Đồng Nai là tỉnh công nghiệp, đây là thuận lợi để công nghiệp hỗ trợ cho nông nghiệp phát triển. Lãnh đạo tỉnh cho đến các địa phương đều định hướng phát triển đồng bộ giữa công nghiệp, dịch vụ với nông nghiệp.
Đồng Nai là tỉnh công nghiệp, đây là thuận lợi để công nghiệp hỗ trợ cho nông nghiệp phát triển. Lãnh đạo tỉnh cho đến các địa phương đều định hướng phát triển đồng bộ giữa công nghiệp, dịch vụ với nông nghiệp.
Chế biến thịt gà tại Công ty TNHH Koyu & Unitex (TP.Biên Hòa). Ảnh: B.Nguyên |
Trong giai đoạn hội nhập sâu rộng như hiện nay, phải hướng đến tăng tỷ lệ nội địa hóa công nghệ, máy móc phục vụ sản xuất; tăng tỷ lệ nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất giống, vật tư nông nghiệp…
* Phát triển mạnh công nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp
Đồng Nai phát triển mạnh về công nghiệp với nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp hình thành từ rất sớm, thu hút đầu tư của các tập đoàn, doanh nghiệp (DN) đến từ nhiều nước trên thế giới, trong đó có nhiều nhà đầu tư trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, chế biến sản phẩm nông sản, chăn nuôi…
Đồng Nai là thủ phủ sản xuất thức ăn chăn nuôi của cả nước với hàng chục nhà máy sản xuất đạt tổng công suất thiết kế trên 3 triệu tấn sản phẩm/năm. Trong đó, nhiều tập đoàn lớn của nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực này như: C.P. (Thái Lan), Cargill (Mỹ), CJ (Hàn Quốc), De Heus (Hà Lan)…
Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Nguyễn Kim Đoán nhận xét, Đồng Nai thu hút được nhiều tập đoàn, DN lớn trong và ngoài nước đầu tư sản xuất thức ăn chăn nuôi. Cuộc đua giữa các tập đoàn lớn trong ngành này giúp người nông dân có thêm nhiều lựa chọn sản phẩm với giá cả cạnh tranh. Ngay cả những DN vừa và nhỏ cũng quan tâm xây dựng chuỗi sản xuất khép kín; đầu tư công nghệ, máy móc hiện đại để có chỗ đứng trên thị trường.
Theo Phó giám đốc Sở NN-PTNT TRẦN LÂM SINH, với mục tiêu phát triển nông nghiệp theo quy mô hàng hóa lớn, Đồng Nai đã triển khai đề án Đẩy mạnh cơ giới hóa giảm tổn thất trong nông nghiệp đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 tạo động lực tái cơ cấu ngành Nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, tỉnh còn nhiều chương trình hỗ trợ trực tiếp cho các HTX, trang trại trong đầu tư máy móc, thiết bị vào sản xuất. |
Là thủ phủ chăn nuôi, tỉnh thu hút được nhiều tập đoàn, DN sơ chế, chế biến thực phẩm như: Công ty CP Chăn nuôi C.P. Việt Nam (TP.Biên Hòa), Công ty TNHH Koyu & Unitex (TP.Biên Hòa) chuyên xuất khẩu thịt gà và sản phẩm chế biến từ thịt gà đi Nhật Bản…
Ngoài ra, các mặt hàng chủ lực của tỉnh như: cao su, cà phê, điều, tiêu, trái cây tươi… cũng thu hút được nhiều tập đoàn lớn đầu tư chế biến sâu như: Vinacafé Biên Hòa, Nestlé Việt Nam, Nhà máy Sản xuất cà phê hòa tan Tín Nghĩa...
Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ Lê Văn Quyết chia sẻ: “Tỉnh có nhiều nhà đầu tư trong ngành chế biến thịt. Nhiều tập đoàn, DN đang đẩy mạnh đầu tư các nhà máy chế biến thịt hiện đại, đạt chuẩn quốc tế với tham vọng không chỉ chiếm lĩnh thị trường nội địa mà còn vươn ra xuất khẩu”.
Trên địa bàn tỉnh cũng tập trung nhiều tập đoàn, DN đầu tư vào lĩnh vực sản xuất vật tư nông nghiệp như: Công ty TNHH UPL Việt Nam, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam, Tập đoàn Hóa chất và dược phẩm Bayer (TP.Biên Hòa), Nhà máy Super PP Long Thành (H.Long Thành)…
Tổng giám đốc Công ty TNHH Con Cò Vàng (H.Long Thành) Nguyễn Kim Thoa đánh giá: “Tỉnh có nhiều lợi thế thu hút nhà đầu tư với vị trí địa lý rất thuận lợi, nhất là có cảng biển lớn cho việc vận chuyển, xuất khẩu sản phẩm. Hạ tầng các khu công nghiệp được đầu tư bài bản. Chính quyền địa phương rất quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư”.
* Để nông dân hưởng lợi từ phát triển công nghiệp
Giá thành sản xuất nhiều loại nông sản Việt Nam cao hơn so với các nước trên thế giới do phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, năng suất lao động kém hiệu quả… Công nghiệp hỗ trợ nông nghiệp không chỉ là chuyện của các tập đoàn, DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp mà còn là vấn đề nông dân được hưởng lợi gì? Cụ thể là việc ứng dụng cơ giới hóa với công nghệ cao, máy móc hiện đại trong sản xuất của nông dân.
