Hệ thống y tế cơ sở trên địa bàn tỉnh đang gặp ít nhiều khó khăn. Trong đó, vấn đề cốt lõi là lương, thu nhập của nhân viên y tế rất thấp, khiến nhiều người xin nghỉ việc, ảnh hưởng đến chất lượng khám, chữa bệnh tại cơ sở...
Hệ thống y tế cơ sở trên địa bàn tỉnh đang gặp ít nhiều khó khăn. Trong đó, vấn đề cốt lõi là lương, thu nhập của nhân viên y tế rất thấp khiến nhiều người xin nghỉ việc, ảnh hưởng đến chất lượng khám, chữa bệnh tại cơ sở.
Nhân viên Trạm y tế xã Thanh Sơn (H.Định Quán) quét thẻ bảo hiểm y tế của bệnh nhân lên hệ thống khi bệnh nhân đến khám bệnh tại trạm. Ảnh: H.DUNG |
Vòng tròn luẩn quẩn thu nhập thấp không thu hút được bác sĩ về trạm y tế, trạm không có bác sĩ nên không thể khám bảo hiểm y tế (BHYT) khiến người dân mất niềm tin, không đến trạm, trạm không phát triển, nhân viên y tế chán nản. Do đó cần sớm có giải pháp để tháo gỡ, không thể kéo dài.
* “Trăm dâu”đổ đầu trạm y tế
BS Nguyễn Văn Tùng, Giám đốc Trung tâm Y tế H.Định Quán cho hay, toàn huyện có 14 trạm y tế xã, thị trấn. Bình quân mỗi trạm y tế có 11 người. Trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, cũng như nhiều địa phương khác, hệ thống y tế cơ sở của H.Định Quán rơi vào tình trạng quá tải trầm trọng do thiếu nhân lực.
Hệ thống y tế cơ sở ở Đồng Nai hiện có 11 trung tâm y tế huyện, thành phố và 170 trạm y tế xã, phường, thị trấn, y tế ấp, khu phố. Trong số 170 trạm y tế có hơn 50 trạm y tế đã xuống cấp trầm trọng cần phải xây sửa gấp trong năm nay. |
BS Nguyễn Thị Đại Na, Trưởng trạm y tế xã Thanh Sơn, H.Định Quán cho biết, trạm có 13 cán bộ, nhân viên, trong đó có 2 bác sĩ, 3 điều dưỡng, 3 y sĩ, 2 nữ hộ sinh, 2 dược sĩ, 1 dân số viên. So với một xã có địa bàn rộng đến 31ha, dân số lên đến 30 ngàn dân như xã Thanh Sơn thì số lượng 13 nhân viên y tế không thể đáp ứng nổi. Do địa bàn rộng, dân cư đông nhưng sống rải rác nên không chỉ riêng công tác phòng, chống dịch Covid-19 mà tất cả các chương trình mục tiêu quốc gia hay các chiến dịch khác như: tẩm mùng bằng hóa chất để phòng bệnh sốt rét, tiêm vaccine cho trẻ em trong chương trình tiêm chủng mở rộng, chương trình dân số - kế hoạch hóa gia đình… nhân viên y tế của trạm y tế đều phải đi xuống từng điểm, ấp trong xã để triển khai thực hiện, không thể triển khai tập trung tại trạm y tế.
“Nhân lực mỏng mà dịch bệnh kéo dài kèm theo nhiều nhiệm vụ khác khiến tất cả anh em nhân viên y tế trong trạm đều đã rất mệt mỏi và đuối sức. Anh em làm việc liên tục không được nghỉ ngơi. Nhiều hôm nhân viên y tế xuống cơ sở làm việc, tiêm vaccine cho người dân, đến khi trở về nhà thì đã tối khuya, trời mưa to, đường sá lầy lội, ai nấy đều ướt như chuột lột. Vậy mà đến sáng ngày hôm sau, không ai được phép nghỉ ngơi, vẫn phải xắn tay tiếp tục làm việc để hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao” - BS Na tâm sự.
