Báo Đồng Nai điện tử
En

Hành động quyết liệt ngăn chặn mầm bệnh dại

07:03, 20/03/2023

Từ năm 2014 đến cuối năm 2022, Đồng Nai không ghi nhận ca bệnh dại nào trên người và động vật. Tuy nhiên, tháng 12-2022, Đồng Nai đã ghi nhận 1 trường hợp tử vong do bệnh dại trên người. Từ đầu năm đến nay, ở Đồng Nai tiếp tục xuất hiện 2 ổ dịch chó dại.

Từ năm 2014 đến cuối năm 2022, Đồng Nai không ghi nhận ca bệnh dại nào trên người và động vật. Tuy nhiên, tháng 12-2022, Đồng Nai đã ghi nhận 1 trường hợp tử vong do bệnh dại trên người. Từ đầu năm đến nay, ở Đồng Nai tiếp tục xuất hiện 2 ổ dịch chó dại.

Nhân viên thú y xã Tây Hòa (H.Trảng Bom) đến tận nhà dân để tiêm vaccine phòng dại cho chó
Nhân viên thú y xã Tây Hòa (H.Trảng Bom) đến tận nhà dân để tiêm vaccine phòng dại cho chó. Ảnh: H.YẾN

Ngành chức năng nhận định, mầm bệnh dại đã lưu hành âm thầm trên diện rộng, diễn biến phức tạp. Vì vậy, cần phải hành động quyết liệt để ngăn chặn mầm bệnh tiếp tục lây lan. Trong đó, tiêm vaccine phòng dại cho chó, mèo chính là biện pháp hiệu quả nhất.

Lo ngại nguy cơ lây lan mầm bệnh dại

Sau gần 9 năm không xuất hiện bệnh dại trên người và động vật (kể từ năm 2014), tháng 12-2022, Đồng Nai ghi nhận 1 ca tử vong do bệnh dại. Theo đó, bà N.T.Y. (P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) bị chó cắn trên vùng mặt nhưng đã chủ quan không đi tiêm phòng dại. Sau 4 tháng bị chó cắn, bà Y. nhập viện với các biểu hiện đặc trưng của bệnh dại (hoảng hốt, sợ nước, sợ gió…) rồi tử vong.

Theo báo cáo của Cục Thú y, từ đầu năm đến nay, cả nước phát hiện 39 ca bệnh dại trên động vật tại 13 tỉnh và đã có 4 người tử vong do căn bệnh này.

Ngay sau khi phát hiện ca bệnh dại trên người, Chi cục Chăn nuôi và thú y (Chi cục), Sở NN-PTNN đã phối hợp với các địa phương triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm xử lý dứt điểm, ngăn chặn sự lây lan mầm bệnh trong đàn chó, mèo trên địa bàn. Đồng thời, Chi cục cũng đã chủ động tìm nguồn vaccine dại từ các tổ chức, doanh nghiệp và đã huy động được 52 ngàn liều vaccine. Ngay sau đó, Chi cục đã cấp cho các địa phương để tiêm miễn phí cho đàn chó, mèo trên diện rộng.

Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, tỉnh tiếp tục ghi nhận thêm 2 ổ dịch dại trên chó tại xã Bình Lợi (H.Vĩnh Cửu) và xã Tây Hòa (H.Trảng Bom). Cả 2 trường hợp này đều là chó bị bệnh được đưa đến phòng khám thú y và đã cắn người trong quá trình chăm sóc chó.

Theo ông Nguyễn Trường Giang, Chi cục trưởng, việc xuất hiện các ca bệnh dại trong thời gian qua là bất thường vì từ năm 2014 đến tháng 12-2022, tỉnh không ghi nhận ca bệnh dại nào trên động vật và người. Qua điều tra dịch tễ tại các ổ dịch, ngành chức năng nhận định tình hình dịch bệnh dại đang có diễn biến phức tạp và mầm bệnh dại đã lưu hành âm thầm trên diện rộng. “Chó, mèo ở những khu vực đã có ca bệnh hầu hết đều được nuôi thả rông và chưa được tiêm phòng dại. Khi đã có mầm bệnh mà chó, mèo được thả rông tiếp xúc, cào cấu, cắn nhau sẽ làm lây lan mầm bệnh” - ông Giang cho hay.

Cũng theo lãnh đạo Chi cục, năm 2022 dịch bệnh dại đã có diễn biến phức tạp trên cả nước, đặc biệt là ở khu vực phía Nam. Trong đó, tình hình bệnh dại ở tỉnh Bến Tre và Cà Mau là nghiêm trọng nhất. Ông Giang lo ngại: “Theo điều tra dịch tễ của chúng tôi tại những khu vực có ca bệnh dại thì có nhiều trường hợp chủ nuôi đưa chó từ các tỉnh, thành khác về nuôi mà không kiểm soát được đã tiêm phòng hay chưa. Đây cũng là một trong số những nguyên nhân lây lan bệnh dại”.

Chi cục cũng nhận định, khả năng bệnh dại lưu hành trong quần thể chó, mèo trên diện rộng là rất cao vì tỷ lệ tiêm vaccine phòng dại thấp.

Đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống dịch bệnh dại

Sau thời gian dài không xuất hiện ca bệnh dại trên địa bàn tỉnh nên người dân và cả chính quyền đã có phần chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống bệnh dại. Theo đó, người dân nuôi chó, mèo đã không chủ động tiêm phòng cho vật nuôi; công tác quản lý đàn chó, mèo không được thực hiện tốt. Quá trình giao thương cũng là yếu tố góp phần lây lan mầm bệnh trong cộng đồng trên diện rộng.

