Phát triển ra vùng ven được xem là hướng phát triển phù hợp cho đô thị Biên Hòa trong bối cảnh khu vực trung tâm đã đạt độ "nén" cao.
Phát triển ra vùng ven được xem là hướng phát triển phù hợp cho đô thị Biên Hòa trong bối cảnh khu vực trung tâm đã đạt độ “nén” cao.
Khu vực cầu Hiệp Hòa, một trong những điểm thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm. Ảnh: P.TÙNG |
Khó thay đổi hiện trạng “đường bé, nhà nhỏ, phố nhỏ”
Biên Hòa là đô thị trung tâm của tỉnh và có lịch sử phát triển lâu đời. Hiện nay, với quy mô dân số gần 1,1 triệu người, Biên Hòa cũng là thành phố trực thuộc tỉnh có dân số đông nhất cả nước.
Là đô thị có sự phát triển sớm về công nghiệp, Biên Hòa nhiều năm qua đã trở thành địa chỉ “hút” dân cư, đặc biệt là lực lượng lao động nhập cư tới sinh sống, làm ăn. Điều này đã góp thêm nguồn lực để TP.Biên Hòa có điều kiện phát triển kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, đi kèm với đó, đô thị Biên Hòa phải chịu sức ép rất lớn đối với công tác quản lý cũng như phát triển đô thị.
Với sự quá tải về dân số tại các phường nội đô, đô thị Biên Hòa đang được quy hoạch để mở rộng về phía Nam nhằm thực hiện việc giãn dân cho khu vực đô thị trung tâm. Cụ thể, theo định hướng phát triển cấu trúc chuỗi đô thị đa trung tâm về phía Nam, đô thị Biên Hòa sẽ có 2 khu vực đô thị chính gồm khu vực đô thị Biên Hòa truyền thống (phía Bắc của đô thị Biên Hòa) và khu vực đô thị mới Nam Biên Hòa (phạm vi phía Nam đô thị Biên Hòa gồm các phường An Hòa, Phước Tân, Tam Phước và xã Long Hưng). Đây là những khu vực còn dư địa lớn về đất đai và tiềm năng để phát triển đô thị với các tuyến giao thông đã và đang được đầu tư xây dựng như: đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Bến Lức - Long Thành, đường vành đai 3 - TP.HCM và đặc biệt là cảng hàng không quốc tế Long Thành. |
Dân số quá đông khiến cho nhiều năm qua, đô thị Biên Hòa đối mặt với rất nhiều thách thức do hệ thống hạ tầng kỹ thuât, hạ tầng xã hội chưa đáp ứng kịp tốc độ đô thị hóa. Bức bách nhất vẫn là những vấn nạn về ùn tắc giao thông, tình trạng ngập nước, thiếu quỹ đất nhà ở, trường học…
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi cho rằng, là đô thị loại I nhưng TP.Biên Hòa vẫn chưa có được một hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt đồng bộ. Phần lớn nước thải sinh hoạt vẫn đang xả thải trực tiếp ra hệ thống sông, suối. Cùng với đó, hệ thống giao thông, thoát nước cũng đang bị nghẽn.
Những năm qua, Đồng Nai cũng như TP.Biên Hòa dành nhiều nguồn lực đầu tư để cải tạo, nâng cấp hệ thống hạ tầng đô thị Biên Hòa, nhưng tình hình vẫn chưa được cải thiện nhiều.
Mới đây, tại buổi giám sát về quản lý sử dụng đất đai, xây dựng trái phép trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2021 tại Sở Xây dựng, Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quản Minh Cường cho rằng, với nhiều khu công nghiệp, TP.Biên Hòa đã thu hút một lượng đông dân cư tới sinh sống, làm việc. Từ đó, sức ép về dân số đã gây nên độ nén rất lớn cho đô thị Biên Hòa. Cộng với đó, công tác quản lý đô thị, quy hoạch chưa thực sự hợp lý, chưa thực sự khoa học dẫn đến tình trạng “có một đô thị Biên Hòa quá lớn nhưng kết cấu hạ tầng lại chưa đáp ứng nhu cầu”.
Cũng theo đồng chí Quản Minh Cường, đối với đô thị Biên Hòa hiện nay có rất nhiều hạn chế, tồn tại cần phải khắc phục nhanh. Tuy nhiên, việc phát triển đô thi phải có sự tính toán. “Khu vực trung tâm của đô thị Biên Hòa phải chấp nhận thực trạng đường bé, nhà nhỏ, phố nhỏ, chứ bây giờ cải tạo chỉnh trang đô thị cũng rất khó, không đủ kinh phí để thực hiện” - Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quản Minh Cường cho hay.
