Là địa phương có thế mạnh về phát triển kinh tế - xã hội, bên cạnh các loại hình kinh tế khác, kinh tế tập thể (KTTT) Đồng Nai đã có những bước phát triển mạnh. Đối với Liên minh HTX Đồng Nai, 30 năm qua luôn là tổ chức nòng cốt phát triển KTTT trên địa bàn...
Là địa phương có thế mạnh về phát triển kinh tế - xã hội, bên cạnh các loại hình kinh tế khác, kinh tế tập thể (KTTT) Đồng Nai đã có những bước phát triển lớn mạnh theo chiều dài lịch sử. Những năm gần đây, Đồng Nai rất quan tâm trong công tác chỉ đạo, điều hành, triển khai các chính sách phát triển KTTT, HTX trên địa bàn và đạt được những kết quả quan trọng.
Hỗ trợ quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại là giải pháp để giúp kinh tế HTX phát triển. Ảnh: Văn Gia |
Đối với Liên minh HTX Đồng Nai, 30 năm qua, kể từ khi thành lập, đơn vị luôn là tổ chức nòng cốt trong việc tập hợp, phát triển KTTT trên địa bàn, phục vụ đắc lực vào sự phát triển chung của tỉnh
* KTTT đóng góp tích cực vào sự phát triển của tỉnh
Theo thống kê của Liên minh HTX Đồng Nai, Đồng Nai có gần 1,2 ngàn tổ hợp tác (THT) với 37 ngàn thành viên, 40 ngàn lao động làm việc. So với từng hộ kinh doanh đơn lẻ, các tổ hợp tác (THT) đã khắc phục được một số mặt yếu kém của kinh tế hộ đơn lẻ như: thiếu vốn, công cụ, kỹ thuật và kinh nghiệm sản xuất. Mô hình này đã giúp kinh tế của tổ viên tăng sức cạnh tranh trên thị trường và nâng cao năng lực hoạt động kinh tế.
Về phát triển mô hình HTX, đến nay 100% xã trên địa bàn Đồng Nai đều có HTX; 100% đơn vị cấp xã, cấp huyện đạt và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và tính đến tháng 3-2022, có 65 xã được công nhận nông thôn mới nâng cao, 8 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu. Toàn tỉnh hiện có 432 HTX, quỹ tín dụng nhân dân đang hoạt động (tăng 359 HTX so với năm 2000). Các HTX đã từng bước khẳng định là nhân tố quan trọng góp phần bảo đảm an ninh xã hội, ổn định chính trị ở cơ sở và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đồ họa thể hiện số lượng chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp ở Đồng Nai. Thông tin: Văn Gia - Đồ họa: Hải Quân |
Với trách nhiệm là Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng và phát triển KTTT tỉnh, Liên minh HTX tỉnh đã tham mưu tích cực trong công tác chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc phát triển KTTT; hướng dẫn các địa phương thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, từ đó tạo chuyển biến tích cực trong phát triển KTTT. 30 năm xây dựng và phát triển, Liên minh HTX Đồng Nai đã có những đóng góp quan trọng vào quá trình chuyển đổi, thành lập mới và nâng cao chất lượng hoạt động sản xuất, kinh doanh của các mô hình KTTT ở Đồng Nai.
Theo Chủ tịch Liên minh HTX Đồng Nai Đỗ Phước Dũng, đến nay, Liên minh HTX Đồng Nai đã thu hút được 231 HTX tham gia. Liên minh đã phát huy được vai trò đại diện cho các HTX, vị thế của liên minh tiếp tục được khẳng định và nâng cao, thực sự là chỗ dựa tin cậy cho các HTX và DN thành viên phát triển.
