Báo Đồng Nai điện tử
En

Xuất khẩu trái cây đang kỳ vọng vào thị trường Trung Quốc

09:02, 14/02/2023

Từ ngày 8-1, Trung Quốc bỏ kiểm soát dịch bệnh Covid-19 và đồng loạt mở các cửa khẩu quốc tế tại phía Bắc để nhập khẩu hàng hóa, nhất là nông sản. Trong đó, trái cây tươi xuất khẩu vào thị trường này khá tốt, giúp cho giá trái cây tại Đồng Nai tăng cao.

Từ ngày 8-1, Trung Quốc bỏ kiểm soát dịch bệnh Covid-19 và đồng loạt mở các cửa khẩu quốc tế tại phía Bắc để nhập khẩu hàng hóa, nhất là nông sản. Trong đó, trái cây tươi xuất khẩu vào thị trường này khá tốt, giúp cho giá trái cây tại Đồng Nai tăng cao.

Nông dân trồng thanh long tại xã Xuân Phú (H.Xuân Lộc) phấn khởi vì giá thanh long ruột đỏ tăng cao do xuất khẩu tốt. Ảnh: B.NGUYÊN
Nông dân trồng thanh long tại xã Xuân Phú (H.Xuân Lộc) phấn khởi vì giá thanh long ruột đỏ tăng cao do xuất khẩu tốt. Ảnh: B.NGUYÊN

Theo đó, hàng loạt mặt hàng trái cây xuất khẩu vào thị trường lớn này đồng loạt tăng giá. Tuy nhiên, thị trường Trung Quốc sẽ ngày càng khó tính, đòi hỏi sự thay đổi từ khâu tổ chức sản xuất đến thu hoạch, đóng gói.

* Xuất khẩu trái cây sôi động trở lại

Từ đầu năm 2023, các mặt hàng trái cây tươi xuất khẩu như: chuối, xoài, mít, thanh long… tăng giá mạnh nhờ thị trường Trung Quốc mở cửa nhập khẩu trở lại. Cụ thể, giá xoài Đài Loan, thanh long ruột đỏ từ chưa đến 10 ngàn đồng/kg, tăng lên mức khoảng 30 ngàn đồng/kg. Có thời điểm, thanh long ruột đỏ loại 1 xuất khẩu tăng lên mức hơn 40 ngàn đồng/kg. Trước Tết Nguyên đán 2023, sầu riêng lập mức giá kỷ lục chưa từng có khi bất ngờ tăng lên mức 200 ngàn đồng/kg.

Giám đốc HTX Nông nghiệp dịch vụ thương mại thanh long Xuân Hưng (xã Xuân Hưng, H.Xuân Lộc) Nguyễn Văn Nga cho biết, khoảng 2 tháng trở lại đây, giá thanh long tăng mạnh trở lại với mức bình quân khoảng 30 ngàn đồng/kg, mức giá nông dân trồng thanh long đạt lợi nhuận tốt. Thương lái đua nhau về nhà vườn gom hàng cung cấp cho nhu cầu thị trường xuất khẩu tăng cao. Hiện nay, nông dân trồng thanh long rất phấn khởi đầu tư chăm chút vườn trở lại với kỳ vọng thị trường xuất khẩu trái thanh long sẽ khởi sắc trở lại trong năm 2023.

Theo TS TRÀ MY, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam lâm thời tại Trung Quốc, điều rất đáng tiếc là nông dân và DN chưa chủ động học cách nghiên cứu về việc bán tận nơi cho đối tác Trung Quốc. DN Việt Nam xuất khẩu hàng sang Trung Quốc lâu nay tập trung vào đường bộ, mà quên mất đường biển có nhiều ưu thế. Hiệp hội có các thành viên ở Sơn Đông, Thượng Hải sẵn sàng hỗ trợ DN.

Bà Hồng Thị Hồng Chi, thương lái thu mua xoài tại các tỉnh miền Nam cho biết, từ khi các cửa khẩu Trung Quốc mở cửa và bỏ kiểm soát dịch bệnh Covid-19 vào đầu năm 2023, hoạt động xuất khẩu nông sản, nhất là mặt hàng trái cây tươi sang thị trường này có nhiều thuận lợi. Vụ xoài nghịch vụ cuối năm 2022 bị mất mùa nên thương lái phải đi khắp các tỉnh thu gom xoài xuất khẩu.

Xuất khẩu đi Trung Quốc rộng cửa hơn cũng là nguyên nhân khiến cho giá chuối xuất khẩu đang ở mức cao từ 13-15 ngàn đồng/kg. Nông dân trồng chuối kỳ vọng vụ thu hoạch bội thu nhờ xuất khẩu, nhất là thị trường tiêu thụ lớn nhất hiện nay đang rộng cửa.

* Kèm theo nhiều thách thức

Từ cuối năm 2022, hàng loạt sản phẩm trái cây tươi của Việt Nam như: chuối, sầu riêng, chanh dây… được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc tạo đà cho xuất khẩu vào đầu năm 2023. Đây được cho là cơ hội lớn để tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu trái cây tươi, nhưng cũng là thách thức không nhỏ khi thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới này đặt ra tiêu chuẩn ngày càng cao về an toàn thực phẩm cũng như yêu cầu nông sản được truy xuất nguồn gốc, xuất xứ.

