Ngay từ đầu năm, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường kinh doanh năm 2023. Trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, cải cách, đơn giản thủ tục hành chính sẽ giúp doanh nghiệp (DN) trụ vững và phục hồi sản xuất kinh doanh.
Ngay từ đầu năm, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường kinh doanh năm 2023. Trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, cải cách, đơn giản thủ tục hành chính sẽ giúp doanh nghiệp (DN) trụ vững và phục hồi sản xuất kinh doanh.
Sản xuất tại Công ty TNHH Kỹ thuật công nghiệp An Phát (TP. Biên Hòa). Ảnh: V.GIA |
Tại Đồng Nai, việc cải thiện môi trường kinh doanh, tạo niềm tin thu hút nhà đầu tư luôn được xem là nhiệm vụ trọng tâm.
DN cần môi trường thông thoáng để phục hồi
Để tiếp tục phục hồi kinh tế, ngay từ đầu năm, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường kinh doanh năm 2023. Nghị quyết 01 đã nhấn mạnh nhiều giải pháp, trọng tâm là ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Theo các chuyên gia, sẽ còn có nhiều tác động bất lợi nên DN rất cần hỗ trợ bằng chính sách, vốn, xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại… Tuy nhiên, việc triển khai các chính sách hỗ trợ chưa như mong muốn. Đơn cử như thời gian qua, việc ban hành gói hỗ trợ lãi suất 2% cho DN rất ít công ty tiếp cận được. Trong khi mục tiêu đề ra sẽ có hàng chục ngàn tỷ đồng lãi suất được hỗ trợ. DN chưa tiếp cận được nguồn vốn vay lãi suất thấp nên tác động của chính sách này đối với sự phục hồi của nhiều DN gần như chưa có.
“Chúng tôi làm ở lĩnh vực chế biến thực phẩm, đồ uống, theo quy định thì được vay vốn ưu đãi, tuy nhiên, DN vẫn chưa tiếp cận được với nguồn vốn này. Ngay cả việc vay vốn với chính sách thông thường ở thời điểm này còn rất gian nan, thì nói gì đến việc được hỗ trợ lãi suất” - chủ một DN tư nhân ở Biên Hòa chia sẻ.
Ông Trần Ngọc Liêm, Giám đốc Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam chi nhánh TP.HCM cho rằng, ổn định kinh tế vĩ mô là yếu tố rất quan trọng để thúc đẩy DN phát triển. Nhà nước cần cung cấp các thông tin dự báo, lường trước những thay đổi chính sách để giúp DN có thể tránh được các “cú sốc” vì những thay đổi đột ngột. Trong bối cảnh nhiều thách thức như hiện nay, DN rất mong các chính sách của Chính phủ được thực thi mạnh mẽ. Đặc biệt là chính sách tài khóa theo hướng hỗ trợ giãn thuế, giảm phí để giúp duy trì và phát triển công việc kinh doanh của DN.
Phó chủ tịch Hiệp hội DN Đồng Nai Châu Minh Nguyện cho rằng, Chương trình Phát triển kinh tế giai đoạn 2023-2025 cần cập nhật phù hợp với diễn biến của kinh tế thế giới. Cộng đồng DN mong muốn tỉnh chỉ đạo các cơ quan quản lý nhà nước thường xuyên có thông tin đến các hiệp hội để tuyên truyền đến DN một cách kịp thời. Trong quá trình thực thi chính sách, việc tham vấn ý kiến DN rất quan trọng để tạo môi trường kinh doanh thông thoáng hơn, giúp phục hồi nhanh nền kinh tế.
Chính sách phải đi vào thực chất
Đối với Đồng Nai, tỉnh từ lâu luôn khẳng định đồng hành với DN trong sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế. Trong thời gian dịch bệnh Covid-19 và ảnh hưởng tiêu cực từ tình hình kinh tế thế giới, tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc họp, gặp gỡ tiếp xúc với DN để nắm bắt tình hình. Các cấp, các ngành chức năng của tỉnh đã tập trung thực hiện các biện pháp hỗ trợ DN theo chủ trương của Chính phủ, giúp DN sớm phục hồi sản xuất kinh doanh. Nhờ vậy, năm 2022, tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt mức cao 9,22% (vượt mục tiêu đề ra).