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng đánh giá, Liên minh HTX Đồng Nai đã không ngừng nỗ lực, đóng góp chung vào sự phát triển của địa phương. Liên minh HTX Đồng Nai, cũng như thành viên là HTX, Liên hiệp HTX, quỹ tín dụng nhân dân đã luôn nỗ lực vươn lên. Với những đóng góp trên, Liên minh HTX Đồng Nai đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba, nhiều lần được tặng cờ thi đua của UBND tỉnh về thành tích xuất sắc trong phong trào Thi đua yêu nước và các danh hiệu thi đua, các hình thức khen thưởng của các cấp, các ngành.
* Nỗ lực thực hiện các chính sách hỗ trợ kinh tế HTX
Để các HTX trong tỉnh phát triển, chính sách hỗ trợ của Nhà nước là rất cần thiết, trong đó có chính sách trợ vốn. Trong giai đoạn từ năm 2003-2020, Quỹ Đầu tư phát triển và Quỹ Bảo vệ môi trường của tỉnh đã cho vay đối với các HTX với tổng số tiền hơn 204 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi để đầu tư xe ép rác chuyên dùng phục vụ công tác thu gom rác thải; đầu tư đổi mới phương tiện vận chuyển đưa rước công nhân, học sinh và vận tải khách bằng xe buýt... trên địa bàn.
Tham quan mô hình kinh tế của HTX Thương mại, dịch vụ, nông nghiệp Quyết Tiến (H.Cẩm Mỹ) |
Tương tự, Quỹ Trợ vốn phát triển HTX từ năm 2008 đến hết năm 2020 đã giải ngân hơn 282 tỷ đồng cho gần 6,9 ngàn lượt dự án thể nhân và pháp nhân vay vốn. Trong đó, giải ngân cho 372 lượt dự án pháp nhân (là các HTX, Liên hiệp CLB năng suất cao) với số tiền 164,3 tỷ đồng và 118,4 tỷ đồng dành cho hơn 6,8 ngàn lượt dự án thể nhân (là các thành viên, người lao động trong HTX; tổ viên THT, Liên hiệp CLB năng suất cao). Tổng nguồn vốn của quỹ đến cuối năm 2020 có hơn 43 tỷ đồng.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, để tiếp tục phát huy vai trò quản lý, hỗ trợ của mình, Liên minh HTX Đồng Nai cần tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động, nâng cao hơn nữa năng lực, hiệu quả hoạt động, với chức năng là tổ chức đại diện các HTX.
“Liên minh HTX Đồng Nai cần gắn bó hơn với cơ sở, nghiên cứu, hỗ trợ phát triển, chú ý gắn kết việc thành lập, phát triển HTX với các chương trình mục tiêu quốc gia: xây dựng nông thôn mới, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo. Xem công tác tư vấn, hỗ trợ là nhiệm vụ hàng đầu của Liên minh HTX để kịp thời ghi nhận, tham mưu tháo gỡ những khó khăn, giúp các thành viên phát triển phù hợp với cơ chế thị trường” - Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng nhấn mạnh.
Văn Gia
Phó chủ tịch UBND tỉnh VÕ TẤN ĐỨC: Tạo điều kiện cho kinh tế tập thể phát triển
Kinh tế tập thể (KTTT) là “diễn đàn” kinh tế của một bộ phận người dân, nhất là những mô hình kinh doanh nhỏ, lẻ có thể liên kết tập hợp nhau lại tạo nên một sức mạnh lớn hơn. Tuy nhiên, so với các loại hình kinh tế khác, sự phát triển KTTT, HTX vẫn có những hạn chế nhất định.
Để tiếp tục hỗ trợ, thúc đẩy sự phát triển, trong thời gian tới, Đồng Nai sẽ tập trung tăng cường nâng cao nhận thức về KTTT, HTX, tiếp tục ban hành các chính sách hỗ trợ phù hợp, khắc phục những hạn chế, yếu kém. Bố trí nguồn lực hợp lý để đầu tư, hỗ trợ phát triển, xây dựng và nhân rộng các mô hình điểm, đạt hiệu quả cao trong sản xuất, kinh doanh và hội nhập quốc tế.
