Từ tháng 5 đến nay, Đồng Nai thiếu nhiều loại vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia như: vaccine sởi (đơn), sởi - rubella, bạch hầu - ho gà - uốn ván (DPT), bạch hầu - ho gà - uốn ván - viêm gan B - viêm màng não mủ do Hib (DPT -VGB - Hib).
Từ tháng 5 đến nay, Đồng Nai thiếu nhiều loại vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia như: vaccine sởi (đơn), sởi - rubella, bạch hầu - ho gà - uốn ván (DPT), bạch hầu - ho gà - uốn ván - viêm gan B - viêm màng não mủ do Hib (DPT -VGB - Hib).
Phụ huynh đăng ký tiêm vaccine dịch vụ cho trẻ tại VNVC Đồng Nai. Ảnh: H.DUNG |
Việc thiếu hụt vaccine không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi tiêm vaccine của trẻ mà còn khiến cho tỷ lệ tiêm chủng của tỉnh đạt thấp so với mục tiêu đề ra.
Kết quả tiêm chủng không đạt tiến độ
ThS Trần Ngọc Quang, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, trong 7 tháng của năm 2022, kết quả tiêm vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng của tỉnh không đạt tiến độ kế hoạch đề ra. Cụ thể, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ của tỉnh chỉ đạt 41,3% (chỉ tiêu phải đạt trên 55,4%), tỷ lệ tiêm DPT-VGB-Hib mới đạt 41,7% (chỉ tiêu phải đạt trên 55,4%), sởi đạt 39,8% (chỉ tiêu 55,4%)…
Trong 7 tháng của năm 2022, toàn tỉnh ghi nhận 4 ca nghi mắc sởi tại TP.Biên Hòa, Xuân Lộc, Long Thành. Đồng thời điều tra 1 ca uốn ván sơ sinh tại ấp 4, xã Mã Đà (H.Vĩnh Cửu). Các bệnh truyền nhiễm khác như: ho gà, liệt mềm cấp, bạch hầu chưa ghi nhận ca bệnh. |
Trong số 11 huyện, thành phố, chỉ có 3 địa phương là Định Quán, Vĩnh Cửu và TP.Long Khánh đạt từ 1 - 3 trong tổng số 13 chỉ tiêu về kết quả tiêm chủng các loại vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng. 8 địa phương còn lại không đạt bất kỳ chỉ tiêu nào về tỷ lệ tiêm chủng.
Bà Nguyễn Thị Phương Dung, Phó giám đốc Trung tâm y tế H.Cẩm Mỹ cho biết, do thiếu vaccine sởi đã vài tháng nay nên kết quả tiêm chủng loại vaccine này nói riêng và các loại vaccine khác của huyện đều không đạt chỉ tiêu đề ra trong 7 tháng của năm. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 những tháng đầu năm 2022 nên một số điểm tiêm chủng không tổ chức tiêm chủng mở rộng được. Các đợt tiêm của các tháng đầu năm lại trùng với các dịp nghỉ lễ, Tết nên nhiều trẻ về quê cùng cha mẹ, không tham gia tiêm chủng.
Trong khi đó, theo BS Đỗ Minh Quang, Giám đốc Trung tâm Y tế TP.Biên Hòa, việc nhiều trẻ được gia đình đưa đi tiêm chủng ở các cơ sở tiêm chủng tư nhân nhưng chưa được cập nhật đầy đủ lên phần mềm tiêm chủng cũng ít nhiều ảnh hưởng đến số liệu về tỷ lệ tiêm vaccine của địa phương.
BS Nguyễn Thị Liên, Phụ trách trạm y tế P.Trảng Dài (TP.Biên Hòa) cho biết, trạm tổ chức tiêm chủng mở rộng cho trẻ trong độ tuổi trên địa bàn phường vào các ngày 5, 6, 7 hằng tháng. Trước đây, mỗi ngày trạm tổ chức tiêm cho khoảng 200-300 trẻ. Tuy nhiên, từ tháng 8 đến nay, trạm đã hết vaccine sởi nên số lượng trẻ đến trạm để tiêm vaccine giảm hẳn, chỉ còn khoảng 40-50 trẻ/ngày.
