Với hàng loạt dự án giao thông lớn của Trung ương và địa phương sẽ được triển khai trên địa bàn, Đồng Nai cần nguồn vốn hàng chục ngàn tỷ đồng để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.
Với hàng loạt dự án giao thông lớn của Trung ương và địa phương sẽ được triển khai trên địa bàn, Đồng Nai cần nguồn vốn hàng chục ngàn tỷ đồng để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.
Điểm đầu tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giao với đường Võ Nguyên Giáp, P.Phước Tân, TP.Biên Hòa có mật độ nhà dân đã được xây dựng rất dày đặc. Ảnh: P.Tùng |
* Hàng loạt dự án giao thông sẽ được triển khai
Đồng Nai nằm ở vị trí trung tâm của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nên tỉnh cũng là đầu mối giao thông quan trọng bậc nhất của vùng. Hiện nay, dự án Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành giai đoạn 1 đang được triển khai thực hiện. Chính vì vậy, nhu cầu đầu tư các dự án giao thông phục vụ liên kết vùng và kết nối cho sân bay Long Thành rất cấp thiết.
Từ nhu cầu trên, trong thời gian tới, nhiều dự án hạ tầng giao thông do Trung ương và Đồng Nai đầu tư sẽ được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh.
Giữa tháng 6-2022, tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thông qua các nghị quyết về chủ trương đầu tư các dự án Đường vành đai 3 - TP.HCM và Đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Đây là 2 dự án giao thông lớn đi qua địa bàn tỉnh, đóng vai trò quan trọng trong liên kết vùng và kết nối giao thông cho sân bay Long Thành. Theo kế hoạch, cả 2 dự án này sẽ được khởi công trong năm 2023.
Theo đánh giá, riêng dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu có hướng tuyến đi qua vùng dân cư rất đông, mức độ ảnh hưởng của dự án đối với người dân còn lớn hơn cả dự án Sân bay Long Thành, bởi khu vực thực hiện dự án sân bay Long Thành thưa dân hơn. Do đó, dù diện tích cần giải phóng mặt bằng khoảng 400ha, chưa bằng 1/10 diện tích cần giải phóng mặt bằng cho dự án Sân bay Long Thành nhưng số hộ dân cần bố trí tái định cư của dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu cũng gần bằng một nửa so với dự án Sân bay Long Thành. |
Cùng với 2 dự án trên, một dự án hạ tầng giao thông liên kết vùng và kết nối sân bay Long Thành đi qua địa bàn tỉnh cũng đang được triển khai các thủ tục đầu tư là đường vành đai 4 - TP.HCM. Tuyến đường có tổng chiều dài khoảng 200km, đi qua địa bàn 5 tỉnh, thành phố: Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM và Long An.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, đường vành đai 4 - TP.HCM là tuyến giao thông kết nối quan trọng bậc nhất của vùng Đông Nam bộ, kết nối các địa phương phát triển mạnh về công nghiệp với các cửa ngõ xuất, nhập khẩu hàng hóa bằng đường biển và đường hàng không là cảng biển Cái Mép và sân bay Long Thành. Với tầm quan trọng đó, Đồng Nai đang xúc tiến để sớm triển khai thực hiện dự án.
Bên cạnh đó, Đồng Nai cũng đã có kế hoạch triển khai thực hiện 4 dự án giao thông nhằm kết nối các địa phương vùng sâu, vùng xa của tỉnh với sân bay Long Thành. Từ đó, phát huy hết lợi thế của sân bay Long Thành và lan tỏa động lực phát triển của “siêu” dự án này.
Ngoài các tuyến đường bộ, với mục tiêu kết nối giao thông cho sân bay Long Thành, 2 dự án đường sắt: Thủ Thiêm - Long Thành và Biên Hòa - Vũng Tàu cũng đang xây dựng phương án để triển khai thực hiện. Mới đây nhất, UBND tỉnh đã có văn bản gửi Bộ GT-VT xem xét, tổng hợp kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GT-VT tổ chức đầu tư xây dựng 2 tuyến đường sắt này.
* Cần khoảng 50-60 ngàn tỷ đồng cho công tác giải phóng mặt bằng
Với hàng loạt dự án giao thông lớn sẽ được triển khai trong thời gian tới, khối lượng công việc đối với công tác giải phóng mặt bằng của Đồng Nai là rất lớn.
Đơn cử như dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Theo tính toán sơ bộ, với đoạn tuyến đi qua địa bàn tỉnh dài hơn 34km, Đồng Nai sẽ phải thực hiện thu hồi diện tích đất gần 400ha. Trong khi đó, đối với dự án Đường vành đai 3 - TP.HCM đoạn đi qua địa bàn tỉnh, diện tích đất cần thu hồi để triển khai dự án khoảng 65ha.
Cùng với đó, để triển khai dự án Đường vành đai 4 - TP.HCM, 4 tuyến đường tỉnh và 2 dự án đường sắt phục vụ kết nối sân bay Long Thành, dự kiến Đồng Nai cũng sẽ phải thực hiện thu hồi thêm hàng trăm ha đất.
Triển khai thực hiện các dự án hạ tầng giao thông nói trên, nhu cầu vốn cho công tác giải phóng mặt bằng của Đồng Nai trong thời gian tới là rất lớn. “Công tác giải phóng mặt bằng cho các dự án hạ tầng giao thông là một khó khăn, thách thức rất lớn của Đồng Nai. Để thực hiện giải phóng mặt bằng cho các dự án này, tỉnh cần nguồn vốn từ 50-60 ngàn tỷ đồng” - Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho biết.
Để giải “bài toán” về nguồn vốn dành cho công tác giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án hạ tầng giao thông trong thời gian tới, bên cạnh nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương, Đồng Nai cũng đã lên phương án khai thác quỹ đất lợi thế dọc các dự án này.
Cụ thể, theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, đối với các dự án hạ tầng giao thông do địa phương triển khai thực hiện, Đồng Nai sẽ khai thác tối đa quỹ đất lợi thế để đấu giá, tạo nguồn vốn đầu tư. “Đối với các dự án hạ tầng giao thông của địa phương khi thông qua chủ trương đầu tư, xác định hướng tuyến tỉnh cũng đã xác định các vị trí đất lợi thế để thực hiện bồi thường, hỗ trợ, thu hồi đất. Sau đó, tỉnh sẽ lập quy hoạch để bán đấu giá các khu đất này. Đây là giải pháp để đảm bảo vừa có hạ tầng, vừa có nguồn vốn tái đầu tư” - Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng chia sẻ.
Đánh giá về khối lượng công tác giải phóng mặt bằng mà Đồng Nai sẽ phải thực hiện trong thời gian tới, Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng, với hàng loạt dự án, công trình trọng điểm về hạ tầng sẽ được triển khai trên địa bàn, áp lực dành cho tỉnh là rất lớn. “Đồng Nai có vị trí địa lý trọng yếu nên tất cả các tuyến giao thông quan trọng đều đi qua địa bàn tỉnh. Muốn thực hiện được các dự án thì phải triển khai công tác giải phóng mặt bằng, muốn giải phóng mặt bằng phải có nguồn lực. Như Đồng Nai, theo tính toán sơ bộ cần từ 50-60 ngàn tỷ đồng, đây là vấn đề khủng khiếp đối với tất cả các địa phương” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá.
Phạm Tùng