Đồng Nai đang thực hiện các bước đi khá mạnh mẽ trong chiến lược chuyển đổi số (CĐS), xây dựng chính phủ điện tử. Việc thực hiện thành công chiến lược này sẽ tạo đà cho tỉnh có thêm những bước phát triển đột phá, đồng thời tăng tính minh bạch, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cải cách hành chính (CCHC).
Đồng Nai đang thực hiện các bước đi khá mạnh mẽ trong chiến lược chuyển đổi số (CĐS), xây dựng chính phủ điện tử. Việc thực hiện thành công chiến lược này sẽ tạo đà cho tỉnh có thêm những bước phát triển đột phá, đồng thời tăng tính minh bạch, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cải cách hành chính (CCHC).
Công chức TP.Long Khánh hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng Long Khanh Smart để kết nối chính quyền và người dân bằng hình thức trực tuyến. Ảnh: C.NGHĨA |
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng cho biết: “Đồng Nai đang lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm phục vụ của chiến lược CĐS và xây dựng chính phủ điện tử. Chính vì vậy, không chỉ chính quyền nỗ lực tạo ra nhiều tiện ích của CĐS mà mỗi người dân và doanh nghiệp cũng phải tự nâng cấp mình thành những công dân số”.
Nhiều tiện ích chờ người dùng
Năm 2021, TP.Biên Hòa là địa phương đầu tiên chính thức đưa vào vận hành Trung tâm Điều hành thông minh do Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) phát triển. Để có thể tương tác các tiện ích của thành phố thông minh, người dân chỉ cần tải app miễn phí và đăng ký tài khoản sử dụng. Đến nay đã có 51.700 lượt người tải ứng dụng này. Người dân có thể quan sát trực tiếp tình hình giao thông ở nhiều địa điểm tại TP.Biên Hòa để tránh đi vào những đoạn đường đang tắc, người dân cũng có thể phản ánh những bức xúc, vi phạm ở nhiều lĩnh vực đến lãnh đạo thành phố, tìm hiểu thông tin ở các lĩnh vực từ giáo dục, y tế, việc làm, đất đai…
Nỗ lực CĐS vì sự phát triển của người dân và doanh nghiệp Tại hội nghị nghe báo cáo thực hiện các nhiệm vụ đột phá theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI mới đây, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy NGUYỄN HỒNG LĨNH đã nhấn mạnh, phải nỗ lực thực hiện CĐS vì sự phát triển của người dân và doanh nghiệp. Nếu không thực hiện CĐS, không xây dựng dựng chính phủ điện tử thì sẽ lãng phí cơ hội phát triển. Đồng Nai là tỉnh công nghiệp lớn của cả nước, phải bằng nhiều giải pháp để kết quả CĐS ở vị trí tương xứng. |
Không dừng lại ở đó, mới đây người dân có thể tra cứu thông tin quy hoạch xây dựng của TP.Biên Hòa thông qua một app có tên QHXD BH. Hiện app này đã cập nhật quy hoạch xây dựng của 13/30 phường, xã và sẽ còn thêm nhiều phường, xã nữa trong thời gian tới. Đặc biệt so với các app khác người dân phải trả phí, áp QHXD BH hoàn toàn miễn phí. Người dân có thể xem được quy hoạch xây dựng ở khu vực mình sinh sống và nhiều phường, xã khác, thậm chí chi tiết đến từng thửa đất với diện tích, quy hoạch…
Anh Nguyễn Văn Giáp, chuyên viên Trung tâm Hành chính công tỉnh phụ trách mảng dịch vụ công trực tuyến cho biết, CĐS ngày càng mạnh thì áp lực tiếp nhận và giải quyết hồ sơ trực tiếp sẽ càng giảm đi. Lý do là thay vì người dân trực tiếp đến cơ quan nhà nước giải quyết hồ sơ có thể ngồi ở nhà hay bất cứ đâu cũng có thể giải quyết được và nhận kết quả tại nhà. Đây cũng là nguyên nhân nhiều sở, ngành đã tạm dừng bố trí cán bộ tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ trực tiếp tại Trung tâm Hành chính công tỉnh, thay vào đó nhận trực tuyến qua mạng. Chẳng hạn như Sở Ngoại vụ, Sở TT-TT, Sở KH-CN…
Phó chánh Văn phòng UBND tỉnh Nguyễn Phong An kiêm Giám đốc Trung tâm Hành chính công tỉnh cho hay, hiện nay đã có trên 1 ngàn các loại thủ tục hành chính được nâng cấp lên thành dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, có nghĩa là xử lý hoàn toàn trên mạng. Tốc độ đường truyền xử lý hồ sơ đã được cải thiện khá nhanh. Để có thể tiết kiệm chi phí, thời gian đi lại thì người dân chỉ cần đăng ký tài khoản trên Cổng dịch vụ công quốc gia, khai báo một lần các thông tin cá nhân và từ đó có thể giải quyết rất nhiều thủ tục mà không phải đăng ký lại nhiều lần.