Cùng với đó, Đồng Nai tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với KTTT, HTX. Gắn sự phát triển của KTTT, HTX với sự quản lý, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương. Nâng cao vai trò và hiệu quả hoạt động của liên minh HTX tỉnh, xứng đáng là cầu nối đưa chính sách của Nhà nước về phát triển KTTT, HTX đến với hội viên.
Ông NGUYỄN XUÂN THIỆN, Chủ tịch HĐQT HTX Dịch vụ vận tải Thống Nhất (H.Trảng Bom): Mong muốn thế hệ tiếp nối phát huy được truyền thống của mình
HTX Thống Nhất thành lập từ năm 1978 với mục tiêu khiêm tốn khi đó là phục vụ đi lại, vận tải hàng hóa trong địa phương. Cùng với sự hỗ trợ của Liên minh HTX Đồng Nai, chúng tôi từ một đơn vị nhỏ đã từng bước phát triển, đa dạng hóa ngành nghề, lĩnh vực hoạt động của mình. HTX Thống Nhất trở thành đơn vị có tiếng ở lĩnh vực dịch vụ vận tải trên địa bàn Đồng Nai với số lượng phương tiện có lúc lên tới hơn 1 ngàn xe.
Trong hơn 40 năm qua, chúng tôi nhiều lần đối mặt với khó khăn, thử thách; đặc biệt trong khoảng thời gian bị tác động bởi đại dịch Covid-19 vừa qua, rất nhiều phương tiện của chúng tôi đã tạm ngưng hoạt động. Không chỉ nhu cầu của doanh nghiệp suy giảm mà người dân cũng ngày càng ít đi xe buýt hơn. Đại dịch Covid-19 có lúc tưởng chừng sẽ cuốn phăng mọi thành quả của mình. Mặc dù vậy, với sự nỗ lực bền bỉ, hoạt động kinh doanh của HTX vẫn tiếp tục phát triển.
Để có thể duy trì và phát triển, đội ngũ lãnh đạo phải năng động. Do vậy, trong những năm qua, chúng tôi đã cố gắng cho một số bạn trẻ đi học thêm các lớp về kinh tế, quản lý, học cao học… Mong rằng sau này, những người trẻ vừa có sự tiếp nối về kinh nghiệm, vừa có sự sáng tạo hơn trong hoạt động, họ sẽ kế thừa thành quả và tiếp tục đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh đạt được những thành công mới.
Ông LÝ MINH HÙNG, Giám đốc HTX Thanh Bình (H.Trảng Bom): Nông dân cần chủ động thay đổi
Là HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, chúng tôi cho rằng hiện nay người nông dân phải chủ động thay đổi, từ sản xuất nhỏ lẻ sang hợp tác, liên kết với doanh nghiệp, HTX sản xuất hàng hóa. Từ sản xuất theo kinh nghiệm truyền thống sang ứng dụng khoa học kỹ thuật để tiết kiệm công lao động, chi phí. Làm nông nghiệp là phải liên kết cùng nhau để đi đường dài.
HTX Thanh Bình luôn nỗ lực để liên kết, hợp tác với bà con nông dân nhằm xây dựng nguồn nguyên liệu, cánh đồng mẫu lớn phục vụ cho sản xuất, chế biến các mặt hàng từ cây chuối để xuất khẩu. Chúng tôi đã sản xuất xơ, sợi chuối ngay tại địa phương để tận dụng hết những phụ phẩm từ thân cây chuối nhằm nâng cao thu nhập, tạo thêm việc làm mới cho lao động lớn tuổi ở địa phương và xây dựng làng nghề làm chuối.
Thế nhưng, để đầu tư vào chế biến sâu, tạo ra những sản phẩm mới được thị trường đón nhận thì cần rất nhiều yếu tố, từ vốn, kỹ thuật công nghệ tới chính sách hỗ trợ. Chúng tôi rất mong muốn Nhà nước có cơ chế chính sách phù hợp để nông dân rộng đường vay vốn cũng như đầu tư máy móc cho chế biến, nâng cao giá trị nông sản.
Vương Thế (ghi)