Báo Đồng Nai điện tử
En

Dự án đưa vào danh mục thu hồi đất: Phải đảm bảo đầy đủ các điều kiện

03:06, 27/06/2022

Nhiều dự án được đề xuất đưa vào danh mục có thu hồi đất khi chưa đáp ứng đủ các điều kiện về quy hoạch, nguồn vốn…, khiến quá trình thực hiện bị chậm, kéo dài hoặc không thể thực hiện...

Nhiều dự án được đề xuất đưa vào danh mục có thu hồi đất khi chưa đáp ứng đủ các điều kiện về quy hoạch, nguồn vốn… khiến quá trình thực hiện bị chậm, kéo dài hoặc không thể thực hiện phải hủy bỏ đã ảnh hưởng lớn đến hiệu quả sử dụng đất và cuộc sống của người dân.

Đoàn giám sát HĐND tỉnh giám sát dự án có thu hồi đất để làm đường giao thông tại H.Long Thành, Ảnh: Hương Giang
Đoàn giám sát HĐND tỉnh giám sát dự án có thu hồi đất để làm đường giao thông tại H.Long Thành. Ảnh: Hương Giang

* Gần 50% số dự án phải hủy bỏ

Mới đây, tại buổi giám sát của HĐND tỉnh đối với UBND tỉnh về kết quả triển khai thực hiện các dự án có thu hồi đất trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh cho biết, trong giai đoạn từ ngày 1-1-2015 đến 31-12-2021, có 2.210 dự án với tổng diện tích đất hơn 16 ngàn ha đã được HĐND tỉnh thông qua danh mục các dự án cần thu hồi đất.

Báo cáo kết quả giám sát của đoàn giám sát HĐND tỉnh cũng chỉ rõ: Có trường hợp dự án chưa đủ điều kiện về vốn nhưng vẫn còn nể nang để bổ sung vào danh mục thu hồi đất trình HĐND tỉnh dẫn đến không đảm bảo tính khả thi, không thực hiện được.

Đến nay, trong tổng số các dự án đã được thông qua danh mục các dự án cần thu hồi đất, có 612 dự án với diện tích đất cần thu hồi hơn 1,5 ngàn ha đã thực hiện xong. Trong khi đó, ở chiều ngược lại, trên cơ sở đề nghị của UBND cấp huyện và Sở TN-MT, UBND tỉnh đã báo cáo HĐND tỉnh thông qua danh mục hủy 995 dự án với tổng diện tích đất cần thu hồi hơn 7 ngàn ha. Đây là các dự án mà sau 3 năm chưa có quyết định thu hồi đất, chưa được giao đất, cho thuê đất theo quy định.

Giám đốc Sở TN-MT Đặng Minh Đức thừa nhận, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với các dự án có thực hiện thu hồi đất trên địa bàn tỉnh còn chậm, nhất là các dự án thực hiện trong giai đoạn thay đổi cơ chế, chính sách. Một số dự án lớn thực hiện kéo dài nhiều năm nhưng chưa hoàn thành, vừa ảnh hưởng đến tiến độ của dự án đầu tư, ảnh hưởng đến đời sống của người dân, vừa tác động không tốt đến an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Trong khi đó, Phó chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Thị Bích Hằng cho rằng, với 995 dự án, tương đương với gần 50% tổng số dự án phải hủy bỏ, đưa ra khỏi danh mục dự án cần thu hồi đất đã được thông qua chứng tỏ việc trình các dự án này của các cơ quan liên quan là không khả thi.

Báo cáo kết quả giám sát của đoàn giám sát HĐND tỉnh cũng cho thấy, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng các dự án đã được thông qua danh mục có thu hồi đất nhưng chậm triển khai, kéo dài hoặc không triển khai phải hủy bỏ là do quá trình lập danh mục các dự án, UBND các địa phương chưa bám sát các quy định, điều kiện thu hồi đất. Cụ thể như: sự phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, bố trí nguồn vốn giải phóng mặt bằng trong năm kế hoạch để triển khai thực hiện dự án; công tác chỉ đạo của các cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước về đất đai trong việc rà soát đối chiếu kỹ từng dự án trước khi tổng hợp danh mục tham mưu trình UBND tỉnh trình HĐND tỉnh còn chưa chặt chẽ… khiến cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án đạt thấp.

“Đặc biệt là trong 3 năm từ 2015-2018, số lượng dự án phải hủy bỏ, đưa ra khỏi danh mục các dự án có thu hồi đất trên địa bàn tỉnh là rất cao” - Trưởng ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh Nguyễn Kim Phước cho biết.

* Đánh giá trách nhiệm địa phương đề xuất nhiều dự án nhưng “làm ít”

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi, trong giai đoạn từ năm 2015-2021, số lượng dự án phải hủy bỏ, đưa ra khỏi danh mục dự án có thu hồi đất đã được HĐND tỉnh thông qua trên địa bàn tỉnh là khá nhiều. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như: giá đất trên địa bàn tỉnh tăng nhanh, nguồn lực thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng còn hạn chế, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 cũng như việc các địa phương đề xuất các dự án để đưa vào danh mục có thu hồi đất khi chưa đủ điều kiện.

