Báo Đồng Nai điện tử
En

Sẽ chi khoảng 5 ngàn tỷ đồng đầu tư nước sạch

08:06, 04/06/2022

Đề án cấp nước sạch tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021-2025 đặt mục tiêu đến năm 2025 tỷ lệ hộ dân dùng nước sạch đô thị đạt trên 90% và nông thôn đạt 85%.

Hiện nay, tỷ lệ hộ dân dùng nước sạch tập trung ở Đồng Nai đạt khoảng 27%. Đề án cấp nước sạch tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021-2025 đặt mục tiêu đến năm 2025 tỷ lệ hộ dân dùng nước sạch đô thị đạt trên 90% và nông thôn đạt 85%.

Người dân xã Sông Trầu, H.Trảng Bom thiếu nước sạch sinh hoạt. Ảnh: B.Mai
Người dân xã Sông Trầu, H.Trảng Bom thiếu nước sạch sinh hoạt. Ảnh: B.Mai

Đề án cũng xây dựng lộ trình, danh mục dự án đầu tư ở từng huyện, thành phố với tổng kinh phí thực hiện khoảng 5 ngàn tỷ đồng.

* Đảm bảo nguồn nước lâu dài cho người dân

Tháng 3-2022, UBND tỉnh ban hành Đề án cấp nước sạch tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021-2025, đây là đề án đầu tiên về nước sạch nông thôn được tích hợp với nước sạch đô thị với mục tiêu đảm bảo nguồn nước sạch lâu dài, ổn định cho tất cả người dân.

Mặc dù vẫn còn nhiều hạn chế trong quản lý, khai thác nhưng đề án Cấp nước sạch tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021-2025 vẫn dành nguồn kinh phí gần 1,7 ngàn tỷ đồng để đầu tư mới, nâng cấp, mở rộng mạng lưới nước sạch về nông thôn. Điều này cho thấy sự quan tâm của tỉnh đối với khu vực nông thôn, nhất là người dân các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế còn khó khăn nhằm góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, sức khỏe cho người dân khu vực nông thôn.

Đề án đặt mục tiêu đến năm 2025 tất cả các đô thị trên địa bàn tỉnh có hệ thống nước sạch tập trung, trên 90% dân số đô thị sử dụng nước sạch theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt; 100% dân số nông thôn được cấp nước hợp vệ sinh và tỷ lệ người dân sử dụng nước Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt là 85%.

Đối với khu vực đô thị, giải pháp đặt ra là từng bước đầu tư xây mới, cải tạo, nâng công suất các nhà máy cấp nước hiện hữu. Cùng với đó, đầu tư mạng lưới đường ống đến các khu vực chưa có nước sạch, khu dân cư và đô thị mới hình thành. Khi đã hoàn thành đầu tư cấp nước đô thị, mở rộng đầu tư đường ống về các xã. Kinh phí thực hiện hơn 3,3 ngàn tỷ đồng từ vốn của chủ đầu tư và các nguồn vốn vay ưu đãi.

Đối với khu vực nông thôn, phương án đưa ra là cải tạo, nâng cấp công trình CNNT còn hiệu quả. Đầu tư xây mới, phát triển mạng lưới cấp nước sạch đô thị về các xã và hỗ trợ thiết bị lọc nước cho hộ gia đình. Kinh phí gần 1,7 ngàn tỷ đồng từ ngân sách tỉnh, ngân sách địa phương và xã hội hóa.

* Duy trì chính sách ưu tiên, ưu đãi với nhà đầu tư

Theo Sở Xây dựng, vấn đề mấu chốt hiện nay đối với các công trình CNNT là lựa chọn được đơn vị quản lý có năng lực, đồng thời xây dựng giá nước sạch phù hợp. Đẩy mạnh tuyên truyền về lợi ích, ý nghĩa của việc sử dụng nước sạch cho người dân.

Đến năm 2025, có 85% dân số nông thôn dùng nước sạch sinh hoạt, trong đó nước sạch đấu nối từ công trình cấp nước đô thị là 30%.

Ông Hứa Quốc Bách, Phó trưởng phòng Tài nguyên nước, khoáng sản và biến đổi khí hậu (Sở TN-MT), thông tin đầu năm 2022, Sở TN-MT đã công khai báo cáo kết quả quan trắc mực nước và chất lượng nước của 11 huyện, thành phố. Các địa phương thông tin cho người dân biết khu vực bị ô nhiễm nguồn nước, vùng hạn chế và cấm khai thác nước ngầm, từ đó chuyển sang dùng nước cấp. Bên cạnh đó, các địa phương đẩy nhanh tiến độ các dự án nước sạch ở các vùng này và đưa ra lộ trình trám lấp giếng ở khu vực có nước sạch đi qua.

Trong đề án cấp nước sạch, tỉnh cũng xây dựng chính sách ưu tiên, ưu đãi đối với nhà đầu tư dự án cấp nước sạch cho người dân. Cụ thể, tỉnh áp dụng quy định về định mức huy động đóng góp của nhân dân và hỗ trợ ngân sách để đầu tư xây dựng hạ tầng các xã, phường, thị trấn; hỗ trợ từng loại hạng mục, công trình đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; tạo điều kiện cho nhà đầu tư trong thu hồi đất, giải phóng mặt bằng và hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ dự án cấp nước.

Ban Mai

Tin xem nhiều