Sản lượng, doanh thu tăng lên song theo các nhà thầu xây dựng trên địa bàn, doanh nghiệp đang đối mặt với rất nhiều khó khăn trước biến động giá cả của vật liệu xây dựng, chi phí xăng dầu...
Nửa đầu năm 2022, nền kinh tế hồi phục, nhu cầu xây dựng tăng lên, kéo theo sự phục hồi của ngành Xây dựng. Sản lượng, doanh thu tăng lên song theo các nhà thầu xây dựng trên địa bàn, doanh nghiệp (DN) đang đối mặt với rất nhiều khó khăn trước biến động giá cả của vật liệu xây dựng, chi phí xăng dầu, cước phí vận tải...
Giá nguyên, vật liệu tăng ảnh hưởng đến các dự án, chủ đầu tư lẫn nhà thầu xây dựng. Ảnh: V.Gia |
Để khắc phục khó khăn, DN phải tìm mọi cách thích ứng đồng thời kiến nghị sớm có giải pháp bình ổn thị trường, nhất là đối với mặt hàng xăng dầu, vật liệu xây dựng.
* Sản lượng tăng không đồng nghĩa kế hoạch kinh doanh đảm bảo
Theo đánh giá của Cục Thống kê Đồng Nai, 6 tháng đầu năm 2022, dịch bệnh được kiểm soát đã tạo thuận lợi cho các hạng mục công trình, dự án tổ chức triển khai. Ngoài việc khởi công các dự án mới thì các nhà thầu tiếp tục thực hiện các dự án, công trình chuyển tiếp từ năm 2021.
Cụ thể, trong quý II, giá trị sản xuất ngành Xây dựng (theo giá hiện hành) đạt hơn 14 ngàn tỷ đồng, tăng 10,57% so với quý trước và tăng 11,86% so với cùng kỳ năm 2021. Các DN trong nước và DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đều có sự tăng trưởng về sản lượng. Sự tăng trưởng này của năm 2022 chủ yếu là do năm 2021, dịch bệnh khiến cho các dự án đều phải tạm ngừng hoặc hoãn thời gian thi công.
Tuy giá trị xây dựng tăng nhưng theo các DN trong ngành, sản lượng tăng không đồng nghĩa với kế hoạch sản xuất, kinh doanh được bảo đảm.
Các DN cho rằng, ngoài việc chống dịch, Chính phủ cần triển khai các biện pháp chống lạm phát, mở cửa thị trường để nhà đầu tư tiếp cận nhanh chóng. Trong đó có bình ổn giá cho các loại vật liệu tăng cao, cung ứng nhập các mặt hàng khan hiếm để phục vụ sản xuất, kinh doanh đặc thù. Chính sách thuế ưu đãi và rõ ràng hơn nữa vì hiện nay ban hành cứ chung chung nên DN xoay xở không kịp vì chưa hiểu đúng. |
Theo Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Võ Đắc (TP. Biên Hòa) Nguyễn Tăng Mạnh, Võ Đắc là tổng thầu xây dựng của nhiều dự án, đặc biệt là dự án công nghiệp trong và ngoài tỉnh. Những khó khăn từ biến động thị trường khiến cho hoạt động của DN bị ảnh hưởng. Nếu tình hình không sớm được ổn định lại, dự kiến theo kế hoạch thì năm 2022 chỉ đạt được khoảng 50-55% so với mục tiêu đề ra.
Tương tự, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Xu Hướng Việt (TP.Biên Hòa) Nguyễn Ngọc Hà cho hay, DN đang thi công 6 dự án xây dựng dân dụng ở Biên Hòa, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu... Các dự án này đều được ký kết từ đầu năm và triển khai với cam kết không phát sinh chi phí so với hợp đồng. Chính vì vậy, khi giá cả tăng cao, nhà thầu buộc phải chấp nhận. “Đặc thù ngành Xây dựng là thực hiện theo đúng với hợp đồng và cam kết tiến độ, nếu không DN có khả năng phải đối mặt với việc các nhà đầu tư phạt hợp đồng. Vì uy tín của mình, DN phải nỗ lực, dù khó khăn chồng chất” - ông Hà chia sẻ.