BS CKII Lê Quang Trung, Phó giám đốc phụ trách Sở Y tế chia sẻ, ngoài công tác phòng, chống dịch bệnh, các trạm y tế hiện nay còn phải thực hiện nhiều nhiệm vụ khác như: sơ cấp cứu ban đầu, khám chữa bệnh BHYT, thực hiện công tác y tế dự phòng, tham gia các hoạt động của chính quyền địa phương (tham mưu cho Đảng ủy, HĐND, UBND về công tác y tế trên địa bàn, tham gia các hoạt động của các đoàn thể), thực hiện nhiệm vụ chuyên môn do Trung tâm Y tế huyện giao. Ngoài ra, trạm y tế còn tham gia tất cả các chương trình, dự án về dân số y tế, phối hợp thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh, xây dựng nông thôn mới, tham gia họp hành…
* Y, bác sĩ nghỉ việc vì lương thấp
Theo thống kê của Sở Y tế, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 44 bác sĩ đã nghỉ việc, trong đó có nhiều bác sĩ ở tuyến y tế cơ sở.
Điều dưỡng của Trung tâm Y tế H.Vĩnh Cửu chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân điều trị nội trú tại trung tâm |
Giám đốc Trung tâm Y tế H.Trảng Bom Nguyễn Đức Phước cho hay, Trung tâm Y tế huyện hiện có hơn 390 cán bộ, nhân viên y tế, thực hiện song song hai nhiệm vụ dự phòng và điều trị. Ngoài ra trên địa bàn huyện còn có 17 trạm y tế, trung bình 10 cán bộ, nhân viên/trạm y tế.
Với cương vị người đứng đầu Trung tâm Y tế huyện, BS Phước đang rất “đau đầu” vì vấn đề nhân viên y tế nghỉ việc. Năm qua, toàn huyện có 5 bác sĩ nghỉ việc trong khi chỉ tuyển mới được 2 bác sĩ. Không chỉ riêng bác sĩ mà cả điều dưỡng, nhân viên hành chính cũng xin nghỉ việc. Nguyên nhân chủ yếu là do áp lực công việc quá lớn mà thu nhập lại rất thấp. Do thiếu bác sĩ nên một số chuyên khoa của trung tâm không triển khai được hoặc rất khó triển khai. Cụ thể như Khoa Chạy thận nhân tạo trước đây có 4 bác sĩ để xoay tua nhau nhưng đến nay, chỉ còn 2 bác sĩ, rất khó để thực hiện tốt yêu cầu của bệnh nhân và sự phát triển của đơn vị. Bác sĩ thiếu thì không thể cử bác sĩ hiện có đi đào tạo vì đi đào tạo cũng phải mất ít nhất từ 3-6 tháng, thậm chí cả năm, như vậy thì không đủ người làm việc ở trung tâm y tế.
BS LƯU VĂN TƯỜNG, Giám đốc Trung tâm Y tế H.Cẩm Mỹ bày tỏ: “Lương của một bác sĩ học ròng rã 6 năm ra trường chưa được 5 triệu đồng/tháng, không bằng lương của một công nhân. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ thấy bất cập trong cơ chế, chính sách thu hút nguồn nhân lực ngành Y”. |
Do không được đi học, đi đào tạo nên trình độ tay nghề của các bác sĩ không được nâng cao, không thể triển khai các dịch vụ, kỹ thuật cao, kỹ thuật mới khiến người dân không mặn mà đến khám, chữa bệnh. Điều đó dẫn đến trung tâm không có nguồn thu, bác sĩ không có thu nhập tăng thêm, thu nhập thấp, dẫn đến chán nản và xin nghỉ việc.
