Báo Đồng Nai điện tử
En

Hoạt động hướng nghiệp trong trường học: Muốn hiệu quả, cần làm bài bản

07:11, 22/11/2022

Vì chưa được hướng nghiệp bài bản nên nhiều học sinh học lớp 12 vẫn còn mơ hồ với việc chọn nghề nghiệp tương lai cho mình. Nhiều học sinh phải trả giá bằng cả cơ hội, thời gian và tiền bạc do không được định hướng từ sớm.

Vì chưa được hướng nghiệp bài bản nên nhiều học sinh học lớp 12 vẫn còn mơ hồ với việc chọn nghề nghiệp tương lai cho mình. Nhiều học sinh phải trả giá bằng cả cơ hội, thời gian và tiền bạc do không được định hướng từ sớm.

Học sinh phổ thông tham quan tìm hiểu đào tạo tại Trường đại học Công nghệ Đồng Nai. Ảnh: C.Nghĩa
Học sinh phổ thông tham quan tìm hiểu đào tạo tại Trường đại học Công nghệ Đồng Nai. Ảnh: C.Nghĩa

Anh Phùng Quốc Đạt (ngụ P.Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) cho hay: “Tôi từng học đến năm thứ 2 đại học ngành kinh tế nhưng sau đó quyết định bỏ dở và xét tuyển đại học ở một ngành khác để học lại từ đầu. 2 năm học đại học trước đó đã khiến tôi phải trả giá vì lãng phí quá nhiều thời gian và tiền bạc của gia đình lẫn bản thân”.

* Hướng nghiệp sai đường

Nói về lý do quyết định “quay xe” làm lại từ đầu khi đã học hết năm 2 đại học, anh Đạt cho hay: “Trước đây, khi đang học lớp 12, tôi thực sự chưa nghiêm túc với bản thân trong chuyện chọn nghề nghiệp. Thấy bạn bè khi đó đổ xô học ngành kinh tế tôi cũng chọn theo. Thế nhưng, vào học năm thứ nhất tôi mới nhận ra kinh tế là ngành không phù hợp, càng học tôi càng chán và học hết năm thứ 2 tôi quyết định từ bỏ để học một ngành kỹ thuật mà tôi tìm hiểu và thấy mình thực sự phù hợp”.

Chị Lê Thị Kim Phúc, phụ huynh từng có con học tại Trường THPT Chu Văn An (TP.Biên Hòa) cho hay, do chỉ dành một khoảng thời gian khá ngắn để lựa chọn nghề nghiệp nên việc lựa chọn ngành Du lịch cho con chị đến giờ mới thấy hoàn toàn không phù hợp vì con chị ít nói, là người có xu hướng sống nội tâm, ngại giao tiếp. Sau khi học hết năm thứ nhất, thấy con không mặn mà với nghề mẹ đã chọn nên chị quyết định khuyên con từ bỏ, đồng thời để con tự quyết chọn ngành học khác theo ý muốn.

Có những cha mẹ áp đặt chuyện chọn ngành nghề cho con, nhưng cũng có không ít các bậc cha mẹ lại để con hoàn toàn quyết định việc lựa chọn nghề nghiệp mà không có sự định hướng. Một phần nguyên nhân vì cha mẹ không quan tâm hoặc thiếu những hiểu biết về kỹ năng định hướng nghề nghiệp cho con. Trong khi đó, giải pháp tốt nhất vẫn là cha mẹ và con cái cùng có sự chuẩn bị nghiên cứu lâu dài, chu đáo việc chọn ngành nghề phù hợp, tránh chạy theo trào lưu nhưng không phù hợp với chính con em mình.

* Tránh “nước đến chân mới nhảy”

Theo thống kê của Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và cung ứng nhân lực (Bộ GD-ĐT), năm 2021, số sinh viên tốt nghiệp làm đúng ngành đào tạo là 56%, chỉ liên quan đến ngành đào tạo 25%, không liên quan đến ngành đào tạo 19%. Đây là những con số rất cần được cập nhật cho ban giám hiệu các nhà trường, phụ huynh và học sinh tham khảo để định hướng nghề nghiệp cho học sinh.

Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM TRẦN ANH TUẤN: Chọn sai ngành sẽ để lại nhiều hệ quả

Việc học sai ngành thường để lại nhiều hệ quả cho người học trong tương lai. Điều này càng khiến người học sau khi tốt nghiệp thường khó tiếp cận với điều kiện việc làm hoặc hiệu quả công việc không cao. Xã hội cũng bị ảnh hưởng nhất định đến chất lượng nguồn nhân lực.

Hiệu trưởng nhiều trường THPT cho biết, hằng năm các trường tiếp đón khá nhiều đoàn đến làm công tác hướng nghiệp cho học sinh, nhưng lại không thực sự chuyên sâu. Có những đoàn, chuyên gia hướng nghiệp chỉ có 1 người nhưng theo sau là rất nhiều cán bộ tuyển sinh của các trường đại học. Họ chỉ nói một chiều về trường của mình để thu hút thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường.