Càng “nén” càng quá tải
Trong hơn 2 năm qua, để chỉnh trang, cải tạo đô thị Biên Hòa, nhiều công trình hạ tầng, nhất là các công trình hạ tầng giao thông đã được triển khai thực hiện. Nhưng thực tế cho thấy, quá trình triển khai các dự án rất chậm do gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là trong công tác giải phóng mặt bằng.
Việc phát triển thêm các khu dân cư, chung cư cao tầng tại khu vực trung tâm đô thị Biên Hòa có nguy cơ làm tăng thêm áp lực cho hệ thống hạ tầng. Ảnh: PHẠM TÙNG |
Với quy mô dân số đông, mật độ dân số cao, việc giải phóng mặt bằng để triển khai thực hiện các dự án là “bài toán” rất khó đối với đô thị Biên Hòa. Không những vậy, các dự án chỉnh trang, cải tạo đô thị trên địa bàn TP.Biên Hòa cũng đòi hỏi nguồn lực rất lớn.
Phó giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Minh Hoàng cho rằng, khi mở mới các tuyến đường trên địa bàn TP.Biên Hòa, kinh phí dành cho công tác giải phóng mặt bằng cao gấp rất nhiều lần so với kinh phí đầu tư xây dựng. Trong khi đó, với thực trạng hạ tầng của TP.Biên Hòa hiện nay, nếu tiếp tục “nén” các khu dân cư cao tầng, nhà ở vào khu vực trung tâm thì sẽ càng quá tải. “Đường hiện nay đã tắc nếu tập trung thêm các dự án khu dân cư cao tầng thì sẽ không còn đi được nữa. Cấp nước, thoát nước, vệ sinh môi trường đang tắc nghẽn” - ông Nguyễn Minh Hoàng cho biết.
Từ thực tế trên, ông Nguyễn Minh Hoàng nêu quan điểm về phát triển đô thị Biên Hòa thời gian tới cần chuyển dân cư ra khu vực ngoại ô. “Trong hồ sơ điều chỉnh quy hoạch chung của TP.Biên Hòa sắp tới, việc phát triển đô thị phải tập trung cho các khu vực ngoại ô, vùng ven. Khu vực trung tâm cần hạn chế tập trung thêm dân cư, hạn chế xây dựng các khu dân cư cao tầng”- ông Nguyễn Minh Hoàng cho biết thêm.
Cũng với quan điểm này, Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quản Minh Cường cho rằng, với tốc độ phát triển hiện nay, quy mô dân số của TP.Biên Hòa sẽ đạt mức từ 1,3-1,5 triệu dân, thậm chí lên mức 2 triệu dân là rất nhanh. Do đó, phải tính toán nhanh để phát triển đô thị Biên Hòa ra vùng ven. Từ đó, giảm tải cho khu vực đô thị trung tâm.
Phạm Tùng
Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh QUẢN MINH CƯỜNG:
Khắc phục nhanh, quyết liệt, đồng bộ các vấn đề tồn tại của đô thị Biên Hòa
Đô thị Biên Hòa thực sự là một đô thị quá lớn nhưng từ kết cấu hạ tầng; chỉnh trang đô thị; vấn đề môi trường; cây xanh; cấp, thoát nước… tất cả đều có những vấn đề hạn chế. Do đó, phải làm sao khắc phục nhanh, quyết liệt, đồng bộ thì mới có được một đô thị Biên Hòa phát triển tốt, phục vụ đời sống nhân dân, phục vụ quá trình sản xuất. Nếu không khắc phục sớm sẽ làm kéo lùi sự phát triển của tỉnh.
Giám đốc Sở Xây dựng HỒ VĂN HÀ:
Lập quy hoạch để giải quyết bài toán phát triển khu dân cư
Đô thị “nén” Biên Hòa hiện nay có nhiều bất cập như hệ thống thoát nước đô thị. Do đó, trong định hướng phát triển đô thị Biên Hòa cũng cần đánh giá lại có nên phát triển thêm các khu dân cư hay các chung cư cao tầng hay sẽ phát triển đô thị về hướng các phường Phước Tân, Tam Phước, xã Long Hưng. Từ đó, thực hiện giãn dân bằng cách thu hút dân cư về những khu vực phát triển đô thị mới này. Quan điểm phát triển các khu đô thị mới là đô thị phải hiện đại và thông minh. Đối với khu vực đô thị cũ sẽ thực hiện chỉnh trang, nâng cấp để hệ thống hạ tầng không bị gánh nặng nữa. Trong giai đoạn tới, Sở Xây dựng sẽ tổ chức đánh giá và mời các nhà khoa học phản biện lập quy hoạch TP.Biên Hòa để giải quyết bài toán phát triển khu dân cư hiện nay.
Quỳnh Nhi (ghi)