Vụ cướp xảy ra tại Phòng giao dịch Tam Phước - chi nhánh TP.Biên Hòa thuộc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (đóng tại KP.Long Đức 3, P.Tam Phước, TP.Biên Hòa) vừa qua là lời cảnh báo về tính phức tạp trong công tác đảm bảo an ninh, an toàn tại các ngân hàng, phòng giao dịch.
Vụ cướp xảy ra tại Phòng giao dịch Tam Phước - chi nhánh TP.Biên Hòa thuộc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (đóng tại KP.Long Đức 3, P.Tam Phước, TP.Biên Hòa) vừa qua là lời cảnh báo về tính phức tạp trong công tác đảm bảo an ninh, an toàn tại các ngân hàng, phòng giao dịch.
Thiếu tướng Nguyễn Sỹ Quang, Giám đốc Công an tỉnh (bìa trái) có mặt tại hiện trường vụ cướp ngân hàng ở P.Tam Phước (TP.Biên Hòa) để chỉ đạo phá án. Ảnh: T.Danh |
Theo đánh giá của lực lượng công an, đây là những địa điểm thường có lượng tiền mặt lớn nên nhiều đối tượng cướp, cướp giật tài sản rất liều lĩnh, tinh vi khi gây án. Chính vì vậy, công tác bảo đảm an ninh trật tự (ANTT) tại các địa điểm này là vấn đề cần được quan tâm đúng mức.
* Manh động, liều lĩnh và tinh vi
Qua một số vụ cướp ngân hàng tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước nói chung và tại Đồng Nai nói riêng cho thấy, thủ phạm thường rất manh động, liều lĩnh và tinh vi.
Vụ việc đối tượng Lê Huy Dũng (34 tuổi, quê tỉnh Thanh Hóa, ngụ H.Long Thành) cầm súng xông vào phòng giao dịch ngân hàng tại P.Tam Phước để cướp tài sản vào chiều 8-9 đã được đối tượng này chuẩn bị khá kỹ lưỡng.
Trước đó, Dũng chuẩn bị sẵn súng công cụ hỗ trợ, ngụy trang xe và áo mũ. Sau khi quan sát xung quanh, Dũng mới vào quầy giao dịch, bất ngờ nổ súng uy hiếp một nhân viên, yêu cầu lấy số tiền hơn 900 triệu đồng rồi nhanh chóng tẩu thoát. Để tránh bị phát hiện, trong quá trình thực hiện vụ cướp, Dũng còn cố tình sử dụng tay trái và đi chân lệch bên phải để đánh lạc hướng nhận định của cơ quan điều tra.
Hằng năm, lực lượng công an thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo, huấn luyện những kiến thức cơ bản về pháp luật cho lực lượng bảo vệ do các công ty dịch vụ đăng ký. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 176 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh dịch vụ bảo vệ với hàng trăm bảo vệ được tập huấn, đào tạo. |
Trước đó, vào ngày 26-11-2020, tại Phòng giao dịch Hóa An của Ngân hàng NN-PTNT chi nhánh Bắc Đồng Nai (đóng tại P.Hóa An, TP.Biên Hòa) cũng xảy ra vụ cướp tiền.
Đối tượng Mai Xuân Bình (21 tuổi, quê tỉnh Lâm Đồng) dùng lựu đạn giả để uy hiếp nhân viên nhằm cướp tiền. Tuy nhiên, khi thấy mọi người tri hô, sợ bị lộ nên Bình nhanh chóng bỏ chạy ra ngoài lấy xe máy tẩu thoát. Sau 5 ngày truy xét, cơ quan công an đã bắt giữ Bình.
Thiếu tá Phạm Văn Hoàn, Phó trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh cho biết qua điều tra và nắm bắt thông tin các vụ cướp ngân hàng xảy ra trên địa bàn tỉnh và một số tỉnh, thành khác cho thấy, những đối tượng tội phạm thường nhắm đến các ngân hàng có nhiều chi nhánh, phòng giao dịch nhưng sơ hở về công tác bảo vệ như: lực lượng bảo vệ ít, bảo vệ là những người lớn tuổi để gây án.
Đặc biệt, các đối tượng cướp ngân hàng hoạt động ngày càng tinh vi. Về thời gian, các đối tượng thường chọn những thời điểm các phòng giao dịch có ít khách hàng, vắng người qua lại, nhân viên ngân hàng và lực lượng bảo vệ mất cảnh giác để ra tay. Khi gây án, các đối tượng thường sử dụng vũ khí là súng công cụ hỗ trợ (súng bắn đạn bi, súng bắn đạn cao su...), súng giả hoặc mìn tự chế. Sau khi gây án, các đối tượng thường tìm mọi cách để che giấu thân phận, hình ảnh và những thông tin liên quan đến bản thân.
Cũng theo thiếu tá Phạm Văn Hoàn, qua đánh giá thực tế đội ngũ bảo vệ tại các ngân hàng chưa đảm bảo được nghiệp vụ bảo vệ cơ bản. Phần lớn lực lượng bảo vệ tại các địa điểm này chỉ là làm nhiệm vụ trông giữ xe cho khách hàng là chính. Trong các vụ cướp ngân hàng, đa số bảo vệ chỉ thực hiện theo những yêu cầu của đối tượng mà không có sự phản kháng nào như: báo động hoặc trấn áp đối tượng. Thực tế này đã khiến cho các vụ cướp tại các điểm giao dịch, ngân hàng đều thực hiện trót lọt.
