật chắc khả năng nhận biết từng con chữ, từng chữ số, sau đó mới dạy bài mới”.

* Tăng tốc chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT

Ông Trần Đình Vinh, Trưởng phòng Nghiệp vụ 1, Sở GĐ-ĐT cho hay, từ cuối tháng 11 và đầu tháng 12-2021, hầu hết các trường THPT đã ưu tiên cho học sinh lớp 12 được đến trường học trực tiếp theo diện thí điểm, trừ các trường của TP.Biên Hòa. Thêm một điểm thuận lợi nữa là đến nay, hầu hết học sinh khối 12 đã được tiêm đủ 2 liều vaccine phòng Covid-19 nên khi chính thức học trực tiếp đại trà từ ngày 14-2, Sở đã có chỉ đạo các trường THPT tập trung cao cho học sinh bắt nhịp ngay với việc học, đảm bảo bám sát chương trình và chuẩn bị sẵn sàng cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, đồng thời định hướng cho các em chọn trường, chọn nghề.

Giáo viên Trường TH-THCS-THPT Bùi Thị Xuân (TP.Biên Hòa) hướng dẫn học sinh lớp 1 học tập môn Mỹ thuật trên máy tính. Ảnh: Công Nghĩa
Giáo viên Trường TH-THCS-THPT Bùi Thị Xuân (TP.Biên Hòa) hướng dẫn học sinh lớp 1 học tập môn Mỹ thuật trên máy tính. Ảnh: Công Nghĩa

Ông Phan Trọng Nghĩa, Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Quyền (TP.Biên Hòa) cho biết, hầu hết học sinh của trường đã được tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19, tuy nhiên khả năng các em trở thành F0 là vẫn có, điều này đồng nghĩa với việc phải cách ly tại nhà. Để chuẩn bị cho tình huống này, nhà trường đã duy trì kết hợp hai hình thức học trực tiếp cho đại bộ phận học sinh và trực tuyến cho những học sinh là F0 và F1 cách ly tại nhà. Đối với học sinh khối 12, nhà trường đang tăng tốc cho các em hoàn thành chương trình học kỳ 2 đảm bảo đủ nội dung theo chương trình của Sở, đồng thời chú trọng ôn tập sâu kiến thức cho các em chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Em Lê Quốc Ân, học sinh lớp 12A3, Trường TH-THCS-THPT Trần Đại Nghĩa (H.Trảng Bom) cho biết: “Được trở lại trường học trực tiếp trong tuần đầu của học kỳ 2 em như cởi bỏ được nhiều áp lực vì sắp tới, ngoài mục tiêu đậu tốt nghiệp THPT, em còn mong sẽ đạt được mơ ước vào đại học. Trong tuần đầu đi học, em đã nhanh chóng quen với không khí học tập sôi nổi trong lớp. Việc tiếp thu kiến thức trên lớp cũng thuận lợi hơn rất nhiều so với học trực tuyến trước đây. Điều mong muốn lớn nhất của em lúc này là học kỳ còn lại của năm học sẽ tiếp tục diễn ra thuận lợi cho đến ngày hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022”.

* Không chủ quan với dịch bệnh

Dù là địa phương bị ảnh hưởng nặng nề trong đợt dịch bệnh Covid-19 bùng phát lần thứ 4 nhưng H.Trảng Bom là huyện đi đầu về việc tổ chức thí điểm dạy học trực tiếp với bậc phổ thông. Trong tuần đầu trở lại học trực tiếp, huyện tiếp tục dẫn đầu về tỷ lệ trẻ em và học sinh đến trường, cho thấy những nỗ lực không nhỏ của huyện trong công tác chuẩn bị và tuyên truyền cho phụ huynh ủng hộ chủ trương học trực tiếp.

Phó trưởng phòng GD-ĐT H.Trảng Bom Lê Thị Thu Hà cho biết: “Dù có tỷ lệ trẻ em và học sinh đến trường đạt tỷ lệ rất cao nhưng không vì thế mà huyện chủ quan, ngược lại công tác phòng, chống dịch lại càng phải chặt chẽ hơn. Công tác kiểm tra, hướng dẫn phải được thực hiện thường xuyên để xây dựng trường học an toàn, vì có an toàn thì phụ huynh mới an tâm cho con em đến trường”.

Trong khi đó, ông Ngô Đăng Thành, Trưởng phòng GD-ĐT H.Định Quán cho biết: “Hiện nay, hằng ngày chúng tôi tổ chức các tổ đi kiểm tra đột xuất ở một số trường về công tác phòng, chống dịch. Trường nào làm tốt sẽ nhân rộng, trường nào chưa tốt thì hướng dẫn làm cho đúng để bảo vệ an toàn cho cả thầy và trò. Đặc biệt, chúng tôi luôn coi trọng việc đảm bảo an toàn cho trẻ khối mầm non và tiểu học, là những đối tượng dễ bị tác động bởi dịch bệnh Covid-19 do các em chưa được tiêm vaccine, đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền để khi có vaccine tiêm cho trẻ từ 5 tuổi trở lên thì phụ huynh ủng hộ cho con em mình tiêm ngay để an toàn hơn với Covid-19”.