Đoàn giám sát của HĐND tỉnh giám sát dự án phải thu hồi đất tại Nhơn Trạch. Ảnh:Hương Giang
Đoàn giám sát của HĐND tỉnh giám sát dự án phải thu hồi đất tại H.Nhơn Trạch. Ảnh:Hương Giang

Từ thực tế trên, một trong những kiến nghị chủ yếu mà đoàn giám sát của HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh và Sở TN-MT thực hiện trong thời gian tới là cần tổ chức thực hiện, tổng hợp danh mục các dự án có thu hồi đất thuộc thẩm quyền trình HĐND tỉnh phải đảm bảo đầy đủ các điều kiện theo quy định. Chấn chỉnh kịp thời việc các địa phương đề xuất các dự án đưa vào danh mục thu hồi đất khi chưa đủ điều kiện về quy hoạch sử dụng đất, chủ trương đầu tư, bố trí nguồn vốn để tái định cư nhằm hạn chế các dự án chậm triển khai, kéo dài qua nhiều năm phải hủy bỏ.

Phát biểu tại buổi giám sát của đoàn giám sát HĐND tỉnh đối với UBND tỉnh về kết quả triển khai thực hiện các dự án có thu hồi đất trên địa bàn tỉnh vào ngày 17-6 vừa qua, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bảo cho rằng, thời gian qua, UBND tỉnh và các địa phương đã có sự chủ động trong rà soát để trình cấp có thẩm quyền thông qua danh mục các dự án thu hồi đất. Từ đó, góp phần phát triển kinh tế - xã hội các địa phương và của tỉnh.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện cũng còn nhiều hạn chế, thiếu sót. Chính vì vậy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bảo đề nghị UBND tỉnh có đánh giá công vụ hàng năm đối với lĩnh vực này. Những địa phương nào đề nghị danh mục thu hồi đất nhiều nhưng không làm được, tỷ lệ thấp thì đánh giá trách nhiệm. Đồng thời, UBND tỉnh cũng cần nghiên cứu tham mưu Ban TVTU có một nghị quyết chuyên đề về xử lý các dự án có thu hồi đất chậm thực hiện, kéo dài.

Phạm Tùng


Phó chủ tịch HĐND tỉnh HOÀNG THỊ BÍCH HẰNG:

Số dự án đã thực hiện còn ít

Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án là rất khó khăn và còn nhiều tồn tại nhiều hạn chế. Qua giám sát, có đến gần 50% số dự án phải trình HĐND tỉnh đưa ra khỏi danh mục trước đây đã trình. Như vậy chứng tỏ rằng việc trình các dự án này là không khả thi.

Quá trình sau khi HĐND tỉnh đã thông qua nghị quyết và UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo các địa phương triển khai thực hiện thì cũng chậm. Hiện nay, còn rất nhiều dự án chưa triển khai thực hiện, trong khi số dự án đã thực hiện còn ít, chỉ chiếm 27% trong tổng số các dự án. Địa phương thực hiện hoàn thành nhiều nhất là H.Cẩm Mỹ với 52 dự cũng chưa đạt được 50% tổng số các dự án.

Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh TẠ QUANG TRƯỜNG:

Quản lý tốt quỹ đất công để thực hiện các dự án phục vụ công cộng

Trên cơ sở đi giám sát thực tế tại một số địa phương như H.Trảng Bom, H.Cẩm Mỹ thì có rất nhiều công trình rất nhỏ như nhà văn hóa, trạm y tế, các công trình phục vụ cho cộng đồng được đưa vào danh mục thu hồi đất. Sau đó, khi triển khai dự án thì quay trở lại sử dụng đất công để thực hiện và hủy danh mục dự án cần thu hồi đất trong nghị quyết của HĐND tỉnh.

Số lượng này qua giám sát là không nhỏ. Như vậy, vấn đề đặt ra là nếu ngay từ đầu các cơ quan chức năng quản lý tốt quỹ đất công, có sẵn nguồn đất công để thực hiện các dự án xây dựng các công trình phục vụ mục đích công cộng thì sẽ tốt hơn.

Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh NGÔ THẾ ÂN:

Chậm thu hồi đất là một vấn đề nhức nhối

Ở góc độ là một đơn vị thực hiện các dự án đầu tư công thì khi được duyệt, các dự án đầu tư công cần quỹ đất sạch để triển khai thực hiện. Tuy nhiên, trong mấy năm vừa qua, tình trạng thu hồi đất chậm là một vấn đề nhức nhối.

Đây là một vấn đề nan giải, dù các cơ quan chức năng đã đưa ra nhiều giải pháp đẩy nhanh tiến độ thu hồi đất, thế nhưng trên thực tế vẫn còn gặp rất nhiều vướng mắc.

Quỳnh Nhi (ghi)


 

Tin xem nhiều