“Ở các bệnh viện tuyến tỉnh còn có thể triển khai các dịch vụ, có thêm nguồn thu để bù đắp thêm cho anh em, còn ở trung tâm y tế thì không thực hiện được dịch vụ gì, nhân viên không có nguồn thu nhập tăng thêm, chỉ có lương vỏn vẹn vài triệu đồng/tháng. Trong khi đó, vật giá lại leo thang khiến nhiều y, bác sĩ chán nản, không còn động lực phấn đấu. Bản thân tôi muốn làm một điều gì đó để hỗ trợ anh em nhưng cũng lực bất tòng tâm” - BS Phước ngậm ngùi.
Do thu nhập quá thấp nên dẫn đến tình trạng nhiều bác sĩ trẻ khi được tuyển dụng vào đơn vị thì không nhận chế độ thu hút của tỉnh, không muốn ràng buộc với đơn vị. Chờ đến khi làm việc đủ 18 tháng, được cấp chứng chỉ hành nghề thì xin nghỉ việc, ra ngoài làm cho y tế tư nhân hoặc làm việc khác. Các bác sĩ e ngại, nếu cứ kéo dài mãi tình trạng này thì e rằng một thời gian nữa, ngành Y tế sẽ gặp nhiều khó khăn trong triển khai thực hiện nhiệm vụ.
Hạnh Dung
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy NGUYỄN HỒNG LĨNH:
Đánh giá lại chính sách thu hút y, bác sĩ vào cơ sở y tế công lập
Đối với những bác sĩ đã nghỉ việc ở các cơ sở y tế công lập, lãnh đạo các đơn vị cần tính toán để tiếp tục tạo nguồn mới, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn cho bác sĩ mới. Đồng thời phải suy nghĩ, đề xuất chính sách thu hút nhân lực để tạo nên sự phát triển tích cực hơn.
Đề nghị HĐND tỉnh, UBND tỉnh, Sở Y tế cùng ngồi lại để nghiên cứu, xem xét chính sách thu hút thanh niên vào học nghề y, đánh giá xem chính sách thu hút đội ngũ y, bác sĩ, điều dưỡng vào cơ sở y tế công lập đã tốt hay chưa. Nếu chưa tốt thì cần khẩn trương bổ sung, chỉnh sửa cho hợp lý.
Phó chủ tịch UBND tỉnh NGUYỄN SƠN HÙNG:
Nâng cao chất lượng hệ thống y tế cơ sở là việc không thể chậm trễ
Năm 2020, khi UBND tỉnh chuẩn bị trình HĐND tỉnh Nghị quyết về thu hút nhân viên y tế chất lượng cao thì Bộ Tài chính có văn bản yêu cầu ngưng và chờ triển khai lương mới. Tuy nhiên đến nay, đã gần 3 năm trôi qua nhưng cách tính lương mới vẫn chưa thấy thực hiện.
Do vậy, UBND tỉnh đang chỉ đạo Sở Y tế gấp rút tham mưu thực hiện Đề án nâng cao chất lượng hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng, chính sách thu hút, nâng cao thu nhập cho nhân viên y tế. Sau khi thống nhất, UBND tỉnh sẽ trình tại kỳ họp HĐND tỉnh vào cuối năm nay.
BS HỒ VĂN HOÀI, Giám đốc Trung tâm Y tế H.Vĩnh Cửu:
Mong sớm “gỡ” được vòng luẩn quẩn
Bài toán về nhân lực ngành Y tế nhiều năm qua ở H.Vĩnh Cửu hiện vẫn chưa giải được. Trong mùa dịch vừa qua, huyện lại có 6 bác sĩ nghỉ việc gồm 2 bác sĩ ở trạm y tế và 4 bác sĩ ở Trung tâm Y tế. Toàn hệ thống y tế cơ sở của huyện chỉ còn 56 bác sĩ, trong đó có 6 bác sĩ đã về hưu được hợp đồng làm việc.
Chúng tôi mong rằng vòng luẩn quẩn này sớm được tháo gỡ bằng việc Nhà nước sớm ban hành cơ chế, chính sách, chế độ để nâng cao thu nhập, đời sống của nhân viên y tế, giúp nhân viên y tế an tâm làm việc, gắn bó lâu dài với đơn vị.
Bảo Lộc (ghi)