"Dịch cũ chưa qua/ Dịch mới liền kề/ Công việc bộn bề/ Lòng người xao xuyến". Đó là 4 câu thơ mà đồng chí Bùi Quang Huy, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh nói về thực trạng hiện nay của ngành Y tế Đồng Nai tại hội nghị sơ kết công tác xây dựng Đảng 6 tháng đầu năm 2022 của Đảng bộ Sở Y tế
“Dịch cũ chưa qua/ Dịch mới liền kề/ Công việc bộn bề/ Lòng người xao xuyến”. Đó là 4 câu thơ mà đồng chí Bùi Quang Huy, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh nói về thực trạng hiện nay của ngành Y tế Đồng Nai tại hội nghị sơ kết công tác xây dựng Đảng 6 tháng đầu năm 2022 của Đảng bộ Sở Y tế mới đây.
Điều dưỡng Khoa Hồi sức tích cực chống độc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai chăm sóc bệnh nhân. Ảnh: H.DUNG |
Ngành Y tế nói chung và khối điều trị nói riêng đang rất cần được “xốc” lại để vững vàng bước vào những “cuộc chiến” mới.
Áp lực đè nặng
Phó giám đốc phụ trách Sở Y tế Lê Quang Trung cho biết, ngoài 231 bác sĩ (BS), điều dưỡng, kỹ thuật viên đã nghỉ việc trong 6 tháng đầu năm, hiện vẫn còn một số nhân viên y tế đang xin nghỉ việc tại các bệnh viện (BV) công lập trong tỉnh. Đây là vấn đề khiến lãnh đạo Sở và các BV rất “đau đầu”.
Gặp nhiều khó khăn nhất về vấn đề nhân lực hiện nay là BV Nhi đồng Đồng Nai. Theo BS Lê Anh Phong, Phó giám đốc phụ trách BV, mỗi ngày BV tiếp nhận và điều trị cho khoảng 200 bệnh nhân sốt xuất huyết, số ca bệnh nặng cũng khá nhiều trong khi BS, điều dưỡng nghỉ việc số lượng lớn khiến những người ở lại vô cùng vất vả. Mặc dù lãnh đạo BV đã kêu gọi nhân viên y tế đăng ký trực thêm và trả tiền trực như giá dịch vụ nhưng các y, BS cũng không còn sức để đăng ký.
Theo thống kê chưa đầy đủ của Sở Y tế, trong 6 tháng đầu năm 2022, các cơ sở y tế tư nhân trong tỉnh tăng 91 BS, từ 1.177 người lên 1.268 người. Ngoài ra, còn tăng thêm 28 điều dưỡng, 7 nữ hộ sinh, 28 kỹ thuật viên và 10 nhân viên y tế khác. |
Điều khiến lãnh đạo BV Nhi đồng Đồng Nai lo ngại nhất là các điều dưỡng nghỉ việc rất nhiều. Có hơn 30 điều dưỡng đã nghỉ việc từ đầu năm 2022 đến nay buộc những điều dưỡng ở lại phải trực đêm liên tục và không có thời gian để tái tạo sức lao động. Ai cũng phải “gồng” lên để làm nhiệm vụ vì bệnh nhân vào viện không thể không tiếp nhận.
Không chỉ điều dưỡng, các BS cũng đang rất “tâm tư”. Một BS công tác 10 năm tại một trung tâm y tế huyện chia sẻ, chị làm ở Khoa Khám bệnh, thường xuyên có nguy cơ phơi nhiễm với nhiều loại bệnh nhưng lại không được nhận khoản tiền độc hại. Tổng thu nhập của nữ BS trong tháng 7-2022 là hơn 6,2 triệu đồng. Trừ các khoản bảo hiểm, phí Công đoàn, đóng góp quỹ phòng, chống thiên tai, số tiền còn lại mà BS này được nhận chỉ hơn 5,6 triệu đồng. Thu nhập thực lãnh của BS trưởng khoa nơi nữ BS làm việc là hơn 7,6 triệu đồng, BS phó khoa hơn 7,4 triệu đồng.
“Mức thu nhập quá thấp không đảm bảo cuộc sống trong khi áp lực công việc ngày càng lớn khiến nhiều người chán nản, chỉ muốn nghỉ việc để ra ngoài làm. Một số BS trước đây nhận chế độ thu hút phải ráng làm cho đủ 10 năm rồi xin nghỉ. Có người chấp nhận đền bù số tiền gấp 3 lần tiền thu hút để nghỉ việc. Mỗi đêm trực, BS chỉ được trả 115 ngàn đồng, ra trực nhiều người phải đi làm thêm chỗ này chỗ kia, bán hàng online để có thêm thu nhập, trang trải cuộc sống. Bản thân tôi cũng cảm thấy rất mệt mỏi và muốn xin nghỉ việc” - nữ BS tâm sự.
Dự kiến nhiều mức thu hút, hỗ trợ nhân viên y tế
Trước “làn sóng” nhân viên y tế ở BV công lập ồ ạt nghỉ việc sau khi dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng rất trăn trở. Ông cho rằng, có nhiều nguyên nhân khiến các y, BS nghỉ việc. Trước hết là do thu nhập thấp. Với mức lương khoảng 5-7 triệu đồng/tháng với BS có kinh nghiệm từ 5-10 năm thì không thể khiến họ an tâm công tác.
