Báo Đồng Nai điện tử
En

Bất cập nhà văn hóa khu dân cư

07:08, 06/08/2022

Cùng với phong trào xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, Đồng Nai đã quan tâm đầu tư, nâng cấp các nhà văn hóa (NVH) ấp, khu phố từ tỉnh đến cơ sở nhằm đáp ứng nhu cầu hội họp, sinh hoạt văn hóa, tinh thần của người dân.

Cùng với phong trào xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, Đồng Nai đã quan tâm đầu tư, nâng cấp các nhà văn hóa (NVH) ấp, khu phố từ tỉnh đến cơ sở nhằm đáp ứng nhu cầu hội họp, sinh hoạt văn hóa, tinh thần của người dân.

Nhà văn hóa KP.Cầu Hang, P.Hóa An (TP.Biên Hòa) xây dựng trái đường khiến cho hoạt động văn hóa, thể thao chưa thu hút người dân. Ảnh: L.Na
Nhà văn hóa KP.Cầu Hang, P.Hóa An (TP.Biên Hòa) xây dựng trái đường khiến cho hoạt động văn hóa, thể thao chưa thu hút người dân. Ảnh: L.Na

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, hệ thống NVH ấp, khu phố vẫn còn tồn tại nhiều bất cập như: cơ sở vật chất xuống cấp, diện tích nhỏ, xây dựng trái đường khiến cho hoạt động chưa hiệu quả, chưa thu hút được người dân tham gia, gây lãng phí.

* Nhiều hạn chế

Mặc dù được xây dựng khang trang, trang bị nhiều thiết bị phục vụ cho hoạt động hội họp, sinh hoạt văn nghệ…, song NVH KP.Cầu Hang, P.Hóa An (TP.Biên Hòa) vẫn chưa thu hút được người dân tham gia. Nguyên nhân chủ yếu là do NVH xây dựng ở hẻm cụt, chạy song song với tuyến đường sắt. Người dân muốn đến sinh hoạt phải chạy vòng đoạn đường khá xa.

Còn tại NVH KP.4, P.Bửu Hòa, tuy có không gian rộng, được đầu tư thêm các thiết bị luyện tập thể dục thể thao ngoài trời song ít được bảo trì, bảo dưỡng và làm vệ sinh môi trường khuôn viên NVH.

Bà Bùi Thị Thoa, Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi KP.Cầu Hang cho biết: “Trước đây, để thuận lợi cho việc đi lại, dễ dàng vào sinh hoạt tại NVH, nhiều người dân tự mở lối đi cắt ngang tuyến đường sắt. Sau khi lối đi ngang vào NVH bị cấm, người dân buộc phải chạy thêm một đoạn rồi vòng lại. Từ đó đến nay, ngoại trừ một số sinh hoạt hội họp và các buổi luyện tập văn nghệ của người cao tuổi, rất ít người lui tới NVH do trái đường”.

Hiện Đồng Nai có 865/932 ấp, khu phố có NVH - khu thể thao, đạt tỷ lệ 92,8%. Trong đó có 697/865 ấp, khu phố có NVH - khu thể thao đạt chuẩn về diện tích khu NVH; 694/865 ấp, khu phố đạt chuẩn về diện tích khu thể thao. 67/932 ấp, khu phố chưa có NVH - khu thể thao ấp, khu phố, chiếm tỷ lệ 7,2%. Ngoài ra, toàn tỉnh có 14 NVH dân tộc.

Báo cáo thực trạng thiết chế văn hóa trên địa bàn TP.Biên Hòa cho hay, những năm qua, thành phố đã triển khai thực hiện nâng cấp trụ sở văn phòng ấp, khu phố thành NVH trên 30/30 phường, xã. Văn phòng khu phố được nâng cấp có diện tích đất 100m2 trở lên (có 138/178 văn phòng khu phố, ấp trên tổng số 200 ấp, khu phố được nâng cấp thành NVH). Bởi đặc thù là thành phố nên diện tích của nhiều NVH các phường nội ô có nhỏ hẹp, chưa đạt chuẩn. Chỉ có những NVH ấp của các địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới như: Hiệp Hòa, Tân Hạnh, An Hòa, Tam Phước, Phước Tân đạt chuẩn theo tiêu chí quy định.

