Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, nhất là sau những tác động của đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp (DN) trong nước nói chung và DN địa phương cần thay đổi tư duy, đẩy mạnh nghiên cứu phát triển sản phẩm, chú trọng đến chất lượng dịch vụ, tạo dấu ấn thương hiệu riêng…
Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, nhất là sau những tác động của đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp (DN) trong nước nói chung và DN địa phương cần thay đổi tư duy, đẩy mạnh nghiên cứu phát triển sản phẩm, chú trọng đến chất lượng dịch vụ, tạo dấu ấn thương hiệu riêng…
Số lượng doanh nghiệp ở Đồng Nai đạt danh hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao theo từng ngành hàng do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao công bố vào tháng 3-2022 (Đồ họa: Hải Hà) |
* Cần tạo được dấu ấn riêng
Trong những năm qua, nhiều thương hiệu DN trong nước đã và đang không ngừng phát triển lớn mạnh, nhận được nhiều sự vinh danh, ghi nhận thông qua các danh hiệu như: Thương hiệu quốc gia, Hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC)… Riêng Đồng Nai, hiện có 5 DN có sản phẩm đạt danh hiệu Thương hiệu quốc gia, 21 DN đạt HVNCLC.
Theo các chuyên gia, nhiều DN hiện vẫn chưa có sự quan tâm đúng mức tới việc đăng ký sở hữu trí tuệ, bảo hộ thương hiệu nên có thể mất đi nhiều cơ hội, lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập như hiện nay. Đặc biệt, nếu DN còn chần chừ trong vấn đề này thì dễ có nguy cơ bị mất độc quyền thương hiệu, nhãn hiệu, thậm chí không được sử dụng các “tài sản” về thương hiệu khi bị người khác đăng ký trước. |
Giám đốc Công ty TNHH Nam Long (H.Long Thành) Lê Bạch Long cho hay, công ty đã có hơn 10 lần đạt danh hiệu HVNCLC. Để duy trì kết quả này trong nhiều năm qua, bên cạnh việc không ngừng nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã sản phẩm, công ty còn chú trọng công tác truyền thông, tiếp thị, quảng cáo, mở rộng các kênh bán hàng, đặc biệt là kệ hàng ở các chợ bán lẻ; cũng như tham gia các hội chợ, triển lãm để người tiêu dùng biết và nhớ đến thương hiệu của công ty nhiều hơn.
Thương hiệu hàng hóa Việt Nam ngày càng khẳng định được uy tín ở thị trường trong nước. Việc sản xuất đã tập trung phát triển trên nền tảng của khoa học công nghệ, hướng tới mục tiêu xây dựng thương hiệu hình ảnh Việt là quốc gia có uy tín về hàng hóa, dịch vụ có chất lượng cao.
Tuy nhiên, bên cạnh xây dựng tiềm lực về yếu tố “cứng” như chiến lược, mạng lưới hỗ trợ, cơ sở hạ tầng thì thương hiệu quốc gia nên chú trọng thêm các yếu tố “mềm” về chất lượng chuyên môn, nét đẹp văn hóa và tinh thần chuyên nghiệp, đổi mới sáng tạo trong kinh doanh... để có thể nâng cao năng lực cạnh tranh trên trường quốc tế.
Tổng giám đốc Công ty TNHH Bình Tiên (Biti’s) Vưu Lệ Quyên chia sẻ, triết lý kinh doanh Nâng niu bàn chân Việt luôn là kim chỉ nam để Biti’s vươn mình và phát triển thương hiệu. Đặc biệt, trong thời gian qua, công ty còn chú trọng triển khai dự án sáng tạo Proudy made in Vietnam với những sản phẩm được thiết kế dựa trên những nét đẹp văn hóa dân gian của dân tộc.
Thông qua dự án này, công ty mong muốn đem lại nhiều giá trị về tinh thần, niềm tự hào dân tộc đến với người tiêu dùng trong nước. Biti’s sẽ tiếp tục đầu tư, nghiên cứu, cẩn trọng, tham khảo kỹ những phản hồi từ cộng đồng để ngày càng nỗ lực hoàn thiện các sản phẩm này, qua đó hy vọng sẽ được người tiêu dùng đón nhận nhiều hơn trong thời gian tới.
* Mở rộng các kênh kết nối
Theo nhiều siêu thị, trung tâm thương mại trong tỉnh, hiện các mặt hàng tiêu dùng khá dồi dào, đảm bảo cung ứng cho người dân, trong đó các sản phẩm hàng Việt chiếm tỷ lệ cao, đặc biệt là các mặt hàng nông sản, thực phẩm tươi sống, thực phẩm công nghệ, sữa, sản phẩm vệ sinh…
Giám đốc điều hành siêu thị Hoàng Đức (TP.Long Khánh) Lê Thanh Nhàn cho biết, hàng Việt ngày càng chiếm tỉ trọng cao trên các kệ hàng của siêu thị. Các sản phẩm hàng Việt được bày bán ở siêu thị đã có nhiều cải tiến về chất lượng, mẫu mã với giá cả cạnh tranh hơn, cũng như có nhiều hình thức quảng bá thương hiệu, thay đổi bao bì sản phẩm hiện đại, bắt mắt hơn.