* Phải chấn chỉnh công tác bảo vệ ngân hàng
Ngay sau khi vụ cướp ngân hàng xảy ra tại P.Tam Phước, ngày 9-9, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai Tạ Thành Long đã có Văn bản số 1449/ĐNA-TTHC về việc phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm tại các chi nhánh, phòng giao dịch gửi các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh. Trong đó yêu cầu các chi nhánh, phòng giao dịch, tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh chú trọng, tập trung thực hiện công tác kiểm tra, rà soát thực hiện việc lắp đặt, bảo trì hệ thống kho tiền; hệ thống camera giám sát; hệ thống báo động đến cơ quan công an, các nút báo động tại trụ sở, quầy giao dịch... Đặc biệt, lực lượng bảo vệ phải được trang bị công cụ hỗ trợ, kinh nghiệm, kỹ năng trong xử lý tình huống.
Bên cạnh đó, các ngân hàng phải chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, công an cơ sở tổ chức tuyên truyền, phổ biến, cập nhật các thông tin về phương thức, thủ đoạn gây án của các đối tượng và những sơ hở mà tội phạm thường lợi dụng nhằm nâng cao ý thức đề cao cảnh giác, phòng chống tội phạm cho giao dịch viên và lực lượng bảo vệ tại các cơ sở này.
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Đồng Nai yêu cầu các ngân hàng trên địa bàn tăng cường tổ chức tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng phòng vệ cho đội ngũ giao dịch viên; lực lượng bảo vệ ngân hàng sử dụng thành thạo công cụ hỗ trợ, kỹ năng phát hiện, xử lý khi có các tình huống trộm, cướp xảy ra.
Trao đổi về nội dung này, thiếu tá Phạm Văn Hoàn cho biết, để công tác giữ gìn ANTT tại các điểm giao dịch ngân hàng được đảm bảo trong thời gian tới, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh sẽ phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức tuyên truyền chuyên sâu về công tác phòng, chống tội phạm tại các đơn vị này. Trong đó, lực lượng công an sẽ phổ biến các nội dung, kiến thức về cách xử lý khi có tình huống xảy ra; phổ biến đặc điểm nhận diện của các đối tượng khả nghi để kịp thời xử trí.
Ngoài ra, lãnh đạo các ngân hàng phải thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở các khâu trong công tác bảo vệ không để xảy ra những sơ suất. Khi phát hiện có khách hàng đến các điểm giao dịch ngân hàng nhưng có những biểu hiện “lạ”, khác thường như: đeo kín khẩu trang, mặc áo khoác trùm kín đầu, đội mũ bảo hiểm... thì lực lượng bảo vệ hoặc nhân viên ngân hàng phải kiểm tra, xác minh và có biện pháp xử lý ngay.
Ở góc độ quản lý công tác bảo vệ, đại tá Trần Ngọc Minh, Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh cho biết căn cứ vào các quy định pháp luật, khi có đầy đủ các điều kiện, Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội sẽ cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về ANTT để hoạt động đối với các công ty dịch vụ bảo vệ. Trong quá trình hoạt động, lực lượng công an sẽ kiểm tra, đôn đốc các mục tiêu để hoạt động được đảm bảo.
Đối với công tác đảm bảo ANTT tại các ngân hàng, điểm giao dịch, ngoài lực lượng bảo vệ thì vai trò của công an địa phương trong việc kiểm tra, giám sát công tác đảm an ninh, an toàn tại các địa điểm này cũng rất lớn. Lực lượng công an địa phương phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các đơn vị này thực hiện nghiêm các quy định về công tác ANTT.
Chủ tịch UBND tỉnh CAO TIẾN DŨNG: Chấn chỉnh công tác bảo vệ tại các ngân hàng
Ngày 13-9, tại lễ công bố thư khen của Bí thư Tỉnh ủy cho lãnh đạo Công an tỉnh và khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong vụ truy bắt đối tượng cướp tiền tại Phòng giao dịch Tam Phước, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng yêu cầu trong thời gian tới, Công an tỉnh chủ trì phối hợp với các ngân hàng, tổ chức tín dụng, phòng giao dịch trên địa bàn tỉnh triển khai ngay hội nghị với các đơn vị này để chấn chỉnh lại công tác bảo vệ tại các ngân hàng.
Cụ thể, Công an tỉnh (lực lượng chính là Phòng Cảnh sát hình sự) cần tổ chức tập huấn, tuyên truyền về các kỹ năng xử lý tình huống, bảo vệ an toàn khi có tình huống xảy ra cho đội ngũ cán bộ, nhân viên và lực lượng vảo vệ tại các ngân hàng. Lực lượng công an phải phối hợp chặt chẽ với các đơn vị ngân hàng đảm bảo an toàn cho người dân khi đến các phòng giao dịch cũng như bảo vệ tài sản cho phía ngân hàng.
Thiếu tướng NGUYỄN SỸ QUANG, Giám đốc Công an tỉnh: Quan trọng nhất là công tác phòng ngừa
Thiếu tướng Nguyễn Sỹ Quang, Giám đốc Công an tỉnh, cho rằng sau những vụ án như vụ cướp ngân hàng vừa qua, Công an tỉnh nhận thấy có nhiều vấn đề cần phải rút kinh nghiệm mà quan trọng nhất vẫn là rút kinh nghiệm trong công tác phòng ngừa. Thời gian tới, Công an tỉnh sẽ đánh giá thực tế về công tác đấu tranh, phòng ngừa tội phạm tại các địa điểm này, qua đó tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong công tác chỉ đạo, không để cho đối tượng tội phạm có điều kiện hoạt động.
Thành Vinh (ghi)
Trần Danh