Báo Đồng Nai điện tử
En

Khó hạ nhiệt vật tư nông nghiệp

07:07, 26/07/2022

Thời gian qua, giá vật tư nông nghiệp (VTNN) không ngừng tăng cao khiến nông dân gặp nhiều khó khăn. Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm hạ nhiệt thị trường này.

Thời gian qua, giá vật tư nông nghiệp (VTNN) không ngừng tăng cao khiến nông dân gặp nhiều khó khăn. Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm hạ nhiệt thị trường này. Tuy nhiên, theo các tập đoàn, doanh nghiệp (DN) sản xuất VTNN, giá nguyên liệu sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, cây (con) giống vẫn trên đà tăng giá.

Sản xuất phân bón lá tại Công ty TNHH SITTO Việt Nam (Khu công nghiệp Biên Hòa 2, TP.Biên Hòa). Ảnh: B.Nguyên
Sản xuất phân bón lá tại Công ty TNHH SITTO Việt Nam (Khu công nghiệp Biên Hòa 2, TP.Biên Hòa). Ảnh: B.Nguyên

Trong đó, một số nguyên liệu đầu vào cho sản xuất VTNN từ nguồn nhập khẩu bị chậm nguồn cung, thậm chí có nguy cơ đứt gãy. Dự báo thị trường cuối năm có thể xảy ra tình trạng khan hiếm một số loại VTNN nên giá nhiều loại phân, thuốc, giống cây trồng khó hạ nhiệt trong thời gian tới, thậm chí có nguy cơ thêm nhiều đợt tăng giá mới.

* Quá phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu

Nhiều DN sản xuất VTNN trên địa bàn Đồng Nai như: giống, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón…, nguồn nguyên liệu sản xuất chủ yếu phụ thuộc vào thị trường nhập khẩu. Không ít DN thuộc tập đoàn lớn hầu như nhập 100% nguyên liệu từ nước ngoài, chỉ làm khâu gia công phối trộn, đóng gói cung cấp ra thị trường. Theo đó, nguồn cung lẫn giá thành sản phẩm chịu tác động lớn bởi thị trường nhập khẩu.

Để giảm phụ thuộc vào thị trường nhập khẩu, một số công ty sản xuất bắp giống trên địa bàn Đồng Nai đang xây dựng kế hoạch sản xuất giống tại chỗ. Cụ thể, Công ty TNHH Hạt giống C.P. Việt Nam đang đầu tư thêm dự án sản xuất bắp giống tại H.Định Quán. Các DN sản xuất VTNN trên địa bàn tỉnh cũng thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp tiết kiệm chi phí sản xuất; nỗ lực tìm nguồn cung nguyên liệu trong nước thay thế cho một số nguyên liệu nhập khẩu giá cao.

Tổng giám đốc Công ty TNHH SITTO Việt Nam (Khu công nghiệp Biên Hòa 2, TP.Biên Hòa) Theerapong Ritmak cho biết, 3 năm trở lại đây, DN sản xuất phân bón gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, năm 2021, thị trường có sự biến động lớn về giá nguyên liệu sản xuất. Trong đó, Trung Quốc đưa ra chính sách hạn chế xuất khẩu là nguyên nhân không nhỏ tạo nên làn sóng tăng giá nguyên liệu sản xuất.

Dịch bệnh Covid-19 và chiến sự giữa Nga - Ukraine tiếp tục tạo nên đợt sốt giá nguyên liệu mới, nhất là với một số nguyên liệu Việt Nam hoàn toàn nhập khẩu. Theo đó, giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật ngoài thị trường cũng tăng cao theo giá nguyên liệu. Dự báo các tháng còn lại của năm 2022, tình hình sản xuất sẽ chồng chất khó khăn vì nhiều DN đã tiêu vốn dự trữ nên năm nay cực kỳ khó.

Cùng quan điểm, Phó giám đốc Nhà máy Super phostphate Long Thành (Khu công nghiệp Gò Dầu, H.Long Thành) Vũ Trọng Trường cho biết, từ năm 2021 đến nay, nguyên liệu sản xuất phân bón nhập liên tục tăng giá với mức cao, có loại tăng đến 200%. Giá tăng nhưng một số nguyên liệu không phải dễ nhập vì ngày càng khan hiếm, chi phí vận chuyển cao cũng ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất của DN. DN cũng không nhập trữ nguyên liệu mà sản xuất tới đâu nhập tới đó để giảm rủi ro.

* DN lo đứt gãy nguồn cung

Theo một số DN sản xuất VTNN, thị trường tiêu thụ chậm, hiện hàng hóa sản xuất ra đang rơi vào cảnh tồn kho. Tuy nhiên, nhiều sản phẩm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng vẫn có nguy cơ bị đứt nguồn cung do thiếu nguyên liệu sản xuất vì nhập khẩu khó.

Tổng giám đốc Công ty TNHH Con Cò Vàng (Khu công nghiệp Gò Dầu) Nguyễn Kim Thoa chia sẻ, 2 năm qua, dịch bệnh ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Giá nông sản rớt, nông dân bỏ ruộng nên thị trường tiêu thụ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cũng khó theo.

