Đồng Nai được đánh giá là một trong những địa phương thu hút tốt các nguồn lực đầu tư vào giáo dục theo hình thức xã hội hóa. Nhờ vậy, đến nay tỉnh đã có hệ thống các cơ sở giáo dục từ mầm non đến đại học tư thục với quy mô lớn.
Đồng Nai được đánh giá là một trong những địa phương thu hút tốt các nguồn lực đầu tư vào giáo dục theo hình thức xã hội hóa. Nhờ vậy, đến nay tỉnh đã có hệ thống các cơ sở giáo dục từ mầm non đến đại học tư thục với quy mô lớn.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh (thứ hai từ phải qua) thăm Trung tâm Trải nghiệm văn hóa của Trường đại học quốc tế Sài Gòn xây dựng tại TP.Long Khánh. Ảnh: C.NGHĨA |
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng nhấn mạnh: “Tỉnh đang giao cho Sở GD-ĐT xây dựng Đề án Thu hút nguồn lực xã hội hóa vào lĩnh vực giáo dục. Những nút thắt gây cản trở xã hội hóa giáo dục sẽ từng bước được tháo gỡ để tiếp tục có nhiều công trình giáo dục bằng nguồn vốn xã hội hóa hình thành và đi vào sử dụng”.
Những công trình không dùng ngân sách
Công trình Trường mầm non Eclat Hiệp Phước (xã Hiệp Phước, H.Nhơn Trạch) được xây dựng trên diện tích hơn 1.500m2 với trị giá xây dựng 5 tỷ đồng cách đây gần 10 năm bằng nguồn vốn của một doanh nghiệp (DN) hỗ trợ. Nhờ có công trình này mà trong 10 năm qua đã có hàng trăm lượt trẻ em là con công nhân và trẻ em địa phương có nơi học tập khang trang.
Từ năm 2015-2020, Đồng Nai đã thu hút khoảng 1 ngàn tỷ đồng vào lĩnh vực xã hội hóa giáo dục. Toàn tỉnh hiện có 924 cơ sở giáo dục, trong đó có 192 cơ sở giáo dục tư thục (chiếm 20,7%). Trong số 721 ngàn học sinh các cấp học toàn tỉnh năm học 2022-2023 sắp tới, các trường tư thục chiếm tới 131 ngàn học sinh (chiếm tỷ lệ 23%). |
Trong khi đó, là huyện miền núi nhưng Xuân Lộc thu hút khá tốt nguồn vốn xã hội hóa vào giáo dục. Cụ thể, năm 2013, một DN trong nước đã hỗ trợ huyện xây dựng Trường THCS Trần Phú tại TT.Gia Ray trên diện tích 31 ngàn m2 với số vốn lên đến 45 tỷ đồng. Công trình này hiện là một trong những trường chuẩn quốc gia của huyện.
Trên địa bàn H.Xuân Lộc còn có trường mầm non “5 sao” dành cho con công nhân tại Khu công nghiệp Xuân Lộc là Trường mầm non Dona Standard trị giá xây dựng 65 tỷ đồng, đưa vào hoạt động từ năm 2016 do Tập đoàn Phong Thái đầu tư. Hiện nay, Tập đoàn này tiếp tục đầu tư cho huyện xây dựng Trường TH-THCS Huỳnh Văn Nghệ với số vốn 44,3 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành trong năm nay.
Từ sự hỗ trợ của DN, năm 2018, TP.Long Khánh đã thu hút được gần 30 tỷ đồng xây dựng Trường mầm non Bảo Quang tại xã Bảo Quang. Công trình được xây dựng trên diện tích 5 ngàn m2, quy mô 2 tầng, 12 phòng học và các hạng mục phụ trợ…
Cũng từ nguồn xã hội hóa, trên địa bàn TP.Long Khánh còn có một số trường tư thục ở bậc mầm non, phổ thông chất lượng cao và một trung tâm trải nghiệm văn hóa quốc tế của Trường đại học quốc tế Sài Gòn.
Còn tại H.Trảng Bom, nhờ chính sách xã hội hóa giáo dục mà đến nay huyện đã có những công trình giáo dục có quy mô khá lớn, trong đó có Trường TH-THCS-THPT Trần Đại Nghĩa quy mô gần 10 ngàn học sinh; Trường THCS-THPT Trịnh Hoài Đức quy mô hơn 2 ngàn học sinh; Trường mầm non Phong Thái quy mô gần 500 trẻ… Bên cạnh đó, còn có hàng chục nhà, nhóm trẻ mầm non tư thục ra đời, góp phần làm giảm áp lực cho phụ huynh.
Còn nhiều khó khăn
TP.Biên Hòa là một trong những địa phương có quy mô thu hút xã hội hóa mạnh với đầy đủ hệ thống trường học từ mầm non đến đại học. Đến nay, trên địa bàn TP.Biên Hòa có 2 trường đại học tư thục, hàng chục trường mầm non và phổ thông tư thục quy mô lớn, 1 trường phổ thông quốc tế với khoảng 100 ngàn
học sinh, sinh viên.
Một buổi học Tiếng Anh của học sinh Trường TH-THCS-THPT song ngữ Á Châu. Ảnh: C.NGHĨA |
Nhiều cơ sở giáo dục tư thục tại TP.Biên Hòa đã định hình thương hiệu trong phụ huynh học sinh như: Trường TH-THCS-THPT Bùi Thị Xuân, Hệ thống Giáo dục Á Châu, Hệ thống Giáo dục IGC, Trường TH-THCS-THPT song ngữ Lạc Hồng... Gần đây, Biên Hòa còn có sự góp mặt của “đại gia” trong lĩnh vực giáo dục là Tập đoàn Giáo dục Nguyễn Hoàng (NHG) với Trường quốc tế Bắc Mỹ SNA Biên Hòa. Các cơ sở giáo dục tư thục này đang đóng góp rất lớn vào việc đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực cho tỉnh, giảm bớt sự đầu tư của ngân sách cho giáo dục.
Chị Phạm Thúy Hà (ngụ P.Quyết Thắng) cho biết: “Hiện nay, các trường công và tư không còn khoảng cách quá lớn về chất lượng, thậm chí về mặt cơ sở vật chất, nhiều trường tư thục được đầu tư khang trang, hiện đại hơn nhiều. Đây cũng là lý do chúng tôi tin tưởng gửi con vào học tập tại các cơ sở giáo dục tư thục”.
Phó giám đốc Sở GD-ĐT Đỗ Đăng Bảo Linh cho biết, hệ thống các cơ sở giáo dục tư thục được đầu tư bằng nguồn lực xã hội hóa 100% ngày càng tỏ rõ sự phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng. Các trường không những chăm chút đầu tư về cơ sở vật chất mà chương trình dạy và học còn rất phong phú. Nhiều đơn vị chủ động hợp tác với các đối tác giáo dục đưa các chương trình dạy học tiên tiến vào áp dụng, giúp học sinh trở nên tự tin, năng động, đặc biệt là khả năng tiếng Anh.
Tuy nhiên, việc huy động nguồn lực xã hội hóa đang gặp không ít khó khăn. Anh Nguyễn Ngọc Thuận (ngụ P.Long Bình, TP.Biên Hòa) chia sẻ băn khoăn: “Gia đình tôi muốn chuyển đổi nhóm trẻ thành trường mầm non tư thục để phát triển lớn hơn nhưng hiện tại đất của gia đình thuộc loại đất ở đô thị, không phù hợp với đất giáo dục. Hoặc nếu tôi chấp nhận chuyển đổi thành đất giáo dục đi chăng nữa, sau này không làm giáo dục nữa thì có được chuyển đổi lại mục đích sử dụng ban đầu là đất ở hay không?”.
Giám đốc Sở GD-ĐT Trương Thị Kim Huệ cho biết, việc thu hút nguồn lực xã hội hóa giáo dục đang gặp nhiều khó khăn do thiếu quỹ đất quy hoạch giáo dục phù hợp. Chẳng hạn, Sở đang phối hợp với TP.Long Khánh để giới thiệu địa điểm cho một trường tư thục trên địa bàn nhưng rất khó vì vướng quy hoạch, vướng đền bù giải phóng mặt bằng, thủ tục cũng không đơn giản. Nếu có triển khai được cũng cần đến cả năm, thậm chí lâu hơn.
Công Nghĩa
Phó chủ tịch UBND tỉnh NGUYỄN SƠN HÙNG:
Việc nào vượt quá khả năng của ngân sách thì kêu gọi xã hội hóa đầu tư
Sở GD-ĐT phải phối hợp với các địa phương rà soát lại mạng lưới trường lớp. Việc nào địa phương có thể làm được thì làm cho tốt, việc nào vượt quá khả năng của ngân sách thì kêu gọi xã hội hóa đầu tư, bởi nếu toàn bộ dựa vào ngân sách nhà nước thì không có ngân sách nào chịu nổi. Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục - đào tạo giai đoạn 2019-2025 đã nêu rất rõ, từng bước không mở rộng trường công nữa mà phải tập trung xã hội hóa.
Trưởng ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh HUỲNH NGỌC KIM MAI:
Người dân còn lo lắng vì khó tìm trường lớp cho con em
Cử tri còn nhiều lo lắng vì mỗi dịp tuyển sinh chuẩn bị cho năm học mới thì việc tìm trường cho con em họ vẫn còn khó khăn do thiếu trường lớp, thậm chí ngay cả những trường ngoài công lập cũng không còn chỗ để xin học. Do đó, phải quy hoạch một quỹ đất phù hợp cho giáo dục để khi cần có đất xây dựng trường ngay. Với những DN được giao đất công nhưng không sử dụng, để lãng phí thì phải thu hồi dành để quy hoạch thành đất giáo dục.
Chủ tịch Hội đồng Trường đại học Công nghệ Đồng Nai, TS PHAN NGỌC SƠN:
Cần có cơ chế “thoáng” khơi thông dòng vốn xã hội hóa giáo dục
Đến nay, Đồng Nai đã phát triển đủ mọi loại hình trường lớp tư thục bằng nguồn lực xã hội hóa. Tuy nhiên, cần tiếp tục phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu, đó là cần nhiều ngôi trường phổ thông tư thục hơn nữa để giảm bớt sự quá tải của các trường công lập. Tỉnh cần những ngôi trường đại học chất lượng cao, tiêu chuẩn quốc tế mà tư nhân có nguồn lực đầu tư để đào tạo ra đội ngũ nhân lực chất lượng cao phục vụ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Thành Nam (ghi)