Báo Đồng Nai điện tử
En

Đã đến lúc điều chỉnh thuế thu nhập cá nhân?

07:11, 15/11/2022

Hiện nay, thị trường có nhiều biến động, vật giá leo thang do ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19 và chiến sự Nga - Ukraine, mức chi tiêu của người dân bị "đội" lên; nhiều gia đình phải gồng gánh các khoản chi phí hằng tháng tăng theo thời giá, trong khi mức thu nhập không thay đổi, nhất là đối với những người có thu nhập phải chịu thuế thu nhập cá nhân (TNCN) vẫn chưa được sự hỗ trợ về giãn, giảm thuế.

Hiện nay, thị trường có nhiều biến động, vật giá leo thang do ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19 và chiến sự Nga - Ukraine, mức chi tiêu của người dân bị “đội” lên; nhiều gia đình phải gồng gánh các khoản chi phí hằng tháng tăng theo thời giá, trong khi mức thu nhập không thay đổi, nhất là đối với những người có thu nhập phải chịu thuế thu nhập cá nhân (TNCN) vẫn chưa được sự hỗ trợ về giãn, giảm thuế.

Kết quả thu thuế thu nhập cá nhân trên địa bàn tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2022  (Thông tin: Ngọc Liên - Đồ họa: Hải Hà)
Kết quả thu thuế thu nhập cá nhân trên địa bàn tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2022 (Thông tin: Ngọc Liên - Đồ họa: Hải Hà)

Theo một số chuyên gia cũng như những người chịu thuế TNCN, quy định về mức giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế TNCN hiện tại không còn phù hợp, cần có sự điều chỉnh để hỗ trợ người nộp thuế như Chính phủ đã từng ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức trong 2 năm phòng chống đại dịch Covid-19 rất kịp thời.

* Gánh nặng về thuế trong tiêu dùng

Làm nhân viên văn phòng tại một công ty nước ngoài trong Khu công nghiệp Biên Hòa 2 với mức thu nhập khá cao, hằng tháng anh Đặng Văn Thanh phải nộp một khoản thuế TNCN sau khi đã giảm trừ gia cảnh cũng như các khoản chi được miễn thuế. Tuy nhiên, cũng là người quan tâm đến các chính sách về thuế, anh Thanh cho rằng những người làm công ăn lương như anh đang phải chịu gánh nặng về chi tiêu khá lớn, nhiều người phải chi trả những khoản chi hằng tháng không hề nhỏ như: tiền thuê nhà, tiền điện, nước và nhiều khoản chi khác, nhất là giai đoạn vật giá tăng nhanh như hiện nay khiến không ít gia đình phải thắt lưng buộc bụng; trong khi đó, người có thu nhập chịu thuế TNCN vẫn chưa được xem xét tăng mức giảm trừ gia cảnh, thể hiện sự sẻ chia từ các chính sách thuế, bảo đảm an sinh xã hội tại từng địa phương.

Luật sư Ngô Văn Định, Hội Luật gia tỉnh cho rằng, khi xây dựng các chính sách về thuế TNCN cần đánh giá được người đóng thuế nuôi được bản thân họ, bảo đảm cuộc sống cho người phụ thuộc và nhất định phải có sự tích lũy. Bên cạnh đó, cách tính thuế TNCN không nên cào bằng, cần có sự phân hóa mỗi nơi mỗi khác, làm sao dể tạo động lực được cho người đóng thuế. Trong quá trình xây dựng chính sách thuế TNCN, các ngành chức năng nên tham khảo cách làm thuế của các nước khác trong khu vực như Singapore, Thái Lan… để có một chính sách thuế bảo đảm tính công bằng, tạo điều kiện cho người dân nâng cao chất lượng cuộc sống.

Cũng gánh nặng các khoản chi tiêu gia đình, anh Bùi Chính (ngụ P.Tam Hiệp, TP.Biên Hòa) cho rằng, mức giảm trừ gia cảnh đối với người phụ thuộc hiện nay chưa hợp lý bởi quá thấp. Anh Chính lấy ví dụ trường hợp gia đình anh đang nuôi con nhỏ, anh được hưởng thêm mức giảm trừ gia cảnh đối với người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, mức giảm trừ này không đủ để anh Chính nuôi một người con với các khoản chi phí học hành, tiền ăn, tiền sữa... mỗi tháng trên dưới 10 triệu đồng.