Hiện nay, thị trường có dấu hiệu phục hồi nhưng DN lại gặp khó khăn là đứt nguồn cung nguyên liệu sản xuất do Trung Quốc ngưng xuất, nhập khẩu từ Nga gián đoạn do bị ảnh hưởng bởi chiến sự Nga - Ukraine. Nếu nhập khẩu từ 2 thị trường này vẫn khó như hiện nay, dự đoán từ đây đến cuối năm có thể xảy ra tình trạng thiếu phân bón.

Một số DN sản xuất, kinh doanh giống cây trồng dự báo, với một số hạt giống nhập khẩu, nhất là bắp, lúa giống sẽ bị thiếu hụt nguồn cung. Đặc biệt, nguồn cung giống bắp dự báo bị thiếu hụt là tình hình chung của thị trường thế giới do cây trồng này liên tiếp mất mùa, ảnh hưởng bất lợi về thời tiết.

Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Hạt giống C.P. Việt Nam (Khu công nghiệp Định Quán, H.Định Quán) Worawit Meesook cho hay, hiện nhu cầu tiêu thụ giống bắp của thị trường Việt Nam tăng cao do bắp thương phẩm đang có giá tốt, người dân trồng nhiều. 2 năm nay. DN đều thiếu nguồn giống bắp, trong khi sản xuất giống gặp khó khăn. Dự báo vụ sản xuất tới, DN có thể thiếu nguồn cung giống.

Bình Nguyên


Bộ trưởng Công thương NGUYỄN HỒNG DIÊN tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV vào ngày 7-6 cho biết: Nỗ lực kiềm chế giá cả vật tư để nông dân có lãi

Vật tư đầu vào sản xuất nông nghiệp tăng cao, khan hàng đang trở thành vấn đề phổ biến bởi đứt gãy chuỗi cung ứng và lạm phát tăng cao của nhiều quốc gia.

Trước tình hình đó, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, trong đó có Bộ Công thương, bằng các chính sách, nhất là giảm thuế, hỗ trợ DN thông qua giảm tiền điện, giảm lãi suất trong quá trình tổ chức sản xuất, hỗ trợ tìm kiếm nguồn nguyên liệu đầu vào thay thế. Từ đó, giảm các loại chi phí, giá thành sản phẩm. Đồng thời, Bộ Công thương sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường; kiểm soát xuất, nhập khẩu. Những mặt hàng trong nước cần thì hạn chế xuất khẩu; tăng cường nhập khẩu nguyên liệu đầu vào, tạo thuận lợi cho DN hoạt động.

Thời gian tới, Bộ Công thương sẽ tiếp tục áp dụng những chính sách và biện pháp nêu trên; đặc biệt, cùng với các bộ, ngành tham mưu Chính phủ, Quốc hội và cấp có thẩm quyền điều chỉnh thuế hoặc trong điều kiện đặc biệt khi giá nguyên liệu đầu vào, giá nguyên liệu thế giới tăng cao sẽ thực hiện các chính sách an sinh cho người dân, nhất là những đối tượng yếu thế.

Phó giám đốc Sở NN-PTNT TRẦN LÂM SINH: Tạo mọi điều kiện cho DN ổn định sản xuất

Đồng Nai tập trung đông DN sản xuất VTNN như: thức ăn chăn nuôi, phân bón, giống, thuốc bảo vệ thực vật… Trước tình hình khó khăn của DN, Đoàn công tác của Sở NN-PTNT đã làm việc với các DN với mục đích tìm hiểu, lắng nghe những khó khăn tìm giải pháp hỗ trợ.

Các tập đoàn, DN trong lĩnh vực sản xuất VTNN cần tiếp tục nỗ lực khắc phục khó khăn để ổn định sản xuất; tìm giải pháp giảm chi phí sản xuất nhằm hạn chế biến động về giá của các loại VTNN; đặc biệt quan tâm đến các giải pháp ưu tiên sử dụng một số nguồn nguyên liệu nội địa sản xuất phân bón hữu cơ nhằm tạo ra một số dòng sản phẩm phân bón ở phân khúc giá rẻ phục vụ nông dân. DN cũng cần có thêm nhiều chương trình đồng hành, chia sẻ khó khăn với nông dân trong giai đoạn hiện nay qua việc tổ chức khâu phân phối, kiểm soát khâu phân phối để có giá bán tốt nhất cho nông dân.

Về mong muốn của một số DN sản xuất giống bắp là tìm được nguồn quỹ đất đầu tư sản xuất giống tại địa phương, Sở NN-PTNT sẽ làm việc với các địa phương, hỗ trợ DN tìm quỹ đất phù hợp. Sở cũng quan tâm hỗ trợ DN xây dựng chuỗi liên kết với nông dân trong phát triển vùng nguyên liệu sản xuất giống. 

Lê Quyên (ghi)


Tin xem nhiều