Ngoài 3 NVH dân tộc Chơro (xã Phước Bình), Chăm (xã Bình Sơn) và S’tiêng (xã Tân Hiệp) ở H.Long Thành có 90/97 ấp, khu phố trên địa bàn huyện đã được xây dựng NVH. Những NVH xây dựng trước năm 2005 đã xuống cấp, thấm dột, trong đó có các NVH ấp 3, ấp 6 của xã Phước Bình. Một số NVH ấp do diện tích đất hẹp, không xây dựng được các công trình phụ trợ như NVH ấp 3, xã Long An; không có nơi tập luyện thể dục thể thao, sinh hoạt văn nghệ như NVH ấp 1, xã Tân Hiệp. Ngoài ra, một số NVH nằm gần trung tâm văn hóa xã nên việc sinh hoạt diễn ra tại các trung tâm như: ấp 5, ấp 6 xã Tân Hiệp; ấp Đất Mới, xã Long Phước...

Xuống cấp và hoạt động chưa hiệu quả cũng là tình trạng chung của nhiều NVH trên địa bàn tỉnh. NVH hóa ấp 8 và ấp Tự Túc, xã Thừa Đức (H.Cẩm Mỹ) đang trong tình trạng xuống cấp, địa phương đang có kế hoạch xây dựng mới. Đối với xã Thạnh Phú (H.Vĩnh Cửu) có NVH ở 4 ấp: 2, 3, 5 và 6 các trang thiết bị thể dục thể thao ngoài trời đã hư hỏng, cần được thay mới. Hay các NVH ấp của xã Bàu Hàm 2 (H.Thống Nhất); NVH ấp tại xã Đắc Lua (H.Tân Phú) chưa thường xuyên duy tu bảo dưỡng, có nơi đã xuống cấp, hoạt động chưa hiệu quả nên chưa thu hút người dân đến tham gia.

* Tháo gỡ khó khăn

Theo ông Đặng Quang Phước, cán bộ Phòng Văn hóa - thông tin H.Long Thành, để tháo gỡ những khó khăn, cần tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể nhằm đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế. Trong đó, chú trọng thiết chế vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các địa bàn tập trung đông công nhân lao động sinh sống. Rà soát hoạt động, bố trí và vận động nguồn vốn để xây dựng, hoàn thiện các hạng mục còn thiếu, hư hỏng tại các thiết chế; bổ sung các trang thiết bị, phương tiện, cũng như có quy hoạch đầu tư cơ sở vật chất…

Phòng Văn hóa - thông tin H.Định Quán cho rằng, cần huy động các nguồn lực để tập trung nâng cấp, sửa chữa, đầu tư trang thiết bị, tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp cho hệ thống thiết chế văn hóa, nhất là NVH ấp, khu phố. Chú trọng bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về quản lý và tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao cho đội ngũ phụ trách để quản lý và vận hành các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở. Khuyến khích các tổ chức và cá nhân đầu tư xây dựng (trước mắt là xây dựng các công trình thể thao) và tổ chức hoạt động tại các trung tâm, NVH.

Phó giám đốc Sở VH-TTDL Nguyễn Thị Mộng Bình cho biết, thời gian tới. ngành Văn hóa tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền; tăng cường các hoạt động kiểm tra, huy động các nguồn lực xã hội hóa để đầu tư cơ sở vật chất cho phát triển văn hóa, thể thao tại các thiết chế văn hóa cơ sở. Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện quy định Bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa trên địa bàn Đồng Nai.

Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 trên địa bàn Đồng Nai phấn đấu có 95% NVH ấp, khu phố hoạt động hiệu quả. Tiếp tục xây dựng, cải tạo, nâng cấp và đầu tư cơ sở vật chất cho hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở; tăng kinh phí hoạt động, trang bị và hỗ trợ thêm các trang thiết bị cho các nhà văn hóa ấp, khu phố...

Ly Na

Tin xem nhiều