Cần thay đổi thói quen
Năm 2022, H.Cẩm Mỹ là địa phương vươn lên đứng đầu về điểm số CCHC ở nhóm các địa phương. Kết quả được đánh giá ở nhiều nội dung trong đó có tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3-4. Một cán bộ ở Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả một cửa thuộc Văn phòng UBND H.Cẩm Mỹ cho hay: “Thủ tục nào có thể giải quyết trực tuyến là cán bộ, công chức trực tiếp nhận hồ sơ hướng dẫn cho người dân đăng ký tài khoản, nộp hồ sơ trực tuyến để tăng tỷ lệ giải quyết hồ sơ trực tuyến”.
Người dân tra cứu thông tin xử lý hồ sơ tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả một cửa TP.Biên Hòa. Ảnh: CÔNG NGHĨA |
Tuy nhiên, cũng có những tình huống dở khóc dở cười, vì người dân được hướng dẫn nộp hồ sơ trực tuyến sau vài lần thao tác không thành đã “quạo” lại cán bộ, công chức làm nhiệm vụ hướng dẫn, thậm chí gọi điện lên tổng đài dịch vụ công 1022 “tố” cán bộ làm khó mình. Không phải người dân nào cũng nhanh nhạy tiếp thu kỹ năng nộp hồ sơ trực tuyến nên để có thêm ngày càng nhiều người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến là khá khó khăn. Điều này đòi hỏi người dân phải kiên trì và cán bộ, công chức trực tiếp nhận hồ sơ tại bộ phận một cửa cũng phải trách nhiệm hơn.
Giám đốc Sở Ngoại vụ Đặng Thanh Thủy phấn khởi cho biết, nhờ có nhiều công dân số, tổ chức số nên việc tiếp nhận và giải quyết các thủ tục hành chính giờ đây đã rất nhanh gọn, không còn cảnh trên bàn cán bộ, lãnh đạo lúc nào cũng đầy ắp hồ sơ chờ xử lý. Quá trình giải quyết hồ sơ của cấp dưới được thực hiện đến đâu cấp trên có thể nắm được đến đó nhờ kiểm tra trên hệ thống. Bà Thủy cho rằng, muốn thực hiện được chính phủ số thì cả bộ máy của sở lẫn người dân phải “ăn khớp” với nhau, bởi nếu chính quyền có đủ các loại công cụ mà người dân không dùng thì rất lãng phí.
Chị Nguyễn Thị Kim Anh, nhân viên Công ty TNHH Changshin Việt Nam (H.Vĩnh Cửu) cho biết, vài năm trước mỗi lần đăng ký cho chuyên gia nước ngoài sang làm việc ở công ty thường phải đi lại từ 1-3 lần. Nhưng nay thì không cần đi lại lần nào mà thực hiện trực tuyến hoàn toàn qua Cổng dịch vụ công quốc gia. Lợi nhất là thời gian hoàn thành thủ tục nhanh, ngắn, giảm gần như 100% chi phí đi lại mà hoàn toàn minh bạch. Tuy nhiên vẫn có những thời điểm nhất định hệ thống xử lý văn bản còn chậm, do chất lượng đường truyền chưa ổn định.
Công Nghĩa
Chủ tịch UBND TP.Long Khánh ĐỖ CHÁNH QUANG:
Cần thêm các tổ công nghệ thông tin cộng đồng
Muốn ngày càng có nhiều công dân số thì cần có nhiều thủ tục hành chính được giải quyết trực tuyến hoàn toàn trên mạng một cách đơn giản nhất, ai cũng có thể dùng được. Để có được tỷ lệ giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến cao, TP.Long Khánh đã đưa các nhóm thanh niên tình nguyện tiếp cận và hướng dẫn người dân tải ứng dụng, đăng ký và dùng thử. Bên cạnh đó, các tổ công nghệ thông tin cộng đồng đang phát huy tác dụng, người dân tự hướng dẫn nhau cách tải ứng dụng, đăng ký và sử dụng.
Phó chủ tịch UBND H.Nhơn Trạch LƯƠNG HỮU ÍCH:
Người dân còn tâm lý muốn được giải quyết thủ tục hành chính trực tiếp
Năm 2022, H.Nhơn Trạch đứng thứ 3/11 đơn vị cấp huyện của tỉnh về điểm số CCHC. Tuy nhiên, tỷ lệ hồ sơ được giải quyết trực tuyến mức độ 4, mức cao nhất, mới chỉ đạt 15%. Nguyên nhân là người dẫn vẫn muốn đến cơ quan nhà nước giải quyết hồ sơ trực tiếp. Hơn nữa phần lớn người dân có kỹ năng công nghệ thông tin còn thấp nên thao tác lẫn sử dụng các dịch vụ công trực tuyến còn rất hạn chế.