Báo Đồng Nai điện tử
En

Không "khoán trắng" cho nhà trường

03:09, 23/09/2022

Nguy cơ xảy ra bạo lực trong môi trường học đường vẫn luôn tiềm ẩn và là nỗi lo của nhiều nhà trường, gia đình và cả xã hội. Hệ quả của những vụ bạo lực học đường không chỉ ảnh hưởng trước mắt mà còn cả lâu dài, để lại những tổn thương về sức khỏe thể chất lẫn tinh thần đối với học sinh.

Nguy cơ xảy ra bạo lực trong môi trường học đường vẫn luôn tiềm ẩn và là nỗi lo của nhiều nhà trường, gia đình và cả xã hội. Hệ quả của những vụ bạo lực học đường không chỉ ảnh hưởng trước mắt mà còn cả lâu dài, để lại những tổn thương về sức khỏe thể chất lẫn tinh thần đối với học sinh.

Một buổi giáo dục kỹ năng sống do Thành đoàn Biên Hòa tổ chức tại Trường THPT Lê Quý Đôn - Tân Mai
Một buổi giáo dục kỹ năng sống do Thành đoàn Biên Hòa tổ chức tại Trường THPT Lê Quý Đôn - Tân Mai. Ảnh: C.NGHĨA

Cách đây không lâu, tại Trường THCS-THPT Tây Sơn (H.Định Quán) xảy ra vụ học sinh đánh nhau và quay clip tung lên mạng xã hội. Vụ việc gây khá nhiều ồn ào khiến ban giám hiệu phải xử lý học sinh, đồng thời còn ảnh hưởng đến uy tín của nhà trường.

Nỗi lo thường trực

Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Tây Sơn (xã Thanh Sơn, H.Định Quán) Nguyễn Ngọc Toản cho biết, trong các buổi chào cờ và sinh hoạt đầu tuần, nhà trường đều có nhắc nhở và tuyên truyền nội dung liên quan đến bạo lực học đường. Nội dung này cũng được đưa vào một số buổi học, hoạt động ngoại khóa. Nhưng rất tiếc, vẫn xảy ra vụ việc học sinh mâu thuẫn, đánh nhau. Những học sinh tham gia vụ đánh nhau đã là điều đáng buồn, nhưng những học sinh chứng kiến vụ việc, thậm chí còn quay clip tung lên mạng còn đáng buồn hơn.

Nhiều trường học đang “trống” giáo viên tâm lý học đường

Dù Bộ GD-ĐT đã có Thông tư số 31/2017/TT-BGDĐT hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông, trong đó nhấn mạnh sự cần thiết của phòng tham vấn tâm lý học đường và giáo viên tâm lý học đường, thế nhưng thực tế hiện nay hầu hết các trường phổ thông trong tỉnh đều không có phòng tham vấn tâm lý và giáo viên tâm lý. Trong khi đó, với tác động phức tạp từ môi trường sống, ngày càng có nhiều học sinh gặp phải vấn đề tâm lý nhưng lại không được tư vấn kịp thời.

Thầy Nguyễn Ngọc Toản chia sẻ thêm, sau vụ việc học sinh của trường xảy ra mâu thuẫn dẫn đến đánh nhau, học sinh của trường đã nhận được nhiều bài học để không lặp lại những sự cố đáng tiếc. Đối với Ban giám hiệu nhà trường cũng nhận thấy rằng, việc tuyên truyền thường xuyên với mong muốn nâng cao ý thức của học sinh thôi vẫn là chưa đủ. Ngoài nhà trường vẫn cần chính ý thức của các em học sinh, trách nhiệm của gia đình, bên cạnh đó còn là sự chung tay của xã hội trong ngăn chặn kịp thời những sự việc đáng tiếc. 

Năm học 2021-2022, tại một trường THCS ở P.Tam Phước (TP.Biên Hòa) xảy ra vụ việc học sinh mang dao đến trường để gọt xoài ăn. Khi đang gọt xoài thì 2 học sinh nam của trường này xảy ra mâu thuẫn, dẫn đến một em dùng dao gọt trái cây đâm bạn. Rất may vết thương không gây nguy hiểm đến tính mạng của học sinh này. Sự việc đã được Sở GD-ĐT và Phòng GD-ĐT đến tận trường kiểm tra và chấn chỉnh.

Hiệu trưởng một trường TH-THCS-THPT tư thục có quy mô học sinh lớn ở TP.Biên Hòa cho biết, vì sĩ số học sinh của trường đông nên không tránh khỏi sẽ có một số lượng nhất định học sinh chưa ngoan, do thiếu sự chăm lo giáo dục của gia đình. Những em học sinh chưa ngoan này chính là nguy cơ tiềm ẩn của các vụ bạo lực học đường. Cách đây không lâu, do có mâu thuẫn nên sau buổi tan trường một nhóm học sinh của nhà trường và một nhóm thanh niên ở bên ngoài đã hẹn nhau để “nói chuyện”. Ngay khi nhận được tin vụ việc chuẩn bị diễn ra tại cổng trường, nhà trường đã cùng với lực lượng công an can ngăn và giải tán kịp thời.

Lấy thân thiện đẩy lùi bạo lực

Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu (xã Xuân Tâm, H.Xuân Lộc) chưa từng xảy ra vụ bạo lực học đường nào ở cả trong và ngoài trường học. Hiệu trưởng nhà trường Mai Hữu Sơn chia sẻ, nhà trường giao cho giáo viên chủ nhiệm các lớp nắm thông tin từng em học sinh khi vào lớp 6 và suốt quá trình học tập tại trường. Ngoài những lần họp phụ huynh toàn trường trong năm, giáo viên chủ nhiệm của trường cũng thường xuyên liên hệ với phụ huynh về các vấn đề giáo dục đạo đức của học sinh.

Học sinh Trường THCS Trần Hưng Đạo (xã Bảo Bình, H.Cẩm Mỹ) có tinh thần học tập và rèn luyện tốt đã được kết nạp Đoàn TNCSHCM
Học sinh Trường THCS Trần Hưng Đạo (xã Bảo Bình, H.Cẩm Mỹ) có tinh thần học tập và rèn luyện tốt đã được kết nạp Đoàn TNCSHCM

Những buổi giáo dục kỹ năng sống của Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu hoàn toàn không mang tính lý thuyết chung chung mà còn có nhiều hoạt động trải nghiệm thú vị, giúp học sinh gắn bó và thân thiện với nhau hơn. Chẳng hạn như các hoạt động thể dục thể thao, tìm hiểu pháp luật, quyên góp ủng hộ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, kể chuyện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác Hồ… Hiệu trưởng Mai Hữu Sơn chia sẻ thêm: “Những hoạt động ngoại khóa ở trường có vai trò rất quan trọng, làm cho học sinh gần gũi nhau hơn, nhân lên tình bạn, sự thân thiện, từ đó nhân lên tính thiện trong các em học sinh”.

Hiệu phó một trường phổ thông tư thục có nhiều cấp học từng xảy ra các vụ bạo lực học đường chia sẻ, qua theo dõi các trường hợp học sinh tham gia vào các vụ việc bạo lực học đường cho thấy, phần lớn các em có “kết cấu” gia đình không được vững chắc, thậm chí ngay từ khi còn rất nhỏ đã phải chứng kiến cảnh bạo lực gia đình. Điều đáng ngạc nhiên là có những vụ bạo lực học đường xảy ra, đối tượng tham gia lại là học sinh nữ và hành vi bạo lực không kém phần “quyết liệt” so với học sinh nam.

Bà Đỗ Thanh Tâm, chuyên viên Sở GD-ĐT phụ trách công tác giáo dục chính trị tư tưởng chia sẻ, xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực và trường học hạnh phúc là một trong những nhân tố quan trọng góp phần đẩy lùi bạo lực học đường ra khỏi môi trường học. Để phòng tránh từ xa những vụ bạo lực học đường, ngay đầu năm học 2022-2023, Sở GD-ĐT đã có hướng dẫn các cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh triển khai nhiều nội dung liên quan đến giáo dục chính trị tư tưởng, pháp luật và đạo đức cho học sinh. Trong các hoạt động này có hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật, xây dựng trường học an toàn, hỗ trợ tư vấn tâm lý, kỹ năng sống, phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em và kỹ năng sử dụng mạng xã hội…

Công Nghĩa


Phó giám đốc Sở GD-ĐT VÕ NGỌC THẠCH:

Tăng cường trách nhiệm của gia đình, nhà trường

Việc giáo dục để hình thành nhân cách tốt cho học sinh ngày càng khó khăn do các em chịu nhiều tác động bất lợi từ quá trình phát triển xã hội, mạng xã hội, nhiều giá trị sống bị giảm sút, ảnh hướng đến tâm lý. Do đó, từ gia đình đến nhà trường phải tăng cường trách nhiệm, tạo ra nhiều sân chơi lành mạnh trong trường học. Nhà trường không thể đơn độc trong giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh, gia đình cũng không thể “khoán” toàn bộ nhiệm vụ quan trọng này cho nhà trường và thầy cô.

Tổng phụ trách Đội Trường THCS Trần Hưng Đạo (xã Bảo Bình, H.Cẩm Mỹ) TRẦN VĂN LẬP:

Tạo nhiều sân chơi lành mạnh cho học sinh

Các tác động xấu đến quá trình hình thành tâm lý và nhân cách của học sinh đã không còn giới hạn về địa lý, nếu chủ quan mà nói rằng học sinh vùng sâu, vùng xa ít bị tác động tâm lý xấu, dẫn đến gia tăng bạo lực học đường sẽ là sai sót. Với những tác động xấu từ mặt trái của mạng xã hội, chúng tôi rất lo lắng vì các em có thể lên mạng “bắt chước” những hành vi lệch chuẩn, bạo lực, trái ngược với các giá trị sống, thuần phong mỹ tục. Do đó, chúng tôi phải trang bị cho các em nhiều kỹ năng sống để “phòng vệ” trước những cái xấu, cái ác.

Đặng Công (ghi)


 

Tin xem nhiều