Thời gian qua, nhiều DN, nông dân của Đồng Nai đã mạnh dạn đầu tư máy móc, công nghệ hiện đại vào sản xuất để đạt hiệu quả cao. Tuy nhiên thực tế, Việt Nam đang phụ thuộc lớn vào nhập khẩu từ nguyên liệu vật tư đầu vào cho đến công nghệ, máy móc… Đây là rào cản khiến DN, nông dân khó tiếp cận công nghệ cao vào sản xuất, sơ chế, chế biến.
Theo Giám đốc HTX Xoài Suối Lớn (xã Xuân Hưng, H.Xuân Lộc) Nguyễn Thế Bảo: “Khó khăn lớn trong xuất khẩu trái xoài là khâu bảo quản còn lạc hậu. Trái xoài xuất khẩu yêu cầu ít nhất phải bảo quản được trên 30 ngày, đòi hỏi phải nhập công nghệ, máy móc hiện đại với nhiều vấn đề đặt ra như: công nghệ, máy móc nhập khẩu có hoàn toàn phù hợp với thực tế sản xuất trong nước; vốn đầu tư lớn…”.
Công ty TNHH Thương mại Trang Trại Việt (H.Xuân Lộc) với chuỗi đầu tư khép kín từ sản xuất, cung cấp hệ thống chuồng trại chăn nuôi gà đến nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ, trang trại trồng rau, trái trong nhà màng. Các công nghệ, máy móc DN này đang sử dụng đạt tỷ lệ nội địa hóa gần như 100%.
Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Trang Trại Việt Trần Quang Tính nêu ví dụ, công nghệ nhà màng ở châu Âu là dùng cho xứ lạnh, có nhiều yếu tố không phù hợp với xứ nhiệt đới nên Việt Nam không nên “bê” y nguyên về ứng dụng. Chính vì vậy, thay vì nhập công nghệ từ nước ngoài, DN tự cải tiến, chế tạo máy móc, thiết bị ứng dụng trong trang trại chăn nuôi đến dây chuyền sản xuất phân bón, hệ thống nhà màng… Điều này giúp DN tiết kiệm được chi phí đầu tư rất lớn, lại vừa phù hợp với thực tế sản xuất.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy NGUYỄN HỒNG LĨNH: Phải đặt hàng để công nghiệp hỗ trợ cho nông nghiệp phát triển
Đồng Nai là tỉnh công nghiệp nên cần đánh giá xem công nghiệp của tỉnh đã hỗ trợ gì cho nông nghiệp. Trong 5 năm tới, chúng ta phải đặt mục tiêu công nghiệp sẽ hỗ trợ gì cho nông nghiệp như về: cơ giới hóa, chế biến, bảo quản nông sản; sản phẩm đầu vào cho nông nghiệp… gắn kết giữa công nghiệp với nông nghiệp hiệu quả hơn, giúp nền nông nghiệp phát triển bền vững.
Trong đó, đầu tư cho khâu giống có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển sản xuất nông nghiệp vì nó quyết định năng suất, chất lượng, từ đó mới tạo ra giá trị gia tăng cao, tạo ra thu nhập cao cho người nông dân, tạo ra sự phát triển thịnh vượng cho nông nghiệp. Ví dụ, nông nghiệp của Israel thuộc tốp đầu thế giới dù họ không có điều kiện thuận lợi để sản xuất nông nghiệp nhưng xuất khẩu rau, nông sản đi khắp châu Âu. Họ sản xuất tiết kiệm đất, tiết kiệm nước nhưng giá trị sản xuất trên 1ha đất nông nghiệp của họ cao nhất thế giới. Đặc biệt, họ có thế mạnh trong sản xuất giống, giống của họ đắt như vàng.
NGND-TS PHAN HIẾU HIỀN, nguyên giảng viên Khoa Cơ khí - công nghệ, nguyên Giám đốc Trung tâm Năng lượng và máy nông nghiệp, Trường đại học Nông lâm TP.HCM: Yêu cầu cấp thiết là đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp
Hiện đất đai bị xói mòn và ngày càng thoái hóa, nguồn nước dần cạn kiệt. Giải quyết căn cơ vấn đề này, lao động thủ công không còn phù hợp mà phải đưa máy móc vào sản xuất; đồng thời, phải ứng dụng thêm các công nghệ cao trong sản xuất để bảo vệ tài nguyên đất, tài nguyên nước và tăng năng suất cây trồng.
Khó khăn lớn nhất của cơ giới hóa trong nông nghiệp ở Việt Nam là không được đầu tư nghiên cứu một cách bài bản và có hệ thống nên nhiều nông dân phải tự sáng chế ra các loại máy móc, thiết bị. Đã đến lúc những nghiên cứu cơ bản để phát triển cơ giới hóa một cách đồng bộ, không thua về công nghệ so với các nước trên thế giới phải do Nhà nước đứng ra cùng DN thực hiện và phải đầu tư dài hạn chứ không phải những đề tài khoa học chủ yếu nằm trên giấy.
Lê Quyên (ghi)
Bình Nguyên