Thời gian gần đây, nhiều vụ cháy nghiêm trọng, đuối nước, tai nạn… xảy ra làm nhiều người thương vong. Do đó, việc trang bị các kỹ năng sinh tồn nhằm vận dụng, xử lý và duy trì sự sống trong bất kỳ môi trường hay sự cố bất ngờ rất quan trọng, góp phần giúp người bị nạn nhanh chóng thoát khỏi vùng nguy hiểm, đảm bảo an toàn tính mạng.
Thời gian gần đây, nhiều vụ cháy nghiêm trọng, đuối nước, tai nạn… xảy ra làm nhiều người thương vong. Do đó, việc trang bị các kỹ năng sinh tồn nhằm vận dụng, xử lý và duy trì sự sống trong bất kỳ môi trường hay sự cố bất ngờ rất quan trọng, góp phần giúp người bị nạn nhanh chóng thoát khỏi vùng nguy hiểm, đảm bảo an toàn tính mạng.
Dạy bơi cho trẻ em, một trong những kỹ năng sinh tồn trong môi trường nước |
* Những tình huống thương tâm…
Vụ cháy quán karaoke tại P.An Phú, TP.Thuận An, tỉnh Bình Dương đêm 6-9 đến nay vẫn là nỗi ám ảnh kinh hoàng, gây xôn xao dư luận. Hậu quả nghiêm trọng của vụ cháy đã làm 32 người thiệt mạng. Trước đó, vụ cháy quán karaoke ở Q.Cầu Giấy, TP.Hà Nội đã làm 3 chiến sĩ cảnh sát phòng cháy, chữa cháy (PCCC) hy sinh.
Tại Đồng Nai, báo cáo của Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (PC07) Công an tỉnh cho biết, chỉ tính từ đầu năm đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã xảy ra 21 vụ cháy, làm 1 người tử vong; gây thiệt hại về tài sản 29,6 tỷ đồng. Trong đó, địa bàn xảy ra cháy nhiều nhất là TP.Biên Hòa với 7 vụ (chiếm 33,34%); tiếp đến là các huyện Trảng Bom và Long Thành, mỗi địa bàn 3 vụ.
Thông tin từ Sở LĐ-TBXH cho biết, tính từ đầu năm đến ngày 3-9, trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều vụ tai nạn thương tích làm 24 trẻ em tử vong (trong đó có 19 trường hợp tử vong do đuối nước). Riêng 3 tháng hè năm nay, đã xảy ra 5 vụ, 6 trẻ tử vong do đuối nước ở các địa bàn: Long Thành, Vĩnh Cửu, Nhơn Trạch, Cẩm Mỹ và Trảng Bom.
Phó giám đốc Sở LĐ-TBXH Nguyễn Thị Kiều Oanh cho hay, so với mục tiêu mà Chính phủ đề ra cho giai đoạn 2016-2020 là nỗ lực làm tốt công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em để kiềm chế tỷ suất trẻ em tử vong do tai nạn thương tích nói chung, đuối nước nói riêng là thấp hơn hoặc bằng 17/100 ngàn trẻ thì Đồng Nai đã giảm khá sâu, 4/100 ngàn trẻ (giảm 27% so với giai đoạn 2011-2015). Năm 2021, tỷ suất trẻ em tử vong do tai nạn, thương tích ở Đồng Nai giảm chỉ còn 3/100 ngàn trẻ. Tuy nhiên, trên địa bàn vẫn còn xảy ra nhiều vụ đuối nước thương tâm làm 2-3 trẻ em tử vong.
Những sự cố cháy, nổ, tai nạn đuối nước thương tâm xảy ra có nhiều nguyên nhân song theo phân tích của các cơ quan quản lý, có nguyên nhân từ chính việc thiếu kỹ năng sống, kỹ năng sinh tồn để kịp thời ứng phó khi có sự cố xảy ra để thoát hiểm nhanh nhất, duy trì được sự sống trong điều kiện nguy hiểm.
