Báo Đồng Nai điện tử
En

Dịch sốt xuất huyết đang lan rộng

02:06, 03/06/2022

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận hơn 3,5 ngàn ca bệnh sốt xuất huyết (SXH) phải nhập viện điều trị (chưa tính số bệnh nhân điều trị tại nhà). Trong đó, gần 70% bệnh nhân từ 15 tuổi trở xuống, tăng 26,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận hơn 3,5 ngàn ca bệnh sốt xuất huyết (SXH) phải nhập viện điều trị (chưa tính số bệnh nhân điều trị tại nhà). Trong đó, gần 70% bệnh nhân từ 15 tuổi trở xuống, tăng 26,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Quyền, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, khám bệnh cho một bệnh nhi bị sốc sốt xuất huyết
Bác sĩ Nguyễn Thanh Quyền, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, khám bệnh cho một bệnh nhi bị sốc sốt xuất huyết. Ảnh: H.DUNG

BS Phan Văn Phúc, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, nhận định Đồng Nai đang bùng phát dịch bệnh SXH. Trong đó, các địa phương đang có dịch là: TP.Biên Hòa, TP.Long Khánh, các huyện: Định Quán, Long Thành, Tân Phú, Vĩnh Cửu, Xuân Lộc.

* Cẩn trọng khi mắc SXH kèm bệnh nền

ThS-BS Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, cho biết các khoa của bệnh viện đang điều trị cho gần 100 bệnh nhân bị SXH tuổi từ 4-15, trong đó có gần 30 bệnh nhi bị SXH nặng, rơi vào trạng thái sốc, phải điều trị hồi sức tích cực.

Tại buổi làm việc với Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai về công tác điều trị bệnh SXH mới đây, BS CKII NGUYỄN THANH PHONG, Trưởng khoa Nhiễm D, Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM, đề nghị bệnh viện cần chuẩn bị đầy đủ các điều kiện từ nhân lực, trang thiết bị, máy móc, thuốc men để đáp ứng với các tình huống của dịch bệnh. Đồng thời, lưu ý tập huấn kiến thức cho điều dưỡng, bác sĩ để nhận biết diễn biến bệnh của bệnh nhân, chuyển viện an toàn, hạn chế tối đa số ca tử vong do sốt xuất huyết.

Mới đây, bệnh viện tiếp nhận bệnh nhi Đ.T.T.T. (8 tuổi, ngụ TT.Tân Phú, H.Tân Phú). Bệnh nhi bị sốt ở nhà vài ngày trước đó, sau đó hết sốt nhưng bị chảy máu răng, xuất hiện các chấm xuất huyết ở 2 tay, tiếp tục sốt cao nên người nhà đưa đi bệnh viện điều trị. Qua thăm khám, làm các xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị SXH dengue, kèm theo bệnh nền tan máu bẩm sinh. Điều này khiến huyết sắc tố trong cơ thể bệnh nhi bị suy giảm, làm cho tình trạng tan máu nặng nề hơn, tay chân bệnh nhi bị nổi đỏ hơn bình thường. Các y, bác sĩ phải liên tục theo dõi, chăm sóc, thay máu và các chế phẩm của máu cho bệnh nhi để bé không bị chảy máu thêm, kèm theo dõi huyết áp kỹ càng.

Đang chăm sóc con bị sốc SXH tại Khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, chị Phan Thị Tường Vân (ngụ xã Bình Sơn, H.Long Thành) cho hay, con gái chị 9 tuổi, đang học lớp 3. Cách đây ít ngày, bé sốt cao, được gia đình đưa đến Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Thành để điều trị. Tuy nhiên, bệnh tình của bé diễn tiến nặng nên được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, được chẩn đoán sốc SXH, được cho thở oxy.

ThS-BS Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết, theo chu kỳ của dịch bệnh SXH, năm nay dự báo dịch bệnh này sẽ bùng phát mạnh. Ở trẻ em, lứa tuổi thường mắc bệnh nhất là từ 4-15, lứa tuổi thường bị bệnh nặng từ 8-9 tuổi. Tuy nhiên, bất kỳ lứa tuổi nào cũng có nguy cơ bị bệnh nặng, đặc biệt với những trường hợp có bệnh nền kèm theo như: bệnh tim, tan máu bẩm sinh, đặc biệt là béo phì. Với những trường hợp này, các y, bác sĩ phải thường xuyên theo dõi diễn tiến của bệnh nhân, thường xuyên phải đo huyết áp, xét nghiệm máu… để tránh nguy cơ bệnh diễn biến xấu hơn.

Không riêng ở trẻ em có nguy cơ bệnh SXH diễn tiến nặng, ngay cả ở người lớn, bệnh cũng có thể bị nặng nếu phát hiện bệnh trễ, điều trị không kịp thời, bệnh nhân có kèm theo các bệnh nền.