Không chỉ các dự án dân dụng mà tại các dự án lớn về đầu tư công trên địa bàn tỉnh, tình hình cũng có những khó khăn nhất định. Tại dự án Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, đang là cao điểm thi công để kịp tiến độ hoàn thành dự án vào cuối năm nay, nhưng thời tiết mùa mưa và vật liệu, chi phí xăng dầu, vận tải tăng cao ảnh hưởng đến tiến độ công trình. Dù vậy, các nhà thầu vẫn nỗ lực để đẩy nhanh thi công với mục tiêu hoàn thành kế hoạch đã định.
Ngay cả các đơn vị chuyên cung ứng vật liệu xây dựng cũng có những khó khăn nhất định. Là đơn vị chuyên cung ứng vật liệu xây dựng cho các dự án công, tư trên địa bàn, bà Trịnh Thị Ngọc Hiền, đại diện Công ty CP Vận tải sản xuất Tiến Phát (H.Long Thành), cho hay nhu cầu vật liệu xây dựng đang rất lớn, nhưng từ đầu năm đến nay, nguồn cung ứng một số loại, nhất là cát và đá xây dựng khan hiếm hơn. DN phải nỗ lực để tìm các nguồn dự trữ bởi những tháng cuối năm, khi các nhà thầu đẩy mạnh thi công, nguy cơ khan hiếm càng lớn.
* Tìm mọi cách thích ứng
Việc tăng giá vật liệu xây dựng trong suốt thời gian qua đã trở thành “ác mộng” đối với các nhà thầu, nhất là đối với dạng hợp đồng trọn gói không được điều chỉnh giá. Chi phí nguyên vật liệu của công trình thường chiếm từ 40-70% tổng dự toán. Chỉ riêng sự thay đổi giá của 5 loại vật liệu chủ yếu là: xi măng, thép xây dựng, đá, cát và gạch đã tác động rất lớn đến từng dự án.
Không chỉ tăng giá, vật liệu xây dựng ngày càng trở nên khan hiếm hơn |
Theo ông Mạnh, nguyên vật liệu tăng giá thì Võ Đắc cũng như các DN khác đều phải chịu lỗ. Nhà thầu đã chủ động đặt hàng trước sau khi ký hợp đồng, nhưng hợp đồng tạm ứng lên việc hàng hóa không thể đặt 100% cho dự án nên tất yếu nhà thầu nào cũng chịu lỗ chung trong giai đoạn vật tư leo thang. Nếu sử dụng quỹ hoạt động của DN để đặt hàng 100% thì có thể xảy ra rủi ro. Bên cạnh đó, DN dù tranh thủ đẩy nhanh tiến độ nhưng chắc chắn sẽ chậm kế hoạch vì lượng nhân công một số nơi rất khó tuyển dụng. Nếu tuyển được thì lương sẽ cao hơn, khi đó DN tiếp tục chịu bù lỗ để hoàn thành tiến độ cam kết.
Theo các DN, để khắc phục khó khăn và tiết giảm chi phí, phải tinh gọn bộ máy. Nhân sự phải tối giản là điều bắt buộc dù biết trước sẽ có những xáo trộn nhất định. Bên cạnh đó, cần cố định chi phí đầu vào bằng cách mua tồn trữ đặt hàng với các hợp đồng đã ký kết để đảm bảo nguyên, vật liệu cung cấp cho hợp đồng. Thực hiện các giải pháp tiết kiệm giảm tiêu hao vật liệu xuống thấp nhất, đồng thời giảm giá thành, cải thiện biên độ lợi nhuận
Văn Gia