Giá xăng dầu cũng như các loại vật liệu xây dựng, nhân công tăng cao thời gian qua đã ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ các dự án đang thi công cũng như quá trình chuẩn bị đầu tư.
Giá xăng dầu cũng như các loại vật liệu xây dựng, nhân công tăng cao thời gian qua đã ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ các dự án đang thi công cũng như quá trình chuẩn bị đầu tư.
Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho việc giải ngân nguồn vốn đầu tư công chậm.
Giá các loại vật liệu xây dựng liên tục tăng ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công các dự án. Trong ảnh: Công nhân thi công công trình Trường mầm non số 4 tại khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn (H.Long Thành). Ảnh: P.Tùng |
* Ì ạch thi công
Sau khoảng nửa năm thi công, công trình Trường mầm non số 4, dự án thành phần xây dựng hệ thống hạ tầng xã hội khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn thuộc dự án Thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành đã hoàn thành khoảng 75% khối lượng giá trị hợp đồng. Tuy nhiên, trong khoảng 3 tháng qua, tiến độ thi công công trình này đang bị chậm lại. Theo nhà thầu thi công, một trong những nguyên nhân khiến tiến độ thi công bị chậm là do giá nguyên vật liệu xây dựng liên tục tăng cao. Điều này cộng với việc vướng mắc về nguồn vốn do dự án đã quá niên hạn khiến nhà thầu gặp rất nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó giám đốc điều hành Công ty CP tư vấn và xây dựng Indeco, nhà thầu thi công công trình trường mầm non số 4 cho hay so với thời điểm ký hợp đồng, giá các loại vật liệu xây dựng hiện đã tăng cao hơn rất nhiều. Cụ thể, giá sắt thép hiện đã tăng khoảng 30%; giá nhôm đã tăng khoảng 40%; giá các loại vật liệu như: cát, đá, xi măng tăng từ 20-30%... “Giá xăng dầu, vật liệu xây dựng leo thang và đã tăng vượt hết các đơn giá mà chúng tôi đã ký hợp đồng” - ông Nguyễn Mạnh Cường cho biết.
Theo Bộ Xây dựng, tình hình giá vật liệu xây dựng 6 tháng đầu năm 2022 và dự báo trong năm 2022 có xu hướng tăng đối với nhiều loại vật liệu chủ yếu. Bộ Xây dựng dự báo trong các tháng tiếp theo của năm 2022, thị trường vật liệu xây dựng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến biến động giá, đặc biệt là một số loại vật liệu xây dựng chủ yếu ảnh hưởng bởi thị trường nguyên liệu đầu vào từ quốc tế như thép, nhựa đường và các vật liệu khai thác cát, đá, đất đắp. |
Giá xăng dầu, vật liệu tăng khiến cho nhà thầu dù đã rất nỗ lực nhưng cũng không thể đảm bảo tiến độ chung của công trình. Tại công trình Trường mầm non số 4, lúc cao điểm nhà thầu huy động gần 50 nhân công tham gia thi công. Tuy nhiên, thời điểm này, số lượng nhân công chỉ còn khoảng 15 người. Cộng với ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến tiến độ công trình này không thể đáp ứng được kế hoạch ban đầu.
Không chỉ công trình Trường mầm non số 4, nhiều công trình khác thuộc dự án thành phần xây dựng hệ thống hạ tầng xã hội khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn cũng đang thi công rất ì ạch do “bão giá” vật liệu xây dựng. Thậm chí, có công trình đã phải tạm ngưng thi công. Đó cũng là thực trạng chung của hàng loạt dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh.
Ông Ngô Đông Chí, Giám đốc Ban điều hành liên doanh Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 6 và Công ty TNHH Phúc Hiếu, nhà thầu thi công dự án cầu Vàm Cái Sứt, TP.Biên Hòa cho biết trong hơn nửa năm qua, giá các loại vật liệu xây dựng liên tục tăng nên nhà thầu gặp rất nhiều khó khăn. Cùng với đó, giá xăng dầu cũng tăng cao khiến các nhà thầu xây dựng “đã khó lại càng khó”. “Tính ra chỉ có giá thép là có giảm trong thời gian gần đây, tuy nhiên mức giảm cũng rất hạn chế nên không thể bù đắp hết khó khăn mà nhà thầu gặp phải khi các loại vật liệu khác liên tục tăng giá” - ông Ngô Đông Chí cho hay.
Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Nguyễn Anh Tuấn cho biết, khảo sát sơ bộ cho thấy, so với thời điểm đầu năm 2021, giá các loại vật liệu xây dựng đã có sự biến động tăng lớn. Theo đó, giá thép xây dựng đã tăng từ mức khoảng 14 ngàn đồng/kg lên khoảng 20 ngàn đồng/kg; giá bê tông từ mức 800-900 ngàn đồng/m3 hiện đã tăng lên khoảng 1,2 triệu đồng/m3, giá dầu diesel từ khoảng 17-18 ngàn đồng/lít hiện nay đã tăng lên gần 30 ngàn đồng/lít. Giá tăng khiến cho một số nhà thầu xuất hiện tâm lý thi công cầm chừng để chờ giảm giá. Điều này cũng đã ảnh hưởng đến tiến độ các dự án.
* Phải liên tục cập nhật giá
Không chỉ các dự án đang thi công gặp khó, các dự án đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư cũng “lao đao” do biến động giá vật liệu xây dựng.
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh, mới đây, dự án kè gia cố sông Đồng Nai đoạn từ đình Phước Lư đến khu dân cư Rạch Cát (P.Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) sau khi hoàn thiện các thủ tục đã chuẩn bị thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà thầu thi công. Tuy nhiên, do giá vật liệu xây dựng ở thời điểm chuẩn bị đấu thầu tăng so với thời điểm lập dự toán thi công nên dự án bắt buộc phải thực hiện điều chỉnh giá trong dự toán thi công. Sau khi điều chỉnh giá, tổng mức đầu tư của dự án cũng phải tăng lên.
Trên thực tế, hàng loạt dự án đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư nhưng do giá các loại vật liệu xây dựng liên tục tăng nên hồ sơ dự án bắt buộc phải điều chỉnh. Có những dự án đến nay đã phải điều chỉnh hồ sơ từ 2-3 lần. Điều này dẫn đến việc thực hiện đấu thầu, lựa chọn nhà thầu thi công để khởi công dự án liên tục bị “trễ hẹn”.
Đặc biệt, đối với nhiều công trình dân dụng, việc cập nhật lại đơn giá phải thực hiện thẩm định giá nên tiến độ hoàn thành hồ sơ lại càng chậm. Bởi, để thực hiện điều chỉnh hồ sơ đối với các đơn giá phải thẩm định giá mất nhiều thời gian hơn. “Mỗi lần thực hiện điều chỉnh giá đối với các dự án này phải mất khoảng 2 tháng. Chính vì vậy, quá trình hoàn thiện hồ sơ dự án bị kéo dài do biến động giá vật liệu xây dưng” - ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết.
Phạm Tùng