Báo Đồng Nai điện tử
En

Giúp trẻ em tương tác lành mạnh trên môi trường mạng

03:10, 21/10/2022

Internet phát triển giúp trẻ em trau dồi kiến thức, nâng cao khả năng tư duy, biết thêm được nhiều điều mới mẻ; tạo cơ hội cho trẻ kết nối với bạn bè, giải trí sau những giờ học tập căng thẳng… Tuy nhiên, môi trường mạng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với trẻ.

Internet phát triển giúp trẻ em trau dồi kiến thức, nâng cao khả năng tư duy, biết thêm được nhiều điều mới mẻ; tạo cơ hội cho trẻ kết nối với bạn bè, giải trí sau những giờ học tập căng thẳng… Tuy nhiên, môi trường mạng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với trẻ.

Trẻ em sử dụng điện thoại để truy cập internet
Trẻ em sử dụng điện thoại để truy cập internet. Ảnh: N.SƠN

Vì vậy, việc đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của phụ huynh, những người chăm sóc trẻ để có biện pháp hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh trên môi trường mạng là vấn đề cấp thiết phải được làm ngay, nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ khi tham gia không gian mạng.

Trẻ chưa được bảo vệ an toàn

Tại chương trình tập huấn bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng, bà Phạm Thị Thủy, Phụ trách phòng Phát triển và tham gia của trẻ em, Cục Trẻ em (thuộc Bộ LĐ-TBXH) cho biết, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng đã được đưa vào luật như: Luật An toàn thông tin mạng, Luật Trẻ em, Luật Tiếp cận thông tin, Luật An ninh mạng và các chỉ thị, nghị quyết, nghị định, quyết định… của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành…

Theo bà ĐINH THỊ NHƯ HOA, Trưởng phòng Kiểm định, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam, Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT), bên cạnh việc trang bị kỹ năng cho các em, sử dụng giải pháp công nghệ nhằm hạn chế những rủi ro trẻ gặp phải trên môi trường mạng, để hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng rất cần sự đồng hành của các bậc phụ huynh, người chăm sóc trẻ.

Trong đó, Điều 54 Luật Trẻ em quy định cơ quan, tổ chức liên quan có trách nhiệm tuyên truyền, giáo dục và bảo vệ trẻ em khi tham gia môi trường mạng dưới mọi hình thức; cha, mẹ, giáo viên và người chăm sóc trẻ có trách nhiệm giáo dục kiến thức, hướng dẫn ký năng để trẻ em biết tự bảo vệ mình khi tham gia môi trường mạng… Hay như Điều 29 Luật An ninh mạng có quy định trẻ em có quyền được bảo vệ, tiếp cận thông tin, tham gia hoạt động xã hội, vui chơi giải trí, giữ bí mật cá nhân, đời sống riêng tư và các quyền khác khi tham gia trên không gian mạng…

Tuy vậy, thực tế cho thấy trẻ vẫn chưa thực sự được bảo vệ trên môi trường mạng. Theo chia sẻ của bà Thủy, kết quả khảo sát về tình hình sử dụng internet tại Việt Nam thì có tới 87% số người được khảo sát sử dụng internet hằng ngày. Tuy nhiên, chỉ có 36% (hầu hết là trẻ em lớn hơn độ tuổi 16-17 tham gia khảo sát hộ gia đình) đã được dạy để đảm bảo an toàn trên môi trường mạng.

Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu, khảo sát cũng cho thấy, ở Việt Nam, có khoảng 1% trẻ em bị dụ dỗ gửi ảnh/video về bộ phận nhạy cảm; 0,2% trẻ bị đề nghị cho tiền/quà để đổi lấy video/hình ảnh nhạy cảm; 0,3% trẻ bị đề nghị cho tiền/quà để thực hiện hành vi tình dục; 1% trẻ bị chia sẻ hình ảnh nhạy cảm mà không có sự đồng ý; 2% trẻ em bị yêu cầu về trò chuyện tình dục…

Điều đáng quan tâm, hầu hết trẻ em bị ảnh hưởng đều không tiết lộ ai là thủ phạm và hết sức lo lắng. Việc trẻ em không muốn nói ra thủ phạm là do sợ tiết lộ, sợ hậu quả, vì thế không tiết lộ với cha mẹ, thầy cô.

Theo bà Thủy, điều đó chứng tỏ các em không có nhiều kiến thức, kỹ năng để xử lý các vụ việc, khiến các em bối rối, hoảng sợ khi gặp phải các tình huống bị kẻ xấu xâm phạm đời tư, bắt nạt, xâm hại tình dục…

Nội dung bảo vệ trẻ trên môi trường mạng hiện đã được đưa vào chương trình đào tạo ngoại khóa hoặc một số tiết sinh hoạt ngoài giờ trong trường học nhưng thực tế triển khai còn hạn chế, thậm chí nhiều giáo viên còn chưa nắm chắc các vấn đề liên quan đến bạo lực, xâm hại trẻ em trên môi trường mạng để phổ biến và hướng dẫn các em.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp

Để giúp trẻ tương tác lành mạnh, đảm bảo an toàn trên môi trường mạng, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, theo bà Thủy, để bảo vệ trẻ an toàn trên môi trường mạng cần xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý. Bởi hiện nay, mặc dù đã có nhiều quy định xử phạt, mức phạt đối với các hành vi vi phạm trên môi trường mạng, song mức phạt còn khá nhẹ nên chưa đủ sức răn đe.

