Báo Đồng Nai điện tử
En

Đồng Nai "tăng tốc" ngay từ đầu năm

09:03, 01/03/2022

Từ đầu năm 2022, Đồng Nai đã bắt đầu triển khai các giải pháp nhằm hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra...

Từ đầu năm 2022, Đồng Nai đã bắt đầu triển khai các giải pháp nhằm hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra. Trong đó, dự kiến GRDP tăng 6,5-7% so với năm 2021 và GRDP bình quân đầu người đạt 125 triệu đồng/người. Tỉnh sẽ căn cứ vào các chỉ đạo của Chính phủ để đưa ra những giải pháp phù hợp.

Sản xuất thịt gà xuất khẩu sang Nhật Bản tại Công ty TNHH Koyu & Unitek ở Khu công nghiệp Loteco (TP.Biên Hòa). Ảnh: K.MINH
Sản xuất thịt gà xuất khẩu sang Nhật Bản tại Công ty TNHH Koyu & Unitek ở Khu công nghiệp Loteco (TP.Biên Hòa). Ảnh: K.MINH

Đồng Nai đang nằm trong tốp đầu cả nước về sản xuất công nghiệp, thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), xuất khẩu và thu ngân sách nhà nước, xây dựng nông thôn mới. Trong năm 2021, tuy tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19 nhưng nhiều chỉ tiêu về kinh tế vẫn đạt và vượt kế hoạch.

* Ưu tiên cho mục tiêu kép

Hiện nay, dịch bệnh đã được khống chế, nhưng năm 2022, Đồng Nai sẽ còn gặp nhiều khó khăn, vì thế ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện, hoàn thành các chỉ tiêu trên lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Các sở, ngành, địa phương “tăng tốc” từ đầu năm để triển khai thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho biết: “Đồng Nai sẽ tiếp tục ưu tiên cao nhất cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 để từng bước phục hồi các hoạt động kinh tế - xã hội. Tỉnh cũng đưa ra những giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án và giải ngân vốn đầu tư công. Tăng thu hút vốn đầu tư toàn xã hội, ưu tiên nguồn vốn cho các dự án hạ tầng giao thông kết nối vùng, giao thông nông thôn, đô thị, tạo đột phá trong phát triển kinh tế. Tỉnh sẽ kịp thời giải quyết những vướng mắc cho doanh nghiệp (DN), các hộ kinh doanh, HTX do dịch Covid-19 gây ra, để ổn định sản xuất, kinh doanh”.

Năm 2022, Đồng Nai đưa ra 6 chỉ tiêu chính trên lĩnh vực kinh tế là tăng trưởng GRDP, thu nhập bình quân đầu người, xuất khẩu, thu hút nguồn vốn đầu tư toàn xã hội, thu ngân sách, xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Giám đốc Sở KH-ĐT Hồ Văn Hà cho hay: “Phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tốt sẽ giúp cho việc phục hồi sản xuất, kinh doanh thuận lợi. Bên cạnh đó, tỉnh phối hợp với các bộ, ngành thực hiện nhanh các công trình giao thông kết nối vùng có tính lan tỏa cao để lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư nhân. Rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ thủ tục liên quan đến đầu tư, đất đai, xây dựng tạo điều kiện thuận lợi cho DN triển khai dự án”.

* Những vướng mắc cần tháo gỡ

Các DN tại Đồng Nai đã khôi phục sản xuất được 99% so với thời điểm chưa xảy ra dịch bệnh Covid-19. Đơn hàng cho sản xuất, xuất khẩu với DN FDI không thiếu, nhưng nhiều DN đang gặp một số vướng mắc về vốn đầu tư, logistics, lao động. Qua tìm hiểu, DN FDI chủ yếu gặp khó về logistics, lao động, còn DN có vốn đầu tư trong nước thêm khó khăn về nguồn vốn và thị trường tiêu thụ.

TS Nguyễn Hoàng Phương, giảng viên Học viện Chính trị khu vực II, chuyên gia kinh tế đánh giá: “Hiện nay, các DN trong nước tại Đồng Nai cũng như cả nước đang gặp những khó khăn cần tháo gỡ kịp thời là vốn vay ưu đãi cho phục hồi sản xuất sắp đến thời kỳ đáo hạn. Thế nhưng, DN đã đổ vào sản xuất, chưa kịp thu hồi nên thiếu vốn để đáo hạn, vì vậy Nhà nước cần cơ cấu lại khoản nợ. DN sản xuất trực tiếp mong Nhà nước tiếp tục giảm thuế để tăng thêm nguồn lực cho phục hồi và mở rộng hoạt động”.

Cũng theo TS Phương, Chính phủ lo ngại giảm thuế sâu cho DN sản xuất sẽ ảnh hưởng đến thu ngân sách nhà nước, song có cách bù lại là tăng thu từ đất đai bằng biện pháp kiểm soát chặt chẽ thuế giao dịch mua bán, chuyển nhượng đất đai tại các tỉnh, thành.

Một số DN lại cho rằng, chính sách giảm thuế để bớt khó khăn trong phục hồi sản xuất sẽ không hiệu quả bằng việc Chính phủ hỗ trợ các chính sách để khơi thông các cảng biển trong nước, đơn giản, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục liên quan đến xuất, nhập khẩu. Đồng thời, Chính phủ đứng ra đàm phán với các nước Việt Nam có xuất khẩu hàng hóa với số lượng lớn sang để giải quyết nhanh thủ tục giúp hàng hóa cập cảng kịp thời và nhanh chóng, vận chuyển đến các khách hàng đúng theo hợp đồng.

Ông Park Hyun Bae, Chủ tịch Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Đồng Nai chia sẻ: “Trong khôi phục sản xuất, các DN Hàn Quốc đang gặp trở ngại là thiếu nguồn lao động làm việc trong các nhà máy. Đợt dịch quý III-2021, nhiều người lao động trở về quê đã không trở lại, hiện các DN đang tuyển thêm lao động nhưng rất khó tìm, việc này ảnh hưởng đến tiến độ phục hồi, mở rộng sản xuất, kinh doanh”.

Ngoài ra, Đồng Nai còn điểm cản trở trong thu hút đầu tư cho phát triển kinh tế là đất cho thuê trong các khu công nghiệp còn rất ít nên bỏ lỡ không ít dự án lớn của DN FDI.

Khánh Minh

Tin xem nhiều