* Chuẩn bị cho các tình huống có thể xảy ra

BS Đinh Cao Minh, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, chia sẻ trước đây, Khoa Nhiễm của bệnh viện được sử dụng để điều trị cho bệnh nhân Covid-19, những bệnh nhân mắc SXH được chuyển qua điều trị tại Bệnh viện Đồng Nai 2. Hiện nay, tại khoa này không còn bệnh nhân Covid-19 nào nên được chuyển đổi, trở về trạng thái ban đầu là điều trị bệnh nhân mắc các bệnh truyền nhiễm, trong đó có SXH.

Nhiều phụ huynh phải nghỉ việc để chăm sóc con bị bệnh sốt xuất huyết nặng. (Ảnh: H.Dung).
Nhiều phụ huynh phải nghỉ việc để chăm sóc con bị bệnh sốt xuất huyết nặng. (Ảnh: H.Dung).

Thời gian qua, trung bình mỗi tuần Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai tiếp nhận và điều trị nội trú cho 50 bệnh nhân mắc SXH, hầu như ngày nào cũng có người nhập viện để điều trị bệnh này. Để đề phòng trường hợp có nhiều bệnh nhân bị sốc SXH, số giường hồi sức tại Khoa Nhiễm và số giường hồi sức trống tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc luôn trong tư thế sẵn sàng. Khi có nhiều bệnh nhân sốc SXH, 2 khoa này sẽ hỗ trợ nhau trong công tác hội chẩn và điều trị. Về dịch cao phân tử, mặc dù thực tế cho thấy ở người lớn ít phải sử dụng dịch cao phân tử như trẻ em nhưng bệnh viện cũng sẽ chủ động để chuẩn bị.

Mặc dù vậy, điều mà Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai đang lo lắng hiện nay là nhân lực phục vụ công tác chăm sóc, điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết.

BS Đồng Minh Hùng, Trưởng khoa Nhiễm Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, nói Khoa hiện chỉ có 5 bác sĩ có kinh nghiệm điều trị bệnh SXH, còn 3 bác sĩ mới về chưa có kinh nghiệm cũng như chưa có chứng chỉ hành nghề. Ngoài điều trị bệnh tại Khoa, các bác sĩ còn phải ngồi tại phòng khám để khám bệnh cho bệnh nhân. Nhân lực điều dưỡng hiện có 12 người. Số nhân lực ít nên BS Hùng lo ngại, nếu số ca bệnh SXH nhập viện tăng cao, Khoa sẽ gặp khó khăn.

Còn ThS-BS Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, cho hay Khoa hiện có 28 giường bệnh nhưng mỗi ngày phải tiếp nhận và điều trị cho từ 38-40 bệnh nhân. Vì thế, Khoa bắt đầu rơi vào tình trạng quá tải. Điều này cũng diễn ra tương tự tại Khoa Bệnh nhiệt đới. Nguồn nhân lực cũng có nguy cơ thiếu hụt nếu số ca bệnh tiếp tục tăng cao. Tuy nhiên, bệnh viện đã chuẩn bị đầy đủ dịch cao phân tử, thuốc men và các loại máy móc liên quan để đáp ứng công tác điều trị cho bệnh nhân.

Hạnh Dung


ThS-BS NGUYỄN TRỌNG NGHĨA, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai:

Phụ huynh nên theo dõi sát diễn biến sức khỏe của trẻ

Phụ huynh cần theo dõi sát tình hình sức khỏe của trẻ để sớm phát hiện những thay đổi của trẻ, đưa trẻ đi khám và điều trị kịp thời, tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra, đồng thời tránh quá tải cho bệnh viện tuyến trên.

Vừa qua, bệnh viện cũng đã tổ chức tập huấn công tác chăm sóc, điều trị bệnh SXH cho các bác sĩ, điều dưỡng của các bệnh viện tuyến huyện và toàn thể bệnh viện. Trong đó lưu ý vấn đề thu dung, chăm sóc, điều trị, chuyển viện đảm bảo an toàn cho bệnh nhân.

BS CKII NGUYỄN THANH PHONG, Trưởng khoa Nhiễm D, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM:

Chia sẻ kinh nghiệm điều trị bệnh SXH

Các bệnh viện nên lập nhóm (Zalo, Viber…) bác sĩ chuyên điều trị SXH để khi có thông tin về bệnh nhân thì đưa lên nhóm. Như vậy, các bác sĩ có kinh nghiệm có thể hội chẩn, hỗ trợ cho các bác sĩ trẻ thông qua nhóm này. Ngoài nhóm nội viện, các bệnh viện cũng nên lập nhóm ngoại viện để kết nối giữa các bệnh viện tuyến huyện và tuyến tỉnh với nhau. Trong trường hợp có các ca nặng, phức tạp thì chia sẻ lên để các bác sĩ cùng chia sẻ, rút kinh nghiệm trong điều trị.

Các nhóm này sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho công tác chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân. Để làm được điều này, Sở Y tế cần có văn bản để hướng dẫn cho các bệnh viện trong tỉnh thực hiện.       

An Yên - Tường Vi (ghi)


 

Tin xem nhiều