Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhiều khó khăn trong bảo tồn di tích

01:03, 15/03/2022

Mặc dù được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước và chung tay đóng góp của cộng đồng, song thời gian qua, nhiều di tích ở Đồng Nai xuống cấp vẫn chưa được tu bổ, tôn tạo kịp thời do những khó khăn về nguồn nhân lực, thủ tục trùng tu và kinh phí...

[links()]Mặc dù được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước và chung tay đóng góp của cộng đồng, song thời gian qua nhiều di tích ở Đồng Nai xuống cấp vẫn chưa được tu bổ, tôn tạo kịp thời.

Các hạng mục tại Khuê Văn các Văn miếu Trấn Biên (P.Bửu Long, TP.Biên Hòa) bị xuống cấp nghiêm trọng, đang chờ được trùng tu, tôn tạo, đảm bảo an toàn cho người dân và du khách tham quan. Ảnh: L.NA
Các hạng mục tại Khuê Văn các Văn miếu Trấn Biên (P.Bửu Long, TP.Biên Hòa) bị xuống cấp nghiêm trọng, đang chờ được trùng tu, tôn tạo, đảm bảo an toàn cho người dân và du khách tham quan. Ảnh: L.NA

Bên cạnh những khó khăn về nguồn nhân lực trong quản lý hoạt động, thủ tục trùng tu di tích rườm rà thì kinh phí để tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích cũng là bài toán đòi hỏi có giải pháp khắc phục hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững giá trị di sản.

* Nơi tự ý, nơi chờ đợi tu bổ…

Đền thờ Nguyễn Tri Phương (P.Bửu Hòa, TP.Biên Hòa) là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia được Bộ VH-TT (nay là Bộ VH-TTDL) xếp hạng năm 1992. Qua thời gian, do ảnh hưởng của thời tiết, sự xâm hại của mối mọt, nấm mốc nên một số cấu kiện gỗ thuộc hạng mục nhà khách (đòn tay, rui, mèn…) bị mục, mất khả năng chịu lực. Phần mái trên ngói bị trôi tụt gây thấm dột, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết cấu kiến trúc và hiện vật di tích.

Ông Phạm Văn Hê, Phó ban Quý tế đền thờ Nguyễn Tri Phương cho biết, di tích nhiều năm nay đã xuống cấp. Các hạng mục trong đền đều bị mối mọt, nhất là cửa chánh điện của đền làm bằng gỗ đã mục và gãy dẫn đến tình trạng trộm vào lấy cắp đồ thờ cúng trong di tích. Sau nhiều lần Ban Quý tế đền đề xuất lên cấp trên xin tu bổ, tôn tạo di tích nhưng do chưa có kinh phí nên người dân địa phương và Ban Quý tế đã phải họp bàn, tự ý sửa chữa, tránh tình trạng mất cắp xảy ra thường xuyên.

Nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di tích, những năm gần đây, Đồng Nai đẩy mạnh trùng tu, nâng cấp hàng chục di tích bằng nguồn ngân sách và xã hội hóa. Tiêu biểu như: Thành cổ Biên Hòa (41 tỷ đồng); Nhà lao Tân Hiệp (27,5 tỷ đồng, trong đó nguồn xã hội hóa 3,4 tỷ đồng); mộ Nguyễn Đức Ứng và 27 nghĩa binh chống Pháp, H.Long Thành (trên 12 tỷ đồng); Chiến khu Đ, H.Vĩnh Cửu; khu di tích Căn cứ Tỉnh ủy Biên Hòa U1, H.Trảng Bom…

“Người dân ở địa phương đã đóng góp để tự sửa chữa phần cửa chánh điện, trong đó thay phần cửa gỗ bằng cửa sắt cố định. Đối với một số phần mái bị thấm dột, bản thân tôi đi xin ngói cũ các trường học về, tự bắc thang, thay từng viên ngói. Việc tổ chức các lễ cúng trong đền, thành viên của Ban Quý tế tự góp kinh phí, huy động thêm mạnh thường quân hỗ trợ. Riêng việc quét dọn đình, chúng tôi tự bỏ tiền của mình, thuê một người quét thường xuyên với mức 300 ngàn đồng/tháng. Chúng tôi biết việc tự ý sửa chữa di tích là sai quy định nhưng do tính cấp thiết, chúng tôi phải tự làm” - ông Hê chia sẻ.

