Báo Đồng Nai điện tử
En

Giải pháp nào cho hàng trăm dự án chậm tiến độ?

08:06, 02/06/2022

Từ năm 2015 đến nay, tỉnh Đồng Nai có gần 1 ngàn dự án trên các lĩnh vực bị chậm tiến độ do vướng mắc trong quy hoạch, bồi thường, hồ sơ thủ tục, gây ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương...

Từ năm 2015 đến nay, Đồng Nai có gần 1 ngàn dự án trên các lĩnh vực bị chậm tiến độ do vướng mắc trong quy hoạch, bồi thường, hồ sơ thủ tục, gây ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.

HĐND tỉnh giám sát dự án chậm triển khai tại H.Định Quán. Ảnh: Hương Giang
HĐND tỉnh giám sát dự án chậm triển khai tại H.Định Quán. Ảnh: Hương Giang

Năm 2022, Đồng Nai đưa vào kế hoạch sử dụng đất 1.520 dự án để triển khai thực hiện. Trong đó, đa số thuộc lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật, khu dân cư, thương mại, dịch vụ. 

* Nhiều khâu bị nghẽn

Thực tế, tại các địa phương hiện có không ít dự án kéo dài hơn 10 năm vẫn chưa hoàn thành vì bị nghẽn ở nhiều khâu: quy hoạch, hồ sơ, đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng… Sự trì trệ làm cho cả doanh nghiệp (DN) lẫn địa phương đều không khai thác được tiềm năng, lợi thế.

Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tổng công ty Tín Nghĩa Đặng Thị Thanh Hà cho biết: “Chúng tôi đang triển khai gần 10 dự án lớn tại Đồng Nai, nhưng do vướng hồ sơ thủ tục liên quan đến quy hoạch, đất đai, bồi thường nên bị chậm tiến độ. Dự án kéo dài, hàng ngàn tỷ đồng vốn của DN nằm lại trong các dự án ảnh hưởng đến kết quả sản xuất, kinh doanh. Do đó, DN rất mong được hỗ trợ giải quyết nhanh các vướng mắc để có thể hoàn thành đưa vào khai thác”.

Trong giai đoạn 2015-2021, Đồng Nai có gần 2,3 ngàn dự án đã được HĐND tỉnh thông qua với tổng diện tích khoảng 16,5 ngàn ha. Quá trình triển khai dự án tại các huyện, thành phố gặp một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến những quy định của Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Kinh doanh bất động sản và nhiều luật khác, dẫn đến nhiều dự án bị kéo dài nhiều năm chưa hoàn thành.

* Cần nhanh chóng tháo gỡ

Mỗi năm, Đồng Nai có hàng trăm dự án quá thời hạn, không thể triển khai thu hồi đất nên phải tiến hành hủy bỏ theo quy định của pháp luật.

Giai đoạn 2015-2021, tỷ lệ công trình, dự án hoàn thành theo đúng kế hoạch tại các huyện, TP.Biên Hòa và TP.Long Khánh chưa cao, dù có được cải thiện song chưa đáp ứng yêu cầu thực tế.

Số dự án HĐND tỉnh đã thông qua trong giai đoạn 2015-2021 và số dự án đưa vào kế hoạch sử dụng đất năm 2022    (Thông tin: Hương Giang - Đồ họa: Hải Quân)
Số dự án HĐND tỉnh đã thông qua trong giai đoạn 2015-2021 và số dự án đưa vào kế hoạch sử dụng đất năm 2022. (Thông tin: Hương Giang - Đồ họa: Hải Quân)

Để gỡ khó cho chủ đầu tư, Sở TN-MT đã có báo cáo, kiến nghị UBND tỉnh, Bộ TN-MT để đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản trong Luật Đất đai năm 2013.

Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Huỳnh Tấn Lộc cho biết: “Đa số dự án tại TP.Biên Hòa phải thu hồi đất, trong đó có nhiều trường hợp giải tỏa trắng và phải bố trí tái định cư. Nhưng tái định cư của thành phố thời gian qua chưa kịp thời, nhiều chỗ là do phải “tái định cư cho tái định cư”.

Cũng theo ông Lộc, TP.Biên Hòa đã đưa ra giải pháp là đẩy nhanh tiến độ các khu tái định cư và đề nghị Sở TN-MT và các sở, ngành liên quan hướng dẫn giải quyết những vướng mắc liên quan đến quy hoạch, đất đai, xây dựng.

Phó giám đốc Sở KH-ĐT Võ Hoàng Phương cho rằng, các huyện, thành phố phải rà soát kỹ từng dự án và lựa chọn những dự án khả thi đưa vào danh mục thu hồi đất để có thể triển khai đúng tiến độ.

Bên cạnh đó, việc chọn lựa các DN đủ năng lực để cấp phép đầu tư dự án cũng là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy dự án triển khai nhanh, đúng tiến độ, giảm bớt được tình trạng DN thiếu tiền chi trả cho dân.    

“Nhiều dự án trên địa bàn Đồng Nai chậm triển khai do vướng mắc ở Luật Đất đai và hơn 20 luật khác, dẫn đến quá trình thực hiện các hồ sơ, thủ tục bị nghẽn ở một số khâu. Khung giá đất hiện không còn phù hợp cũng gây cản trở lớn cho các chủ đầu tư. Nhiều địa phương còn gặp khó khăn vì chưa bố trí đủ nguồn vốn xây dựng trước các khu tái định cư” - Giám đốc Sở TN-MT ĐẶNG MINH ĐỨC nhận xét.

Một số dự án còn bị nghẽn do chủ đầu tư chậm chuyển tiền bồi thường cho những hộ gia đình, cá nhân, tổ chức bị thu hồi đất. DN không đủ khả năng triển khai dự án hoặc DN chậm liên hệ với địa phương để bổ sung hồ sơ, thủ tục khi có những thay đổi mới liên quan đến dự án…

Hương Giang

Tin xem nhiều