Nhiều ý kiến của người tiêu dùng cho rằng sản phẩm của các thương hiệu Việt có chất lượng không thua kém gì các quốc gia khác. Do vậy, cần tận dụng sự phát triển của công nghệ thông tin để phát huy, quảng bá hình ảnh thương hiệu Việt trên các nền tảng số như: đẩy mạnh các nội dung/video clip, hình ảnh thương hiệu trên các kênh/mạng xã hội Tiktok, Facebook, Instagram...; thu hút nguồn nhân sự có chất lượng cao để kết nối, sáng tạo sản phẩm tiệm cận với xu hướng thế giới...
Bà Xuân An (P.Thanh Bình, TP.Biên Hòa) bày tỏ: “Hiện nay, nhiều thương hiệu của các quốc gia khác đã xây dựng được các ứng dụng mua sắm thời trang, mỹ phẩm, thực phẩm trực tuyến quốc tế và có thể vận chuyển hàng đến hầu hết các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới rất tiện lợi và nhanh chóng. Do đó, tôi nghĩ các thương hiệu Việt cần sớm chọn lọc và đưa những sản phẩm Việt vào hệ thống phân phối ở các nước bạn, thậm chí đưa cả các sản phẩm Việt Nam lên nền tảng giao dịch trực tuyến quốc tế, giúp những sản phẩm đậm chất Việt được biết đến rộng rãi hơn”.
Ông Nguyễn Hoàng Trung, Giám đốc phát triển thị trường miền Nam của Công ty CP Công nghệ Sapo - DN chuyên cung cấp các giải pháp phần mềm quản lý bán hàng, kinh doanh trực tuyến, lưu ý tiêu chí để các sản phẩm trong nước, nhất là các loại đặc sản vùng miền có thể xuất hiện nhiều, thường xuyên trên các sàn thương mại điện tử gồm: sản phẩm có chất lượng, phản hồi tốt từ phía khách hàng; các sản phẩm nhận được nhiều lượt tương tác, đánh giá tốt từ khách hàng, cũng như có hình ảnh, nội dung quảng bá phù hợp với từng chủ đề kinh doanh, khuyến mãi của các sàn thương mại điện tử…
Hải Quân
Ủy viên Ban TVTU, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo 264 tỉnh CAO VĂN QUANG:
Rà soát, xem xét các cơ chế, chương trình khuyến khích, hỗ trợ DN địa phương
Tại cuộc họp giao ban quý I-2022 của Ban Chỉ đạo cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam (Ban Chỉ đạo 264) tỉnh, Ủy viên Ban TVTU, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo 264 tỉnh Cao Văn Quang nhấn mạnh, các sở, ngành, đơn vị liên quan cần rà soát, xem xét các cơ chế, chương trình khuyến khích, hỗ trợ DN địa phương, nhất là các DN nhỏ và vừa, các chủ thể OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) của tỉnh tham gia chuỗi sản xuất - tiêu thụ hàng hóa, nâng cao năng lực sản xuất, năng lực cạnh tranh trên thị trường. Đồng thời, tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, hội thảo, mở rộng các kênh phân phối hàng hóa, kết nối vào chuỗi cung ứng, bán lẻ hiện đại, từ đó giúp cho hàng hóa, sản phẩm của địa phương đến gần hơn với người tiêu dùng…
Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN Đồng Nai CHÂU MINH NGUYỆN:
Cần thêm sự hỗ trợ từ chính sách
Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN Đồng Nai Châu Minh Nguyện chia sẻ, thời gian qua, các DN trong tỉnh đã nỗ lực để phát triển các kênh quảng bá, tiếp thị sản phẩm nhưng do tiềm lực của DN còn hạn chế nên nhiều DN trong số này chỉ cố gắng được trong điều kiện, giới hạn nhất định. Do đó, để DN địa phương, nhất là DN nhỏ và vừa, tiếp tục vươn lên và nâng cao sức cạnh tranh trên sân nhà, bên cạnh sự nỗ lực từ phía DN, rất cần có thêm các chương trình, cơ chế, chính sách hỗ trợ từ phía Nhà nước, chính quyền địa phương…
Chủ tịch Hội DN HVNCLC Vũ Kim Hạnh:
DN cần tiếp sức và chia sẻ với nhau
Bên cạnh các thương hiệu hàng Việt đã lớn mạnh, tinh thần hàng Việt cần được nhân rộng tới các DN nhỏ và vừa trong nước để vươn lên phát triển về quy mô, thương hiệu. Trong thời gian tới, Hội sẽ chú trọng các hoạt động kết nối nhóm các DN Việt dẫn đầu, đã tạo được thương hiệu lớn mạnh chia sẻ với nhóm các DN nhỏ và vừa, DN địa phương để nhóm này có thể học hỏi thêm những kinh nghiệm, bài học về quản trị, vận hành, phát triển thương hiệu… từ các DN đi trước.
Hải Hà (ghi)