Báo Đồng Nai điện tử
En

Chủ động ngăn ngừa nguy cơ đuối nước

03:05, 30/05/2022

Trước thực trạng mất an toàn khi bơi, lội, di chuyển trên ao, hồ, sông, suối tự nhiên, các địa phương và cơ quan chức năng đã đặt ra nhiều giải pháp chủ động ngăn ngừa nguy cơ này.

Trước thực trạng mất an toàn khi bơi, lội, di chuyển trên ao, hồ, sông, suối tự nhiên, chính quyền địa phương các cấp và cơ quan chức năng đã đặt ra nhiều giải pháp chủ động ngăn ngừa nguy cơ này. Tuy nhiên, tinh thần cảnh giác, chủ động phòng ngừa của người dân vẫn là yếu tố tiên quyết.

Trung tâm y tế H.Long Thành hướng dẫn lực lượng dân phòng phương pháp cứu người đuối nước. Ảnh: Công an H.Long Thành
Trung tâm y tế H.Long Thành hướng dẫn lực lượng dân phòng phương pháp cứu người đuối nước. Ảnh: Công an H.Long Thành

* Siết quản lý hoạt động trên sông, hồ

Với việc các ao, hồ, sông, suối tự nhiên trải dài trên toàn tỉnh, việc đảm bảo an toàn cho người dân được nhiều lực lượng cùng với chính quyền địa phương thực hiện. Trên hồ Trị An, Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai đã bố trí 3 trạm ở 3 khu vực thuộc TT.Vĩnh An, xã Phú Lý (H.Vĩnh Cửu) và xã La Ngà (H.Định Quán). Cùng với đó là 1 tàu lớn sức chứa từ
50-60 người và 3 ca nô cao tốc để tuần tra và hỗ trợ kịp thời khi sự cố xảy ra. 

Ngoài ra, để ứng phó kịp thời những trường hợp tai nạn đuối nước xảy ra, Khu bảo tồn cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cứu hộ để phối hợp cắm biển báo cấm, cảnh báo nguy hiểm ở những khu vực nguy hiểm, thường xảy ra đuối nước, dông bão, lốc xoáy... Đặc biệt, lãnh đạo Khu bảo tồn cũng thường xuyên chỉ đạo lực lượng kiểm lâm liên tục tuần tra, kiểm soát trên hồ và nắm bắt thông tin về thời tiết, khí hậu, thủy văn, nhất là trong mùa mưa bão để kịp thời thông báo cho người dân biết, chủ động ứng phó. Trong trường hợp không may xảy ra tai nạn dông bão, sóng to gió lớn thì lực lượng kiểm lâm trên hồ cũng là một trong những lực lượng thường trực làm nhiệm vụ yểm trợ, ứng cứu người dân.

Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn (H.Tân Phú) Bùi Trường Sơn cho biết, trong những năm gần đây, trên bờ hồ Đa Tôn xuất hiện một số quán ăn tự phát để phục vụ khách tham quan và thưởng thức thủy sản trên hồ. Hồ Đa Tôn rất sâu và nguy hiểm nên trước mắt địa phương đã thực hiện nhiều hoạt động tuyên truyền, nhắc nhở người dân khi tổ chức ăn uống trên bờ hồ không được để khách di chuyển xuống hồ để tắm, bơi, câu cá hoặc mượn thuyền ra một số đảo trên hồ chơi. Đồng thời, địa phương cũng đã đặt bảng cấm, biến báo nguy hiểm để người dân biết tránh xảy ra tai nạn đuối nước.

“Tại hồ Đa Tôn, hoạt động khai thác du lịch chưa được triển khai và hoàn toàn không có dịch vụ cho thuê thuyền, xuồng đi lại trên hồ. Riêng với những người dân nuôi thủy sản cũng như chèo thuyền đi làm rẫy, địa phương đã bắt ký cam kết thực hiện đúng quy định và đảm bảo an toàn trong quá trình di chuyển trên hồ” - ông Bùi Trường Sơn cho biết.

Còn tại các tuyến sông Đồng Nai đi qua nhiều địa bàn, lượng phương tiện thủy di chuyển đông nên luôn có các lực lượng đảm nhận an toàn giao thông đường thủy tuần tra, kiểm soát. Ngoài ra, Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh còn đặt 2 tổ chuyên cứu nạn, cứu hộ trên sông tại khu vực cầu Đồng Nai (P.Long Bình Tân, TP.Biên Hòa) và Khu công nghiệp Ông Kèo (xã Phước Khánh, H.Nhơn Trạch) để kịp thời ứng phó khi có các tai nạn đuối nước xảy ra trên tuyến sông Đồng Nai.

* Quan tâm dạy bơi cho trẻ

Song song với việc phòng ngừa từ chính quyền, lực lượng chức năng thì nhiều năm nay, Sở GD-ĐT và Sở VH-TTDL đã đề ra các giải pháp dạy bơi cho thiếu nhi, học sinh trên toàn tỉnh. Đặc biệt, vài năm trở lại đây, các địa phương đã có sự liên kết với một số hồ bơi tư nhân trong việc hỗ trợ dạy bơi cho học sinh.

Phó giám đốc Sở GD-ĐT Võ Ngọc Thạch cho hay, hiện nay khi nhiều trường chưa đầu tư được hồ bơi thì việc dạy bơi nên được mở rộng theo hình thức xã hội hóa. Việc này có thể được thực hiện hiệu quả nếu có cơ chế khuyến khích, bố trí được mặt bằng cho các đơn vị tư nhân đầu tư hồ bơi gần trường học. Đồng thời, phụ huynh các em cần chủ động đăng ký cho con em học bơi vì đây là một hoạt động thể chất cần thiết, tăng cường kỹ năng sống cho học sinh.

Phó chủ tịch UBND xã Sông Ray (H.Cẩm Mỹ) Bùi Thị Liên cho biết: “Hằng năm, chúng tôi có quy chế phối hợp trong dạy bơi, học bơi cho học sinh, trẻ em trên địa bàn xã với các doanh nghiệp, chủ các hồ bơi tư nhân. Nhất là có chính sách ưu đãi với các trẻ thuộc gia đình chính sách, có hoàn cảnh khó khăn. Việc này sẽ góp phần hạn chế tình trạng, nguy cơ trẻ bị đuối nước khi tại vùng nông thôn có nhiều ao, hồ, suối dùng cho tưới tiêu, nuôi trồng thủy sản”.

Về phía người dân, nhiều người mong cơ quan chức năng sẽ kiểm soát chặt chẽ hơn các điểm du lịch, dịch vụ ăn uống ven bờ hoặc ngay trên sông, hồ. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền về các nguy cơ đuối nước ở sông, hồ tự nhiên để người dân hiểu, tránh các vụ đuối nước thương tâm xảy ra.

Phạm Huệ - Đăng Tùng

Tin xem nhiều