Đồng Nai hiện có khoảng 3,2 triệu dân. Tuy nhiên, không phải ai cũng có điều kiện tiếp cận các dịch vụ y tế chất lượng cao tại các bệnh viện tuyến tỉnh hoặc tuyến trung ương. Điều này đặt ra yêu cầu phải đổi mới, nâng cao chất lượng phòng bệnh, chẩn đoán, điều trị bệnh tại tuyến y tế cơ sở, gồm các trung tâm y tế huyện/thành phố, các trạm y tế xã, phường, thị trấn.
Đồng Nai hiện có khoảng 3,2 triệu dân. Tuy nhiên, không phải ai cũng có điều kiện tiếp cận các dịch vụ y tế chất lượng cao tại các bệnh viện tuyến tỉnh hoặc tuyến trung ương. Điều này đặt ra yêu cầu phải đổi mới, nâng cao chất lượng phòng bệnh, chẩn đoán, điều trị bệnh tại tuyến y tế cơ sở, gồm các trung tâm y tế huyện/thành phố, các trạm y tế xã, phường, thị trấn.
Người dân nhận thuốc tại Trạm y tế xã Sông Nhạn (H.Cẩm Mỹ) sau khi được khám bệnh. Ảnh: H.DUNG |
Qua đó, giúp người dân, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn có cơ hội được chăm sóc sức khỏe tốt hơn.
* Những điểm sáng cần lan rộng
Với xuất phát điểm vô vàn khó khăn, thiếu thốn từ cơ sở vật chất, trang thiết bị, máy móc, nhân lực, đến nay Trạm y tế xã Sông Nhạn (H.Cẩm Mỹ) đã có nhiều chuyển biến tích cực, được xem là điểm sáng trong số 13 trạm y tế của H.Cẩm Mỹ.
BS Phạm Tấn Lộc, Trưởng trạm y tế xã Sông Nhạn chia sẻ, trạm hiện có 1 bác sĩ, 3 y sĩ, 1 điều dưỡng, 1 nữ hộ sinh và 1 cán bộ dân số. Toàn xã có hơn 10 ngàn dân, sinh sống rải đều ở 8 ấp. Mặc dù dân số không quá đông nhưng địa bàn xã rộng, đường sá đi lại khó khăn, từ trạm y tế đến ấp xa nhất là 10km. Do đó, cán bộ, nhân viên trong trạm phải luôn đoàn kết, linh hoạt, sáng tạo thực hiện nhiệm vụ.
BS PHẠM TẤN LỘC, Trưởng trạm y tế xã Sông Nhạn chia sẻ: “Chúng tôi xác định trạm y tế là cơ sở gần dân nhất, hiểu dân nhất nên luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để chăm sóc sức khỏe cho người dân địa phương ngày càng tốt hơn. Từ đó, giúp người dân không phải di chuyển đường sá xa xôi lên các bệnh viện tuyến trên chỉ để khám những bệnh thông thường, giảm tối đa chi phí, công sức, thời gian. Chỉ khi nào người dân mắc bệnh nặng, trạm y tế không xử lý được sẽ nhanh chóng hỗ trợ thủ tục để chuyển bệnh nhân lên tuyến trên”. |
Riêng với nhiệm vụ tiêm vaccine phòng Covid-19, Trạm y tế xã thực hiện phương châm “mưa dầm thấm lâu”, thường xuyên tuyên truyền lợi ích của việc tiêm vaccine trên loa; thông qua các cộng tác viên y tế tại các ấp để phát tờ rơi đến từng hộ gia đình. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức, đoàn thể trong xã, các ấp để đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân. Nhờ đó, người dân hiểu được lợi ích của việc tiêm vaccine và tự giác đến tiêm phòng.
Trạm cũng thực hiện rất tốt công tác an toàn tiêm chủng, không để xảy ra sai sót hay sự cố gì đáng tiếc. Đến nay, tỷ lệ bao phủ vaccine phòng Covid-19 các mũi trên địa bàn xã Sông Nhạn đứng thứ 2/13 xã, thị trấn của huyện. Cẩm Mỹ cũng là địa phương có tỷ lệ bao phủ các mũi vaccine phòng Covid-19 cao nhất tỉnh.
