Báo Đồng Nai điện tử
En

Ngăn hiểm họa cháy xưởng gỗ trong khu dân cư

07:09, 15/09/2022

Đồng Nai hiện có khoảng 1,5 ngàn cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến gỗ; trong đó có khoảng 500 cơ sở quy mô hộ gia đình, phần lớn nằm đan xen trong các khu dân cư ở TP.Biên Hòa (P.Tân Biên, P.Tân Hòa) và H.Trảng Bom (xã Hố Nai 3). Đây là những cơ sở nhỏ, lẻ, tiềm ẩn nguy cơ cháy cao, ảnh hưởng đến đời sống người dân trong khu dân cư.

Đồng Nai hiện có khoảng 1,5 ngàn cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến gỗ; trong đó có khoảng 500 cơ sở quy mô hộ gia đình, phần lớn nằm đan xen trong các khu dân cư ở TP.Biên Hòa (P.Tân Biên, P.Tân Hòa) và H.Trảng Bom (xã Hố Nai 3). Đây là những cơ sở nhỏ, lẻ, tiềm ẩn nguy cơ cháy cao, ảnh hưởng đến đời sống người dân trong khu dân cư.

Công an TP.Biên Hòa dập tắt vụ cháy tại Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Anh Quốc (P.Tân Hòa) ngày 3-9-2022. Ảnh: CTV
Công an TP.Biên Hòa dập tắt vụ cháy tại Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Anh Quốc (P.Tân Hòa) ngày 3-9-2022. Ảnh: CTV

Thời gian qua, dù lực lượng chức năng, chính quyền các địa phương liên tục kiểm tra, nhắc nhở các cơ sở sản xuất, kinh doanh ngành gỗ trong khu dân cư về an toàn phòng cháy, chữa cháy (PCCC) nhưng sự cố cháy tại các xưởng gỗ vẫn xuất hiện, gây thiệt hại lớn về tài sản của doanh nghiệp, đe dọa cháy lan, cháy lớn trong khu dân cư.

* Nguy cơ cháy cao, đe dọa an toàn PCCC trong khu dân cư

Từ nhiều năm nay, P.Tân Biên, P.Tân Hòa (TP.Biên Hòa) và xã Hố Nai 3 (H.Trảng Bom) được biết đến như “thủ phủ” nghề làm mộc truyền thống của tỉnh. Đặc thù của khu vực này là nhiều gia đình truyền đời làm nghề gỗ với các hoạt động sản xuất, lắp ráp, gia công, kinh doanh… gắn bó chặt chẽ với nhau. Chủ hộ hoặc công nhân cũng sinh sống ngay tại xưởng.

Tại P.Tân Hòa và xã Hố Nai 3, các cơ sở, hộ kinh doanh cá thể ngành gỗ có từ lâu đời, từ một nhà xưởng ban đầu, sau thời gian làm ăn phát triển, chủ hộ mở rộng mặt bằng, cơi nới nhà xưởng. Chính vì vậy, hệ thống điện, hạ tầng không có sự đồng bộ mà mang tính chắp vá, tiềm ẩn nguy cơ cháy lan rất cao.

Chủ tịch UBND Tân Hòa (TP.Biên Hòa) NGUYỄN ANH TUẤN cho biết, địa bàn phường có nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh, gia công sản phẩm gỗ thuộc các dạng làng nghề truyền thống, công ty. Vì vậy, từ lâu UBND phường đã tuyên truyền, khuyến cáo các nguy cơ cháy, nổ với các chủ hộ kinh doanh ngành gỗ. Trong thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác này, góp phần hạn chế nguy cơ cháy tại các làng nghề gỗ.

Theo lãnh đạo UBND P.Tân Biên, bên cạnh các xưởng gỗ lâu đời, một số công ty có mặt bằng rất rộng, không sử dụng hết nên cho các hộ kinh doanh cá thể mới thành lập (cũng kinh doanh ngành gỗ) thuê lại. Các xưởng nhỏ này sát vách nhau, thậm chí nối vào nhau, nên khi có cháy từ một xưởng là sẽ lan sang các xưởng khác kề bên, dẫn đến cháy lớn và thiệt hại nặng nề.

Thực tế, vào ngày 3-9 vừa qua, từ sự cố cháy phát sinh từ xưởng gỗ bên trong khuôn viên Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Anh Quốc (P.Tân Hòa) đã cháy lan sang nhà xưởng của 7 hộ kinh doanh, 1 công ty đang thuê mặt bằng của công ty này, gây thiệt hại 4,3 ngàn m2 nhà xưởng.

Trước đó, ngày 11-12-2021, cháy xưởng sản xuất gỗ của chi nhánh Công Ty TNHH Thương mại dịch vụ Thúy Hồng Phát (chuyên sản xuất đồ gỗ tại xã Hố Nai 3, H.Trảng Bom) làm thiệt hại 200m2 nhà xưởng.

Các vụ cháy trên dù không gây thiệt hại về người nhưng đã làm thiệt hại nhiều tài sản của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh.

Nhận định về các nguyên nhân có thể dẫn tới cháy tại các cơ sở sản xuất, chế biến ngành gỗ, lãnh đạo Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh cho biết, phần lớn các vụ cháy xuất phát từ sự cố điện. Bên cạnh đó, bên trong các cơ sở ngành gỗ (đặc biệt là cơ sở chế biến, lắp ráp, gia công) tồn đọng lượng mạt cưa, bụi gỗ rất dày… nên khi xuất hiện tia lửa điện các chất liệu này dễ bốc cháy. Ngoài ra, các cơ sở này cũng chứa nhiều hóa chất, dung môi ngành gỗ làm chất xúc tác khiến ngọn lửa nhanh chóng lan rộng.

