Trong bối cảnh tình hình kinh tế gặp nhiều khó khăn, người dân ngày càng thắt chặt chi tiêu, giá mặt bằng và nguyên vật liệu lại liên tục "neo" ở mức cao khiến nhiều loại hình dịch vụ sụt giảm doanh thu, lợi nhuận.
Trong bối cảnh tình hình kinh tế gặp nhiều khó khăn, người dân ngày càng thắt chặt chi tiêu, giá mặt bằng và nguyên vật liệu lại liên tục “neo” ở mức cao khiến nhiều loại hình dịch vụ sụt giảm doanh thu, lợi nhuận.
Đồ họa thể hiện tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ trên địa bàn Đồng Nai trong 2 tháng đầu năm 2023 (Nguồn: Cục Thống kê Đồng Nai - Đồ họa: Hải Hà) |
Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp (DN), cửa hàng kinh doanh dịch vụ phải tìm hướng thích nghi, vượt qua giai đoạn khó khăn của thị trường, ứng dụng công nghệ, nền tảng số vào kinh doanh…
* Liệu cơm gắp mắm
Trong những tháng đầu năm, nhu cầu về các dịch vụ ăn uống, đi lại, lưu trú tăng do rơi vào dịp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, từ sau Tết, nhu cầu tiêu dùng, du lịch bị chững lại. Ngoài ra, giá nhiều mặt hàng như: xăng, dầu, nguyên liệu đầu vào… biến động đã làm ảnh hưởng đến giá bán của nhiều loại hình dịch vụ như: kinh doanh ăn uống, vận tải… trong thời gian gần đây.
Trước những tác động của tình hình thị trường, sức mua giảm, nhiều cửa hàng, DN kinh doanh dịch vụ đã chủ động “liệu cơm gắp mắm” để duy trì, đảm bảo hoạt động.
Ông Nguyễn Ngọc Huệ, quản lý chuỗi nhà hàng La Vista (TP.Biên Hòa) cho hay, sau Tết, giá nhiều loại nguyên liệu đầu vào có nhiều biến động trong khi lượng khách có xu hướng bão hòa. Nhà hàng vẫn chủ động cân đối các khoản chi phí phát sinh để giữ giá bán đầu ra.
Nhiều DN hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ mong muốn tiếp cận chương trình, gói tín dụng lãi suất phù hợp với trình tự, thủ tục đơn giản hơn để bổ sung thêm nguồn vốn đảm bảo duy trì hoạt động kinh doanh trong bối cảnh tình hình thị trường có nhiều biến động, sức mua bị ảnh hưởng bởi tình hình kinh tế còn gặp nhiều khó khăn. |
Ông Phạm Châu An, Phó tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư du lịch Suối Mơ - đơn vị quản lý công viên sinh thái Suối Mơ (H.Tân Phú) cho biết, nhu cầu khách du lịch từ sau Tết Nguyên đán tại Suối Mơ hiện vẫn duy trì ở mức khá ổn định. Tuy nhiên, dự báo lượng khách sẽ có xu hướng bão hòa trong thời gian tới trước những tác động của tình hình kinh tế, người dân ngày càng thắt chặt chi tiêu hơn. Công ty đang cố gắng duy trì, vận hành tốt các dịch vụ, tiện ích hiện có trước khi nghĩ tới việc phát triển, mở rộng thêm các loại hình, công trình dịch vụ mới.
Theo Cục Thống kê Đồng Nai, trong 2 tháng đầu năm 2023, doanh thu ngành lưu trú, ăn uống trên địa bàn tỉnh ước đạt khoảng 4,1 ngàn tỷ đồng, tăng 25,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Tương tự, doanh thu của các nhóm dịch vụ khác ước đạt khoảng 7,5 ngàn tỷ đồng, tăng hơn 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, một số nhóm dịch vụ có doanh thu tăng cao so với cùng kỳ năm 2022 như: dịch vụ kinh doanh bất động sản; hành chính và dịch vụ hỗ trợ; GD-ĐT; nghệ thuật, vui chơi và giải trí; dịch vụ y tế và hoạt động trợ giúp xã hội…
* Đón đầu xu hướng tiêu dùng số
Bên cạnh đó, trong thời gian qua, nhiều DN, cửa hàng kinh doanh dịch vụ, bán lẻ còn tập trung vào những chiến lược phát triển mới, khai thác thế mạnh riêng để không ngừng mở rộng mạng lưới, hệ thống phân phối, đặc biệt là cập nhật nhanh nhạy ứng dụng thương mại điện tử (TMĐT), khai thác sâu các kênh bán hàng trực tuyến, tích hợp thanh toán đa kênh, đa phương tiện... Qua đó, từng bước mở rộng phân khúc thị trường, hướng đến những “tệp” khách hàng mới, tiềm năng.
Bà Nguyễn Thị Huyền Trang, Giám đốc Công ty TNHH An Phú Trường Thịnh (TP.Biên Hòa) - đơn vị chuyên kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách, du lịch, đặt vé máy bay… chia sẻ, đối với giai đoạn thấp điểm của thị trường, công ty chủ động triển khai các “combo” trọn gói về du lịch, đi lại theo nhóm để tiết kiệm chi phí cho khách hàng, đồng thời tăng cường các phương tiện trung chuyển để linh hoạt, tiết kiệm thời gian đón - trả khách. Đặc biệt, thời gian gần đây, công ty đa dạng các hình thức đặt vé, thanh toán đa kênh trên website, trên các ứng dụng đặt vé xe trực tuyến… để tối ưu hóa các tiện ích dành cho khách hàng.