Giám đốc Sở GD-ĐT Trương Thị Kim Huệ cho biết, dù trẻ em và học sinh được trở lại học trực tiếp ngay đầu học kỳ 2 nhưng khối lượng công việc của học kỳ này rất lớn vì phải tập trung tạo lập thói quen cho học sinh mầm non, củng cố lại kiến thức cho học sinh khối phổ thông, nhất là những lớp nhỏ mà thời gian qua học trực tuyến hiệu quả không cao như lớp 1-2. Học sinh khối 9 cũng cần được quan tâm nhiều hơn cho việc xét tốt nghiệp THCS, thi lên lớp 10. Trong khi đó, các em khối 12 cần tăng tốc hoàn thành học kỳ 2 sớm để tập trung cho ôn tập, sẵn sàng cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Do đó, toàn ngành phải dốc sức hỗ trợ học sinh, cần quan tâm nhiều hơn tới học sinh có lực học yếu, trung bình để khi học lên, các em có đủ kiến thức căn bản để tiếp thu kiến thức mới.

Công Nghĩa


* Cô NGUYỄN THỊ MINH, Hiệu trưởng Trường mầm non Hoa Sen (TP.Biên Hòa): Số lượng trẻ đến trường tăng đều mỗi ngày

Trong tuần đầu tiên đón trẻ đến trường, nhìn chung tâm lý phụ huynh khá yên tâm. Nhờ đó, số lượng trẻ đến trường ngày càng tăng. Cụ thể, trong ngày đầu tiên, có tỷ lệ 63,7% trẻ đi học và liên tục tăng trong những ngày tiếp theo. Dự kiến, trong tuần này, sẽ có khoảng 80% trẻ đến trường, 20% còn lại phụ huynh đã xin cho trẻ nghỉ đến hết tháng 2.

Nhìn chung, đa số trẻ nhanh chóng hòa nhập, đi vào nền nếp. Riêng đối với các trẻ mới và trẻ độ tuổi nhà trẻ thì các cô cần phải mất 1-2 tuần mới ổn định được. Năm nay, trẻ nhà trẻ ra lớp đông hơn so với mọi năm (77 trẻ/75 chỉ tiêu) nên các cô sẽ phần nào vất vả hơn.

Trong tuần đầu, nhà trường chưa đi vào chương trình dạy học, chỉ tổ chức các hoạt động nhằm giúp trẻ làm quen với môi trường, với cô giáo và bạn bè; đưa trẻ vào thói quen, nền nếp, ăn, ngủ đúng giờ… Bước sang tuần thứ 2, nhà trường bắt đầu chương trình giảng dạy. Trong đó, chúng tôi sẽ thực hiện theo chỉ đạo của ngành Giáo dục là lựa chọn những nội dung cốt lõi, trọng tâm nhất để dạy trẻ.

Hiện nay, một số phụ huynh có đề xuất nhà trường có kế hoạch bù đắp kiến thức, kỹ năng cho trẻ, đặc biệt là trẻ 5 tuổi sắp vào lớp 1. Thực tế, vì trẻ nghỉ học dài ngày (9 tháng) nên từ nay đến cuối năm học, các cô sẽ rất khó để giúp trẻ đạt được kiến thức, kỹ năng mong đợi theo từng độ tuổi. Do đó, nhà trường dự kiến thứ bảy tuần này sẽ họp Ban đại diện cha mẹ học sinh trong trường để lắng nghe ý kiến và thống nhất kế hoạch thực hiện về việc này.

* Thầy ĐỖ XUÂN HẢI, Phó hiệu trưởng Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh: Chú trọng phòng, chống dịch trong điều kiện học sinh ở nội trú

Trường hiện có 310 học sinh. Trong tuần học đầu tiên, có 4 học sinh thuộc diện F0, F1 phải học tại nhà. Tuy nhiên, nhà trường đã bố trí mỗi khối lớp 1 phòng học trực tiếp kết hợp trực tuyến nên các em vẫn có thể học tại nhà cùng các bạn. Do đó, việc học của các em không bị ảnh hưởng.

Hiện nay, nhà trường đang đẩy mạnh hoạt động phụ đạo cho học sinh để giúp các em củng cố kiến thức trong thời gian học online. Riêng đối với học sinh lớp 12, ngoài thời gian học theo thời khóa biểu, phụ đạo thì buổi tối tất cả các em đều phải tham gia tự học trên lớp trong khoảng thời gian từ 19 giờ đến 21 giờ 30. Học sinh lớp nào sẽ đến vị trí lớp đó học giống như trong giờ học chính khóa. Nhà trường có phân công quản sinh, giáo viên bộ môn và cán bộ Đoàn trực trong thời gian tự học của lớp 12. Trong đó, quản sinh và cán bộ Đoàn có nhiệm vụ quản lý học sinh, còn giáo viên bộ môn sẽ đi các lớp để hỗ trợ, giải đáp thắc mắc cho các em.