Chế tạo cấu kiện nhà xưởng tại Công ty CP Kết cấu thép GSB. (Khu công nghiệp Thạnh Phú). Ảnh: V.GIA |
Mặc dù về tổng thể, môi trường kinh doanh của địa phương vẫn có sức thu hút hàng đầu song ở một vài tiêu chí vẫn còn nhiều công việc phải làm. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Đồng Nai thời gian gần đây mới xếp hạng vào mức khá trong khi kinh tế ở tốp đầu cả nước.
Để ổn định tình hình kinh tế và hỗ trợ DN, theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, năm 2023, ngoài việc đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công, Đồng Nai sẽ tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, giải quyết kịp thời các kiến nghị của người dân, DN. Đi kèm với đó là các giải pháp hỗ trợ tiếp cận vốn vay, xúc tiến thương mại, gặp gỡ đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm địa phương. Dư địa tăng trưởng của Đồng Nai vẫn còn rất lớn nhưng áp lực dành cho địa phương cũng ngày càng tăng theo. Trong mối quan hệ với cộng đồng DN, lãnh đạo tỉnh nhận định đây là mối quan hệ cộng sinh nên cần đồng hành, hỗ trợ nhau cùng phát triển.
Chia sẻ về điều này, ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam lưu ý, trước hết, tỉnh cần rà soát các điểm nghẽn trong giải quyết thủ tục hành chính và có giải pháp đơn giản hóa quy trình, giảm chi phí cho DN, đặc biệt trong lĩnh vực thuế, đất đai. Đồng thời, cần tăng tính minh bạch trong việc cung cấp thông tin về hoạt động của chính quyền; tăng tương tác, đối thoại với người dân và DN.
Theo ông Tuấn, điều quan trọng không phải là ban hành nhiều kế hoạch cải cách, nhiều nghị quyết, nhiều chương trình hoành tráng mà là chất lượng thực thi chính sách. Do đó, cải thiện môi trường kinh doanh phải đi vào thực chất hơn.
Văn Gia
Đồng chí NGUYỄN HỒNG LĨNH, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy:
Chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để thu hút đầu tư
Đồng Nai là địa phương có mức độ phát triển kinh tế cao, có nhiều kinh nghiệm trong thu hút đầu tư, nhất là DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Hiện nay, sự cạnh tranh về thu hút đầu tư giữa các địa phương trong cả nước ngày càng lớn. Để giữ vững được vị thế, đẳng cấp của mình, Đồng Nai phải đặt yếu tố sẵn sàng lên hàng đầu. Sẵn sàng về quỹ đất, sẵn sàng về nhân lực và sẵn sàng về các chính sách rõ ràng thuận lợi.
Đối với quỹ đất phát triển công nghiệp, tỉnh không thiếu nhưng ở thời điểm hiện tại thì tính sẵn sàng chưa cao. Bởi các khu công nghiệp mới vẫn đang trên lộ trình hoàn thiện thủ tục pháp lý đầu tư. Việc thiếu tính sẵn sàng về quỹ đất sẽ rất khó để hoàn thành mục tiêu trong ngắn hạn và dài hạn. Đây là vấn đề quan trọng mà địa phương phải chủ động phối hợp với các cơ quan Trung ương để tháo gỡ nhanh.
TS ÐINH THẾ HIỂN, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng:
Có dư địa lớn cho tăng trưởng kinh tế
Bên cạnh những khó khăn thì thuận lợi và cơ hội của Việt Nam trong năm 2022 là kiểm soát và ổn định được hệ thống tài chính; kiểm soát tỷ giá và lạm phát, kinh tế tài chính vĩ mô ổn định giúp DN phát triển và thu hút đầu tư nước ngoài. Đây sẽ là nền tảng để năm 2023 Việt Nam tiếp tục tăng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và mở thêm thị trường xuất khẩu. Đồng thời, đón nhận xu hướng chuyển dịch dòng vốn, sản xuất từ Trung Quốc sang các nước khu vực Đông Nam Á trong đó có Việt Nam. Đó là những điều kiện thuận lợi, động lực quan trọng để kinh tế nội địa phát triển.
Vương Thế (ghi)