Chia sẻ câu chuyện làm việc với đối tác xuất khẩu chuối vào thị trường Trung Quốc trong năm 2023, ông Lý Minh Hùng, Giám đốc HTX Thanh Bình (xã Thanh Bình, H.Trảng Bom) nhận xét, yêu cầu của thị trường Trung Quốc về chất lượng, tiêu chuẩn các mặt hàng trái cây hiện không hề dễ hơn các thị trường khó tính khác. Các khách hàng Trung Quốc yêu cầu rất cao về từng container hàng xuất khẩu. Đầu tháng 1-2023, các chuyến hàng xuất khẩu chuối tươi đi Trung Quốc tăng cao, xuất hiện tình trạng một số thương lái, doanh nghiệp (DN) chạy đua về số lượng mà thiếu chú trọng về chất lượng nên hàng không đạt chuẩn, tỷ lệ hao hụt cao. Ngay sau đó, khách hàng Trung Quốc chọn lọc và kiểm soát kỹ hơn về tiêu chuẩn chất lượng, gây khó khăn chung cho hoạt động xuất khẩu mặt hàng trái cây này.

Thu hoạch xoài ở xã La Ngà (H.Định Quán). Ảnh: Bình Nguyên
Thu hoạch xoài ở xã La Ngà (H.Định Quán). Ảnh: Bình Nguyên

Tại diễn đàn trực tuyến Thúc đẩy giao thương nông sản, thực phẩm giữa Việt Nam và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) do Bộ NN-PTNT tổ chức ngày
10-2, TS Trà My, Chủ tịch Hội DN Việt Nam lâm thời tại Trung Quốc cho rằng, quan điểm sai lầm của nhiều DN là nghĩ thị trường Trung Quốc dễ tính. DN trong nước chỉ chú trọng “gò ép” về số lượng mà quên đảm bảo chất lượng. Nếu DN cứ cố đóng những container hàng không đồng đều về chất lượng hoặc không được chọn lọc kỹ thì khả năng cao sẽ bị trả lại. Đồng thời, hàng xuất khẩu không đảm bảo chất lượng sẽ ảnh hưởng xấu đến uy tín cả ngành hàng. Việc một số DN mượn mã số để xuất khẩu sẽ gây hệ lụy rất lớn.

Bình Nguyên


Thứ trưởng Bộ NN-PTNT TRẦN THANH NAM:

DN phải chủ động vượt qua thách thức, nắm bắt cơ hội

Việc Trung Quốc mở cửa thị trường từ ngày 8-1 là tin mừng đối với DN 2 nước song cũng là thách thức rất lớn. Các DN cần thực hiện theo đúng các yêu cầu kỹ thuật; kết hợp với các đơn vị nông nghiệp địa phương để xây dựng vùng nguyên liệu; phối hợp với các đơn vị thực hiện cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói để đáp ứng yêu cầu phía bạn. Bộ NN-PTNT đang tiếp tục đẩy mạnh phối hợp với các cơ quan phía bạn để mở cửa cho nhiều sản phẩm trái cây tươi, nông sản của Việt Nam.

Trung Quốc vừa khai thông tuyến đường sắt giữa Lào và Thái Lan. Như vậy, thời gian vận chuyển hàng hóa, trong đó có các sản phẩm nông sản từ Thái Lan sang Trung Quốc, sẽ giảm bớt 1 ngày, cùng với đó chi phí vận chuyển sẽ giảm trên 20%. Đây là một vấn đề đặt ra cho chúng ta.

Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thương mại Toàn Thắng (xã Xuân Tây, H.Cẩm Mỹ)
TRƯƠNG A VÙNG:

Cần thành lập Hiệp hội Sầu riêng tỉnh Đồng Nai

Với kinh nghiệm hơn 10 năm kinh doanh tại thị trường Trung Quốc, năm 2022, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của DN đạt hơn 20 triệu USD, trong đó thị trường tiêu thụ lớn là Trung Quốc.

Từ sau khi Trung Quốc ký nghị định thư phê duyệt trái sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch, giá trị xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam vào thị trường này tăng cao so với trước. Tuy nhiên, có một thực tế đáng buồn là giá sầu riêng Việt Nam bán tại các chợ đầu mối của Trung Quốc thấp hơn từ 25-30 ngàn đồng/kg so với sầu riêng Thái Lan dù mẫu mã, chất lượng sầu riêng của ta không hề kém cạnh so với nước bạn. Nguyên nhân chính là do tính ổn định về chất lượng trái sầu riêng của Việt Nam vẫn là bài toán khó với DN xuất khẩu.

Về mặt thương hiệu, chúng ta chưa quan tâm đúng mức việc xây dựng thương hiệu để có chỗ đứng vũng chắc trên thị trường cũng như duy trì sự ổn định về chất lượng sản phẩm. Nguyên nhân do lâu nay chúng ta vẫn quen làm ăn nhỏ lẻ, manh mún, cạnh tranh không lành mạnh tại thị trường trong nước. Cụ thể, thời điểm thị trường hút hàng, giữa các đại lý thu mua, đóng gói vẫn xảy ra tình trạng trả giá cao hơn để tranh mua, tranh bán, sẵn sàng thu hoạch sầu riêng khi trái chưa đạt độ chín chuẩn, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.

Tỉnh cần thành lập Hiệp hội Sầu riêng Đồng Nai làm cầu nối giữa các DN với nông dân cũng như cơ quan quản lý; phổ biến các thông tin thị trường cũng như yêu cầu của các thị trường nước bạn nhằm kiểm soát và duy trì tính ổn định của chất lượng sầu riêng, qua đó dần xây dựng được thương hiệu cho sầu riêng Đồng Nai.         

Lê Quyên (ghi)


 

Tin xem nhiều