Từ thực tế trên, công tác phòng, chống dịch bệnh dại trên địa bàn tỉnh đang được đẩy mạnh và thực hiện quyết liệt hơn. Tính đến ngày 15-3, toàn tỉnh đã tiêm được 48 ngàn liều vaccine dại cho chó, mèo. Trong đó, TP.Biên Hòa đã tiêm được 22 ngàn liều, H.Vĩnh Cửu tiêm được 5 ngàn liều, H.Trảng Bom tiêm được 7 ngàn liều. Các địa phương khác cũng đã triển khai tiêm, riêng 2 huyện Định Quán và Nhơn Trạch vẫn chưa triển khai (tính đến ngày 16-3).

Bà Nguyễn Thị Lan Anh, Chủ tịch UBND xã Tây Hòa cho biết, sau khi xuất hiện ca bệnh chó dại trên địa bàn, UBND xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống bệnh dại đến người dân và thực hiện tiêm vaccine phòng dại cho toàn bộ đàn chó, mèo.

“Xã được cấp 500 liều vaccine. Lực lượng thú y đã đi cùng trưởng ấp, tổ trưởng tổ nhân dân đến tận nhà dân để tiêm ngừa cho chó, mèo. Đến ngày 16-3, xã đã tiêm được 500/tổng đàn 530 con chó, mèo. Số chó, mèo còn lại sẽ tiếp tục được tiêm phòng ngay sau khi có vaccine. Đối với khu vực ổ dịch, chính quyền xã Tây Hòa đã yêu cầu người dân phải nhốt cách ly chó, mèo trong 2 tuần để theo dõi” - bà Lan Anh cho biết.

Xã Bình Lợi và các xã lân cận đã tiêm vaccine dại cho 100% đàn chó, mèo trên địa bàn. Tuy nhiên, lãnh đạo Chi cục cho rằng, có khả năng số liệu thống kê tổng đàn chó, mèo trên địa bàn huyện là chưa đầy đủ. Do đó, có thể vẫn còn có trường hợp chưa được tiêm phòng.

Chi cục khuyến cáo, để thực hiện tốt việc phòng, chống bệnh dại thì các địa phương cần phải làm tốt công tác quản lý nuôi chó, mèo. Theo đó, người dân nuôi chó, mèo cần phải đăng ký đồng thời phải nhốt trong khuôn viên gia đình. Khi thả chó, mèo ra ngoài đường thì phải rọ mõm, xích và có người dắt để đề phòng chó cắn người, đảm bảo vệ sinh môi trường. Chủ nuôi chó, mèo phải tiêm phòng dại cho vật nuôi theo quy định. Khi phát hiện chó, mèo có dấu hiệu bất thường thì phải nhốt cách ly để theo dõi và báo cho nhân viên thú y, chính quyền phường, xã hoặc cơ quan thú y nơi gần nhất biết để phối hợp xử lý.

Hải Yến


Ông NGUYỄN TRƯỜNG GIANG, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y (Sở NN-PTNT):

Cần duy trì tiêm vaccine phòng dại trên diện rộng

Do mầm bệnh dại đã lưu hành âm thầm trên diện rộng và phức tạp, có thể trong thời gian dài nên muốn xử lý dứt điểm tình trạng này cần phải duy trì tiêm phòng trên diện rộng với tỷ lệ cao trong thời gian ít nhất từ 3-5 năm. Trong thời gian tới, nếu tình hình dịch bệnh dại trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, Chi cục sẽ báo cáo UBND tỉnh xin chủ trương để triển khai tiêm vaccine như nêu trên.

Cùng với đó, Chi cục sẽ xây dựng các nội dung phòng chống dịch khác, đặc biệt là quản lý chó, mèo, bắt chó thả rông và có hướng dẫn cụ thể để xử lý vấn đề này bởi đây là một trong những căn nguyên làm dịch bệnh lây lan.

BS NGUYỄN ĐÌNH TRUNG, Phòng khám Đa khoa, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh:

Tuyệt đối không được chủ quan khi bị chó cắn

Có nhiều người do chủ quan hoặc vì những lý do khác mà sau nhiều ngày bị cho cắn mới đi tiêm phòng dại. Trong trường hợp tiêm muộn thì khả năng phòng bệnh sẽ giảm. Do đó, khi bị chó, mèo cắn thì người dân nên chủ động đi tiêm phòng dại càng sớm càng tốt, không nên trì hoãn. Trong trường hợp chó, mèo đã được tiêm phòng mà cắn người thì người bị cắn vẫn cần phải tiêm phòng.

Ông C.M.P. (xã Tây Hòa, H.Trảng Bom):

 Người dân nên đi tiêm vaccine phòng dại cho chó

Nhà tôi có nuôi 3 con chó, trong đó 1 con đã mắc bệnh dại và chết. Sau khi chó nhà bị mắc bệnh dại, gia đình tôi đã rất hoang mang, lo lắng vì bệnh dại chưa có thuốc chữa, đã mắc bệnh thì không tránh được cái chết. Gia đình tôi đã đến Trung tâm Y tế huyện và được hướng dẫn đi tiêm huyết thanh kháng dại và tiêm vaccine phòng dại.

Từ trải nghiệm của bản thân, tôi khuyên những người có nuôi chó, mèo nên tiêm phòng cho vật nuôi để phòng tránh những hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra.               

Tường Vi (ghi)


 

Tin xem nhiều