Hiệu trưởng Trường THPT Trấn Biên (TP.Biên Hòa) Phạm Thị Thanh Hà chia sẻ: “Việc định hướng, hướng nghiệp cho học sinh là câu chuyện rất khó, phải làm từ sớm. Với học sinh THPT thì cần làm ngay từ khi các em vào học lớp 10 thay vì đến lớp 12 mới có những buổi ngồi dưới sân trường nghe các trường đại học giới thiệu ngành nghề. Chẳng hạn ngoài tư vấn chung cho các em về xu thế nghề nghiệp trong tương lai thì phải tư vấn cho từng em khi có nhu cầu. Như học sinh đó có phù hợp với ngành nghề định chọn so với năng lực, sở trường, sở thích lẫn khả năng tài chính…”.

Thực tế, để đưa hoạt động hướng nghiệp trong các trường phổ thông đúng tầm của nó rất cần sự đầu tư của phụ huynh, chủ động và sáng tạo của nhà trường.

Học sinh Trường THPT Nguyễn Trãi (TP.Biên Hòa) tham gia hoạt động hướng nghiệp tại trường
Học sinh Trường THPT Nguyễn Trãi (TP.Biên Hòa) tham gia hoạt động hướng nghiệp tại trường

Hiệu trưởng một trường THPT tại H.Trảng Bom chia sẻ: “Muốn hướng nghiệp phải có tiền, chứ ngồi một chỗ nói chuyện hướng nghiệp rất khó. Chẳng hạn, muốn mời một chuyên gia hướng nghiệp có uy tín thì phải bỏ ra số tiền nhất định. Hoặc muốn đưa học sinh đến tham quan một nhà máy, một doanh nghiệp phải cử giáo viên đi liên hệ, rồi thuê xe cho các em đi. Thế nhưng, nếu bàn đến chuyện thu tiền hướng nghiệp, phụ huynh sẽ có người đồng tình, người phản đối nên nhà trường rất e ngại”.

Trong khi đó, nhiều trường tư thục với cơ chế tài chính thông thoáng hơn, việc hướng nghiệp cho học sinh đã được thực hiện từ khá sớm với những cách làm tương đối bài bản.

Hiệu trưởng Trường TH-THCS-THPT Lê Quý Đôn - Quyết Thắng (TP.Biên Hòa) Trần Thị Vương Nhi cho hay, học sinh của trường ngay từ bậc tiểu học đã làm quen với hướng nghiệp và lên các bậc THCS, THPT thì tần suất các chương trình hướng nghiệp càng nhiều hơn. Với học sinh THPT, các em được đi tham quan các nhà máy, các trường đại học để hiểu rõ về công việc trong tương lai. Bên cạnh đó, nhà trường còn tổ chức các CLB, mời các chuyên gia có uy tín về định hướng nghề nghiệp cho các em.


Cô VŨ THỊ NI NA, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn - Tân Mai (TP.Biên Hòa): Hướng nghiệp theo hướng cá nhân hóa

Chúng tôi đang từng bước quan tâm đến việc hướng nghiệp sớm và toàn diện cho học sinh ngay từ khi các em bước vào lớp 10. Chúng tôi chú trọng hướng nghiệp theo hướng cá nhân hóa từng học sinh. Nghĩa là chúng tôi sẽ phân nhóm học sinh sau khi có khảo sát về xu hướng lựa chọn nghề nghiệp của từng em, sau đó sẽ có các chương trình tham quan, tư vấn, hướng nghiệp. Chúng tôi cũng mời các chuyên gia, những người làm trong các lĩnh vực mà học sinh quan tâm đến nói chuyện, chia sẻ với các em.

Em HUỲNH NGÔ TRƯỜNG GIANG, học sinh lớp 11A6, Trường THPT Ngô Quyền (TP.Biên Hòa): Mong được hướng nghiệp sớm

Em nhận thấy rằng việc hướng nghiệp cho học sinh là rất quan trọng, nhưng hoạt động này đối với học sinh lớp 10 và lớp 11 còn rất ít. Nếu muốn được hướng nghiệp, học sinh phải chờ đến lớp 12, như thế thì khá muộn, bởi em còn muốn được tìm hiểu kỹ thực tế so với những gì chỉ biết được qua 1-2 buổi hướng nghiệp. Em mong được hướng nghiệp sớm hơn chứ không phải chờ đến lớp 12.

Sinh viên NGUYỄN PHÚ THỊNH, Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM (Á khoa khối A kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022): Lựa chọn nghề nghiệp một cách nghiêm túc

Tôi đã lựa chọn ngành Sư phạm Toán tin để thực hiện ước mơ của mình là trở thành một nhà giáo sau khi được thầy cô hướng nghiệp. Đó là lựa chọn của đam mê và cơ hội việc làm khá rộng mở. Nhờ sự lựa chọn phù hợp mà tôi luôn cảm thấy hứng thú với việc học tập trên giảng đường. Mỗi học sinh khi còn ngồi trên ghế nhà trường THPT hãy lựa chọn nghề nghiệp một cách nghiêm túc để có một tương lai tốt đẹp hơn.     

Thành Nam (ghi)


Công Nghĩa

Tin xem nhiều