* Trang bị các kỹ năng sinh tồn
Phó giám đốc Sở LĐ-TBXH Nguyễn Thị Kiều Oanh cho hay, việc giáo dục kỹ năng sinh tồn - những kỹ thuật cơ bản để trẻ em nói riêng và mọi người khi đối mặt sự cố có cách thức tốt nhất để thoát hiểm, duy trì sự sống là rất quan trọng. Trong đó, tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là cấp huyện, xã đối với công tác phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước ở trẻ em. Các tổ chức đoàn thể nên phối hợp tuyên truyền phòng, chống đuối nước, tổ chức các lớp dạy bơi miễn phí cho trẻ em khó khăn (toàn tỉnh mới chỉ có khoảng 20% trẻ em từ 6-16 tuổi biết bơi và các kỹ năng sinh tồn trong môi trường nước). Rà soát các khu vực nguy hiểm để cắm biển cảnh báo, rào chắn, hạn chế tai nạn đuối nước…
Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy hướng dẫn thực tập chữa cháy nhà cao tầng tại khu thương mại The Pegasus. Ảnh: N.Hà |
Riêng trong lĩnh vực PCCC, thượng tá Nguyễn Công Lợi, Phó trưởng PC07, cho rằng khi có báo động cháy, nếu ở chung cư, quán karaoke, nhà cao tầng thì cần chạy ngay đến cầu thang bộ thoát hiểm, không đi vào thang máy vì nguồn điện sẽ ngắt, dễ bị mắc kẹt, cũng không chạy vào nhà vệ sinh. Khi thoát hiểm ra khỏi khu vực cháy, nổ không mang tài sản cồng kềnh, gây cản trở việc di chuyển; đưa trẻ em và người lớn tuổi thoát nạn trước. Nếu đang ở nơi cháy nhưng chưa tìm ra lối thoát, nhanh chóng lấy khăn, vải, quần áo nhúng nước, bịt mặt để tránh ngạt khói; sau đó bò sấp xuống sàn và men theo tường nhà để ra cửa, nhanh chóng kêu cứu…
Cũng theo thượng tá Lợi, qua nhiều vụ chữa cháy, cứu nạn cứu hộ hoặc tuyên truyền, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh các dịch vụ, karaoke…, người chịu trách nhiệm chính về công tác PCCC lại rất ít khi tham gia. Do đó, khi xảy ra sự cố không bình tĩnh vận dụng kỹ năng sinh tồn, thậm chí chạy vào nhà vệ sinh đóng cửa nên ngạt khí, hít phải chất độc rất nhanh gây tử vong.
Từ thực trạng này, PC07 đã tham mưu Đảng ủy, Ban giám đốc Công an tỉnh ban hành văn bản về tăng cường PCCC và cứu nạn, cứu hộ đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh. Theo đó, công tác PCCC phải theo phương châm phòng ngừa là chính, phòng là “xây”; chữa là “chống”. Phòng là “cơ bản, chiến lược, lâu dài” để thực hiện từng nhà an toàn, từng khu dân cư an toàn, xã, phường an toàn và cộng đồng an toàn.
Bà NGUYỄN THỊ NGA, Phó cục trưởng Cục Trẻ em Bộ LĐ-TBXH: Trang bị kỹ năng bơi và sinh tồn trong môi trường nước
Trong 4 nguyên nhân chính khiến hơn 2 ngàn trẻ em bị chết đuối mỗi năm, có một nguyên nhân là trẻ không biết bơi. Bơi không chỉ bơi lội phổ thông mà là kỹ năng sinh tồn trong môi trường nước. Trẻ nhỏ hầu hết bị đuối nước trong chum vại, bể nước, giếng khơi, hố rãnh quanh nhà…
Cùng với sự quan tâm giám sát của gia đình, phải trang bị cho trẻ em nói riêng, kể cả người lớn kỹ năng bơi lội, kỹ năng sinh tồn trong môi trường nước để tránh những vụ tai nạn đuối nước thương tâm. Bởi, không chỉ có trẻ nhỏ mà ngay cả người lớn vẫn bị đuối nước.
Thượng tá NGUYỄN VĂN HẢI, Trưởng PC07 Công an tỉnh: Tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về PCCC
Những vụ cháy xảy ra thời gian gần đây, nhất là cháy các cơ sở kinh doanh karaoke, nhà cao tầng, yếu tố tác động nguy hiểm nhất, dễ tử vong nhất chính là khói. Riêng các cơ sở kinh doanh karaoke, chủ các cơ sở thường cho thiết kế hệ thống cách âm rất kín, bịt mọi lỗ thông ra bên ngoài bằng các vật liệu dễ cháy. Do đó, các vụ hỏa hoạn, tốc độ cháy ở loại hình này lan rất nhanh, tỏa nhiều khói, khí độc nên nạn nhân tử vong do ngạt khói lại hít phải khí độc, thiếu oxy, sự sống không quá vài phút…
Từ thực tế này, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chủ cơ sở dịch vụ, karaoke, chủ hộ gia đình phải tuân thủ nghiêm ngặt những quy định về PCCC. Trực tiếp tham gia thực tập, có sự hướng dẫn của cán bộ chuyên ngành PCCC, cứu nạn, cứu hộ… để từng loại hình khu vực vận dụng hiệu quả, đảm bảo kỹ năng cần thiết khi có sự cố, nhanh chóng thoát hiểm, bảo toàn tính mạng.
Nam Anh
Nguyệt Hà