Tại di tích nhà cổ Trần Ngọc Du (P.Tân Vạn, TP.Biên Hòa), 2 năm nay nhiều hạng mục cũng đã xuống cấp. Bà Nguyễn Thị Ngọc, người được ủy quyền quản lý nhà cổ Trần Ngọc Du cho hay, hiện bên trong nhà cổ tình trạng mối mọt ăn vào các cột gỗ chưa được xử lý. Đặc biệt, ở bờ kè của nhà cổ đang sạt lở nghiêm trọng… Thêm vào đó, một số hộ gia đình phía trước có tranh chấp đất đai lối đi vào nhà cổ dẫn đến việc người dân và du khách khi đến tham quan gặp nhiều khó khăn.

“Cách đây 2 năm, chúng tôi đã có văn bản gửi UBND phường và TP.Biên Hòa xin tu bổ, tôn tạo lại di tích nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được. Một phần do địa phương chưa có kinh phí, một phần do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, gây khó khăn trong việc quản lý, trùng tu, tôn tạo di tích” - bà Ngọc nói.

Di tích Văn miếu Trấn Biên sau 2 lần trùng tu, đến thời điểm hiện tại đã xuống cấp nghiêm trọng. Trong đó, hạng mục Khuê Văn các do bị ngấm nước mưa nên kết cấu bê tông ở tầng trên không đảm bảo, thấm dột xuống tầng dưới. Các mảng tường đã bị bong tróc, hệ thống cầu thang gỗ nứt gãy không đảm bảo an toàn cho người dân và du khách đến tham quan.

Phần cửa bằng cột gỗ của Nhà khách đền thờ Nguyễn Tri Phương (P.Bửu Hòa, TP.Biên Hòa) bị mục, Ban Quý tế phải chằng bằng dây sắt và tự thay khung sắt để chống trộm
Phần cửa bằng cột gỗ của Nhà khách đền thờ Nguyễn Tri Phương (P.Bửu Hòa, TP.Biên Hòa) bị mục, Ban Quý tế phải chằng bằng dây sắt và tự thay khung sắt để chống trộm

Tại Nhà truyền thống của Văn miếu Trấn Biên, các mảng bê tông trần nhà bị bong tróc lớp vữa áo bê tông gây nguy hiểm cho người tham quan. Khu vực Nhà bái đường hiện đã sụt lún nghiêm trọng, nhiều viên gạch lát nền phía trước và phía sau đã bị vỡ. Tại nhà đề danh, nền móng có hiện tượng sụt lún, khối ốp móng bị tách rời nền móng; các đường nội bộ của Văn miếu cũng đã xuống cấp.

Giám đốc Trung tâm Văn miếu Trấn Biên Trần Trung Tuyến cho biết, từ năm 2020, Trung tâm Văn miếu Trấn Biên đã phối hợp với Sở VH-TTDL và các đơn vị liên quan tiến hành khảo sát và lên phương án tu bổ, trùng tu di tích bằng nguồn ngân sách. Tuy nhiên, đến hiện tại do có chủ trương sáp nhập Văn miếu Trấn Biên thuộc Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Bửu Long vào Bảo tàng Đồng Nai thuộc Sở VH-TTDL, cùng với ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên công tác trùng tu, tôn tạo bị chậm trễ, khiến cho Văn miếu xuống cấp thêm nghiêm trọng.

“Hiện ngành VH-TTDL đã có văn bản thành lập đoàn tiếp tục khảo sát hiện trạng di tích Văn miếu Trấn Biên để xin chủ trương của UBND tỉnh và của Bộ VH-TTDL tiến hành tu bổ, tôn tạo di tích. Tôi kỳ vọng song song với việc tu bổ, việc đầu tư, chăm lo cho các di tích trên địa bàn tỉnh được tốt hơn, có những chủ trương được triển khai đi vào thực tế nhanh hơn. Qua đó, để những công trình di tích cấp tỉnh, cấp quốc gia như Văn miếu Trấn Biên sẽ có sức sống mới, phục vụ nhân dân, duy trì và phát huy giá trị di sản văn hóa” - ông Tuyến nói.

* Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về di tích

Chỉ tính riêng ở TP.Biên Hòa, nhiều di tích hiện đang xuống cấp cần được trùng tu, sửa chữa các hạng mục. Trong đó, cần sửa chữa hệ thống điện tại di tích Thành cổ Biên Hòa; sơn, sửa các cửa gỗ, chống thấm nước khu trưng bày di tích Nhà lao Tân Hiệp; chống mối, mọt, sửa chữa các bảng di tích hư hỏng trong hệ thống các di tích xếp hạng… Tại di tích Nhà xanh cần tu sửa rào chắn bảo vệ, sơn tường bị bong tróc, chống mối mọt. Riêng đối với Nhà hội Bình Trước, nhiều hạng mục cũng đã xuống cấp nghiêm trọng cần có kế hoạch trùng tu, bảo quản gấp.

Giám đốc Trung tâm Văn hóa - thông tin và thể thao TP.Biên Hòa Nguyễn Văn Tình cho biết, trung tâm là đơn vị được phân cấp quản lý trực tiếp di tích trên địa bàn thành phố. Trung tâm đã và đang rà soát, tiến hành khảo sát toàn bộ các hoạt động tại di tích để có cơ sở quản lý phù hợp với thực tế hoạt động, xây dựng kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị di tích. Tuy nhiên, việc trùng tu, tôn tạo di tích gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

“Sau khi phân cấp quản lý di tích, TP.Biên Hòa đã rất nỗ lực để tu sửa, tôn tạo di tích song với số lượng di tích đã được xếp hạng lớn (gần 30 di tích), TP.Biên Hòa gặp rất nhiều khó khăn, nhất là nhân sự cho lĩnh vực này chưa đảm bảo về số lượng và trình độ chuyên môn còn hạn chế. Số lượng di tích xuống cấp quá nhiều, đòi hỏi cùng một lúc phải có nhiều nguồn lực để trùng tu nhưng nguồn kinh phí từ ngân sách có hạn. Nhiều di tích chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên còn xảy ra tình trạng xâm lấn di tích, khó khăn trong công tác quản lý…” - ông Tình bộc bạch.

Cùng với nguồn ngân sách của Nhà nước, hiện chủ trương xã hội hóa di tích rất được cơ quan, đơn vị, cá nhân, cộng đồng quan tâm. Tuy nhiên, việc thực hiện chủ trương xã hội hóa trong trùng tu, tôn tạo di tích không hề đơn giản. Ban quản lý các di tích, ban quý tế các đình, chùa trên địa bàn tỉnh có thể huy động được nguồn lực song họ không thể thực hiện một cách dễ dàng, bởi phải tuân thủ nghiêm các thủ tục liên quan, nhất là các nội dung của Luật Xây dựng. Vì vậy, khi thực hiện một dự án trùng tu, tôn tạo cũng phải lập hồ sơ như các dự án của những lĩnh vực xây dựng khác. Với di tích còn bị điều chỉnh bởi Luật Di sản văn hóa nên về mặt thủ tục càng phức tạp hơn.

Đơn cử như di tích đình Xuân Lộc, chùa Xuân Hòa tọa lạc tại P.Xuân An (TP.Long Khánh), sau một thời gian dài (từ năm 2017) chờ thủ tục hướng dẫn tu bổ, tôn tạo, phải đến năm 2021 hạng mục chánh điện của chùa mới được khởi công trùng tu, sửa chữa với kinh phí khoảng 1 tỷ đồng. Việc trùng tu, tôn tạo di tích không chỉ chấm dứt tình trạng xuống cấp của di tích mà còn kéo dài tuổi thọ công trình cũng như bảo tồn các yếu tố văn hóa, kiến trúc truyền thống. Qua đó, đảm bảo an toàn, đáp ứng nhu cầu hương lễ Phật hằng ngày của các tầng lớp nhân dân.

