Thời gian gần đây, sự phát triển của các chuỗi cửa hàng tiện lợi đang có dấu hiệu chững lại. Điều này cho thấy sức cạnh tranh của các mô hình bán lẻ cả truyền thống lẫn hiện đại ...
Thời gian gần đây, sự phát triển của các chuỗi cửa hàng tiện lợi đang có dấu hiệu chững lại. Điều này cho thấy sức cạnh tranh của các mô hình bán lẻ cả truyền thống lẫn hiện đại, cũng như mô hình bán lẻ trực tuyến đang ngày càng gay gắt trước những xu hướng tiêu dùng mới của người dân.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 251 cửa hàng tiện lợi thuộc các hệ thống lớn. Trong ảnh: Người tiêu dùng chọn mua các loại thịt heo tại một chuỗi cửa hàng tiện lợi chuyên về mảng thực phẩm tại TP.Biên Hòa. Ảnh: H.Hà |
Tốc độ phát triển chững lại
Theo Sở Công thương, tính đến giữa tháng 7-2022, trên địa bàn tỉnh có 251 cửa hàng tiện lợi thuộc các hệ thống: Bách hóa Xanh, vinmart, Co.opFood, Porkshop, GS25 đang hoạt động, giảm 5 cửa hàng so với thời điểm đầu tháng 4-2022. Có chuỗi đã đóng cửa một số cửa hàng do không còn đạt chuẩn.
Trên thực tế, nhiều chuỗi đã không mở rộng thêm các cửa hàng tiện lợi trong thời gian qua mà tập trung cải tổ, duy trì và nâng cao chất lượng cho chuỗi các cửa hàng hiện có.
Mô hình cửa hàng tiện lợi tích hợp vừa là địa điểm mua sắm, vừa có không gian tán gẫu, trò chuyện đang được nhiều bạn trẻ quan tâm. (Ảnh: Hải Quân) |
Ông Đặng Thanh Phong, Trưởng phòng Quan hệ công chúng hệ thống cửa hàng Bách hóa Xanh cho biết, ít nhất từ nay cho đến hết năm, chuỗi cửa hàng Bách hóa Xanh sẽ không có kế hoạch mở rộng thêm các cửa hàng trên địa bàn Đồng Nai; thay vào đó sẽ tập trung tối ưu hóa vận hành, nâng cao chất lượng phục vụ, bố trí lại các quầy kệ, gian hàng, quy cách hoạt động theo chuẩn mới của chuỗi. Về định hướng phát triển, chuỗi tiếp tục hướng tới các đối tượng khách hàng như các bà nội trợ, công nhân, người lao động. Các cửa hàng sẽ được cân đối phù hợp, tập trung ở những khu vực có số dân đông, mật độ hợp lý hơn.
Bên cạnh các chuỗi cửa hàng mang thương hiệu lớn, nhiều chuỗi cửa hàng tiện lợi khác với quy mô nhỏ hơn cũng đang đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ hơn khi nhiều kênh mua sắm hiện đại phát triển, nhất là khi xu hướng các cửa hàng tiện ích theo dạng tích hợp vừa có thể thuận tiện mua sắm, vừa có không gian tán gẫu, trò chuyện với bạn bè ngày càng xuất hiện nhiều...
Chị Huỳnh Bích Châu, quản lý chuỗi cửa hàng tiện ích AmPm ở TP.Biên Hòa cho biết, chuỗi cửa hàng áp dụng mô hình hoạt động tương tự những chuỗi cửa hàng tiện ích tích hợp ở TP.HCM như: phục vụ 24/24 giờ; vừa kinh doanh các loại sản phẩm tiêu dùng, thức ăn nhanh, tiện lợi, gọn nhẹ, vừa bố trí khu vực phục vụ ăn uống tại chỗ để khách hàng trải nghiệm, tán gẫu... Đối tượng khách hàng của mô hình này phần lớn tập trung vào giới trẻ. Hiện nay, ngày càng có nhiều mô hình cửa hàng tiện lợi theo hướng này “đổ bộ” về TP.Biên Hòa nên hoạt động kinh doanh của chuỗi cũng chịu nhiều tác động, mức độ cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ hơn. Do đó, trên thực tế, chuỗi đang tạm dừng hoạt động một cửa hàng so với đầu năm nay để định hướng, đầu tư phát triển theo mô hình, vị trí phù hợp, gần với khu vực trung tâm thành phố hơn.
