Báo Đồng Nai điện tử
En

Mong sớm điều chỉnh thuế thu nhập cá nhân

07:03, 08/03/2023

Nhiều người dân cho rằng, với giá cả nhiều mặt hàng tiêu dùng, dịch vụ tăng cao như hiện nay thì mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế (NNT) thu nhập cá nhân và người phụ thuộc quá thấp. Vì vậy, nhiều người dân mong Chính phủ, Quốc hội sớm có điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh cho NNT.

Nhiều người dân cho rằng, với giá cả nhiều mặt hàng tiêu dùng, dịch vụ tăng cao như hiện nay thì mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế (NNT) thu nhập cá nhân và người phụ thuộc quá thấp. Vì vậy, nhiều người dân mong Chính phủ, Quốc hội sớm có điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh cho NNT.

Đồ họa thể hiện kết quả thu thuế thu nhập cá nhân của Đồng Nai qua các năm 2018-2022 (Thông tin: Ngọc Liên - Đồ họa: Hải Hà)
Đồ họa thể hiện kết quả thu thuế thu nhập cá nhân của Đồng Nai qua các năm 2018-2022 (Thông tin: Ngọc Liên - Đồ họa: Hải Hà)

Từ tháng 7-2020, Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) quy định mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân NNT là 11 triệu đồng/tháng và mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng.

Bất cập trong cách tính thuế TNCN

Sửa đổi Luật Thuế TNCN là nội dung đang nhận được sự quan tâm rất lớn từ người dân, nhất là những người đang chịu mức thuế trên. Theo ý kiến của một số NNT TNCN, ngoài những quy định về mức giảm trừ gia cảnh, biểu thuế lũy tiến từng phần để căn cứ mức giảm trừ thuế cần được điều chỉnh hợp lý, các cơ quan quản lý cần đẩy nhanh thời gian sửa đổi luật sớm hơn vì mức tính thuế như hiện nay đã không còn phù hợp với tình hình thực tế.

Theo đánh giá của một số chuyên gia về lĩnh vực tài chính, thuế, những năm qua, thuế TNCN đã đóng góp không nhỏ cho tổng thu ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, hơn 3 năm trở lại đây, dịch bệnh, tình hình xung đột ở một số nơi trên thế giới dẫn đến lạm phát, lãi suất tăng, biến động tỷ giá… giá các mặt hàng tăng cao, ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều người dân tại Việt Nam và trên thế giới. Hầu hết các mặt hàng tiêu dùng, dịch vụ cho các lĩnh vực đều tăng khiến chi phí sinh hoạt hàng ngày của người dân cũng bị đội lên khá cao. Với những người sống tại các đô thị, chi phí cho cuộc sống nhiều hơn khi giá thuê nhà, phòng trọ, tiền điện nước, hàng hóa, dịch vụ đều tăng. Các gia đình có con em còn đi học sẽ phải gánh thêm nhiều chi phí khác nữa.

Anh Nguyễn Quốc Hưng (ở TP.Long Khánh), đang quản lý khách sạn tại TP.HCM kể, là quản lý, hàng tháng thu nhập của anh Hưng đang phải chịu một mức thuế TNCN không ít, trong khi gánh nặng tiền thuê nhà, chi phí đi lại, nuôi con nhỏ, phụng dưỡng cha mẹ già khiến anh Hưng không tích lũy được tiền để mua nhà. Mức giảm trừ gia cảnh và cách tính thuế theo bậc trong biểu thuế lũy tiến từng phần hiện nay có nhiều bất cập, không phù hợp thực tế, cần phải điều chỉnh.

“Tôi nghĩ nên giảm bớt bậc tính thuế từ 7 xuống còn 5 bậc và điều chỉnh giãn khoảng cách thu nhập giữa các bậc, như vậy sẽ đảm bảo tính công bằng trong điều tiết thu nhập, tăng độ chính xác cho công tác kê khai, thu nộp và quản lý thuế” - anh Hưng chia sẻ.

Chị Nguyễn Thị Linh (ngụ P.Long Bình, TP.Biên Hòa) cho biết: “Tôi làm trong một công ty nước ngoài tại Khu công nghiệp Biên Hòa 2, thu nhập khoảng 22 triệu đồng/tháng, lo cho 2 con đang đi học cũng rất chật vật. Vì nuôi một bé học tại thành phố, riêng tiền ăn, tiền học thêm mỗi tháng cũng từ 8-10 triệu đồng. Thế nhưng, hàng tháng tôi vẫn phải trừ thuế TNCN, vì định mức giảm trừ gia cảnh được có 4,4 triệu đồng/tháng”. Theo chị Linh, Chính phủ cần tính toán lại và sớm đề xuất Quốc hội điều chỉnh thuế TNCN để nhiều người dân khu vực đô thị đỡ khó khăn.

Linh động thời gian điều chỉnh thuế

Luật Thuế TNCN dự kiến sẽ được đưa ra trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ X (dự kiến tháng 10-2025) và thông qua tại Kỳ họp thứ 11 (dự kiến tháng 5-2026). Nhiều người cho rằng, lộ trình này quá dài, vì nhiều người sẽ phải đợi thêm hơn 3 năm nữa. Trong khi, gánh nặng về chi tiêu từng ngày vẫn đang là nỗi lo của nhiều gia đình khi cuộc sống khó khăn nhưng vẫn phải nộp thuế TNCN.