Bác sĩ, nhân viên y tế Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh chuẩn bị cho ca phẫu thuật tại bệnh viện. Ảnh: H.DUNG |
Mức thu nhập này còn thấp hơn thu nhập của người công nhân chỉ cần biết đọc, biết viết. Đây là bất cập mà ai cũng có thể thấy. Bên cạnh đó, áp lực nặng nề, môi trường làm việc chưa thật sự thoải mái, sự phát triển mạnh mẽ của y tế tư nhân… cũng khiến các BS có tay nghề chuyên môn cao ở các BV công lập tâm tư.
Việc thiếu hụt BS, điều dưỡng lành nghề đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng khám, chữa bệnh tại các BV công lập. Do không đủ nhân lực nên các BV công lập không thể cử BS đi đào tạo nâng cao tay nghề. Vì thế, trình độ chuyên môn của y, BS không được nâng cao, không thể triển khai được các kỹ thuật mới, kỹ thuật cao. Người bệnh bị các bệnh nặng đến BV nhưng không được điều trị phải chuyển lên tuyến trên vừa xa vừa tốn nhiều thời gian, công sức, tiền bạc, rất thiệt thòi.
Nhằm bổ sung nguồn nhân lực ngành Y tế, tăng thu nhập, thu hút, giữ chân cán bộ, nhân viên y tế, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động chăm sóc sức khỏe nhân dân, Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Bình cho hay, Sở Y tế đang tham mưu HĐND, UBND tỉnh xây dựng Nghị quyết về chính sách thu hút và hỗ trợ nguồn nhân lực y tế tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2023-2027.
Theo quan điểm của Ban giám đốc Sở Y tế, đối tượng nhận hỗ trợ là tất cả BS, y sĩ, điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên công tác tại các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Y tế, các trạm y tế xã, phường, thị trấn, nhân viên y tế khu phố tại các phường, thị trấn.
Đối tượng thu hút tùy thuộc vào đặc điểm tình hình, nhu cầu của từng đơn vị. Chẳng hạn, với các BV: Đa khoa Đồng Nai, Đa khoa Thống Nhất, Đa khoa khu vực Long Khánh, Da liễu Đồng Nai hay Trung tâm Giám định y khoa, đối tượng thu hút phải là tiến sĩ, BS CK I, CK II, ThS, BS nội trú.
Với các BV: Nhi đồng Đồng Nai, Đa khoa khu vực Long Thành, Đa khoa khu vực Định Quán, Phổi Đồng Nai, Y dược cổ truyền Đồng Nai, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trung tâm pháp y, trung tâm y tế các huyện/thành phố, đối tượng thu hút còn bao gồm BS đa khoa.
Mức thu hút đối với các đối tượng dự kiến từ 200-300 triệu đồng/người, nhận một lần. Ngoài chính sách thu hút một lần, các đối tượng còn được hỗ trợ thêm tiền thuê nhà, chế độ với đối tượng thu hút là nữ.
Mức hỗ trợ đối với nhân viên y tế đang công tác tại các trạm y tế dự kiến từ 1,5-4 triệu đồng/người/tháng tùy thuộc vào trình độ, vị trí việc làm. Mức hỗ trợ đối với nhân viên y tế công tác tại các BV tuyến tỉnh dự kiến từ 2,5-3 triệu đồng/người/tháng. Mức hỗ trợ đối với nhân viên y tế công tác tại các trung tâm y tế và các đơn vị còn lại từ 1,5-3,5 triệu đồng/người/tháng. Thời gian nhận hỗ trợ kéo dài trong 4 năm, từ 2023-2027.
Hạnh Dung
TS-BS PHẠM VĂN DŨNG, Giám đốc BV Đa khoa Thống Nhất:
Nhiều bất cập…
Các BV công lập phải mất rất nhiều năm để đào tạo, huấn luyện được đội ngũ cán bộ, BS có tay nghề, chuyên môn cao. Nhưng vì nhiều lý do, trong đó căn bản nhất là vấn đề thu nhập mà nhiều cán bộ, BS có tay nghề cao lại nghỉ việc, bỏ việc ở BV công, chuyển qua BV tư nhân.
Tuy nhiên trên thực tế, hầu hết các ca bệnh nặng, nguy hiểm nhập viện ở các BV tư đều được chuyển sang BV công lập để cấp cứu, điều trị.
Phó giám đốc Sở Y tế NGUYỄN VĂN BÌNH:
Cùng đoàn kết vượt qua giai đoạn khó khăn
Lãnh đạo Sở Y tế mong muốn tất cả cán bộ, nhân viên y tế toàn ngành hãy cùng nhau đoàn kết, vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Nghị quyết về chính sách thu hút và hỗ trợ nguồn nhân lực y tế tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2023-2027 nếu được thông qua sớm sẽ hỗ trợ phần nào cho cán bộ, nhân viên y tế, giúp mọi người có thêm thu nhập, an tâm gắn bó với đơn vị.
BS NGUYỄN THANH QUYỀN, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới BV Nhi đồng Đồng Nai:
Khẩn trương hỗ trợ nhân viên y tế
Dịch bệnh Covid-19 vừa tạm ổn thì dịch sốt xuất huyết, tay chân miệng ập đến khiến các y, BS vô cùng vất vả. Hiện nay, các BS, điều dưỡng trong khoa đang trực, làm việc với khối lượng, mức độ công việc như các BS ở Khoa Cấp cứu nhưng tiền trực chỉ được lãnh như các khoa lâm sàng thông thường.
Rất mong lãnh đạo Sở Y tế sớm có hỗ trợ để động viên, khích lệ tinh thần làm việc của nhân viên y tế toàn bệnh viện nói chung và trong khoa nói riêng.
An Yên (ghi)