Giám đốc Sở VH-TTDL Lê Kim Bằng cho hay, với tư cách là đơn vị tham mưu cho UBND tỉnh quản lý nhà nước về lĩnh vực di tích, di sản, thời gian qua, Sở VH-TTDL đã tham mưu cho UBND tỉnh phân cấp quản lý di tích. Hiện nay, hầu hết các di tích đều được phân cấp quản lý cho các địa phương trực tiếp quản lý, trùng tu, tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Tuy nhiên, do ngân sách của các địa phương còn nhiều khó khăn, việc xã hội hóa vẫn còn hạn chế nên việc trùng tu, tôn tạo các di tích còn chậm so với kế hoạch.

“Trước thực tế đó, Sở VH-TTDL đã có những văn bản gửi cho các địa phương để nhắc nhở các địa phương phải có trách nhiệm cao hơn nữa trong việc trùng tu, tôn tạo di tích. Bên cạnh đó, Sở cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh rà soát lại các di tích để có lộ trình trong việc trùng tu, tôn tạo để luôn luôn đảm bảo ở trong thế chủ động, không để di tích xuống cấp một cách nghiêm trọng” - ông Bằng nhấn mạnh.            

Theo thống kê của Sở VH-TTDL, Đồng Nai có khoảng 1,5 ngàn di tích phổ thông và hơn 62 di tích được xếp hạng. Với một khối lượng di tích lớn, Đồng Nai có nhiều cơ hội để kết nối di sản với phát triển du lịch. Tuy nhiên, nhiều di tích trên địa bàn tỉnh đã và đang dần xuống cấp, đặt ra nhiều khó khăn và thách thức trong việc bảo tồn, tôn tạo di tích. Hiện các địa phương đang thực hiện Quyết định 39/2018/QĐ-UBND ngày 27-9-2018 của UBND tỉnh về phân cấp, ủy quyền quản lý di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng xếp hạng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

   Ly Na


Giám đốc Sở VH-TTDL LÊ KIM BẰNG:

Người dân là chủ thể bảo tồn, phát huy giá trị di tích, di sản

Di tích, di sản văn hóa là minh chứng thể hiện bề dày truyền thống lịch sử của một địa phương, một đơn vị. Việc bảo vệ và phát huy nó chính là bảo vệ, phát huy truyền thống của đơn vị, địa phương, của tổ chức và cá nhân trực tiếp quản lý di tích đó. Đây là công việc phải làm thường xuyên, liên tục và phải đảm bảo tuân thủ theo quy định của Luật Di sản. Khi trùng tu, tôn tạo, nếu di tích đó là di tích cấp quốc gia đặc biệt thì phải thực hiện quy trình, thủ tục để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Với di tích cấp quốc gia, phải lập hồ sơ, thủ tục trình Bộ trưởng VH-TTDL…

Trước khi công nhận di tích, cộng đồng dân cư là đối tượng chủ yếu trong việc phát huy giá trị di tích. Khi được công nhận là di tích, không ai khác, chính cộng đồng dân cư là chủ thể phát huy vai trò của di tích. Ở góc độ quản lý nhà nước, ngành VH-TTDL sẽ tạo điều kiện để những người làm công tác quản lý di tích tổ chức tốt hoạt động để phát huy giá trị di tích; đồng thời, có cơ chế, hành lang pháp lý để giúp người dân khi đến tham quan di tích được thuận lợi. Nhà nước sẵn sàng chia sẻ với cộng đồng dân cư trong những điều kiện nhất định nhưng trong bảo vệ, phát huy di tích thì trách nhiệm của cộng đồng dân cư vẫn đặt lên hàng đầu.

Giám đốc Trung tâm Văn hóa - thông tin và thể thao TP.Biên Hòa NGUYỄN VĂN TÌNH:

Chủ động xây dựng kế hoạch quản lý, tu sửa cấp thiết di tích, danh thắng

Từ khi tiếp nhận phân cấp quản lý di tích, trung tâm đã phối hợp với các đơn vị liên quan duy trì công tác bảo vệ, phát huy giá trị di tích. Trong 2 năm (2020-2021) dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh và diễn biến phức tạp, việc trùng tu tôn tạo di tích có thời điểm gián đoạn và các hoạt động lễ hội đã phải tạm dừng để phòng, chống dịch. Nhiều hoạt động về tuyên truyền, quảng bá di tích như: về nguồn, tham quan di tích lịch sử cách mạng, ngoại khóa của học sinh, triển lãm tại di tích… đã được xây dựng nhưng không thực hiện được.

