Nợ lương; không đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho NLĐ; cố tình cho NLĐ nghỉ việc trái pháp luật; vi phạm về an toàn vệ sinh lao động và quy chế trả lương…, là những sai phạm trong thực hiện pháp luật lao động... cho NLĐ ở nhiều doanh nghiệp trên địa bàn Đồng Nai.
Nợ lương; không đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động (NLĐ); cố tình cho NLĐ nghỉ việc trái pháp luật; vi phạm về an toàn vệ sinh lao động và quy chế trả lương…, là những sai phạm trong thực hiện pháp luật lao động (PLLĐ) và các chế độ, chính sách cho NLĐ ở nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn Đồng Nai.
Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh do Sở LĐ-TBXH làm trưởng đoàn kiểm tra việc thực hiện công tác an toàn vệ sinh lao động tại một doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2022. Ảnh: L.Mai |
Qua các đợt kiểm tra của đoàn kiểm tra liên ngành về việc thực hiện PLLĐ tại các DN cho thấy, vẫn còn nhiều DN vi phạm Luật Lao động. Bên cạnh đó, việc thực hiện nội quy lao động vẫn còn những bất cập và hạn chế.
* Nhiều DN còn sai phạm
Cuối năm 2022, các đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh đã trực tiếp kiểm tra, hướng dẫn, hỗ trợ DN thực hiện tốt các quy định về PLLĐ. Trong đó, quan tâm đến các chế độ về tiền lương, tiền thưởng, phúc lợi của NLĐ… Tuy nhiên, bên cạnh những DN thực hiện tốt, vẫn còn những DN thờ ơ, né tránh, không tuân thủ nghiêm PLLĐ trong quá trình tổ chức sản xuất, kinh doanh. Trước thực trạng trên, đoàn đề nghị các DN nhanh chóng khắc phục nhằm đảm bảo quyền lợi của NLĐ cũng như xây dựng ổn định quan hệ lao động.
Cụ thể, khi kiểm tra thực tế tại Công ty TNHH Quốc tế Xin Guan Xing Việt Nam (H.Long Thành) vào tháng 12-2022 cho thấy, DN này xây dựng lại quy chế trả lương, thưởng chưa đúng theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019. Đồng thời, chưa tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ. Nhiều xưởng sản xuất, việc thực hiện công tác an toàn vệ sinh lao động còn sơ sài, nhiều công nhân không được trang bị bảo hộ lao động khi làm việc. Trong khi đó, với tính chất hoạt động của DN chuyên về sản xuất gỗ, công nhân trực tiếp vận hành nhiều máy móc rất nguy hiểm.
Đầu năm 2023, nhiều NLĐ đã tìm đến Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh nhờ hỗ trợ vì DN nợ lương hoặc chủ DN bỏ trốn. Đây là thực trạng vẫn diễn ra và buộc NLĐ phải đi “cầu cứu” các ngành chức năng để đòi lại quyền lợi. |
Tại Công ty TNHH Uniwin Việt Nam (H.Nhơn Trạch), năm 2022, DN chưa xây dựng nội quy lao động, thang, bảng l¬¬ương, quy chế trả lương và điều chỉnh lương tối thiểu vùng cho NLĐ. Ngoài ra, DN không thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc, tổ chức đối thoại định kỳ theo quy định. Trong năm 2022, số lao động thôi việc là 1.700 người nhưng DN không thực hiện rà soát, chi trả trợ cấp thôi việc cho NLĐ. Ngoài ra, chưa thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể… Với những vi phạm trên, đoàn kiểm tra đề nghị DN nhanh chóng khắc phục, không để kéo dài. Ngoài ra, DN cần xây dựng nội quy lao động và đăng ký với Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai.
Công nhân Trần Thị Mên, làm việc tại một DN sản xuất gỗ ở H.Long Thành cho hay, chị ít khi được tham gia các lớp tập huấn, phổ biến PLLĐ do DN tổ chức. Vì vậy, việc thực hiện nội quy lao động trong quá trình làm việc còn bỡ ngỡ. Nhiều lao động dù được trang bị bảo hộ lao động nhưng không được hướng dẫn cụ thể nên không biết cách sử dụng. Ngoài ra, DN ít khi đối thoại với NLĐ và thông báo các chế độ cho NLĐ nắm bắt tình hình.
