Báo Đồng Nai điện tử
En

Tiềm năng ngành Công nghệ ô tô

07:12, 28/12/2022

Ngành Công nghiệp ô tô tại Việt Nam trong những năm gần đây có tốc độ phát triển rất nhanh, trung bình từ 15-20%. Theo thống kê, Việt Nam hiện có khoảng 50 xe ô tô/1 ngàn dân. Theo dự báo của các chuyên gia, con số này sẽ còn tăng nhanh hơn nữa.

Ngành Công nghiệp ô tô tại Việt Nam trong những năm gần đây có tốc độ phát triển rất nhanh, trung bình từ 15-20%. Theo thống kê, Việt Nam hiện có khoảng 50 xe ô tô/1 ngàn dân. Theo dự báo của các chuyên gia, con số này sẽ còn tăng nhanh hơn nữa.

Học sinh các trường THPT trên địa bàn TP.Long Khánh tìm hiểu về ngành Công nghệ ô tô tại Trường đại học Công nghệ Miền Đông
Học sinh các trường THPT trên địa bàn TP.Long Khánh tìm hiểu về ngành Công nghệ ô tô tại Trường đại học Công nghệ Miền Đông. Ảnh: H.YẾN

Sự tăng trưởng của ngành Công nghiệp ô tô kéo theo nhu cầu rất lớn về nguồn nhân lực. Đây là lợi thế cho các trường đại học và các trường cao đẳng nghề trong công tác tuyển sinh, đào tạo ngành Công nghệ ô tô.

Cơ hội việc làm rộng mở

Theo PGS-TS Phạm Xuân Mai, nguyên Trưởng khoa Kỹ thuật giao thông, Trường đại học Bách khoa TP.HCM, sự phát triển của ngành Công nghiệp ô tô sẽ kéo theo sự phát triển của nhiều ngành nghề liên quan như: sản xuất, chế tạo ô tô; bảo dưỡng, sửa chữa; dịch vụ ô tô; giao thông - vận tải… Điều này mở ra cơ hội ngành nghề rất lớn với nhiều vị trí việc làm phong phú cho các bạn trẻ.

Cả nước hiện có hơn 14 ngàn đơn vị, DN, garage, xưởng dịch vụ tham gia vào ngành Công nghiệp phụ trợ, hỗ trợ sửa chữa gồm có: nghiên cứu, nhập khẩu, chế tạo, rắp láp, phân phối, bán lẻ, sửa chữa, bảo dưỡng… xe ô tô. Điều này cho thấy cơ hội việc làm của sinh viên ngành Công nghệ ô tô khá đa dạng, phong phú.

Chính vì vậy, từ nhiều năm nay, ngành Công nghệ ô tô (có trường là ngành công nghệ kỹ thuật ô tô) luôn nằm trong danh sách các ngành “hot”, được nhiều thí sinh lựa chọn. Các trường cao đẳng, đại học cũng luôn tuyển sinh tốt ở ngành học này. Ước tính, tổng số người học ngành này trên cả nước có thể lên đến con số hàng trăm ngàn người.

Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể làm việc tại các nhà máy sản xuất ô tô; cơ sở dịch vụ garage ô tô, cơ quan đăng kiểm về ô tô, các cơ quan kiểm soát về xe cộ… Vị trí việc làm khá phong phú, tùy thuộc vào trình độ đào tạo và năng lực cá nhân như: bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa xe; điều hành kỹ thuật, công nghệ; dịch vụ tư vấn, chăm sóc khách hàng… Cơ hội các công việc này đều ở mức cao, bởi hiện nay nguồn nhân lực ngành này vẫn còn khá khan hiếm.

Nâng cao chất lượng đào tạo

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và thành phố thông minh, những năm gần đây, ngành Công nghiệp ô tô thế giới đang phát triển mạnh với bước chuyển mình sang các thế hệ ô tô hiện đại, công nghệ mới. Tại Việt Nam, công nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô, các ngành dịch vụ kỹ thuật và kinh doanh ô tô cũng đang ngày càng phát triển nhanh, nhất là ở các tỉnh phía Nam và đặc biệt ở vùng Đông Nam bộ.

Tại Đồng Nai, ngành Công nghệ ô tô luôn được các trường đại học, cao đẳng chú trọng phát triển và đẩy mạnh tuyển sinh nhằm đáp ứng nhu cầu của người học và nhu cầu nhân lực của doanh nghiệp (DN). Trong đó, các trường cao đẳng nghề đào tạo cả 2 trình độ trung cấp và cao đẳng. Ở bậc đại học, Đồng Nai hiện có 3 trường đại học đào tạo ngành Công nghệ ô tô là: Công nghệ Đồng Nai, Công nghệ Miền Đông, Lạc Hồng. Đây luôn là ngành có điểm đầu vào cao nhưng đạt chỉ tiêu tuyển sinh sớm nhất. Điều đó cho thấy sức hút của ngành học đối với học sinh THCS, THPT.

Nữ sinh Mai Phước Nhân Thúy Vân, lớp 10A6 Trường THPT Hoàng Diệu (TP.Long Khánh) cho biết: “Em thích các công việc liên quan đến lắp ráp, kỹ thuật nên có định hướng theo học ngành Công nghệ ô tô từ năm học lớp 9. Định hướng của em cũng được gia đình ủng hộ. Hiện nay, em đang tìm hiểu sâu thêm để xem mình có thật sự phù hợp với ngành học này hay không rồi mới quyết định”.

Về phía cơ sở đào tạo, các trường đều chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ thực hành cho sinh viên. Bên cạnh đó, các trường cũng hợp tác với DN nhằm xây dựng chương trình đào tạo phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Sinh viên ngành Công nghệ ô tô, Trường cao đẳng Cơ giới - thủy lợi trong giờ thực hành
Sinh viên ngành Công nghệ ô tô, Trường cao đẳng Cơ giới - thủy lợi trong giờ thực hành. Ảnh: HẢI YẾN

PGS-TS Phạm Văn Song, Hiệu trưởng Trường đại học Công nghệ Miền Đông chia sẻ: “Công nghệ ô tô là một trong những ngành trọng điểm của trường. Từ năm 2021, cùng với việc thay đổi chiến lược của nhà trường, ngành học này cũng có nhiều thay đổi cả về chương trình đào tạo, đội ngũ nhân sự và trang thiết bị”. Nhà trường đã đầu tư thêm phòng thí nghiệm kỹ thuật số trị giá khoảng 90 tỷ đồng để phục vụ đào tạo ngành Công nghệ ô tô. Ngoài các thiết bị thông thường, trường còn có phòng thí nghiệm thực tế ảo giúp sinh viên tiếp cận kiến thức thuận lợi hơn.

“Chúng tôi phát triển ngành Công nghệ ô tô đa dạng theo nhiều hướng, trong đó tiếp cận với lĩnh vực ô tô trong thời đại mới là xe điện và thiết bị thông minh. DN được xác định là đối tác quan trọng của nhà trường nên chúng tôi sẽ thúc đẩy DN cùng tham gia trong quá trình đào tạo. Cùng với đó, sinh viên sẽ được thực tập tại DN từ năm thứ 3” - PGS-TS Phạm Văn Song cho biết thêm.

Hải Yến


ThS VÕ HỒNG KỲ, Giám đốc Bộ phận phần mềm công nghiệp, Ban Công nghiệp số của Siemens Việt Nam:

Các trường đầu tư cho công nghệ để phục vụ đào tạo tốt hơn

Trong những năm qua, Siemens đã làm việc với nhiều trường đại học hàng đầu ở Việt Nam để đưa công nghệ vào nhằm cải thiện giáo trình đào tạo, đồng thời giúp sinh viên có cơ hội tiếp cận sớm với những công nghệ mới nhất. Những công nghệ mà chúng tôi cung cấp trên thế giới cũng như tại Việt Nam là những công nghệ hàng đầu về nghiên cứu chế tạo và sản xuất.

Với ngành ô tô, khi một sản phẩm chuẩn bị được sản xuất hàng loạt phải được kiểm thử rất nhiều lần để đảm bảo rằng đó là một sản phẩm có chất lượng khi đưa ra thị trường. Công ty Siemens rất mạnh trong lĩnh vực kiểm thử như vậy. Hiện nay, một số trường cũng đang có đầu tư về công nghệ này để sinh viên có thể làm quen với công nghệ.

Hiện nay, ngành Công nghệ ô tô của các trường vẫn chủ yếu đào tạo thiên về lĩnh vực bảo trì và sửa chữa, thiếu yếu tố về nghiên cứu và chế tạo. Nghĩa là chúng ta chưa đào tạo được những kỹ sư công nghệ ô tô thực sự, những người có khả năng sáng tạo, nghiên cứu để thiết kế, chế tạo ra một sản phẩm mới trong ngành ô tô. Bằng cách ứng dụng công nghệ và hợp tác, liên kết trong đào tạo, ngành Công nghệ ô tô sẽ có những khởi sắc mới.

Ông HUỲNH TẤN THUYẾT, Giám đốc Toyota Biên Hòa:

DN chủ động hợp tác đào tạo ngành Công nghệ ô tô

Việc sinh viên tốt nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu của DN là điều dễ hiểu. Nhiệm vụ của DN và nhà trường là phải rút ngắn khoảng cách này. Để làm được điều đó, DN thay vì than phiền sinh viên không đáp ứng được yêu cầu của mình thì hãy tìm cách tham gia cùng nhà trường, hỗ trợ để tạo ra thế hệ sinh viên phù hợp hơn.

Chúng tôi thấy rằng, quá trình đào tạo của nhà trường chỉ giúp sinh viên có được kiến thức, kỹ năng nền tảng thôi, còn kiến thức đặc thù về hoạt động của DN thì DN phải đào tạo. Vì vậy, chúng tôi rất quan tâm đến việc hợp tác, hỗ trợ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để phát triển chương trình đào tạo, sao cho sinh viên ra trường phù hợp với mong đợi của DN.

Bên cạnh hỗ trợ nhà trường xây dựng chương trình đào tạo, chúng tôi thường xuyên hỗ trợ giảng viên, sinh viên tham quan thực tế, thực tập. Tôi cho rằng, việc giảng viên tham quan DN là điều cần thiết vì hoạt động này sẽ giúp giảng viên nhận ra kỹ năng, kiến thức mà mình trang bị cho sinh viên khi ra ngoài thực tiễn sẽ được sử dụng như thế nào. Từ đó, giảng viên sẽ điều chỉnh cách truyền đạt kiến thức, huấn luyện kỹ năng để sinh viên có kiến thức, kỹ năng cần thiết nhất cho DN.           

Tường Vi (ghi)


 

Tin xem nhiều