* Cần có giải pháp đồng bộ, căn cơ

Theo đánh giá của Công an TP.Biên Hòa và Công an H.Trảng Bom, phần lớn các cơ sở ngành gỗ trong khu dân cư có diện tích hạn chế, không ít cơ sở chất chồng hàng hóa lên nhau, đè lên dây điện, che khuất bình chữa cháy. Kết nối giao thông từ quốc lộ 1 (cả 3 phường, xã trên đều nằm dọc quốc lộ 1) vào nhiều cơ sở không thuận lợi khi đường đi quanh co, thường xảy ra ùn tắc tại một số nút giao khiến xe chữa cháy khó tiếp cận hiện trường.

Ngoài ra, một số cơ sở rất lơ là việc vệ sinh công nghiệp, không quét dọn, thu gom mạt cưa, vụn gỗ. Một số cơ sở còn tự thay đổi hệ thống điện nhưng không lồng vào trong ống “ruột gà”, dù được lực lượng chức năng nhắc nhở nhiều lần nhưng khắc phục qua loa. Thậm chí, không ít xưởng gỗ còn để công nhân tự ý kéo dây điện, sạc pin điện thoại, cắm ấm nước siêu tốc… rất dễ xảy ra chập, cháy trong điều kiện vật liệu dễ bắt lửa chất đầy xưởng.

Ông H.V.T., quản lý một xưởng gỗ tại P.Tân Hòa trần tình: “Hầu như các xưởng gỗ khu vực này đều để công nhân ở lại ban đêm trông giữ xưởng, hàng hóa. Mà diện tích có hạn nên không bố trí được chỗ ăn ở riêng; khi ở lại xưởng, công nhân tự kéo dây điện để nấu ăn, sạc pin điện thoại không phải chuyện lạ. Chúng tôi biết là nguy hiểm nhưng nếu cắt hết điện thì rất khó để công nhân ở lại trông coi ban đêm”.

Để hạn chế nguy cơ cháy tại các cơ sở ngành gỗ trong khu dân cư, Đội Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an TP.Biên Hòa và Công an H.Trảng Bom sẽ tăng cường kiểm tra tại các làng nghề, cơ sở nhỏ lẻ. Đồng thời, ngành chức năng sẽ đẩy mạnh phối hợp với công an các phường, xã trong việc tuyên truyền, tập huấn kỹ năng chữa cháy với các cơ sở. Qua đó, tăng cường khả năng ứng phó của các cơ sở khi phát hiện sự cố cháy ban đầu.

Chỉ huy Công an P.Tân Biên cho biết, thời gian tới sẽ đề xuất mua sắm thêm máy bơm, các bồn chứa nước loại 500m3 để có thể dễ dàng đặt lên các xe bán tải của lực lượng chức năng tham gia chữa cháy. Khi xảy ra sự cố, các xe này sẽ dễ dàng “luồn lách”, áp sát hiện trường sự cố cháy sâu trong các khu dân cư để xử lý ban đầu, ngăn cháy lan, cháy lớn.

Về lâu về dài, một số hộ sản xuất, kinh doanh gỗ ở các địa phương trên đề nghị cơ quan chức năng có thể xem xét quy hoạch, di dời các cơ sở sản xuất, gia công, lắp ráp sản phẩm gỗ ra khỏi khu dân cư. Cụ thể là quy hoạch thành các khu vực dành riêng cho hoạt động này với hạ tầng PCCC hoàn thiện, tránh xảy ra việc sự cố cháy từ một xưởng lan sang nhiều xưởng hoặc các hộ dân khác.


Bà NGUYỄN THỊ NGỌC LIÊN, Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa: Phát huy vai trò lực lượng PCCC tại chỗ

Những năm qua, tình hình cháy, nổ trên địa bàn TP.Biên Hòa diễn biến phức tạp song lực lượng PCCC cơ sở, bảo vệ dân phố, dân phòng đã chủ động phòng ngừa, kịp thời phát hiện, phối hợp với lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp tham gia xử lý các tình huống cháy, nổ. Vì vậy, trong thời gian tới, để có thể sớm phát hiện, khống chế được sự cố cháy thì công tác PCCC ở cơ sở phải được chính quyền các địa phương quan tâm, bồi dưỡng lực lượng này giỏi về nghiệp vụ chữa cháy.

Vừa qua, Ban Chỉ đạo PCCC và cứu nạn, cứu hộ TP.Biên Hòa đã tổ chức kiểm tra nghiệp vụ của hơn 600 đội PCCC tại chỗ ở các cơ quan, trường học, doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp. Qua đó, Ban chỉ đạo sẽ đánh giá đúng tính sẵn sàng cũng như chất lượng công tác PCCC của các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị, địa phương để ứng phó tại chỗ tình huống sự cố cháy, nổ, tai nạn.

Bà LÊ THỊ HUYÊN, chủ cơ sở kinh doanh gỗ ở KP.9, P.Tân Biên (TP.Biên Hòa): Hạn chế phát sinh nguồn lửa trong nhà xưởng

Vì xác định nguy cơ cháy có thể đến từ quá trình sinh hoạt của công nhân bên trong nhà xưởng nên tôi không để các công nhân nấu ăn khi ngủ lại trông coi nhà xưởng vào ban đêm, ngày nghỉ. Tôi thường xuyên nhắc nhở việc ngắt cầu dao điện tại khu vực sản xuất, chứa hàng sau mỗi ngày làm việc. Bên cạnh đó, cơ sở cũng đảm bảo các bình chữa cháy xách tay đủ số lượng, được kiểm tra, nạp đầy theo định kỳ.          

Minh Thành (ghi)


Đăng Tùng

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích