Giải phóng mặt bằng (GPMB) là khâu quan trọng, góp phần đảm bảo tiến độ thực hiện các dự án đầu tư. Làm được điều này đòi hỏi sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận cao của nhân dân và một chính sách hợp lý.
Giải phóng mặt bằng (GPMB) là khâu quan trọng, góp phần đảm bảo tiến độ thực hiện các dự án đầu tư. Làm được điều này đòi hỏi sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận cao của nhân dân và một chính sách hợp lý.
Đoàn công tác của HĐND tỉnh khảo sát dự án Thu hồi đất làm khu tái định cư P.Phước Tân, TP.Biên Hòa. Ảnh: H.LỘC |
Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đang được lấy ý kiến rộng rãi trong cộng đồng dân cư. Trong đó, vấn đề được quan tâm, góp ý nhiều là quy định về thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Nhiều bất cập, hạn chế trong thực thi
Luật Đất đai năm 2013 quy định Nhà nước có quyền thu hồi đất phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh; để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Khi thu hồi đất, Nhà nước thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho cá nhân, hộ gia đình, tổ chức theo phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Tại Đồng Nai, mỗi năm có từ vài chục đến hàng trăm dự án lớn, nhỏ có thu hồi đất. Quá trình thực hiện GPMB để bàn giao đất cho đơn vị thi công, địa phương tuân thủ theo quy trình và quy định của pháp luật, song không phải lúc nào cũng thuận lợi.
Để làm tốt công tác GPMB các dự án, năm 2022, UBND tỉnh thí điểm thành lập Ban Quản lý dự án bồi thường, GPMB và hỗ trợ tái định cư tỉnh Đồng Nai để thực hiện GPMB các dự án lớn, cần thực hiện nhanh.
Phó trưởng ban phụ trách Ban Quản lý dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư tỉnh Nguyễn Hồng Quế cho rằng, bồi thường, GPMB là khâu rất quan trọng trong thực hiện dự án. Thời gian qua, các dự án quốc gia, tỉnh, địa phương thường xuyên gặp “điểm nghẽn” ở khâu bồi thường, GPMB như: Sân bay Long Thành, Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, Bến Lức - Long Thành…
Nguyên nhân là một số quy định chưa phù hợp với thực tế, nhất là về giá đền bù đất. Việc xác định giá đất, định giá nhưng chưa phê duyệt phương án bồi thường hoặc phê duyệt rồi nhưng chưa chi tiền, quá 6 tháng phải làm lại quy trình tốn thời gian và kinh phí. Có những sai sót trong công tác đo đếm, định giá, sau đó thanh tra, kiểm toán, giải trình ảnh hưởng đến tâm lý của cán bộ làm công tác bồi thường dẫn đến không dám làm, không dám quyết.
“Lấy ví dụ dự án Sân bay Long Thành, từ cấp xã đến cấp tỉnh đã làm việc cật lực nhưng đến nay vẫn còn 100ha bị “khựng” lại từ khi thanh tra, kiểm toán. Đồng Nai đã chi trả bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được rất nhiều nhưng còn trường hợp chưa giải quyết được, còn đơn thư, kiến nghị” - ông Quế chia sẻ.
Cùng chia sẻ về vấn đề này, Phó giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Ngọc Hưng cho rằng, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất lâu nay đang làm theo quy trình ngược. Theo quy định, người dân phải được bố trí chỗ tái định cư trước khi bàn giao mặt bằng nhưng rất ít dự án, địa phương làm được việc này. Rồi công tác xác định nguồn gốc, ranh mốc, lập bản đồ thu hồi đất, xác định giá trị của từng khu đất để lập phương án bồi thường mất nhiều thời gian.
Ở góc độ địa phương, Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Huỳnh Tấn Lộc cho rằng, bồi thường, GPMB gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là trường hợp đất chia, bán cho nhiều người. Cùng một dự án nhưng giá đền bù có sự chênh lệch, tạo tâm lý so bì cho người dân, gây khó khăn trong thu hồi đất. Giá đất cụ thể do UBND tỉnh ban hành tại thời điểm thu hồi đất nhưng thời hiệu chưa được đề cập.
