Báo Đồng Nai điện tử
En

Doanh nghiệp thắt chặt chi phí vì 'bão giá'

03:05, 11/05/2022

Trong thời gian qua, trước sự tác động của mặt bằng giá cả nguyên liệu đầu vào, hàng tiêu dùng, nhất là khi giá các loại nhiên liệu, cước vận tải tăng cao đã ảnh hưởng lớn tới hoạt động của doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh....

Trong thời gian qua, trước sự tác động của mặt bằng giá cả nguyên liệu đầu vào, hàng tiêu dùng, nhất là khi giá các loại nhiên liệu, cước vận tải tăng cao đã ảnh hưởng lớn tới hoạt động của doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh. Nhiều DN phải cân đối lại chi phí hoạt động, chấp nhận giảm lợi nhuận để giữ giá đầu ra…

Đồ họa thể hiện số lần điều chỉnh giá bán lẻ xăng, gas từ đầu năm 2022 đến đầu tháng 5-2022. (Đồ họa: Hải Quân)
Đồ họa thể hiện số lần điều chỉnh giá bán lẻ xăng, gas từ đầu năm 2022 đến đầu tháng 5-2022. (Đồ họa: Hải Quân)

* DN sản xuất hồi hộp theo giá nguyên, vật liệu

Trong tình hình ảnh hưởng từ xung đột Nga - Ukraine, tác động của đại dịch Covid-19… nhưng sản xuất của các DN công nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn tiếp tục được khôi phục. Các ngành công nghiệp chủ lực chế biến chế tạo có đơn đặt hàng tăng mạnh, dẫn đến giá trị xuất khẩu tăng. Tuy nhiên, hiện nền kinh tế vẫn còn khó khăn khi giá cả hàng hóa tăng, giá xăng dầu, nguyên vật liệu phục vụ cho tiêu dùng và sản xuất vẫn còn ở mức cao. Cụ thể là các ngành chế biến, xuất khẩu đồ gỗ, giá gỗ nguyên liệu, phụ kiện phục vụ sản xuất tăng; ngành chế biến thức ăn gia súc, gia cầm nguyên liệu nhập khẩu tăng cao; các mặt hàng sắt, thép giá vẫn ở mức cao so với cùng kỳ… là khó khăn cho các ngành sản xuất liên quan.

Theo Cục Thống kê Đồng Nai, chỉ số giá tiêu dùng trên địa bàn tỉnh tháng 4-2022 so với tháng 12-2021 tăng 3,15%. Chỉ số giá bình quân 4 tháng năm 2022 tăng 2,72% so với cùng kỳ năm trước. Hầu hết các nhóm hàng đều tăng giá, chỉ có 2 nhóm hàng có chỉ số giá giảm là bưu chính viễn thông và giáo dục. Các nhóm hàng còn lại đều tăng, trong đó nhóm giao thông tăng cao nhất (tăng 18,35%) do giá các mặt hàng xăng, dầu trong nước tiếp tục tăng cao. Ngoài ra, nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 3,17% do nhu cầu lớn về vật liệu xây dựng, đặc biệt có một số dự án lớn đi vào hoạt động.

Tổng giám đốc Công ty CP Bao Bì Toàn Cầu (Glopaco) Phạm Văn Chính cho biết, nguyên vật liệu để sản xuất các loại bao bì của DN nhập vào từ đầu năm đến nay đã tăng 10%. Bên cạnh đó là các chi phí phát sinh khác. Mặc dù tăng trưởng về doanh số của DN trong năm 2021 tốt và năm 2022 có nhiều triển vọng khi số lượng bao bì cung ứng ra có thể tăng 20%, nhưng do giá cả nguyên liệu đầu vào, cước vận chuyển, công nợ của khách hàng… nên tình hình sản xuất cũng có những khó khăn nhất định. Trong đó, đối với bao bì giấy, nguồn nguyên liệu nhập khẩu về các DN phân phối cũng đang gặp khó khăn hơn do tác động bởi chuỗi cung ứng toàn cầu gián đoạn. Gồng mình chống đỡ song DN không thể tăng giá sản phẩm ở mức đủ bù đắp chi phí vì khách hàng chưa dễ dàng chấp nhận.

Cũng theo ông Chính, ngoài sản xuất bao bì, ông còn đầu tư vào sản xuất, cung ứng silicat cho ngành bột giặt nhưng trong năm nay, mảng kinh doanh này tạm thời đang phải chịu lỗ. “Giá nguyên liệu trong ngành này tăng một cách bất thường, gấp đôi so với bình thường, khiến cho kế hoạch kinh doanh không đạt được như kỳ vọng” - ông Chính cho biết thêm.