Trẻ xem tivi có kết nối internet
Trẻ xem tivi có kết nối internet

Bên cạnh các chế tài, cần giáo dục, truyền thông nâng cao nhận thức và trang bị kỹ năng tham gia mạng an toàn cho chính các em. Theo bà Đinh Thị Như Hoa, Trưởng phòng Kiểm định, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam, Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT), mỗi lứa tuổi có những đặc điểm khác nhau nên cần được trang bị kỹ năng phù hợp.

Chẳng hạn đối với trẻ ở giai đoạn 0-6 tuổi, cha mẹ cần thiết lập thời gian tiếp xúc với màn hình không quá 1 giờ/ngày. Trẻ từ 6 đến dưới 11 tuổi là độ tuổi bắt đầu học tập và tìm hiểu tương tác trên môi trường mạng, hình thành các kỹ năng số nên khuyến nghị dành cho cha mẹ ở độ tuổi này chính là thiết lập quy tắc sử dụng internet, hướng dẫn trẻ nhận biết những rủi ro, các biện pháp phòng tránh và có thể cài đặt một số ứng dụng theo dõi, giám sát, hỗ trợ trẻ.

Bước sang độ tuổi từ 11-16, trẻ cần được người lớn tôn trọng quyền sử dụng internet, song cần phải dạy cho trẻ cách thức đảm bảo an toàn tại nhà và đồng hành cùng trẻ trong việc giải quyết các vấn đề gặp phải trên không gian mạng.

Bà Hoa đưa ra một số quy tắc mà cha mẹ cần hướng dẫn trẻ thực hiện khi tham gia môi trường mạng. Trong đó, khi tham gia môi trường mạng, trẻ cần thận trọng trước khi chia sẻ các thông tin liên quan đến cá nhân của mình và người khác trên mạng xã hội; cần chia sẻ với cha mẹ, giáo viên, bạn bè, nhân viên bảo vệ trẻ em, những người tin tưởng khi có bất kỳ vấn đề nào cần được hỗ trợ. Bên cạnh đó, cha mẹ cần đồng hành, bảo vệ, che chở trẻ em khi trẻ gặp bất kỳ sự khó khăn nào, hướng dẫn trẻ cách xử lý tình huống gặp phải phù hợp với độ tuổi; luôn chú ý theo dõi, giám sát hoạt động của trẻ khi trẻ tham gia không gian mạng.

Ngoài ra, theo bà Hoa, các bậc cha mẹ, người chăm sóc trẻ cần biết và sử dụng các loại công nghệ bảo vệ như: công cụ sẵn có trên Window, iOS, Android hoặc trên các trình duyệt; các ứng dụng bảo vệ hỗ trợ và thiết bị mạng bảo vệ giám sát (wifi, gói cước viễn thông) và các ứng dụng hỗ trợ phản ánh, kiểm tra… để bảo vệ trẻ an toàn trên môi trường mạng.

Nga Sơn


Chị LÊ THỊ THÚY QUYÊN (ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa):

Cha mẹ cần được trang bị kỹ năng để đồng hành cùng con

Vợ chồng tôi có 3 con gái ở tuổi 12, 9 và 6. Cũng như bao trẻ khác, các cháu tiếp xúc với các thiết bị thông minh có kết nối internet từ sớm. Bản thân tôi cũng nghe nói nhiều về tác hại của việc lạm dụng internet nên thường thỏa thuận với các con chỉ xem mang tính giải trí sau khi đã hoàn thành việc học và tính đến thời điểm này các con đang tuân thủ khá tốt.

Tuy nhiên, tôi vẫn lo lắng, bởi ngoài 2 con nhỏ đi học cả ngày ở trường, ở nhà cô thì chị lớn một buổi đi học, một buổi ở nhà, lại đang ở lứa tuổi dậy thì. Vì vậy, tôi mong muốn được trang bị các kỹ năng để có thể đồng hành cùng con trên môi trường mạng.

Anh TRẦN PHẠM QUỐC DŨNG (ngụ P.Tân Phong, TP.Biên Hòa):

Hướng trẻ đến các hoạt động trải nghiệm

Lợi ích mà internet mang đến cho trẻ là rất lớn, giúp trẻ học được nhiều điều bổ ích. Tuy nhiên, thời gian sử dụng mạng của trẻ cần phải có giới hạn nhất định. Theo tôi, các bậc cha mẹ nên thiết lập giao ước về thời gian sử dụng internet đối với con.

Để làm được điều này, bản thân cha mẹ phải làm gương bằng cách tự hạn chế sử dụng điện thoại khi ở nhà, nhất là trước mặt con, dành thời gian chơi với con.

Bên cạnh đó, tùy vào lứa tuổi, cha mẹ trang bị các trò chơi; cho trẻ tham gia các lớp năng khiếu; tham gia các hoạt động ngoại khóa… để tạo cơ hội cho trẻ khám phá, trải nghiệm về thế giới xung quanh.

            Cẩm Tú (ghi)


 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích