Ngày 13-1, Bộ NN-PTNT tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023. Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương những thành quả ngành Nông nghiệp đã đạt được với giá trị gia tăng toàn ngành (GDP) đạt 3,36%, là mức tăng cao nhất trong nhiều năm gần đây.
Ngày 13-1, Bộ NN-PTNT tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023. Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương những thành quả ngành Nông nghiệp đã đạt được với giá trị gia tăng toàn ngành (GDP) đạt 3,36%, là mức tăng cao nhất trong nhiều năm gần đây.
Đồng Nai thu hút doanh nghiệp đầu tư chế biến nông sản. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty TNHH Thương mại sản xuất Thuận Hương, H.Định Quán. Ảnh: B.Nguyên |
Đặc biệt, 2022 là năm ngành Nông nghiệp đang từ nhập siêu chuyển sang xuất siêu và thực hiện việc chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp.
* Xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt kỷ lục
Trong năm 2022, toàn bộ 6/6 chỉ tiêu Chính phủ giao cho ngành Nông nghiệp đều đạt và vượt kế hoạch. Đặc biệt, ngành NN-PTNT đã đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại mở cửa thị trường để duy trì, mở rộng và đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là đối với các sản phẩm chủ lực tại các thị trường trọng điểm. Cùng với đó là các hoạt động xúc tiến thương mại nội địa được đẩy mạnh, phối hợp tổ chức nhiều hoạt động kết nối cung cầu, liên kết chuỗi giá trị nông sản. Do vậy, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt mức cao kỷ lục, trên 53,2 tỷ USD, tăng 9,3% so với năm 2021; vượt xa chỉ tiêu Chính phủ giao; chiếm hơn 75% tổng giá trị xuất siêu của toàn nền kinh tế.
Nhờ dự đoán đúng nhu cầu thị trường, chuẩn bị kỹ lưỡng nguồn hàng, ngành Thủy sản đã thực hiện một cú nhảy vọt ngay sau đại dịch Covid-19 với giá trị xuất khẩu thủy sản lần đầu đạt gần 11 tỷ USD, tăng gần 24% so với năm 2021 trong tình hình thị trường thế giới lắng dịu. Vấn đề khủng hoảng thừa - thiếu của ngành hàng cá tra trong năm vừa qua đã được kiểm soát tốt hơn.
Theo báo cáo của Sở NN-PTNT, năm 2022, giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản trên địa bàn tỉnh đạt 47 ngàn tỷ đồng, tăng 3,94% so với năm 2021. Mức tăng cao nhất so với các địa phương vùng Đông Nam bộ và cao hơn hẳn bình quân chung của cả nước. |
Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến - xuất khẩu thủy sản Việt Nam, từ thành quả đạt được, hiệp hội đã đặt ra mục tiêu tiếp tục duy trì thành tích cao trong bối cảnh thách thức trong năm mới còn lớn hơn năm cũ. Điều đáng nói với ngành Thủy sản, tỷ lệ hàng xuất khẩu có nguồn gốc nội địa chiếm khoảng 95%. Việt Nam đang nằm trong tốp 3 xuất khẩu thủy sản của thị trường thế giới. Một trong những mục tiêu trong thời gian tới của ngành là tiếp tục chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu, trở thành nguồn cung lớn của thị trường thế giới. Hiện đơn hàng xuất khẩu thủy sản giảm cho thấy dấu hiệu suy thoái của nền kinh tế. Trong đó, vấn đề vốn, lãi suất đang tạo ra áp lực lớn cho cộng đồng doanh nghiệp nông nghiệp nói chung, trong đó có thủy sản. Trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, hiệp hội mong Chính phủ và Bộ NN-PTNT tiếp tục có sự đồng hành để giải quyết, tháo gỡ tạo thêm dư địa và năng lực cạnh tranh cho ngành Thủy sản.
Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Thứ trưởng Bộ Công thương đánh giá, xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt kỷ lục và đã đóng góp vào 11/39 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD của cả nước. Trong đó, nhiều mặt hàng nông sản chủ lực thuộc tốp đầu của thị trường xuất khẩu thế giới, đáp ứng được những thị trường lớn, khó tính. Trong năm, Bộ Công thương và Bộ NN-PTNT phối hợp rất chặt chẽ, đặc biệt trong hỗ trợ thực hiện công tác đàm phán mở cửa thị trường; thực hiện các hiệp định thương mại tự do và có các hoạt động liên quan đến phòng vệ thương mại để bảo vệ các nhà sản xuất trong nước.
* Năm thay đổi về tư duy
Nhìn lại kết quả đã đạt được, Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan cho biết, với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, ngành Nông nghiệp đã thực hiện đồng bộ, linh hoạt, sáng tạo các giải pháp và "đổi mới tư duy" để vượt qua khó khăn, thách thức từ các "tình huống bất bình thường" của thực tiễn sản xuất, kinh doanh nhằm đạt các mục tiêu phát triển. Công tác thông tin, tuyên truyền được chú trọng để nhanh chóng chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị từ Trung ương tới cơ sở. Qua đó, kịp thời truyền tải đến cộng đồng các kết quả chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Bộ trong chỉ đạo, điều hành, vừa phòng chống dịch, vừa duy trì sản xuất, đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm; hỗ trợ tiêu thụ, xuất khẩu nông sản.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, qua nhiều thăng trầm, càng ngày ngành Nông nghiệp càng trở thành trụ đỡ quan trọng của nền kinh tế, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đóng góp xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, gắn với tích cực chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả. Theo Thủ tướng, Bộ NN-PTNT đã thực hiện tốt việc chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp. “Nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, chuyển đổi tư duy sẽ có nguồn lực”. Đây là điều rất quan trọng góp phần phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững hơn. Ngoài ra, cần gắn sản xuất với thị trường, phải nắm sát thị trường, thị hiếu và biến chuyển tiêu dùng thì sản xuất ra mới tiêu thụ được. Muốn nâng được giá trị gia tăng phải đầu tư chế biến gắn với nhiều vấn đề như công nghệ sau thu hoạch, đầu tư công nghệ vào các khâu sản xuất, đóng gói… theo chuỗi giá trị gia tăng. Ngành NN-PTNT phải bản lĩnh và linh hoạt để tiếp tục phát triển bứt phá, mạnh mẽ và bền vững hơn trong năm tới.
Bình Nguyên