Giá xăng, dầu liên tục ở mức cao từ sau Tết Nguyên đán đến nay đã tác động nhiều tới các doanh nghiệp vận tải
Giá xăng, dầu liên tục ở mức cao từ sau Tết Nguyên đán đến nay đã tác động nhiều tới các doanh nghiệp vận tải. Ảnh, đồ họa: LAM PHƯƠNG

Theo DN tư nhân Trà Anh Trần - chuyên cung ứng các loại trà cho thị trường Đồng Nai và lân cận thì giá nguyên liệu đầu vào cũng tăng. Ông Trần Đăng Ánh, Giám đốc DN, cho hay giá nguyên liệu nhập vào còn phụ thuộc vào chi phí sản xuất của người nông dân, các trang trại. Trong khi đó, giá phân bón thời gian qua liên tục tăng, khiến cho các nhà cung ứng nguyên liệu cũng tăng giá bán. Điều này kéo theo việc DN buộc phải tăng giá bán thành phẩm ra thị trường. “Trong bối cảnh khó khăn, DN tìm cách thích nghi để trụ lại, tăng giá cũng là một phương án, nhưng rất khó. Cuối cùng người bị thiệt sau cùng vẫn là người tiêu dùng trong bối cảnh giá nguyên vật liệu tăng như hiện nay” - ông Ánh chia sẻ thêm.

Tương tự, một DN khác trong lĩnh vực cơ khí, chế tạo, gia công chi tiết chính xác cho hay, DN đang gặp trục trặc về đơn hàng số lượng lớn của một đối tác vì chủ DN này bán cổ phần cho người khác. Việc đầu tư một nguồn vốn lớn để nhập nguyên liệu ở thời điểm vật giá leo thang, trong khi hàng tạm ngưng khiến cho DN thêm khó khăn hơn.

* Chấp nhận giảm lợi nhuận đề bù lỗ, giữ khách

Giá nhiên liệu liên tục ở mức cao, cũng như giá các loại mặt hàng, nguyên liệu đầu vào tăng cao khiến các DN, nhất là các DN trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ phải “căng mình” gồng gánh để có thể giữ giá đầu ra hoặc tăng giá ở mức phù hợp nhất có thể để giữ khách hàng.

Giá gas tăng đã ảnh hưởng tới chi phí vận hành của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống
Giá gas tăng đã ảnh hưởng tới chi phí vận hành của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống

Ông Nguyễn Xuân Cử, Giám đốc Công ty TNHH Vận tải đường bộ Phú Cường A (TP.Biên Hòa) cho biết hiện công ty có khoảng 70 xe tải. Do mặt bằng giá xăng, dầu tăng cao, từ đầu năm 2022 đến nay, công ty phải thông báo tăng giá cước vận tải với mức tăng khoảng 10% so với trước đây. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng dịch vụ vận tải có phần lắng xuống.

“Giá nhiên liệu tăng cao nhưng công ty phải tính toán tăng giá cước ở mức thấp nhất có thể, cũng như tiết giảm các chi phí vận hành, chấp nhận hoạt động không có lợi nhuận trong giai đoạn này để giữ khách hàng, đảm bảo lương và chế độ cho tài xế, nhân công của công ty” - ông Cử cho biết thêm.

Tương tự, ông Lê Văn Đỉnh, Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Quang Đỉnh, công ty có bãi xe ở Khu công nghiệp Biên Hòa 1, cho hay giá xăng dầu vẫn đang neo ở mức cao khiến cho kinh doanh vận tải thời gian này như “ngồi trên lửa”. Công ty đang phải tiết giảm lại số lượng phương tiện, tái cơ cấu hoạt động kinh doanh, cắt giảm tối đa những chi phí phát sinh liên quan, cố gắng vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Trong khi đó, một trong những lĩnh vực chịu nhiều tác động nhất khi mặt bằng giá tăng cao đó là hoạt động dịch vụ, nhất là đối với các DN, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống.

Ông Đỗ Đức Huy, quản lý một chuỗi quán ăn ở TP.Biên Hòa, cho hay mặt bằng giá tiêu dùng tăng, nhất là giá các loại nhiên liệu xăng, dầu, gas liên tục ở mức cao trong thời gian qua đã khiến cho lợi nhuận của chuỗi cửa hàng bị sụt giảm khoảng 15-20% so với trước đây. Đây là tình hình chung của nhiều DN, hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống từ sau Tết Nguyên đán đến nay. “Chuỗi cửa hàng buộc phải cân đối lại nhân sự, cũng như đẩy mạnh các phương án bán hàng qua app (ứng dụng), đặt hàng online để giảm bớt các chi phí vận hành trực tiếp” - ông Huy bày tỏ.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Sơn, chủ một quán ăn ở P.Hóa An (TP.Biên Hòa), cho biết tình hình kinh doanh của các quán ăn uống hiện tại như “trăm dâu đổ đầu”. Giá cả các loại thực phẩm, hàng hóa, thậm chí bao đá lạnh cũng tăng đều nhưng ông không thể tăng giá trong thực đơn vì sợ khách chê “mắc” không ghé nữa, trong khi kinh doanh quán còn rất nhiều thứ tiền phải gánh như: mặt bằng, nhân sự, điện nước…

“Các nhà hàng, quán ăn hiện tại đã nỗ lực chuyển đổi mô hình sang kinh doanh online nhưng với quán ăn gia đình như tôi thì rất khó tiếp cận. Do đó, tôi đang tính toán để tận dụng hết mặt bằng kinh doanh, đẩy mạnh bán hàng mang đi để tiết kiệm chi phí vận hành” - ông Sơn chia sẻ.

Vương Thế - Lam Phương   

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích
Sửa bếp từ toàn quốcTìm kiếm Đại lý máy lạnh Panasonic chính hãng