Qua các đợt kiểm tra tại DN, đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh đã tiến hành kiểm tra hồ sơ, giấy tờ liên quan đến các chính sách đối với NLĐ; đồng thời, trực tiếp xuống xưởng khảo sát môi trường làm việc, công tác đảm bảo an toàn lao động và nắm bắt tình hình việc làm, thu nhập của NLĐ, nhất là vấn đề lương, thưởng. Đoàn đã hướng dẫn, hỗ trợ DN thực hiện tốt các quy định của Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn, Bảo hiểm xã hội…
* Cần có chế tài xử lý mạnh
Thời gian qua, Sở LĐ-TBXH đã tổ chức nhiều hội nghị phổ biến, giáo dục PLLĐ cho người sử dụng lao động và NLĐ. Riêng năm 2022, Sở tổ chức 8 hội nghị triển khai mức lương tối thiểu vùng và các quy định của Bộ luật Lao động cho hơn 1.750 người tại các DN trên địa bàn tỉnh; triển khai hướng dẫn hơn 1 ngàn DN đăng ký tài khoản báo cáo kết quả tự kiểm tra trực tuyến về việc thực hiện PLLĐ; phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh xử phạt 75 DN nợ đọng bảo hiểm xã hội. Ngoài ra, Sở đã phối hợp với các sở, ngành thực hiện thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định PLLĐ tại 13 DN.
Để hạn chế tình trạng DN vi phạm PLLĐ, Sở LĐ-TBXH cho biết, sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát, tổng kết rút kinh nghiệm việc chấp hành PLLĐ tại các DN nhằm chấn chỉnh, xử lý các DN có hành vi vi phạm các quy định của PLLĐ. |
Sở LĐ-TBXH cũng đã phối hợp với các ngành liên quan và các địa phương thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao ý thức chấp hành các quy định PLLĐ cho người sử dụng lao động và NLĐ trong các loại hình DN. Qua đó, đã góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa và ổn định. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện PLLĐ hiện nay tại nhiều DN vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc. Ở một số DN tuy có thực hiện các quy định có lợi hơn cho NLĐ nhưng không đưa vào thỏa ước lao động tập thể của DN…
Qua các đợt thanh, kiểm tra tại các DN của Sở LĐ-TBXH cho thấy, việc thực hiện PLLĐ còn mang tính hình thức, chưa thật sự đạt hiệu quả cao. Nguyên nhân do tỷ lệ DN tham dự tập huấn PLLĐ chưa nhiều, nhất là chủ DN ít tham dự mà phần lớn giao cho bộ phận phụ trách nhân sự tham gia. Một số DN chú trọng đến sản xuất, kinh doanh, chưa thực sự quan tâm đến việc nghiên cứu quy định trong Bộ luật Lao động, dẫn đến những sai phạm ảnh hưởng đến quan hệ lao động.
Đoàn kiểm tra liên ngành do Liên đoàn Lao động tỉnh làm trưởng đoàn kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động tại một doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2022 |
Công nhân Lê Thị Thu Thủy (ở trọ tại KP.6, P.Long Bình, TP.Biên Hòa), một trong những lao động vừa bị mất việc làm cuối năm 2022 cho hay, thời gian qua, nhiều lao động bị mất quyền lợi do nhận thức PLLĐ còn hạn chế nên chưa bảo vệ được quyền lợi chính đáng của mình. Ngoài ra, việc tuyên truyền, phổ biến PLLĐ chưa đến được với NLĐ. Trong khi đó, tình trạng DN nợ lương, cho NLĐ nghỉ việc trái quy định pháp luật vẫn diễn ra và NLĐ là người chịu nhiều thiệt thòi.
Tại Hội thảo đối thoại những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các quy định của PLLĐ cuối năm 2022, Sở LĐ-TBXH đã nêu những bất cập, thực trạng vi phạm PLLĐ hiện nay và đề ra các giải pháp khắc phục trong năm 2023. Phó giám đốc Sở LĐ-TBXH Nông Văn Dũng cho rằng, việc thực hiện PLLĐ cần sự phối hợp nghiêm túc, tuân thủ đúng quy định của cả DN và NLĐ. Tới đây, Sở sẽ tăng cường tập huấn PLLĐ cho chủ các DN, Công đoàn cơ sở để nắm vững các quy định và thực hiện tốt tại DN. Đồng thời, tổ chức đối thoại với các chủ DN để nắm tình hình, giải quyết những vướng mắc kịp thời.
Theo các cán bộ Công đoàn, để hạn chế việc các DN vi phạm PLLĐ như: cố tình né tránh thực hiện các quy định của pháp luật trong tổ chức lao động, sản xuất; cho NLĐ nghỉ việc trái quy định, cố tình sa thải lao động lớn tuổi và nợ lương, bảo hiểm xã hội…, các ngành chức năng cần vào cuộc thanh tra kịp thời và có nhiều chế tài xử phạt mạnh tay để chấn chỉnh tình hình trên, kịp thời bảo vệ quyền lợi của NLĐ.
Lan Mai