Trong thời gian tới, trung tâm sẽ tiếp tục chủ động xây dựng các kế hoạch quản lý, bảo quản phục hồi, tu sửa cấp thiết và phát huy giá trị di tích, danh thắng đã được phân cấp theo đúng quy định; thường xuyên có kế hoạch kiểm tra, có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý kịp thời những hành vi sử dụng trái phép di tích, danh thắng. Ngoài ra, trung tâm sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền, giới thiệu các di tích trên cổng thông tin điện tử, hệ thống truyền thanh của thành phố và gắn với các cuộc thi tìm hiểu giá trị văn hóa, lịch sử di tích…

Phó giám đốc Trung tâm Văn hóa - thông tin và thể thao H.Trảng Bom TĂNG THÙY PHƯƠNG KHÁNH:

Đẩy mạnh giáo dục truyền thống tại di tích cho thế hệ trẻ

Được sự quan tâm của UBND tỉnh và H.Trảng Bom, nhiều di tích trên địa bàn huyện thời gian qua được trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị trong đời sống hiện tại. Một số di tích ở H.Trảng Bom đã được tu sửa bằng nguồn ngân sách và xã hội hóa. Để phát huy giá trị các di tích này, trung tâm đã và đang phối hợp với Huyện đoàn và Phòng GD-ĐT H.Trảng Bom tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục Luật Di sản văn hóa đến các tầng lớp nhân dân, chú trọng đối tượng là học sinh. Đây là việc làm rất cần thiết, vừa giáo dục truyền thống, giúp các em có cơ hội tìm hiểu thêm di tích, vừa giáo dục lý tưởng cách mạng, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc xây dựng, bảo tồn di tích.

Ông PHẠM VĂN HÊ, Phó ban Quý tế đền thờ Nguyễn Tri Phương (P.Bửu Hòa, TP.Biên Hòa):

Cần có thêm chế độ hỗ trợ người trông coi, quét dọn di tích

Xung quanh đền thờ Nguyễn Tri Phương có rất nhiều di tích được sửa chữa, tôn tạo rất khang trang, sạch đẹp. Do đó, Ban Quý tế đền thờ cũng rất mong di tích do mình trực tiếp quản lý nhanh chóng được lãnh đạo cấp trên cho chủ trương sớm trùng tu để không còn tình trạng mối mọt, xuống cấp, hư hao như hiện tại. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và du khách đến dâng hương, tìm hiểu lịch sử văn hóa vùng đất Biên Hòa. Ngoài ra, ở đền thờ Nguyễn Tri Phương chưa có chế độ cho người trông coi, quản lý di tích. Tôi mong muốn các cấp, các ngành chức năng của P.Bửu Hòa, của TP.Biên Hòa quan tâm hơn, có thêm chế độ chính sách, hỗ trợ những người làm công tác quét dọn tại di tích.

Anh PHẠM THÀNH CHUNG, người dân P.Bửu Long (TP.Biên Hòa):

Tu bổ di tích để tạo không gian sinh hoạt văn hóa an toàn

Hằng ngày, vào các buổi chiều, tôi thường dẫn con gái vào di tích Văn miếu Trấn Biên chơi, cho cá ăn ở hồ Tịnh Quang phía sau Khuê Văn các. Phải nói rằng, đây là di tích có kiến trúc rất đẹp, khuôn viên nhiều cây xanh được cắt tỉa gọn gàng, sạch sẽ. Tuy nhiên, khi lên phía trên Khuê Văn các và vào phần chánh điện (Nhà bái đường), hầu như các hạng mục đều đã xuống cấp nghiêm trọng. Ở một số cầu thang, tay vịn đã gãy, sụt lún rất nguy hiểm.

Không chỉ ở di tích Văn miếu Trấn Biên mà một số di tích trên địa bàn P.Bửu Long mà tôi đến cũng thấy tình trạng xuống cấp này. Tôi mong rằng, chính quyền địa phương nhanh chóng có kế hoạch sửa sang, tu bổ lại để người dân có những không gian sinh hoạt văn hóa an toàn an toàn, tiện lợi.

My Ny (ghi)


 

Tin xem nhiều