Dự kiến đến cuối tháng 3, căn cứ vào định hướng môn thi tốt nghiệp của học sinh, nhà trường sẽ phân chia thành các lớp theo môn thi để tăng tốc ôn tập cho các em, chuẩn bị sẵn sàng cho kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Khó khăn của nhà trường hiện nay là cơ sở vật chất đã xuống cấp, đặc biệt là khu ký túc xá nam bị xuống cấp trầm trọng. Do đó, nhà trường đã phải chuyển đổi 5 phòng chức năng thành phòng ở cho các nam sinh để đảm bảo an toàn. Tình trạng xuống cấp của trường đã được lãnh đạo tỉnh quan tâm, HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã đồng ý chủ trương và có quyết định cho xây mới nhà trường. Chúng tôi rất mong chủ trương này sớm được thực hiện để học sinh có môi trường học tập mới khang trang, sạch đẹp, an toàn.

* Chị TRẦN THỊ HẠNH, P.Bảo Vinh (TP.Long Khánh): Mong muốn sớm đánh giá tình hình để con được học bán trú

Tôi có 2 bé, con gái lớn học lớp 9, con trai nhỏ học lớp 4. Con gái tôi đã đi học ở trường từ trước Tết, còn con trai mới đi học trở lại từ ngày 14-2. Con được tới trường, phụ huynh chúng tôi rất mừng nhưng cũng gặp nhiều khó khăn trong việc đưa đón con.

Mong muốn hiện nay của tôi cũng như nhiều phụ huynh khác là mong chính quyền, cấp quản lý sớm đánh giá tình hình sau tuần học đầu tiên và có kế hoạch cho học sinh được học bán trú ở trường hoặc gửi ở nhà cô. Điều này không chỉ giúp phụ huynh thuận lợi hơn trong việc đưa đón trẻ mà còn nhằm giúp học sinh củng cố kiến thức bị “hổng” trong quá trình học online.

Thực tế, thời gian học online, con tôi tiếp thu kiến thức khá chậm. Bản thân phụ huynh chúng tôi phải đi làm, không có nhiều thời gian để kèm cặp cho con; nếu con không được học thêm thì tôi không yên tâm.

Năm học này, con gái tôi thi tuyển sinh lớp 10, nếu không vướng dịch thì con sẽ đi học thêm các môn chính để nắm chắc kiến thức cũng như sẵn sàng cho kỳ thi. Tuy nhiên, hiện nay cháu vẫn chưa thể đi học thêm vì nhà trường chưa tổ chức dạy. Tôi mong nhà trường, các thầy cô giáo sẽ được phép dạy thêm trở lại để đáp ứng nhu cầu của học sinh, phụ huynh.

* Cô VŨ THỊ NHIÊN, giáo viên Trường tiểu học Phan Bội Châu (H.Thống Nhất): Tập trung nhiều cho môn Toán, Tiếng Việt

So với các khối lớp khác của bậc tiểu học thì kiến thức của lớp 4 là “nặng” nhất. Ví dụ, môn Toán học sinh sẽ học chia 2, 3 chữ số. Nếu các em học tốt chương trình lớp 4 thì lên lớp 5 sẽ tiếp thu bài một cách nhẹ nhàng hơn.

Thông thường, khi học trực tiếp, giáo viên sẽ thường xuyên đi xuống lớp, quan sát học sinh làm bài. Thấy học sinh bị chậm hoặc vướng chỗ nào là cô giảng lại ngay. Thậm chí, giáo viên tranh thủ giờ ra chơi để “kéo” học sinh chưa hiểu bài lại để giảng đến khi nào các em hiểu mới thôi.

Quá trình học online, cô vẫn giao bài tập, học sinh đều làm bài, nộp bài đầy đủ và kết quả tốt. Tuy nhiên, có thể kết quả đó có sự hỗ trợ của phụ huynh hoặc tham khảo các nguồn khác. Vì vậy, khi đi học trực tiếp, tôi nhận thấy có nhiều học sinh bị “đuối” so với các bạn. Nhìn chung, nhịp độ tiếp thu bài của học sinh chậm hơn so với mọi năm. Do đó, trong quá trình dạy, giáo viên phải mất nhiều thời gian hơn cho 1 tiết học để vừa nhắc lại kiến thức cũ, vừa giảng bài mới, vừa hỗ trợ học sinh…

Trong bối cảnh đó, giáo viên sẽ phải linh động thời gian của một số môn để tập trung nhiều hơn cho 2 môn Toán, Tiếng Việt. Những môn học khác, giáo viên phải cô đọng lại, truyền đạt kiến thức trọng tâm, cốt lõi nhất cho học sinh.

Hải Yến (ghi)


 

Tin xem nhiều