Theo anh Trần Thanh Hòa (ngụ P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) là đầu bếp nhà hàng ăn uống tại TP.Biên Hòa, anh đang gặp nghịch lý là hàng tháng phải đóng thuế TNCN nhưng tổng thu nhập phải thật tiết kiệm mới đủ trang trải cho cuộc sống. Bởi anh trả tiền thuê nhà, tiền điện, nước, trả nợ ngân hàng và hàng tháng gửi về cho cha mẹ ở quê. Từ sau dịch Covid-19, việc kinh doanh ăn uống giảm mạnh, tuy mức lương không giảm nhưng phần lương anh nhận được sau khi đã trừ thuế TNCN và bảo hiểm theo quy định cùng với các khoản chi như đã nêu thì không còn đáng kể. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, tình hình giá cả thị trường biến động tăng nhiều hơn giảm, kéo theo các chi phí sinh hoạt cũng “leo thang”, khiến cho đời sống của người lao động trở nên khó khăn hơn. Do đó, nếu Luật Thuế TNCN được điều chỉnh nới thêm mức giảm trừ gia cảnh và giãn khoảng cách tính thuế lũy tiến thì sẽ giúp người lao động “dễ thở” hơn.

Tìm hiểu về mức sống của người dân khu vực đô thị thì từ khi xảy ra dịch bệnh Covid-19, chi phí tăng 20-30% do giá cả hàng hóa, các dịch vụ tăng.

Là kế toán tại một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Khu công nghiệp Biên Hòa 2, anh Trương Quang Hùng (ngụ P.Bửu Hòa, TP.Biên Hòa) chia sẻ, thuế TNCN là khoản thuế có tác động trực tiếp đến người lao động, 70% người lao động tại công ty của anh có thu nhập phải chịu thuế. Những năm gần đây, đặc biệt từ sau đại dịch Covid-19, đời sống của người lao động có nhiều thay đổi do giá cả biến động, trong khi mức thu nhập không tăng, thậm chí có thời điểm giảm. Thời gian qua, Chính phủ đưa ra những giải pháp giảm, gia hạn thời gian nộp thuế nhưng chưa có sự điều chỉnh mức nộp thuế cho phù hợp. Nếu căn cứ theo kế hoạch, nhanh nhất thì đến năm 2026 người lao động mới được hưởng chính sách mới nếu có. Theo anh Hùng, thời gian chờ đợi như vậy là quá dài, trong khi khó khăn đã xảy ra với người lao động mấy năm nay. Do đó, Chính phủ, Quốc hội cần sớm lấy ý kiến và điều chỉnh các chính sách về thuế TNCN.

Ngọc Liên


Ông NGUYỄN TOÀN THẮNG, Phó cục trưởng phụ trách Cục Thuế Đồng Nai:

Thuế TNCN có đóng góp quan trọng vào ngân sách nhà nước

Năm 2022, Đồng Nai thu trên 6,4 ngàn tỷ đồng tiền thuế TNCN. Trong đó, thuế TNCN từ đầu tư vốn của cá nhân đạt 143 tỷ đồng, từ chuyển nhượng bất động sản cá nhân đạt trên 1,3 ngàn tỷ đồng. Thuế TNCN là khoản thu cao thứ 2 trong 8 khoản thu chính của Đồng Nai trên các lĩnh vực, gồm các khoản thu từ: doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, thuế công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh, tiền sử dụng đất...

Hiện nay, nhiều ý kiến liên quan đến vấn đề thuế TNCN, ngành thuế ghi nhận, tổng hợp và có báo cáo đến cơ quan thuế cấp trên để xem xét, đề xuất sửa đổi. Năm 2023, nhận diện tình hình kinh tế còn khó khăn, chúng tôi luôn bám sát các mục tiêu, kịp thời triển khai, áp dụng những chính sách ưu đãi, hỗ trợ người dân trong thực hiện nghĩa vụ thuế. Đồng thời, tăng cường giám sát, kiểm tra về thuế nhằm hạn chế nguy cơ rủi ro, gây thất thu cho ngân sách nhà nước.

Ông TRẦN NHẬT ĐÔNG, Phó giám đốc Vitettel Đồng Nai:

Cần có chính sách thuế phù hợp hơn

Việc đóng thuế TNCN của người lao động tại các đơn vị, doanh nghiệp (DN) hiện nay còn phụ thuộc vào tính tự giác của từng đơn vị.  Do đó, trung ương cần có chính sách kịp thời, phù hợp để bảo đảm quyền lợi cho NNT, chính sách kiểm soát và điều tiết đối với thuế TNCN trong các đơn vị, DN.

Thời gian tới, tình hình kinh tế trong nước và thế giới dự báo vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh, căng thẳng tại một số nơi trên thế giới, Đồng Nai không nằm ngoài việc chịu ảnh hưởng bởi những khó khăn trên. Hiện giá cả hàng hóa vẫn tăng, gây khó khăn cho người tiêu dùng. Để quyền lợi người tiêu dùng được bảo đảm, tôi hy vọng các cơ quan chức năng nhanh chóng điều chỉnh chính sách thuế TNCN để phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.

Thủy Mộc (ghi)


 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích