Báo Đồng Nai điện tử
En

Xây dựng đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục toàn diện

08:11, 19/11/2022

Toàn tỉnh hiện có trên 40 ngàn giáo viên công tác ở các bậc học từ mầm non đến THPT. Đội ngũ nhà giáo của tỉnh không ngừng phát triển về số lượng, đồng thời nâng cao về trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện chất lượng giáo dục.

Toàn tỉnh hiện có trên 40 ngàn giáo viên công tác ở các bậc học từ mầm non đến THPT. Đội ngũ nhà giáo của tỉnh không ngừng phát triển về số lượng, đồng thời nâng cao về trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện chất lượng giáo dục.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh trao đổi với lãnh đạo Sở GD-ĐT qua các thời kỳ tại lễ kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam do Sở GD-ĐT tổ chức. Ảnh: Công Nghĩa
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh trao đổi với lãnh đạo Sở GD-ĐT qua các thời kỳ tại lễ kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam do Sở GD-ĐT tổ chức. Ảnh: Công Nghĩa

Theo Giám đốc Sở GD-ĐT Trương Thị Kim Huệ, dù còn nhiều khó khăn nhưng đội ngũ nhà giáo đã và đang thầm lặng đóng góp vào việc đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh, đất nước.

* Tôn vinh đóng góp của nhà giáo

Tốt nghiệp đại học ngành kỹ thuật, kỹ sư Nguyễn Thanh Phương có 2 năm làm việc ở doanh nghiệp trước khi về công tác tại Trường THPT Thống Nhất A (H.Thống Nhất). Bằng sự sáng tạo, nhiệt huyết, thầy Phương đã khiến rất nhiều học sinh “mê” môn Công nghệ, dù theo quan niệm của nhiều em đây không phải là môn học chính. Thầy Phương còn cùng học sinh cho ra đời những sản phẩm hữu ích như: máy thu hoạch nghêu biển, mô hình giúp trẻ học Luật Giao thông đường bộ. Đặc biệt, có nhiều sản phẩm công nghệ mang xu hướng của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 như: máy hỗ trợ bác sĩ phát thuốc cho bệnh nhân tự động thông qua camera, nhận diện sản phẩm thông minh…

Phó chủ tịch UBND tỉnh NGUYỄN SƠN HÙNG: Tiếp tục quan tâm nâng cao đời sống nhà giáo

Lãnh đạo tỉnh thấu hiểu và chia sẻ với những khó khăn của một bộ phận nhà giáo, nhất là ở những nơi vùng sâu, vùng xa. Trong khó khăn, sự nỗ lực không ngừng của đội ngũ nhà giáo càng trân quý. Do đó, bên cạnh các chính sách của tỉnh về đào tạo và bồi dưỡng, tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm kiến nghị với Trung ương quan tâm nâng cao đời sống nhà giáo thật xứng tầm với đóng góp của đội ngũ nhà giáo cho sự phát triển của xã hội.

Theo thầy Phương, phương pháp đóng vai trò then chốt trong công tác giảng dạy, chẳng hạn môn công nghệ dù là môn phụ theo quan niệm của nhiều người nhưng nếu có phương pháp tốt thì vẫn hấp dẫn. Điều căn bản là giáo viên phải giúp học sinh hiểu được học môn công nghệ để làm gì, ứng dụng gì cho cuộc sống và nhất định phải đồng hành cùng các em biến lý thuyết thành những sản phẩm ứng dụng thực tế. Khi tham gia chuyên sâu vào môn công nghệ, nhiều em đã nuôi lớn dần đam mê, từ đó khám phá ra năng lực của bản thân, đồng thời giúp các em định hình được nghề nghiệp trong tương lai.

20 năm trước, sau khi tốt nghiệp Trường cao đẳng Sư phạm Đồng Nai (nay là Trường đại học Đồng Nai), cô giáo Nguyễn Thị Kim Oanh được phân công về công tác tại Trường tiểu học Long Khánh (P.Xuân An, TP.Long Khánh). Bằng lòng yêu nghề và trách nhiệm của một nhà giáo, cô Oanh đã không ngừng tự học nâng cao kiến thức, năng lực sư phạm, đồng thời tìm tòi những phương pháp dạy học mới. Cô Oanh chia sẻ, so với nhiều năm về trước, việc đổi mới sáng tạo còn bị hạn chế, nhưng hiện nay rất thuận lợi khi có thể ứng dụng công nghệ thông tin mang lại những hiệu quả vượt trội. Với những đóng góp của mình, dịp kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay, cô Oanh vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen Nhà giáo tiêu biểu tỉnh giai đoạn 1982-2022.

* Bồi đắp tình yêu nghề

Cô giáo mầm non Phạm Thị Thúy Hằng đã có hơn 10 năm công tác tại Trường mầm non Bình Sơn (xã Bình Sơn, H.Long Thành). Dù mức lương khởi điểm ngày mới vào nghề cách đây 10 năm (cũng như hiện nay) so với áp lực công việc hằng ngày chưa thật tương xứng nhưng cô vẫn chưa một lần nghĩ đến việc mình sẽ thay đổi công việc. Cô Hằng chia sẻ: “Khi còn là học sinh phổ thông, tôi đã đem lòng yêu mến nghề chăm trẻ và ước mơ trở thành giáo viên mầm non đã thôi thúc tôi bước vào nghề dạy trẻ. Những năm đầu bước vào nghề, áp lực còn lớn hơn cả những gì tôi từng hình dung trước đó, nhưng chính Ban giám hiệu và những giáo viên đi trước đã hỗ trợ, bồi đắp cho tôi thêm ý chí, quyết tâm vượt qua khó khăn”.