Về lĩnh vực điều trị, đến nay có 91,4% dân số trong xã đã tham gia bảo hiểm y tế (BHYT). Công tác khám, chữa bệnh BHYT cho người dân tại trạm ngày càng đổi mới. Mỗi ngày, trạm khám từ 10-15 bệnh nhân mắc các bệnh mạn tính không lây và một số bệnh thường gặp; khám phụ khoa, đỡ đẻ cho sản phụ…
Trong khi đó, xã Xuân Thiện là xã vùng sâu của H.Thống Nhất, có khá đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Người dân trong xã chủ yếu làm nông nghiệp, đời sống còn nhiều hạn chế. Nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, những năm qua, 6 cán bộ, nhân viên y tế của Trạm y tế xã Xuân Thiện không ngừng học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, thái độ làm việc.
Mỗi tháng, trạm khám và điều trị hơn 200 lượt bệnh nhân. Thực hiện tốt việc phân loại, theo dõi, quản lý sức khỏe cho người dân trên địa bàn xã, đặc biệt là phụ nữ mang thai, người tàn tật, người cao tuổi, người mắc bệnh mạn tính…
BS CKI Trần Mạnh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Y tế H.Thống Nhất cho hay, điểm nổi bật của Trạm y tế xã Xuân Thiện là thực hiện rất tốt công tác y học cổ truyền, phục hồi chức năng. Đây cũng là trạm y tế duy nhất của huyện được thanh toán chi phí khám, chữa bệnh y học cổ truyền do đáp ứng đủ yêu cầu.
* Tiếp tục đầu tư nhanh, mạnh cho y tế cơ sở
BS Nguyễn Thi Văn Văn, Giám đốc Trung tâm Y tế H.Long Thành cho hay, 14 trạm y tế trong huyện hiện có 21 bác sĩ, ở Trung tâm Y tế huyện có 13 bác sĩ. Ngoài ra, có 8 y sĩ đang học liên thông lên bác sĩ. Nguồn nhân lực bác sĩ ở huyện cơ bản đáp ứng đủ.
Cả 14 trạm y tế trong huyện đã triển khai khám, chữa bệnh BHYT cho người dân từ nhiều năm nay. Trong đó, có 10 trạm y tế được thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT lĩnh vực y học cổ truyền; 12 trạm có quầy thuốc đạt tiêu chuẩn GPP.
Tình hình dịch bệnh Covid-19 đến nay đã được kiểm soát tốt; từ tháng 8-2022 đến nay, số ca mắc bệnh sốt xuất huyết giảm rất nhiều. Các chương trình mục tiêu quốc gia vẫn được duy trì ổn định. Năm 2023, H.Long Thành đã được công nhận là địa phương loại trừ được bệnh sốt rét. Huyện cũng triển khai hiệu quả các dự án về phòng, chống HIV/AIDS, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone. Ứng dụng triệt để công nghệ thông tin vào công tác phòng, chống dịch bệnh cũng như khám, chữa bệnh.
BS Văn cho biết thêm, trong năm vừa qua, toàn huyện có 5 trạm y tế được xếp loại cao nhất, đề xuất Sở Y tế tặng giấy khen là: Tân Hiệp, Tam An, An Phước, Long An và Long Đức.
Bên cạnh những thuận lợi, lãnh đạo Trung tâm Y tế H.Long Thành Nguyễn Thi Văn Văn đề xuất công tác xây mới, sửa chữa, mua sắm trang thiết bị, máy móc cho các trạm y tế cần được thực hiện với tiến độ nhanh hơn.
“Năm nay, huyện có 3 trạm y tế được xây mới, 7 trạm y tế được sửa chữa. Tuy nhiên, đến nay tiến độ thực hiện còn rất chậm. Các trang thiết bị, máy móc tại một số trạm cũng đã xuống cấp nhiều. Hiện còn 6 trạm y tế chưa có máy siêu âm, điện tim, 8 trạm có máy siêu âm nhưng là máy đen trắng, không đáp ứng được nhu cầu của người dân” - BS Văn nói.
Để thực hiện tốt hơn công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân ở tuyến cơ sở, BS Hồ Văn Hoài, Giám đốc Trung tâm Y tế H.Vĩnh Cửu đề xuất khẩn trương tháo gỡ những khó khăn trong công tác khám, chữa bệnh BHYT ở tuyến xã để người dân địa phương được hưởng đầy đủ quyền lợi khi tham gia BHYT.
Hạnh Dung