Báo Đồng Nai điện tử
En

Phát triển đô thị bền vững

03:06, 10/06/2022

Ngày 24-1-2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 06 về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là lần đầu tiên một nghị quyết chuyên đề về phát triển đô thị được Bộ Chính trị ban hành...

Ngày 24-1-2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết số 06).

Đồ họa thể hiện xếp loại các đô thị trên địa bàn tỉnh hiện nay. (Thông tin: Phạm Tùng - Đồ họa: Hải Hà)
Đồ họa thể hiện xếp loại các đô thị trên địa bàn tỉnh hiện nay. (Thông tin: Phạm Tùng - Đồ họa: Hải Hà)

Đây là lần đầu tiên một nghị quyết chuyên đề về phát triển đô thị được Bộ Chính trị ban hành để thực hiện mục tiêu đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng đô thị hóa, phát triển đô thị bền vững.

* Tạo động lực phát triển đô thị

Theo Nghị quyết 116 ngày 11-7-2014 của HĐND tỉnh về chương trình phát triển đô thị tỉnh Đồng Nai giai đoạn đến năm 2020 và giai đoạn 2021-2030, đến năm 2020, tỉnh sẽ có 11 đô thị. Sau hơn 7 năm thực hiện, theo Sở Xây dựng, trên địa bàn tỉnh đã có 11 đô thị, trong đó có 1 đô thị loại I là TP.Biên Hòa. So với mục tiêu nghị quyết, Đồng Nai đã hoàn thành mục tiêu về phát triển số lượng đô thị. Tuy nhiên, về chất lượng phát triển đô thị vẫn còn rất nhiều hạn chế.

“Trong một thời gian ngắn chúng ta có thể xây dựng được một thành phố với cơ sở vật chất rất hiện đại nhưng để làm chuyển biến tư duy, nhận thức của con người vốn quen sống ở nông thôn phù hợp với lối sống đô thị là quá trình lâu dài. Vì thế, phải kết hợp, tổng hợp nhiều giải pháp” - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư VÕ VĂN THƯỞNG nhấn mạnh.

TP.Biên Hòa là đô thị trung tâm của tỉnh và đã được công nhận là đô thị loại I từ năm 2016, nhưng đến nay vẫn còn một số tiêu chí chưa hoàn thành, nhất là về phát triển hệ thống hạ tầng đô thị. Đô thị Biên Hòa đang phải đối mặt với hàng loạt vấn đề hạn chế trong phát triển đô thị như: tình trạng kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm môi trường... Đây cũng là thực trạng chung mà phần lớn các đô thị trong cả nước đang phải đối mặt.

Đánh giá về tình hình phát triển đô thị trên cả nước thời gian qua, Nghị quyết số 06 khẳng định, sau 35 năm đổi mới, nhất là trong 10 năm vừa qua, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị ở nước ta đã đạt được nhiều kết quả rất quan trọng. Đến cuối năm 2020, hệ thống đô thị nước ta đã có 862 đô thị các loại, phân bổ tương đối đồng đều trong cả nước. Tỷ lệ đô thị hóa xác định theo địa bàn có chức năng đô thị đã tăng từ 30,5% năm 2010 lên gần 40% năm 2020. Không gian đô thị được mở rộng; hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội được quan tâm đầu tư theo hướng ngày càng đồng bộ và hiệu quả hơn; chất lượng sống của cư dân đô thị từng bước được nâng cao...

Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị vẫn còn nhiều hạn chế. Tỷ lệ đô thị hóa đạt được thấp hơn mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020 và còn khoảng cách khá xa so với tỷ lệ bình quân của khu vực và thế giới. Chất lượng đô thị hóa chưa cao, phát triển đô thị theo chiều rộng là chủ yếu, gây lãng phí về đất đai, mức độ tập trung kinh tế còn thấp. Cũng theo Nghị quyết số 06, Bộ Chính trị nhận định, đô thị hóa là tất yếu khách quan, là một động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững trong thời gian tới.

Tại hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 06 được tổ chức vào ngày 18-5, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho biết, từ trước đến nay, Đảng ta chưa ban hành nghị quyết chuyên đề riêng về phát triển đô thị. Trong bối cảnh mới như hiện nay, Nghị quyết số 06 là cơ sở, căn cứ chính trị quan trọng cho sự ra đời của cơ chế, chính sách mới, tạo động lực để phát triển đô thị.

“Nghị quyết số 06 được ban hành sẽ định hướng, là kim chỉ nam để thể chế hóa các quy định pháp luật nhằm tiếp tục phát triển đô thị Việt Nam có hiệu quả hơn trong thời gian tới” - Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

* Con người và chất lượng cuộc sống là trung tâm phát triển

Tại hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 06, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng phối hợp với các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố nghiên cứu, xây dựng chương trình hành động để thực hiện nghị quyết. Bộ Xây dựng cũng đã có văn bản gợi ý để các địa phương đề xuất chương trình phát triển đô thị, trên cơ sở đó, Bộ Xây dựng sẽ tổng hợp thành chương trình hành động chung của Chính phủ.

TP.Biên Hòa đang thực hiện nhiều dự án để chỉnh trang, cải tạo đô thị nâng cao chất lượng sống của người dân Trong ảnh: Một góc đô thị Biên Hòa
TP.Biên Hòa đang thực hiện nhiều dự án để chỉnh trang, cải tạo đô thị nâng cao chất lượng sống của người dân Trong ảnh: Một góc đô thị Biên Hòa. Ảnh: PHẠM TÙNG

Đối với Đồng Nai, theo Sở Xây dựng, đến nay UBND tỉnh đã phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung của 7 đô thị gồm: Dầu Giây, Tân Phú, Định Quán, Vĩnh An, Gia Ray, Long Giao và Long Khánh. Trong số này, các đô thị: Long Giao, Tân Phú và Long Khánh đã được phê duyệt hồ sơ đồ án điều chỉnh quy hoạch chung. Đối với các đô thị còn lại, các cơ quan chức năng đang nghiên cứu thực hiện và dự kiến hoàn thành trong năm 2022.

Riêng với đô thị Biên Hòa, đô thị trung tâm của tỉnh, nhằm từng bước cải thiện hạ tầng đô thị, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, những năm qua, nhiều công trình, dự án trọng điểm cũng đã được triển khai thực hiện như các dự án chống ngập tại các điểm ngập trên địa bàn thành phố, các dự án hạ tầng giao thông như: hương lộ 2, cầu Vàm Cái Sứt, đường và công viên ven sông Đồng Nai (đoạn từ cầu Hóa An đến giáp ranh H.Vĩnh Cửu). Đồng thời, các dự án chỉnh trang, phát triển đô thị lớn cũng đang được triển khai thực hiện như: dự án Chuyển đổi công năng Khu công nghiệp Biên Hòa 1 thành khu đô thị, thương mại, dịch vụ; quy hoạch phát triển cù lao Hiệp Hòa.

Phạm Tùng

Tin xem nhiều