“Bên cạnh kết nối với các kênh thanh toán, đặt vé trực tuyến, trong thời gian tới, công ty dự kiến sẽ tạo dựng và phát triển ứng dụng đặt vé riêng. Qua đó, giúp khách hàng có nhiều tương tác, phản hồi và trải nghiệm dịch vụ trực tiếp với công ty” - bà Huyền Trang cho biết thêm.
Ngoài ra, quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, KH-CN ngày càng phát triển, thị hiếu tiêu dùng của người dân có nhiều thay đổi... là những yếu tố góp phần giúp cho thị trường về dịch vụ, bán lẻ chuyển mình để dần thích nghi và cạnh tranh. Điều này mở ra cơ hội để DN, cửa hàng bán lẻ, dịch vụ tận dụng sự phát triển của công nghệ, cạnh tranh với các DN, tập đoàn bán lẻ nước ngoài. Bên cạnh đó, trải qua đại dịch Covid-19 cũng là một “phép thử” cho các DN, nhà bán lẻ khi phải thay đổi và thích nghi với bối cảnh mới.
Bà Ngọc Thùy (ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) cho biết, bây giờ đa số người dân có điện thoại thông minh để sử dụng, làm việc nên việc trải nghiệm, mua sắm trên môi trường trực tuyến rất phổ biến, tiện dụng. Do đó, các nhà bán lẻ, dịch vụ cần phải thay đổi và linh hoạt hơn để thích ứng với thói quen tiêu dùng ngày càng thay đổi. “Việc trung tâm thương mại, siêu thị, dịch vụ ăn uống, vận chuyển triển khai hàng loạt chương trình khuyến mãi, kích cầu mua bán qua các kênh như điện thoại, đặt hàng qua website, ứng dụng; đồng thời hỗ trợ các chính sách giao hàng nhanh chóng là giải pháp tối ưu, tạo thuận lợi cho cả người mua lẫn người bán” - bà Thùy bày tỏ.
Phó chủ tịch Hội đồng Tư vấn hỗ trợ khởi nghiệp phía Nam Huỳnh Thanh Vạn chia sẻ, trong quá trình hội nhập và công nghệ ngày càng phát triển như hiện nay sẽ là cơ hội để các start-up, DN khởi nghiệp, nhất là các DN trong lĩnh vực dịch vụ nắm bắt thời cơ, tìm ra hướng đi mới phù hợp với nhu cầu thị trường. Điều này đòi hỏi các DN cần thay đổi tư duy, đẩy mạnh nghiên cứu phát triển sản phẩm, chú trọng đến chất lượng dịch vụ… Đồng thời, cần thường xuyên cập nhật thị hiếu của người tiêu dùng để từng bước tạo ra những lợi thế cạnh tranh cho riêng mình.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đồng Nai TRẦN ĐĂNG NINH: Cần sự kết nối các nền tảng số về dịch vụ, du lịch
Để các ứng dụng số phát huy hiệu quả trong lĩnh vực du lịch, rất cần có sự kết nối giữa các DN, đơn vị trong ngành, cũng như sự hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý nhà nước. Đặc biệt, cần có đơn vị có chuyên môn, tiềm lực để vận hành một cách chuyên nghiệp, hiệu quả, hỗ trợ phát triển các nền tảng dịch vụ số, thanh toán số, hóa đơn điện tử… Từ đó, tạo ra được chuỗi tiện ích, liên kết nhiều nền tảng dịch vụ để người dân, khách du lịch thuận tiện trong việc sử dụng các ứng dụng về du lịch, dịch vụ số. Các kênh quảng bá, giới thiệu sản phẩm về du lịch cũng cần đa dạng hình thức, nền tảng quảng bá để khách hàng có thể thuận tiện tra cứu, tương tác, phản hồi…
CEO Công ty CP Công nghệ chatbot Việt Nam LÊ ANH TIẾN: Xu hướng bán hàng, tiếp thị qua chatbot ngày càng phổ biến
Chatbot là một ứng dụng trí tuệ nhân tạo cho phép giao tiếp với khách hàng thông qua các cuộc trò chuyện, giúp cải thiện trải nghiệm khách hàng và tối ưu hóa quá trình chăm sóc khách hàng. Các ứng dụng chatbot đang trở thành một xu hướng quan trọng trong kinh doanh và tiêu dùng thời gian tới. Chatbot giúp tăng cường trải nghiệm khách hàng, tối ưu hóa quá trình chăm sóc khách hàng, tiết kiệm chi phí, phát triển kinh doanh. Đây cũng là ứng dụng góp phần tạo ra các chiến dịch tiếp thị đa kênh, giúp tăng cường khả năng tiếp cận khách hàng và tạo ra cơ hội bán hàng mới. Do đó, các DN nên đầu tư vào các ứng dụng chatbot để tận dụng tối đa lợi ích của nó.
Hải Quân (ghi)
Hoàng Hải