 Nhận danh hiệu Nhà giáo tiêu biểu tỉnh giai đoạn 1982-2022 sau hơn 10 năm cống hiến là một bất ngờ rất lớn với cô Hằng. Cô tâm sự: “Tôi bước vào nghề giáo mà chưa từng nghĩ có ngày mình sẽ được nhận giải thưởng này, danh hiệu kia. Tôi chỉ có một suy nghĩ phải làm hết trách nhiệm như đã tự hứa với chính lòng mình. Nhưng phần thưởng mà tỉnh dành cho tôi chính là niềm động viên rất lớn, càng thôi thúc tôi phải cố gắng nhiều hơn nữa cho xứng đáng với danh hiệu Nhà giáo tiêu biểu mà mình đã vinh dự đón nhận”.

Ứng dụng công nghệ thông tin nâng cao chất lượng dạy và học đang là khâu đột phá của ngành GD-ĐT toàn tỉnh. Trong ảnh: Cô trò Trường tiểu học Kim Đồng, TP.Long Khánh trong giờ học tin học. Ảnh: C.Nghĩa
Ứng dụng công nghệ thông tin nâng cao chất lượng dạy và học đang là khâu đột phá của ngành GD-ĐT toàn tỉnh. Trong ảnh: Cô trò Trường tiểu học Kim Đồng, TP.Long Khánh trong giờ học tin học. Ảnh: C.Nghĩa

Với 34 năm công tác trong môi trường giáo dục, trong đó có 14 năm làm công tác quản lý, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Hưng Đạo (TP.Biên Hòa) Đỗ Thị Cao Sang cũng như bao thầy, cô khác luôn tìm thấy hạnh phúc với nghề. Với cương vị người đứng đầu cơ sở giáo dục có truyền thống về dạy và học của TP.Biên Hòa, cô Sang nhận thấy mình luôn đứng trước áp lực phải đổi mới và truyền cảm hứng đổi mới cho tập thể sư phạm nhà trường thông qua việc cùng bắt tay với giáo viên nghiên cứu, thay đổi phương pháp giảng dạy, ứng dụng công nghệ thông tin và tạo cho học sinh có cơ hội trải nghiệm để thích thú với học tập.

Việc quan tâm đến điều kiện làm việc và chế độ cho đội ngũ nhà giáo trong toàn tỉnh luôn được lãnh đạo tỉnh dành sự quan tâm đặc biệt. Một trong những sự quan tâm cụ thể đó là Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh thường xuyên có các chuyến thăm các cơ sở GD-ĐT, chỉ đạo kịp thời và quyết liệt tháo gỡ những khó khăn của ngành, điều kiện giảng dạy và đời sống của nhà giáo. Hay cách đây không lâu, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng đã có buổi lắng nghe gần 30 giáo viên, cán bộ quản lý các bậc học và các phòng GD-ĐT về đầu tư trường lớp, tháo gỡ những khó khăn về thu nhập cho giáo viên, đặc biệt là giáo viên ở những nơi vùng sâu, vùng xa của tỉnh.


Nhà giáo ưu tú TRƯƠNG MỸ LINH, Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh (TP.Biên Hòa): Giáo viên phải thường xuyên tự học, tự đổi mới và sáng tạo

Làm giáo viên ở trường chuyên có rất nhiều may mắn khi các em đều là những học sinh giỏi, có nhiều năng khiếu. Nhiệm vụ của chúng tôi là phát hiện và phát triển năng khiếu của các em cho tỉnh và cho đất nước. Vì học sinh đều là những học sinh giỏi nên giáo viên phải thường xuyên tự học, tự đổi mới và sáng tạo mới có thể đáp ứng và phát triển năng lực của học sinh.

Thầy NGÔ BÁ, Trường tiểu Quang Trung (H.Xuân Lộc): Xã hội đặt niềm tin và kỳ vọng vào các nhà giáo

Tôi nhận thấy việc đổi mới tư duy, phương pháp giảng dạy hiện nay để đáp ứng những đòi hỏi của quá trình đổi mới toàn diện chất lượng giáo dục là rất cần thiết và quan trọng. Xã hội đang đặt niềm tin và kỳ vọng vào các nhà giáo, chính vì vậy mỗi nhà giáo phải không ngừng cố gắng bằng tình yêu, tâm huyết với nghề và trách nhiệm với những thế hệ tương lai của đất nước.

Cô NGUYỄN THỊ HẢI YẾN, Trường mầm non Trảng Dài (P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa): Muốn trẻ tiếp thu tốt thì giáo viên phải đổi mới

Muốn trẻ tiếp thu tốt thì giáo viên phải có những đổi mới về phương pháp giảng dạy, kích thích tinh thần học tập của trẻ khi làm quen với từng con chữ, từng con số, màu sắc và thế giới xung quanh. Chẳng hạn trước đây, trẻ chủ yếu chơi trong lớp, không gian vui chơi và học tập bị bó hẹp thì ngày nay giáo viên có thể tổ chức cho trẻ các hoạt động ngoại khóa, đi tham quan, dã ngoại…

Đặng Công (ghi)


Công Nghĩa

 

Tin xem nhiều