“Chuyển mình” để thích nghi
Tiềm năng phát triển chuỗi cửa hàng tiện ích cho cuộc sống, gia đình ở địa bàn tỉnh rất lớn nhưng trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng cao, các cửa hàng này sẽ phải chấp nhận việc đào thải bởi thời gian và thị trường hoặc cần phải “chuyển mình” để đứng vững.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 251 cửa hàng tiện lợi thuộc các hệ thống lớn. Trong ảnh: Người tiêu dùng chọn mua các loại rau xanh tại một cửa hàng tiện lợi ở TP.Biên Hòa. Ảnh: HẢI QUÂN - Đồ họa: HẢI HÀ |
Chị Mỹ Hiền (ngụ P.Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) cho biết, khu vực xung quanh nhà chị có nhiều cửa hàng tiện lợi. Một số cửa hàng thật sự tạo ra sự khác biệt và trải nghiệm độc đáo, thoải mái khi mua sắm, nhưng cũng có một số có không gian ngột ngạt chỉ có hàng hóa, mùi thức ăn, quầy kệ và lối đi chật hẹp. “Ngoài ra, có vài mô hình cửa hàng tiện lợi hoạt động như chợ thu nhỏ một dạo phát triển ồ ạt, tuyển nhân viên liên tục nhưng việc đào tạo, chăm sóc khách hàng, nâng cao chất lượng sản phẩm luôn ở mức dưới trung bình, điều đó ít nhiều gây mất thiện cảm dẫn tới việc hiện tại phải đóng cửa một số cửa hàng” - chị Hiền chia sẻ.
Trong khi đó, nhiều hình thức mua sắm trực tiếp tại các mô hình bán lẻ như chợ, cửa hàng tiện lợi… đang gặp phải sự cạnh tranh ngày càng lớn hơn khi xu hướng tiêu dùng chuyển sang các hình thức mua bán hiện đại để tránh tiếp xúc trực tiếp quá nhiều giữa người mua - người bán, đồng thời dần hướng tới các kênh mua hàng trực tuyến, mua hàng trên mạng xã hội…
Anh Quốc Thành (ngụ P.Tân Tiến, TP.Biên Hòa) cho biết, đa phần các cửa hàng tiện lợi tại khu vực TP.Biên Hòa dừng lại ở việc đáp ứng nhu cầu mua sắm tối thiểu, làm phong phú thị trường và vẫn còn tồn tại khoảng cách lớn so với các nước phát triển, thậm chí so với ngay khu vực TP.HCM. Trong khi đó, nhờ sự phát triển của quá trình chuyển đổi số, khai thác tốt trên các nền tảng, thương mại điện tử, Việt Nam đang tiếp tục phát triển toàn diện với sự nở rộ về các loại hình cũng như các dịch vụ đi kèm, trở thành công cụ hữu ích giúp người tiêu dùng ngày càng có thêm sự lựa chọn khi tìm kiếm, mua sắm sản phẩm.
“Thị trường bán lẻ tiềm năng nhưng cũng đã bão hòa bởi khách hàng dễ dàng tìm mua sản phẩm ở khắp nơi. Các cửa hàng tiện ích giờ đây không phải là nơi tạo ra được cơn sốt theo xu hướng như thời gian trước. Thay vì phải đi đến trực tiếp cửa hàng tiện lợi, băn khoăn về trải nghiệm không gian, dịch vụ thì ngày nay người tiêu dùng lựa chọn đơn giản hơn bằng cách sử dụng vài cú click chuột, chạm và thanh toán nhanh chóng để đỡ mất thời gian” - anh Thành nói.
Tháng 7 vừa qua, Bộ Công thương đã lấy ý kiến dự thảo thông tư quy định về phân loại và quản lý một số loại hình hạ tầng thương mại. Nội dung chính của thông tư là yêu cầu các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi phải tự phân loại theo tiêu chí. Trong đó, dự thảo quy định về tiêu chí cửa hàng tiện lợi như phải có diện tích từ 30-200m2, đối tượng phục vụ chủ yếu là khách mua hàng trong phạm vi bán kính dưới 500m... Quy định này nhận được nhiều quan tâm từ dư luận. Nhiều ý kiến cho rằng quy định như vậy bất hợp lý, tạo thêm các điều kiện kinh doanh không cần thiết. Hiện Bộ Công thương vẫn đang tiếp tục ghi nhận những ý kiến đóng góp, rà soát để có những điều chỉnh phù hợp, qua đó góp phần phát triển các loại hình hạ tầng thương mại theo hướng văn minh, hiện đại, phân loại phù hợp đối với các kênh bán lẻ, trong đó có các cửa hàng tiện lợi để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng… Hải Hà |
Hải Quân