Báo Đồng Nai điện tử
En

Cước vận tải biển giảm sâu, doanh nghiệp bớt lo

07:02, 22/02/2023

Sau thời gian dài tăng phi mã vì thiếu hụt container và sự đứt gãy nguồn cung nguyên vật liệu, đơn hàng do dịch bệnh, tình hình căng thẳng ở một số nơi trên thế giới, cước vận tải hàng hóa bằng đường biển hiện đã giảm từ 70-80% so với thời kỳ cao điểm.

Sau thời gian dài tăng phi mã vì thiếu hụt container và sự đứt gãy nguồn cung nguyên vật liệu, đơn hàng do dịch bệnh, tình hình căng thẳng ở một số nơi trên thế giới, cước vận tải hàng hóa bằng đường biển hiện đã giảm từ 70-80% so với thời kỳ cao điểm. Trong thời điểm khó khăn, cước vận tải giảm giúp doanh nghiệp (DN) bớt gánh nặng.

Cước phí vận tải biển giảm sẽ giúp doanh nghiệp xuất - nhập khẩu “dễ thở” hơn. Trong ảnh: Bốc dỡ container hàng hóa xuất - nhập khẩu tại khu vực Cảng Cát Lái
Cước phí vận tải biển giảm sẽ giúp doanh nghiệp xuất - nhập khẩu “dễ thở” hơn. Trong ảnh: Bốc dỡ container hàng hóa xuất - nhập khẩu tại khu vực Cảng Cát Lái

Hoạt động xuất - nhập khẩu đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế của Việt Nam. Do đó, việc cước vận tải biển giảm tạo thuận lợi hơn cho nhiều DN để tối ưu hóa chi phí sản xuất hàng hóa, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Giá cước giảm sâu

Trên thị trường quốc tế, sau một thời gian tăng chóng mặt, giá cước vận tải đường biển bất ngờ sụt giảm. Trong đó, chỉ số container toàn cầu - đại diện cho giá cước vận tải container đã giảm 67% so với mức đỉnh thiết lập hồi tháng 9-2021. Không những vậy, chỉ số BDI (đại diện cho giá vận chuyển nguyên liệu thô) đã giảm 71% từ mức đỉnh.

Xu hướng giảm giá cước này lại là cơ hội cho các nhà xuất khẩu của Việt Nam vốn được dự báo sẽ đối mặt nhiều khó khăn trong năm 2023. Các DN đã từng chịu đựng tình cảnh giá cước vận tải biển lên cao mất gần hết lợi nhuận, giảm sức cạnh tranh thì nay có thể “dễ thở” hơn.

Theo ông Huỳnh Thanh Vạn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP S furniture (Bình Dương), DN của ông chuyên về lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu đồ gỗ. Thị trường trọng điểm là khu vực châu Âu và Hoa Kỳ. Giá cước vận tải biển đi thế giới giảm sâu giúp các DN có thể tiết giảm được một chi phí lớn. “Trước đây, tùy từng khu vực, mỗi container hàng hóa xuất đi phải chịu cước phí lên đến hàng chục ngàn USD, nhưng nay đã giảm rất mạnh. Từ đỉnh điểm 20 ngàn USD đi Bắc Mỹ thì nay có lúc giảm đến 80%, điều này giúp cho DN mạnh dạn hơn trong việc gia tăng sản xuất bên cạnh khắc phục khó khăn về thị trường tiêu thụ”  - ông Vạn khẳng định.

Tương tự, Đồng Nai có nhiều DN làm hàng xuất khẩu, nhất là những mặt hàng thô, mặt hàng nông sản. Đại diện một DN xuất khẩu hàng nông sản trên địa bàn tỉnh cho hay, cùng với việc Trung Quốc gỡ bỏ hạn chế phòng chống dịch bệnh Covid-19 và các hiệp định thương mại tự do phát huy tác dụng, cơ hội xuất khẩu hàng nông sản thời gian tới là rất lớn. Do đặc điểm mặt hàng nông sản thường xuất thô, chiếm diện tích lớn trong khi giá trị mỗi container hàng không cao nên phí vận tải biển đi quốc tế giảm sẽ giúp ích rất nhiều cho DN.

Cần giải pháp để giảm phí lưu thông trong nước

Cước vận tải biển đi quốc tế giảm nhưng theo các DN, một trong những hạn chế hiện nay là cước phí vận tải nội địa vẫn còn cao do dịch vụ logistics của Việt Nam phát triển chưa tương xứng. Điều đặt ra cho DN là phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, trong đó phải kể đến các vấn đề như: cơ sở hạ tầng hạn chế, thiếu đồng bộ, đặc biệt là hạ tầng giao thông và hạ tầng logistics như kho bãi, trung tâm logistics; quy trình thủ tục hải quan còn chồng chéo; DN logistics còn thiếu thông tin; thiếu liên kết, ứng dụng công nghệ lạc hậu… Đây là những hạn chế rất lớn khiến chi phí logistics của Việt Nam luôn ở mức rất cao, là gánh nặng cho DN.

Giám đốc Công ty TNHH Giấy Minh Cường Phát (ở Khu công nghiệp Amata, TP.Biên Hòa) Nguyễn Trí Minh cho biết: “Công ty chuyên cung ứng nguyên liệu cho ngành sản xuất bao bì và in ấn trên toàn quốc nên thường xuyên phải vận chuyển hàng hóa đi các tỉnh, thành trên cả nước. Thời gian vừa qua, dịch bệnh đã làm đứt gãy nguồn cung, chi phí vận chuyển của DN đã tăng vọt làm giảm sức cạnh tranh của công ty. Do đó, muốn giảm chi phí logistics, Chính phủ phải phát triển đồng bộ các hạ tầng dịch vụ liên quan”.

Nhiều DN mong muốn, ngoài kết nối giao thông đường bộ, Chính phủ nên đầu tư cho ngành đường sắt, đường thủy để tạo thuận lợi và giảm chi phí vận tải hàng hóa cho thị trường nội địa.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Đại lý và môi giới hàng hải Việt Nam (VISABA) Phạm Quốc Long, bên cạnh đường bộ thì đường thủy có nhiều tiềm năng trong vận tải hàng hóa, song vẫn chưa phát huy hết vai trò. Các địa phương cần có chính sách ưu đãi đầu tư cho các đơn vị kinh doanh trong lĩnh vực vận tải đường thủy nội địa, nhất là ưu đãi về thuế, miễn phí cơ sở hạ tầng cảng, kho bãi. Chi phí vận tải đường thủy thấp hơn 50-60% so với các phương thức vận tải khác. Số lượng vận tải cũng được nhiều hơn, giảm áp lực cho đường bộ, hạn chế ùn tắc, ô nhiễm môi trường.

Hiện nay, vấn đề mà các DN gặp phải là sự thiếu đồng bộ trong phát triển dịch vụ logistics của vùng, cùng với các yếu tố khác làm cho các DN trong ngành khó bứt phá phát triển.

Phó chủ tịch Hiệp hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai Nguyễn Duy Hưng đánh giá: “Việc kết nối, liên kết các dịch vụ, DN vận tải trong khu vực và cả nước còn rất yếu, điều đó kéo theo chi phí và dịch vụ cung ứng cho các đơn vị xuất - nhập khẩu vẫn còn cao so với yêu cầu. Do vậy cần đặt ra bài toán và giải pháp tổng thể, có cơ chế, động lực và có “nhạc trưởng” để thúc đẩy phát triển hạ tầng nói chung và các yếu tố liên quan đến dịch vụ logistics nói riêng”.

Văn Gia

Tin xem nhiều