Đồng Nai đang hoàn tất các hồ sơ, thủ tục để đưa ra đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư cho 17 dự án lớn trên địa bàn tỉnh. 17 dự án này nếu tìm được nhà đầu tư đủ năng lực, triển khai nhanh sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển.
Đồng Nai đang hoàn tất các hồ sơ, thủ tục để đưa ra đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư cho 17 dự án lớn trên địa bàn tỉnh. 17 dự án này nếu tìm được nhà đầu tư đủ năng lực, triển khai nhanh sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển.
Nhiều khu vực ven sông Đồng Nai đã được đưa vào danh mục thu hồi đất đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư triển khai dự án. Ảnh: K.Minh |
Các dự án nói trên tập trung ở TP.Biên Hòa, H.Nhơn Trạch và đa số là dự án khu dân cư với tổng diện tích gần 421ha. Trong đó, TP.Biên Hòa có 15 dự án và H.Nhơn Trạch 2 dự án.
* Thêm nhiều khu dân cư
Hiện nay, TP.Biên Hòa là nơi có nhu cầu về nhà ở rất lớn nên trong quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030, sẽ có thêm hơn 1,7 ngàn ha đất được chuyển sang đất ở tại đô thị thông qua việc triển khai các dự án khu dân cư, khu đô thị. Dự kiến sẽ có khoảng 120 dự án khu dân cư, khu tái định cư, khu đô thị… được triển khai bằng nhiều hình thức khác nhau như: đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, đấu giá đất để triển khai dự án.
Năm 2022, HĐND tỉnh đã đưa vào danh mục thu hồi đất để đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư cho 17 dự án. Đây sẽ là cơ sở để các địa phương phối hợp với những sở, ngành liên quan nhằm triển khai các thủ tục và khi hoàn tất sẽ đưa ra đấu thầu công khai, chọn nhà đầu tư có đủ kinh nghiệm, năng lực thực hiện dự án theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt.
Ông MAURO GASPAROTTI, Giám đốc Savills Hotels châu Á Thái Bình Dương (chuyên gia kinh tế) chia sẻ: “Các dự án bất động sản ở Việt Nam được các nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm. TP.HCM đang thiếu nguồn cung bất động sản nhà ở, thương mại cho nên nhiều DN sẽ tìm cơ hội đầu tư dự án ở những vùng lân cận như: Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu. Đồng Nai là trung tâm giao thông của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nên sẽ dễ dàng thu hút được những DN có uy tín đầu tư vào những lĩnh vực trên”. |
Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Huỳnh Tấn Lộc cho biết: “Sau khi được HĐND tỉnh phê duyệt danh mục các dự án thu hồi đất đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, TP.Biên Hòa đã phối hợp với Sở KH-ĐT, Sở TN-MT và các sở, ngành liên quan khác để thực hiện các bước tiếp theo như: lập, phê duyệt và công bố danh mục dự án có sử dụng đất; lập phương án sơ bộ bồi thường, giải phóng mặt bằng, phê duyệt giá đất khởi điểm để đấu thầu dự án; sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư… Khi các thủ tục trên hoàn thành mới tổ chức lựa chọn nhà đầu tư để triển khai”.
Trong các dự án đưa ra đấu thầu tại TP.Biên Hòa, có một số dự án có diện tích đất khá lớn là: khu dân cư theo quy hoạch ở P.An Hòa hơn 69ha; khu đất dọc theo đường ven sông Cái đoạn từ đường Hà Huy Giáp đến đường Trần Quốc Toản gần 50ha thuộc địa bàn các phường: Thống Nhất, Tân Mai, Tam Hiệp, An Bình; khu dân cư P.Phước Tân gần 46ha; khu đất dọc sông Đồng Nai đoạn từ cầu Hóa An đến giáp ranh H.Vĩnh Cửu khoảng 34ha; khu dân cư ở P.Long Bình gần 19ha; khu đất dọc theo sông Đồng Nai đoạn từ cầu Hóa An đến cầu Ghềnh gần 19ha… Các khu đất trên đều là “đất vàng” vì nằm ven sông hoặc giáp các trục giao thông lớn của TP.Biên Hòa, rất thuận lợi để xây dựng các khu dân cư, chung cư cao tầng, tạo điểm nhấn cho đô thị loại I.
H.Nhơn Trạch có 2 dự án đưa vào danh mục thu hồi đất và sẽ đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư trong năm nay, đều thuộc địa bàn xã Đại Phước. Đó là dự án Khu đô thị du lịch Đại Phước rộng gần 50ha và dự án Khu đô thị du lịch có diện tích trên 75ha. Theo quy hoạch, 2 dự án trên sẽ kết hợp với các khu đô thị khác trên địa bàn xã Đại Phước và những xã lân cận để tạo thành vùng thương mại dịch vụ, du lịch.