Không riêng Đồng Nai, các tỉnh, thành phố khác cũng gặp nhiều khó khăn trong GPMB. Điều này làm ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành các dự án, kết quả giải ngân vốn đầu tư công.
Để GPMB tạo động lực cho phát triển
Hiện nay, các bộ, ngành, địa phương đang tổ chức lấy ý kiến dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. Trong số 9 nội dung trọng tâm, nội dung thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được đông đảo người dân quan tâm.
Dự án Hạ tầng thương mại tại xã Đại Phước, H.Nhơn Trạch. Ảnh: H.LỘC |
Ông Nguyễn Văn Phi (ngụ ấp 5, xã An Phước, H.Long Thành) cho rằng, ông quan tâm đến chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư bởi vì tới đây gia đình ông bị thu hồi đất làm dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Ông sẽ tham gia đóng góp ý kiến dự thảo luật với 2 nội dung là: Về chính sách đền bù thỏa đáng, nhất là tái định cư phải được thực hiện trên tinh thần chỗ ở mới tốt hơn chỗ ở cũ; làm sao để hạn chế quy hoạch “treo”, dự án “treo” ảnh hưởng cuộc sống của người dân.
Trong các lần làm việc với địa phương về kinh tế - xã hội, giải ngân vốn đầu tư công, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng đều nhấn mạnh, GPMB bàn giao đất cho chủ đầu tư đúng tiến độ sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ dự án. Dự án sớm đưa vào khai thác sẽ tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Khi thực hiện thu hồi đất phải đảm bảo quyền lợi tối đa cho cá nhân, tổ chức theo luật; quan tâm giải quyết các khiếu nại liên quan đến đất đai, GPMB.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang quy hoạch triển khai hơn 1,5 ngàn dự án trên các lĩnh vực, trong đó đa số phải thu hồi đất của các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức. Khâu GPMB thực hiện nhanh sẽ giúp cho giải ngân vốn đầu tư công thuận lợi.
Nhiều ý kiến cho rằng, muốn gỡ điểm “nghẽn” trong bồi thường GPMB thì cách tính giá đất, điều chỉnh giá đất trong dự thảo Luật Đất đai cần đảm bảo quyền lợi của người bị thu hồi đất. Việc xác định giá đất cũng như đền bù, GPMB; tiến tới xây dựng bảng giá đất phản ánh đúng giá trị thị trường đất đai.
Hoàng Lộc
Ông NGUYỄN NGỌC THƯỜNG, Phó giám đốc Sở TN-MT:
Đảm bảo tính trung thực, khách quan
Hiện nay, các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đang tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. Việc lấy ý kiến được thực hiện rộng rãi, đảm bảo tính trung thực và khách quan.
Sở TN-MT đã triển khai kế hoạch, tổ chức hội nghị lấy ý kiến chuyên sâu theo từng lĩnh vực đối với các phòng, đơn vị thuộc Sở. Trọng tâm là ý kiến những nội dung chưa thống nhất giữa các luật, các vướng mắc trong thực thi ở Đồng Nai như: chế độ quản lý, sử dụng đất nông, lâm trường; thẩm quyền phê duyệt dự án chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng; các trường hợp giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất…
Luật sư LÊ QUANG Y, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Đồng Nai:
Phát huy quyền làm chủ của nhân dân theo luật định
Đây là dự thảo luật được chuẩn bị hết sức công phu và khá toàn diện. Luật có sự gắn kết giữa lý luận và thực tiễn từ khi có Luật Đất đai cho đến hiện tại, đặc biệt là việc hệ thống những nội dung, vấn đề bất cập để hướng tới việc sửa đổi cho phù hợp. Về mặt kỹ thuật, dự thảo cho thấy sự cân đối và khá hoàn thiện ở từng quy phạm pháp luật, chương, mục, vấn đề.
Tuy nhiên, dự thảo dù hoàn thiện đến đâu cũng là ý chí chủ quan của ban soạn thảo nên cần phải được lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân, các cơ quan, tổ chức, đơn vị… Điều này là hết sức cần thiết để phát huy quyền làm chủ, tâm huyết, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân; để luật mới sát với thực tiễn, đảm bảo hài hòa lợi ích Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân.
Hoàng Lộc (ghi)