Chợ truyền thống không chỉ là nơi giao thương quen thuộc mà còn là nét văn hóa đặc sắc, lâu đời của mỗi địa phương. Khi nhịp sống xã hội phát triển thì việc mua bán, trao đổi hàng hóa ngày càng trở nên sôi động hơn với các kênh bán hàng hiện đại như ...
Chợ truyền thống không chỉ là nơi giao thương quen thuộc mà còn là nét văn hóa đặc sắc, lâu đời của mỗi địa phương. Khi nhịp sống xã hội phát triển thì việc mua bán, trao đổi hàng hóa ngày càng trở nên sôi động hơn với các kênh bán hàng hiện đại như: trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi…, cũng như nhiều hình thức, dịch vụ thuận tiện trên internet, từ mua bán hàng online, livestream, sàn thương mại điện tử đến mạng xã hội Facebook, Zalo...
Đồ họa thể hiện số lượng, phân loại chợ truyền thống đang hoạt động trên địa bàn tỉnh tính đến cuối tháng 8-2022. Nguồn: Sở Công thương - Đồ họa: Hải Hà |
Do đó, chợ truyền thống ngày càng phải cạnh tranh khốc liệt, mãi lực (sức mua) giảm, mất đi nhiều thị phần so với những kênh bán lẻ khác…
Phát triển chợ văn minh, văn hóa
Nhiều tiểu thương chia sẻ, thời gian qua, nhất là sau đợt dịch bệnh Covid-19 bùng phát lần thứ 4, diễn biến thị trường có nhiều biến động, sức mua giảm nên tình hình kinh doanh, hoạt động của các chợ truyền thống gặp nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Văn Nhân, tiểu thương kinh doanh các loại thực phẩm khô tại chợ Long Thành (H.Long Thành) cho biết, lượng khách của sạp, nhất là khách vãng lai những tháng vừa qua sụt giảm khá nhiều do người dân có nhiều lựa chọn để mua sắm, giá cả thị trường có nhiều biến động.
Theo đại diện nhiều ban quản lý chợ, các chợ truyền thống vẫn có những lợi thế nhất định để cạnh tranh với những kênh phân phối như: siêu thị, trung tâm thương mại, chuỗi cửa hàng tiện lợi về chi phí thuê mặt bằng thấp hơn, nhiều mặt hàng “thuận mua vừa bán” với người tiêu dùng… Tuy nhiên, nếu không chủ động đổi mới theo hướng văn minh, hiện đại hơn thì chợ truyền thống sẽ gặp khó khăn trong việc cạnh tranh với mô hình bán lẻ hiện đại.
Trưởng ban Quản lý chợ Hóa An Nguyễn Thanh Tú chia sẻ, sức mua tại chợ hiện chỉ đạt khoảng 70% so với thời điểm trước đợt dịch Covid-19 do ảnh hưởng bởi nhiều nguyên nhân, nhất là phải cạnh tranh với nhiều loại hình bán lẻ khác, cũng như các điểm kinh doanh tự phát bên ngoài chợ. Để nâng cao mãi lực, hiệu quả hoạt động, trong thời gian tới, chợ sẽ tiếp tục duy trì các tiêu chuẩn về chợ văn hóa, chú trọng hoạt động phân loại rác tại nguồn ở chợ, các biện pháp đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao, đổi mới cung cách phục vụ, đảm bảo niêm yết giá…
Kiểm soát chặt chẽ chất lượng hàng hóa đầu vào
Các chợ truyền thống thường có vị trí đắc địa, là nơi giao nhau giữa nhiều phường, dân cư đông đúc nên rất có tiềm năng để phát triển mạnh mẽ nếu có sự đầu tư về hạ tầng và tầm nhìn lâu dài nhằm thu hút người dân, nhất là du khách phương xa đến tham quan, mua sắm, ăn uống…
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh trò chuyện, động viên các tiểu thương đang kinh doanh chợ Hóa An (TP.Biên Hòa). (Ảnh: Hải Hà) |
Do đó, để phát huy hết các giá trị, chợ truyền thống phải tạo cho mình những cơ chế riêng về giá cả, chất lượng an toàn thực phẩm, đồng thời tập trung vào những thế mạnh riêng của chợ với các mặt hàng đồ tươi sống, sạch sẽ trong ngày để cạnh tranh với các kênh bán hàng khác vốn không đủ độ tươi mới bằng.
Chị Lê Vy (ngụ P.Thanh Bình, TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Là người thường xuyên đi chợ, tôi thấy để chợ hoạt động hiệu quả, thu hút người mua thì các tiểu thương phải tạo được lòng tin với khách hàng bằng việc bán những sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đúng giá niêm yết nhằm đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu, xu thế mua bán hàng hóa hiện đại không chỉ dành riêng cho người dân địa phương mà còn cả du khách khi tới chợ tham quan, mua sắm”.
Trưởng ban Quản lý chợ Sặt (TP.Biên Hòa) Phạm Hồng Dương chia sẻ, chợ chủ yếu cung ứng các sản phẩm đồ khô. Trong thời gian tới, chợ sẽ tiếp tục chú trọng công tác đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống cháy, nổ, giữ gìn vệ sinh để khu vực chợ được “đường thông hè thoáng”, tạo không gian cho người dân đến mua sắm an toàn, văn minh.
Trưởng ban Quản lý chợ Biên Hòa (TP.Biên Hòa) Võ Văn Phi cho biết, để nâng cao mãi lực, Ban Quản lý chợ sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để các tiểu thương nâng cao cung cách phục vụ “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”, đảm bảo các mặt hàng, ngành hàng kinh doanh đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm; tạo được uy tín trong hoạt động kinh doanh, mua bán để giữ niềm tin đối với khách hàng…
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy NGUYỄN HỒNG LĨNH vừa đến thăm, khảo sát tình hình cơ sở vật chất, hoạt động kinh doanh và trao đổi với ban quản lý chợ, trò chuyện, động viên tiểu thương kinh doanh tại các chợ truyền thống trên địa bàn TP.Biên Hòa. Qua ghi nhận tại các chợ, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các chợ nỗ lực thay đổi để thu hút người tiêu dùng, nâng cao mãi lực. Trong đó, cần phát triển các chợ theo hướng văn minh, văn hóa, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, công tác an toàn phòng chống cháy nổ, giữ gìn vệ sinh môi trường… Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh đặc biệt lưu ý công tác đảm bảo chất lượng nguồn hàng hóa tại các chợ, nhất là các loại nông sản, thực phẩm trước khi vào chợ cần được kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng kỹ lưỡng. Các cấp, các ngành và địa phương liên quan có thể tính đến phương án phát triển, xây dựng các phòng xét nghiệm, kiểm định mẫu thực phẩm ở các chợ lớn, chợ đầu mối… để có thể kiểm tra nguồn thực phẩm đầu vào ở các chợ một cách an toàn, nhanh chóng. Đồng thời, cần rà soát, xử lý các tụ điểm kinh doanh tự phát ở bên ngoài các chợ gây ảnh hưởng tới an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, văn minh đô thị… Bí thư Tỉnh ủy cũng nhấn mạnh, công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại các chợ cần được nâng cao, qua đó tạo được điểm nhấn, thương hiệu riêng, thúc đẩy mãi lực cho các chợ truyền thống. |
Hải Quân