* Nhiều doanh nghiệp muốn làm chủ đầu tư dự án
Thông thường, sau khi các dự án được công bố, câu hỏi đặt ra là khi nào dự án sẽ triển khai đến khâu thu hồi đất, khởi công xây dựng và hoàn thành để đưa vào khai thác? Thực tế cũng cho thấy rất khó có câu trả lời chính xác, vì lâu nay các dự án rất khó thực hiện theo đúng kế hoạch đề ra. Qua tìm hiểu, thời gian trung bình để các dự án khu dân cư, khu đô thị hoàn thành và đưa vào sử dụng mất từ 5-8 năm. Riêng khâu hoàn tất thủ tục pháp lý khoảng 2-4 năm, sau đó mới tiến hành kiểm kê thu hồi đất, bồi thường tái định cư, mất từ 3-4 năm. Cá biệt, có những dự án trên địa bàn tỉnh mà quá trình thu hồi đất mất hơn 10 năm vẫn chưa hoàn thành.
Theo quy hoạch sử dụng đất cấp huyện giai đoạn 2021-2030, Đồng Nai sẽ tăng thêm hơn 10,9 ngàn ha đất ở đô thị và đất ở nông thôn. Như vậy, đến năm 2030, toàn tỉnh sẽ có gần 30,16 ngàn ha đất ở. |
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, hiện nay, Đồng Nai đang gấp rút thực hiện công tác lập quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án hạ tầng kỹ thuật quan trọng của tỉnh để tạo đột phá trong phát triển kinh tế. Đồng Nai cũng đang tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, thực hiện tốt công tác đăng ký doanh nghiệp (DN), hỗ trợ DN, thu hút các dự án có vốn đầu tư trong nước và nước ngoài. Trong đó, tỉnh sẽ tập trung rà soát phân nhóm, xác định các khó khăn, vướng mắc chung và cả những vướng mắc riêng của từng dự án để lập phương án tháo gỡ cụ thể nhằm rút ngắn thời gian triển khai.
Với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, Đồng Nai là nơi có nhiều tiềm năng để thực hiện các dự án trên nhiều lĩnh vực như: bất động sản về nhà ở, khu công nghiệp, logistics, thương mại dịch vụ. Do đó, từ đầu năm 2022 đến nay, thị trường bất động sản cả nước “chững” lại, một phần do tín dụng vào lĩnh vực này bị siết. Tuy nhiên, tại Đồng Nai, các vụ mua bán, chuyển nhượng dự án, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện các khu dân cư vẫn diễn ra sôi động. Các DN đã đóng góp cho ngân sách nhà nước nhiều khoản tiền lớn như: Công ty TNHH Đầu tư Phú Việt Tín phát sinh nộp 503 tỷ đồng; Công ty CP Long Thành Riverside nộp 293 tỷ đồng; Công ty TNHH Thành phố Aqua Dona nộp 205 tỷ đồng; Công ty CP Kinh doanh nhà Đồng Nai nộp 200 tỷ đồng…
Một số DN trong CLB Bất động sản Việt Nam cho biết, họ đang tìm diện tích đất lớn ở Đồng Nai để triển khai những dự án về nhà ở. Trong đó, có những DN sẵn sàng chi ra hàng ngàn tỷ đồng để đấu giá đất hoặc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Do đó, các dự án khu dân cư, khu đô thị, khu công nghiệp, khu thương mại của Đồng Nai đưa ra đấu giá đất hoặc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư sẽ thu hút nhiều DN tham gia. |
Khánh Minh
Giám đốc Sở TN-MT ĐẶNG MINH ĐỨC: Dự án chậm là do vướng giá đất, bồi thường
Các dự án trên địa bàn tỉnh chậm triển khai, phải thu hồi nhiều đa số là do vướng khung giá đất, khó xác định giá đất tiệm cận với giá thị trường. Ngoài ra, các khu tái định cư cho hộ dân bị thu hồi đất chưa đáp ứng kịp nhu cầu, hoặc dự án đi qua nhiều địa phương gây khó khăn cho công tác bồi thường, dự án có thời gian xác định nguồn gốc đất kéo dài... Trong đó, có nhiều vướng mắc liên quan đến Luật Đất đai và tỉnh đã có văn bản kiến nghị trong sửa đổi Luật Đất đai sắp tới. Muốn các dự án triển khai nhanh, từng địa phương phải rà soát, kiểm tra quy hoạch sử dụng đất rồi đề xuất đưa dự án vào danh mục thu hồi đất cho phù hợp sẽ giảm hủy bỏ dự án.
Ông LÊ NGỌC MINH, Phó trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy, đại biểu HĐND tỉnh: Chọn nhà đầu tư đủ năng lực
Thời gian qua, có những dự án chậm triển khai là do nhà đầu tư có vốn ít, không đủ năng lực để triển khai. Do đó, Sở KH-ĐT cần tham mưu cho tỉnh là trước khi cấp phép dự án phải rà soát thật kỹ các chủ đầu tư, nếu chủ đầu tư có đủ kinh nghiệm, vốn liếng mới cấp phép đầu tư. Với những dự án mà chủ đầu tư cố tình vi phạm pháp luật, cần xử lý thật nghiêm để người dân tin tưởng, ủng hộ thì dự án mới triển khai nhanh theo đúng kế hoạch. Các sở, ngành, địa phương cũng nên rà soát lại năng lực của chủ đầu tư những dự án kéo dài, nếu DN không đủ khả năng thực hiện phải có biện pháp xử lý kịp thời.
Uyển Nhi (ghi)