Một trong những ngành dịch vụ đòi hỏi các doanh nghiệp (DN) tham gia kinh doanh phải sớm thích nghi với công nghệ nhất có lẽ là du lịch. Việc tìm kiếm thông tin, hình ảnh, định vị, đặt phòng khách sạn, thanh toán, đặt chuyến bay... hiện tại hầu như đều đã được du khách sử dụng công nghệ để xử lý.
Một trong những ngành dịch vụ đòi hỏi các doanh nghiệp (DN) tham gia kinh doanh phải sớm thích nghi với công nghệ nhất có lẽ là du lịch. Việc tìm kiếm thông tin, hình ảnh, định vị, đặt phòng khách sạn, thanh toán, đặt chuyến bay... hiện tại hầu như đều đã được du khách sử dụng công nghệ để xử lý. Rất khó để một DN nào đó trong ngành Du lịch đứng ngoài xu thế, khi mà một điểm du lịch dù mới mẻ, xa xôi đến mức nào thì chỉ cần vài du khách ghé thăm, những thông tin và hình ảnh của nơi đó đều để lại “dấu vết” trên không gian số, trên các mạng xã hội, trang web, bản đồ của Google, trên các kênh “review” du lịch, các ứng dụng của những nhà cung cấp nội dung - dịch vụ du lịch…
Tuy nhiên, để DN lẫn du khách tìm thấy lợi ích của mình trong chuyển đổi số thì quá trình đó phải được thực hiện đồng bộ về cả nội dung, hình thức lẫn nền tảng công nghệ. Thực tế đã có sự lệch pha trong ứng dụng công nghệ, cung cấp thông tin trên nhiều nền tảng chưa nhất quán với nhau, tạo nên nhiều trải nghiệm chưa hài lòng cho du khách và chưa đem lại hiệu quả cho DN trong ngành.
Đại dịch Covid-19 đã đặt ra nhiều suy nghĩ mới, hướng đi mới, nhu cầu mới trong ngành Du lịch và đặt DN vào “thế” buộc phải thích nghi với những nhu cầu mới của thị trường. Hiếm có tour, tuyến, điểm du lịch nào có thể đứng ngoài cuộc. Để hướng tới mục tiêu phục hồi và đẩy mạnh phát triển du lịch sau đại dịch Covid-19, Tổng cục Du lịch triển khai dự án chuyển đổi số ngành Du lịch với 3 trụ cột: trục liên thông kết nối thông tin quản lý du lịch từ Trung ương đến địa phương và các cơ sở dịch vụ; hệ thống cơ sở dữ liệu số quốc gia về du lịch; sàn giao dịch điện tử kết nối các DN cung ứng dịch vụ và khách du lịch. 3 trụ cột này được kỳ vọng sẽ hỗ trợ tích cực cho các chủ thể trong ngành Du lịch hoạt động trong môi trường số.
Bên cạnh đó, nhằm tăng sức cạnh tranh của các DN du lịch trên thị trường quốc tế và giải quyết tình trạng nhỏ lẻ, tự phát của các ứng dụng nền tảng số trong du lịch, Tổng cục Du lịch cũng phối hợp với Bộ TT-TT để xây dựng một hệ thống thống nhất về nền tảng số du lịch trên toàn quốc ngay trên hệ thống quản lý nhà nước. Dự kiến có thể đến cuối năm 2022, ứng dụng này sẽ đưa vào vận hành, những đơn vị chưa xây dựng nền tảng sẽ được hỗ trợ, còn những đơn vị đã thực hiện và có nền tảng thì dữ liệu sẽ được liên kết về nền tảng chung nhằm có sự thống nhất về dữ liệu, công nghệ.
Sẽ có những khó khăn nhất định cho các DN, cơ sở, cá nhân làm du lịch trong bối cảnh dòng chảy chuyển đổi số ngày càng mạnh mẽ hơn và người sử dụng các dịch vụ trong ngành ngày càng có những đòi hỏi cao hơn về trải nghiệm, về công nghệ và chất lượng dịch vụ. Do đó, rất cần có những chương trình tập huấn, những chính sách hỗ trợ chuyển đổi kịp thời cho các cá nhân, tổ chức trong ngành nhằm thích nghi, tồn tại và phát triển.
Vi Lâm