Báo Đồng Nai điện tử
En

Tăng đối thoại, giảm đình công

07:08, 25/08/2022

Trong 6 tháng đầu năm, trên địa bàn Đồng Nai xảy ra 17 vụ đình công tại các doanh nghiệp (DN) với trên 34 ngàn người lao động (NLĐ) tham gia, tăng 4 vụ so với cùng kỳ năm 2021.

Trong 6 tháng đầu năm, trên địa bàn Đồng Nai xảy ra 17 vụ đình công tại các doanh nghiệp (DN) với trên 34 ngàn người lao động (NLĐ) tham gia, tăng 4 vụ so với cùng kỳ năm 2021.

Phó chủ tịch thường trực Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Thanh Hải nắm bắt tình hình đời sống, việc làm công nhân Đồng Nai từ cán bộ Công đoàn cơ sở
Phó chủ tịch thường trực Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Thanh Hải nắm bắt tình hình đời sống, việc làm công nhân Đồng Nai từ cán bộ Công đoàn cơ sở. Ảnh: T.My

Đây là thông tin được Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh chia sẻ tại hội nghị Ban chấp hành Công đoàn lần thứ 9 vừa qua.

* Bám sát cơ sở để nắm bắt tình hình

Theo LĐLĐ tỉnh, trong 17 vụ đình công vừa qua, chủ yếu tập trung nhiều tại H.Nhơn Trạch với 9 vụ, TP.Biên Hòa 5 vụ, còn lại rải rác ở các huyện: Trảng Bom, Vĩnh Cửu, Long Thành... Nguyên nhân đình công chủ yếu liên quan đến việc nâng lương định kỳ hằng năm, nợ lương, chậm trả lương, chất lượng bữa ăn ca và cắt giảm các khoản phụ cấp.

Mặc dù các vụ đình công không quá phức tạp và được tổ chức Công đoàn cùng các ngành chức năng kịp thời có mặt tại DN để giải quyết, nắm bắt tình hình và vận động NLĐ trở lại làm việc bình thường; đồng thời, làm việc với lãnh đạo các DN giải quyết những bức xúc, chế độ của NLĐ theo đúng quy định pháp luật lao động, song hầu như đều ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN và thu nhập, việc làm của NLĐ.

Tại hội nghị Ban chấp hành Công đoàn lần thứ 9, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh NGUYỄN THỊ NHƯ Ý đề nghị các CĐCS tiếp tục sát cánh cùng DN vượt qua khó khăn, đảm bảo việc làm, thu nhập cho NLĐ. Đồng thời, giám sát các chế độ chính sách liên quan đến NLĐ; tập trung ổn định quan hệ lao động trong những tháng cuối năm.

Để bảo vệ quyền lợi của NLĐ, trong tháng 7 vừa qua, LĐLĐ tỉnh đã tổ chức đoàn giám sát nắm bắt việc thực hiện pháp luật lao động, quy chế dân chủ ở cơ sở, việc đóng bảo hiểm xã hội tại các DN trong tỉnh. Đồng thời, trực tiếp xuống xưởng khảo sát môi trường làm việc và tình hình việc làm, thu nhập, đời sống công nhân. Giám sát thực tế cho thấy, vẫn tồn tại một số DN chưa chấp hành đúng quy định pháp luật lao động; chưa thực hiện tốt quy chế dân chủ và các chính sách đối với lao động nữ; chưa chú trọng đến khám sức khỏe, bệnh nghề nghiệp cho NLĐ… Đoàn giám sát nhắc nhở các DN thực hiện đầy đủ chính sách đối với NLĐ, nhất là việc làm thêm giờ, tiền lương, bữa ăn ca và công tác an toàn vệ sinh lao động.

Theo Phó chủ tịch LĐLĐ tỉnh Hồ Thanh Hồng, việc giữ gìn mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định ngoài trách nhiệm của tổ chức Công đoàn cần sự hợp tác, thấu hiểu của DN và NLĐ. Các DN cần tôn trọng nguồn lực để thực hiện đúng các chính sách liên quan đến NLĐ, tránh để những mâu thuẫn, phát sinh nhỏ ảnh hưởng đến đình công, ngừng việc. Ngoài ra, NLĐ cần nâng cao nhận thức về hiểu biết pháp luật lao động để bảo vệ mình. Khi chính sách chưa rõ thì cần tìm Công đoàn cơ sở (CĐCS) để phản ánh, nhờ hỗ trợ, không nên đình công, ảnh hưởng đến việc làm lâu dài của mình.

Cũng theo ông Hồng, tới đây, ngoài tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách, pháp luật của DN đối với NLĐ, LĐLĐ tỉnh chỉ đạo CĐCS nắm bắt tâm tư của NLĐ, kịp thời phát hiện những vướng mắc về chế độ chính sách, lương, thưởng để đề xuất với DN, các ngành chức năng giải quyết kịp thời. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với chủ DN chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho NLĐ nhằm hạn chế thấp nhất các vụ ngừng việc, đình công xảy ra.

* Tăng đối thoại tại nơi làm việc

Theo LĐLĐ tỉnh, thực hiện việc điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng theo Nghị định 38/2022/NĐ-CP của Chính phủ, tính đến ngày 18-8, toàn tỉnh đã có trên 1 ngàn DN có CĐCS thực hiện việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng cho NLĐ với mức tăng thấp nhất là 39 ngàn đồng và mức cao nhất là 2,2 triệu đồng. Có 396 DN không điều chỉnh lương do đang thực hiện trả lương cho NLĐ với mức cao hơn quy định. Tuy nhiên, đối với những DN không điều chỉnh lương cần gặp gỡ, đối thoại với NLĐ để tránh tình trạng ngừng việc liên quan đến điều chỉnh lương.