Anh Chính nhận định: “Tôi cho rằng, Chính phủ cần có những điều chỉnh về thuế TNCN. Theo tôi, chính sách thuế TNCN nên tính theo từng khu vực, với từng đối tượng khác nhau. Hiện nay, chi phí cho sinh hoạt gia đình, nhất là việc nuôi con ở khu vực thành thị khác với khu vực nông thôn nhưng mức thuế thì vẫn được cào bằng, hay như thu nhập của người bình thường và người khuyết tật cũng cần có những cách tính hợp lý thể hiện sự sẻ chia, công bằng. Có như vậy việc thu thuế mới dựa trên sự đồng lòng, tự nguyện của người nộp thuế”.

Từ đầu năm 2022 tới nay, giá cả hàng hóa, các dịch vụ thiết yếu đều tăng mạnh đã ảnh hưởng đến đời sống người dân, nhất là nhóm người làm công ăn lương. Dù đã có những hỗ trợ từ Chính phủ trong chương trình hồi phục kinh tế sau đại dịch, nhưng cũng mới chỉ mang tính hỗ trợ ngắn hạn. Các chuyên gia về lĩnh vực thuế cho rằng, trước những khó khăn như hiện nay, các bộ, ngành cần có sự khảo sát để trình Chính phủ giải pháp nâng mức giảm trừ, hỗ trợ người nộp thuế được tăng mức giảm trừ gia cảnh, sẻ chia với những khó khăn của người dân.

* Siết các nguồn thu cho ngân sách

Từ năm 2020 đến nay, giá các mặt hàng tăng khá nhiều, nhất là từ đầu năm đến nay, nhiều mặt hàng tiêu dùng tăng giá và khan hiếm nên các chi phí bị đẩy lên cao. Trong khi đó, một số ý kiến cho rằng, đang có sự thiếu công bằng giữa các đối tượng nộp thuế.

Hơn 2 năm qua, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ nhiều chính sách hỗ trợ các hộ kinh doanh, doanh nghiệp. Cụ thể, năm 2021, giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm 50% số thuế phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong quý III và quý IV đối với hộ, cá nhân trong mọi lĩnh vực, ngành nghề. Từ đầu năm đến nay, Chính phủ vẫn có những chính sách hỗ trợ hàng trăm ngàn tỷ đồng, trong khi người làm công ăn lương lại chưa được hưởng chính sách hỗ trợ nào.

Người lao động làm việc tại Công ty TNHH Ishikawa (TP.Biên Hòa)
Người lao động làm việc tại Công ty TNHH Ishikawa (TP.Biên Hòa)

Phó giám đốc Công ty TNHH Trọng Lực Nguyễn Trí Tân cho biết, Luật Thuế TNCN hiện nay chỉ ở mức cơ bản, mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế mới chỉ dành cho bản thân người nộp thuế và người phụ thuộc là chính mà chưa đi vào các chi tiết chi tiêu trong cuộc sống. Theo ông Tân, Luật Thuế TNCN cần có sự điều chỉnh sâu hơn, phân hóa các chi tiết, các mức điều chỉnh cần áp dụng sát với các khoản chi tiêu khác, quá trình điều chỉnh cần bảo đảm sự ổn định, bảo vệ quyền lợi cho người nộp thuế.

Theo báo cáo từ Cục Thuế Đồng Nai, trong 6 tháng đầu năm 2022, ngành thuế tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan, ban, ngành địa phương trong quản lý đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản, mang lại hiệu quả tích cực. Tổng thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm đạt trên 23,1 ngàn tỷ đồng. Trong đó, thuế TNCN đạt trên 3,8 ngàn tỷ đồng. Đáng chú ý, thu thuế TNCN từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản đạt 572 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2021.

Mức giảm trừ gia cảnh dành cho người nộp thuế theo quy định tại Nghị quyết 954/2020/UBTVQH14 quy định về mức giảm trừ gia cảnh được điều chỉnh từ ngày 1-7-2021. Theo đó, điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh đối với đối tượng nộp thuế có thu nhập từ 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm), mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng.

Ngọc Liên

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích