Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, truyền thống văn hóa lịch sử cũng là một nguồn lực, đầu tư cho giáo dục, văn hóa, lịch sử là đầu tư cho sự phát triển...
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, truyền thống văn hóa lịch sử cũng là một nguồn lực, đầu tư cho giáo dục, văn hóa, lịch sử là đầu tư cho sự phát triển.
Học sinh Trường trung cấp Kinh tế kỹ thuật số 2 trong giờ ôn thi tốt nghiệp môn Lịch sử THPT năm 2022. Ảnh: N.HÀ |
Trước những luồng dư luận khác nhau về việc môn Lịch sử ở bậc THPT là môn tự chọn thay vì bắt buộc, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan sau khi tiếp thu ý kiến, có giải pháp kịp thời, vừa đảm bảo chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; vừa phù hợp thực tiễn, đáp ứng mong muốn của người dân, chuyên gia. Thủ tướng cũng yêu cầu cần nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập môn Lịch sử hơn nữa.
* Giúp học sinh không chán học lịch sử
Đây là quyết định được đông đảo nhân dân, nhất là các giáo viên dạy lịch sử và những người quan tâm, yêu thích lịch sử rất vui mừng. Làm thế nào để môn Lịch sử hấp dẫn, để học sinh yêu thích, tham gia tích cực trong các hoạt động học tập, nghiên cứu lịch sử không chỉ là trăn trở của đội ngũ giáo viên dạy sử.
Nguyên Chủ tịch nước TRẦN ĐỨC LƯƠNG từng khẳng định: “Lịch sử là nền tảng vững chắc của truyền thống yêu nước và là điểm tựa cho lòng tin vào sức mạnh của dân tộc. Không phải ngẫu nhiên mà hành trang ra trận của những người lính kháng chiến chống Mỹ cứu nước năm xưa ngoài súng, đạn còn có cuốn lịch sử đã trở thành biểu tượng của một đất nước đã huy động cả mấy nghìn năm vào sự nghiệp chống ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc…”. |
PGS-TS Đào Tuấn Thành, Trưởng khoa Lịch sử, Trường đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, trước hết phải coi lịch sử là môn khoa học. Với tư cách là môn khoa học, thực sự sẽ làm thay đổi nhận thức của xã hội và mới để môn Lịch sử về đúng vị thế vốn có của nó.
Cũng theo PGS-TS Đào Tuấn Thành, trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc ta đã viết nên những trang sử hào hùng. Nhưng cũng trên chặng đường dài hàng chục thế kỷ ấy, chúng ta từng nếm trải biết bao nỗi đắng cay, gian truân. Lịch sử không chỉ là những điều đã qua mà còn là thầy dạy cho chúng ta hiểu hiện tại và giúp dự báo tương lai.
“Nếu giáo viên dạy lịch sử có phông kiến thức tốt, lại chịu khó nghiên cứu, tìm hiểu, cập nhật, trang bị thường xuyên những kiến thức xung quanh các sự kiện, các bài học lịch sử từ Việt Nam đến thế giới gắn với các sự kiện thời sự để truyền đạt cho học sinh, chắc chắn môn Lịch sử rất hấp dẫn, thu hút học sinh. Bên cạnh đó, giáo viên dạy sử giỏi ứng dụng công nghệ thông tin, liên hệ thực tế, biết rút ra những bài học, quy luật lịch sử từ xa xưa tới hiện tại, liên hệ, tìm ra những câu chuyện hấp dẫn chắc chắn học sinh sẽ không chán môn Lịch sử” - PGS-TS Đào Tuấn Thành nhấn mạnh.
Cô Nguyễn Thị Mai, giáo viên Trường trung cấp nghề Kinh tế kỹ thuật số 2 (TP.Biên Hòa) cho biết, điều quan trọng khi dạy sử, giáo viên không nên chỉ phụ thuộc vào sách giáo khoa hoặc cách dạy đọc - chép, rồi yêu cầu học sinh học thuộc lòng như trước mà nên đưa ra những ví dụ cụ thể, sinh động. Như cô luôn tận dụng vị thế của trường đóng trên địa bàn TP.Biên Hòa, nơi có nhiều sự kiện lịch sử như: Di tích Nhà Xanh - nơi diệt 2 cố vấn Mỹ đầu tiên ở miền Nam vào tháng 7-1959; Di tích Nhà lao Tân Hiệp, nơi diễn ra cuộc phá khám nổi tiếng vào ngày 2-12-1956; sân bay Biên Hòa với chiến thắng vang dội vào ngày 31-10-1964… để đưa vào từng bài học, nhằm thu hút học sinh, giúp các em tự hào về mảnh đất mà mình đang sống.
* Đồng bộ nhiều giải pháp
PGS-TS Đào Tuấn Thành cho hay, sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy: “Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Điều này cho thấy, Lịch sử là môn học vô cùng quan trọng trong việc hình thành nhân cách, tư tưởng và tinh thần của mỗi người.
PGS-TS Đào Tuấn Thành bày tỏ: “Xuyên suốt chiều dài của lịch sử dân tộc và trải hàng ngàn năm văn hiến, lịch sử cội nguồn, văn hóa dân tộc luôn được coi là sức mạnh nền tảng trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong quá trình dựng nước và giữ nước. Chính điều đó đã giúp một đất nước có vị thế “địa chính trị” như Việt Nam đã chiến thắng nhiều thế lực hùng mạnh hơn chúng ta”.
Do đó, giáo viên lịch sử cần có phông kiến thức tốt, được đào tạo bài bản; khi giảng dạy luôn coi học sinh “là trung tâm”, rèn khả năng phản biện, lập luận cho các em. Đồng thời, giáo viên không áp đặt, không nên bắt các em học thuộc lòng mà chỉ nên đóng vai trò định hướng, khơi gợi để các em cùng tham gia quá trình học tập với tâm thế chủ động, tự giác, chắc chắn hiệu quả sẽ cao hơn. Bên cạnh đó, phải thay đổi cả cách kiểm tra, đánh giá theo hướng tư duy, không kiểm tra kiểu học thuộc lòng…
Theo trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn, nguyên Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, để học sinh hiểu bản chất các sự kiện lịch sử và muốn có những bài giảng lịch sử ở trường hấp dẫn, ngoài yếu tố thầy cô giáo đóng vai trò quyết định, cần thêm nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, phải đổi mới nội dung, phương pháp dạy lịch sử, không phải đi theo bố cục từng ngày, tháng, năm mà nên hướng đến việc các em nắm sự kiện, ý nghĩa và càng học lên, các em càng hiểu đầy đủ bản chất sự kiện. Về phương pháp, giáo viên phải là những người “truyền lửa” cho học sinh; nghĩa là chính giáo viên phải thực sự say mê sử mới có phương pháp truyền đạt tốt và mới thu hút học sinh. Một điểm nữa phải nói là sự quan tâm coi trọng môn Lịch sử để đặt đúng vị trí, đầu tư đúng thì sẽ có hiệu quả.
Cô giáo Nguyễn Thị Mai cho rằng, cùng với đổi mới nội dung, phương pháp, cách giảng dạy của giáo viên Lịch sử, việc kết hợp giữa giới thiệu di tích lịch sử, gặp gỡ, giao lưu nhân chứng, thăm quan viện bảo tàng hoặc những vùng chiến khu… cũng sẽ là giải pháp tăng hiệu quả giảng dạy và học tập môn Lịch sử.
Nguyệt Hà - Minh Ngọc
Cô DƯƠNG HỒNG NGA, giáo viên dạy lịch sử Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh:
Giúp học sinh tôn trọng lịch sử
Theo tôi, nếu giáo viên lịch sử có kiến thức tốt, chịu khó nghiên cứu, sưu tầm tài liệu, các bài học lịch sử luôn thu hút học sinh. Chẳng hạn khi dạy lịch sử Việt Nam cận, hiện đại, nhất là cuộc đời hoạt động của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh hoặc các nhân vật lịch sử tầm cỡ như đại tướng Võ Nguyễn Giáp, giáo viên chịu khó sưu tầm tài liệu thì đảm bảo không bao giờ học sinh bỏ hay chán môn Lịch sử.
Bên cạnh đó, khi giảng dạy Lịch sử, giáo viên cần giúp học sinh thấy rõ những bài học, những giá trị của quá khứ tiếp tục đóng góp cho hiện tại và tương lai; giúp các em thấy được ẩn sau lớp bụi phủ của thời gian là lấp lánh những giá trị vô giá của lịch sử. Từ đó, các em biết tôn trọng lịch sử và ứng xử văn minh với quá khứ.
Chiến sĩ TRẦN DANH THỊNH, Trung tâm Huấn luyện Vùng 2 Hải quân:
Yêu lịch sử nên tình nguyện nhập ngũ
Tôi còn nhớ vào đầu năm học lớp 12, tôi được một cô giáo tên Lan dạy lịch sử rất thú vị. Nhiều bài học lịch sử của cô dù là tiết 4-5 nhưng tôi cảm thấy trôi đi rất nhanh và luôn để lại trong tôi và các bạn sự nuối tiếc, mong nhanh chóng đến giờ của cô tuần tới.
Bài tôi đặc biệt ấn tượng khi cô giảng về sự kiện Hải quân nhân dân Việt Nam ra quân trận đầu thắng lợi vào ngày 2 và 5-8-1964 trong sự kiện Vịnh Bắc bộ - cái cớ đế quốc Mỹ đưa quân đánh phá miền Bắc lần thứ nhất.
Đặc biệt, khi cô giới thiệu về những hình ảnh của đoàn tàu không số đường Hồ Chí Minh trên biển cũng như những chiến công vang dội của Quân đội nhân dân Việt Nam và Hải quân Việt Nam, tôi đã quyết tâm phải nhập ngũ để được góp sức nhỏ bé xây dựng quân đội, xây dựng lực lượng hải quân.
Nguyệt Trinh (ghi)