Mới đây, LĐLĐ H.Long Thành cùng các ngành chức năng của huyện đã làm việc với Công ty TNHH DK Vina về thực hiện điều chỉnh lương tối thiểu vùng theo Nghị định 38 cho tất cả NLĐ thay vì điều chỉnh cho những người có mức lương thấp hơn quy định. Bên cạnh đó, thực hiện việc xây dựng thang, bảng lương, quy chế trả lương, thưởng đúng theo quy định của pháp luật. Qua làm việc, công ty đã ra thông báo điều chỉnh tiền lương cho NLĐ với mức 260 ngàn đồng/người. Trước đó, có 40/108 công nhân tham gia ngừng việc liên quan đến việc điều chỉnh lương, cải thiện chất lượng bữa ăn giữa ca và một số yêu cầu về lợi ích khác.

Trước đó, một số vụ đình công của NLĐ cũng liên quan đến việc điều chỉnh lương tối thiều vùng hoặc DN không thông báo tăng lương và đối thoại, giải thích cho NLĐ hiểu. Các cán bộ CĐCS cho rằng, năm nay, việc điều chỉnh lương rơi vào tháng 7 nên các DN phải lên kế hoạch cân đối tài chính để điều chỉnh lương hợp lý cho NLĐ. Ở một số DN hiện gặp khó khăn do đơn hàng giảm nên đang cân nhắc đến việc điều chỉnh lương. Nhiều CĐCS đã nỗ lực thương lượng với chủ DN để đạt mức lương thỏa đáng cho NLĐ. Tuy nhiên, ở các DN do thông báo chậm hoặc không đối thoại với NLĐ đã dẫn đến tình trạng đình công.

Làm việc với LĐLĐ tỉnh và nắm bắt tình hình hoạt động từ các CĐCS tập trung đông công nhân tại Đồng Nai, Phó chủ tịch thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Thanh Hải đề nghị các cán bộ Công đoàn cần sâu sát cơ sở để bảo vệ NLĐ. Đặc biệt, phối hợp với chủ DN tăng đối thoại, thông báo tình hình sản xuất, khó khăn của DN để NLĐ chia sẻ. Các DN, cán bộ Công đoàn cần nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của NLĐ để xây dựng quan hệ lao động ổn định. Nhất quyết không để NLĐ thiệt thòi về quyền lợi nhưng vẫn phải sát cánh cùng DN, đảm bảo sản xuất xuyên suốt để công nhân duy trì việc làm, thu nhập, không bị ảnh hưởng đến cuộc sống.

Ngoài ra, CĐCS cần tăng cường nắm bắt dư luận xã hội, bởi những thông tin sai lệch về các chính sách, việc làm trên mạng xã hội sẽ ảnh hưởng đến tâm lý làm việc của NLĐ. Công đoàn cấp trên cần nâng cao kỹ năng thương lượng, giải quyết vấn đề, đối thoại để cán bộ CĐCS có kỹ năng tốt trong việc thương lượng, tham mưu chủ DN các chính sách hợp lý, cũng như tổ chức đối thoại với NLĐ, không để phát sinh đình công, ngừng việc trong tình hình một số DN lớn đang gặp khó khăn về sản xuất như hiện nay.

Thảo My


Phó chủ tịch thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam TRẦN THANH HẢI: Đẩy mạnh phúc lợi cho NLĐ

Lương và việc làm ổn định, phúc lợi đảm bảo là một trong 3 vấn đề NLĐ quan tâm để yên tâm làm việc. Nếu một trong 3 vấn đề trên không đảm bảo, NLĐ khó có thể gắn bó với DN, làm việc năng suất cao. Các DN cần quan tâm đến nhà ở, nhà trẻ, lương và chính sách của NLĐ. Trong đó, DN cần đồng hành tổ chức Công đoàn để đẩy mạnh chăm lo phúc lợi cho NLĐ, bởi khi quyền lợi đảm bảo, quan hệ lao động sẽ hài hòa và ổn định.

Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Giấy Yuen Foong Yu Đồng Nai (H.Long Thành) ĐỖ NGUYÊN PHƯƠNG: DN nên dành thời gian đối thoại với NLĐ

Để NLĐ yên tâm làm việc, bên cạnh việc thực hiện các chính sách đầy đủ, các DN nên dành thời gian gặp gỡ, đối thoại. Qua đối thoại, DN giải thích chi tiết những kiến nghị, bức xúc của NLĐ để họ hiểu, chia sẻ và những mâu thuẫn sẽ không tồn tại. Công ty chúng tôi vừa tổ chức hội nghị NLĐ năm 2022. Tại đây, NLĐ nêu lên những vướng mắc và được lãnh đạo DN trả lời trực tiếp, chu đáo và nhận được sự đồng tình của NLĐ.

Chị LÊ THỊ HIỀN, công nhân làm việc tại Công ty TNHH Mabuchi Motor Việt Nam (TP.Biên Hòa): Công nhân cần DN lắng nghe và sẻ chia

Thời gian qua, DN gặp khó khăn về đơn hàng và công nhân cũng ít việc hơn. Song không để NLĐ lo lắng, công ty đã thông báo đến toàn thể công nhân để nắm bắt tình hình và chia sẻ. Vì vậy, NLĐ cũng đồng tình phương án tổ chức giờ làm việc và cho NLĐ nghỉ phép năm của DN. Thực tế, NLĐ luôn muốn DN lắng nghe, thấu hiểu, chia sẻ và tôn trọng để có tiếng nói chung.  

Thảo My (ghi)


 

Tin xem nhiều