Dự kiến đến tháng 10 sẽ có vaccine
BS Phan Văn Phúc, Trưởng Khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) cho hay, chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia do Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế) làm đầu mối thực hiện từ năm 1981 đến nay. Mục tiêu nhằm cung cấp dịch vụ tiêm chủng miễn phí cho trẻ em dưới 1 tuổi, bảo vệ trẻ khỏi một số loại bệnh truyền nhiễm phổ biến và có khả năng gây tử vong cao.
Đến nay, đã có 11 loại vaccine được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, gồm: vaccine phòng bệnh lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B, sởi, viêm não Nhật Bản, tả, thương hàn, viêm phổi/viêm màng não mủ do Hib). Qua đó, góp phần quan trọng trong công tác phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cho trẻ em.
Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia được triển khai tại tất cả các trạm y tế xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Thời gian tiêm vào các ngày đầu tháng, các trạm có thể tổ chức tiêm vét vào những ngày giữa hoặc cuối tháng. Do vaccine được tiêm miễn phí nên nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn đỡ được phần nào chi phí tiêm vaccine. Điều này có ý nghĩa quan trọng đối với sức khỏe của trẻ bởi có những trường hợp gia đình quá khó khăn hoặc cha mẹ không hiểu hết tầm quan trọng của việc tiêm vaccine cho trẻ dẫn đến việc trẻ dễ bị mắc một số loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có thể để lại hậu quả trước mắt hoặc lâu dài, thậm chí có thể tử vong.
Anh Hoàng Văn Hòa (ngụ P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) chia sẻ, vợ chồng anh có con nhỏ 10 tháng tuổi. Do ở trạm y tế không còn vaccine sởi trong chương trình tiêm chủng mở rộng nên mới đây, vợ chồng anh phải đưa con đi tiêm vaccine sởi - quai bị - rubella dịch vụ. Giá của 1 liều vaccine sởi - quai bị - rubella dịch vụ là 196 ngàn đồng.
Phó giám đốc phụ trách Sở Y tế Lê Quang Trung cho biết, để đảm bảo có đủ vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng phục vụ công tác tiêm chủng cho trẻ em, Sở Y tế đã có văn bản kiến nghị Bộ Y tế sớm cấp vaccine cho tỉnh.
Phản hồi ý kiến của các địa phương về việc thiếu vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, thông tin mới nhất từ Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế) cho hay, hằng năm, trên cơ sở nhu cầu của các đơn vị, địa phương, Bộ Y tế giao Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đặt hàng và ký hợp đồng với các đơn vị sản xuất vaccine trong nước để cung ứng một số loại vaccine như: DPT - VGB - Hib, lao, viêm não Nhật Bản, sởi, sởi - rubella… để phục vụ cho chương trình tiêm chủng mở rộng.
Các loại vaccine được quản lý, điều phối theo quy trình nghiêm ngặt để bảo đảm chất lượng giao cho các viện pasteur/vệ sinh dịch tễ khu vực. Sau đó cung cấp cho các địa phương, đơn vị để triển khai tiêm chủng. Việc cung ứng vaccine được thực hiện theo các quy định của pháp luật về giá và đặt hàng.
Năm 2022, Bộ Y tế đã có quyết định giao dự toán kinh phí và phê duyệt kế hoạch đặt hàng vaccine cho Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. Đến nay, nhiều địa phương đang thiếu một số loại vaccine như DPT-VGB-Hib, sởi do chưa hoàn thiện thủ tục đặt hàng, ký hợp đồng.
Bộ Y tế đã và đang quyết liệt chỉ đạo, đôn đốc Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và các đơn vị sản xuất vaccine khẩn trương hoàn thiện các thủ tục đặt hàng để có vaccine cung ứng cho công tác tiêm chủng. Trong đó, các đơn vị sản xuất vaccine khẩn trương xây dựng phương án giá vaccine năm 2022 để Bộ Y tế thẩm định, gửi Bộ Tài chính xem xét, phê duyệt, làm cơ sở thanh, quyết toán theo quy định. Dự kiến, khoảng tháng 10 sẽ có vaccine.
Hạnh Dung